Giải pháp hướng tới lộ trình loại trừ sốt rét ở Hướng Hóa
Hướng Hóa bắt đầu thực hiện công tác phòng chống sốt rét bắt đầu từ năm 1973 với tỷ lệ ký sinh trùng/ lam máu là 27,3% và sau nhiều năm thực hiện do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tỷ lệ này không mấy thay đổi ngay khi tỉnh nhà được tái lập vào năm 1989 với tỷ lệ ký sinh trùng/lam máu khi điều tra trên diện rộng là 26,9%. Vì vậy, ngành y tế xác định để hạ thấp tỷ lệ số ca mắc sốt rét trong toàn tỉnh là tập trung đầu tư cho Hướng Hóa. Khó khăn, thách thức Là huyện có số xã thuộc vùng sốt rét lưu hành với các mức độ khác nhau trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là các xã có chung đường biên giới với phía bạn Lào; việc giao thương buôn bán làm ăn, khai thác lâm thổ sản, thăm thân diễn ra thường xuyên với quy mô lớn nên việc bảo vệ cho đối tượng nguy cơ cao này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc mang màn, ngũ màn, võng màn khi đi vào các vùng sốt rét của người dân còn thấp ngay cả khi ở nhà nên việc khống chế sốt rét không mấy hiệu quả. Do đó, biện pháp phòng chống sốt rét bổ sung cho vùng này là phun tồn lưu hóa chất trong nhà nhưng do cấu trúc nhà nhỏ, cộng với tập quán dọn dẹp nhà cửa trước khi phun nên tuy số dân được bảo vệ rất cao nhưng hiệu quả của biện pháp này không tối ưu. Sự xuất hiện của cả hai trung gian truyền bệnh chính là An. dirus và An. minimus tại Hướng Hóa làm cho công tác bảo vệ người dân bằng các biện pháp hóa chất gặp nhiều thách thức, mùa truyền bệnh sốt rét diễn ra quanh năm, vả khi có ca lây nhiễm từ bên ngoài rất dễ gây ra lây lan tại chỗ. Với khoảng gần ½ người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số và điều kiện đi lại còn nhiều cách trở, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa nhiều thôn việc tiếp cận với các dịch vụ y tế nói chung và sốt rét nói riêng còn chậm nên khi bị sốt rét việc phát hiện và điều trị sớm, khoanh vùng và xử lý các ổ bệnh còn chậm, nguy cơ tử vong có thể xảy ra. Cung cấp màn cho dân nghèo sống trong vùng sốt rét lưu hành từ dự án RAI2E
Cơ hội hiếm có khi sốt rét giảm thấp Xác định phòng chống và loại trừ sốt rét ở Hướng Hóa là một ưu tiên không chỉ trước mắt và cả lâu dài, vì số lượng ca bệnh sốt rét hàng năm tại nơi này chiếm đến 2/3 số ca bệnh trong toàn tỉnh nên nguồn lực đầu tư về sốt rét cả chương trình mục tiêu y tế - dân số và các nguồn đầu tư từ các dự án khác có liên quan đến sốt rét đều dành một số lượng lớn không chỉ kinh phí hoạt động mà các vật tư liên quan phục vụ cho hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét như hàng chục ngàn màn cấp cho dân sống trong các vùng sốt rét lưu hành; võng màn cho đối tượng giao lưu vào rừng, ngũ rẫy; kem xua muỗi, kính hiển vi hai mắt, test chẩn đoán nhanh và các loại thuốc sốt rét hiệu lực cao phục vụ cho công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị sốt rét tại các cơ sở y tế. Nhờ vậy mà tình hình sốt rét trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể; số xã vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng năm 2014 là 22 xã đến năm 2019 chỉ còn 8 xã (giảm gần 70%) và từ 200 ca vào năm 2017 xuống còn 5 ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét vào năm 2020. Nhân dân tham gia tẩm màn hưởng ứng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét
Giải pháp hướng tới lộ trình loại trừ sốt rét Kể từ khi triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét đến nay, chưa bao giờ số ca nhiễm sốt rét thấp đến như vậy. Hơn nữa, ký sinh trùng sốt rét vẫn còn nhạy với các loại thuốc sốt rét và muỗi sốt rét chưa kháng với các hóa chất dùng trong phun, tẩm trên diện rộng. Do đó, cần tận dụng thời cơ này cùng với nguồn lực to lớn đầu tư từ các dự án sốt rét trên địa bàn tập trung đẩy lùi và hướng tới lộ trình loại trừ sốt rét.Trước mắt, tập trung nguồn lực dành cho việc tiếp cận với các dịch vụ y tế bao gồm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ chuyên trách sốt rét thông qua đào tạo và đào tạo lại; cung cấp đầy đủ test chẩn đoán nhanh và thuốc sốt rét các loại phục vụ cho công tác phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong vòng 24h. Sử dụng có hiệu quả mạng lưới nhân viên y tế thon bản, nhân viên hợp đồng tại các điểm sốt rét có đông dân giao lưu di biến động trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho các đối tượng nguy cơ cao để họ tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo bao phủ các biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp và hiệu quả cho người dân sống tại các vùng sốt rét lưu hành thông qua các chiến dịch phun, tẩm hàng năm, đồng thời phân bổ kịp thời màn, võng màn bổ sung từ nguồn dự án RAI2E cho dân nghèo, phụ nữ mang thai, dân đi rừng, ngũ rẫy tại các ổ bênh , khoanh vùng không cho lây lan ra cộng đồng. Chú trọng thực hiện giám sát các điểm nóng, các ổ bệnh cũ. Coi giám sát là một biện pháp can thiệp cốt lõi trong quá trình thực hiện lộ trình hướng tới loại trừ sốt rét trên địa bàn bằng cách thực hiện báo cáo ca bệnh sớm thông qua phần mềm eCDS-MMS, điều tra ca bệnh và xủ lý ổ bệnh theo công thức 2-3-7. Cần đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng thông qua khám chữa bệnh tại các cơ sơ y tế, nhân viên y tế thôn bản khi đi thăm hộ gia đình, các nhân viên điểm sốt rét với các cộng đồng có nguy cơ cao; thực hiện đưa tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, các chiến dịch truyền thông lưu động hưởng ứng ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4 hàng năm, in và cung cấp poster sốt rét đến tận hộ gia đình, lắp đặt các panno sốt rét tại các điểm có đông người qua lại. Chú trọng kết hợp quân – dân Y trong khám chữa bệnh cho nhân dân nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng tại các nơi xa cơ sở y tế. Kéo máu tìm ký sinh trùng sốt rét tại cộng đồng
Công tác phòng chống và loại trừ sốt rét không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà cần có sự quan tâm và chỉ đạo, đầu tư của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Do đó, bên cạnh việc triển khai đồng bộ và quyết liệt của ngành y tế thì cũng rất cần một cam kết lớn hơn trong phòng chống và loại trừ sốt rét từ các cấp lãnh đạo thông qua đầu tư thêm nguồn lực; huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội và sự chung tay của người dân.
|