Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn hợp tác nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford với sự tài trợ của Tập đoàn Dược phẩm Novartis
Bệnh sán lá gan lớn (SLGL) là do các loài sán lá Fasciola hepatica và Fasciola giganticagây ra. Đây là những ký sinh trùng vốn dĩ ký sinh và gây bệnh trên động vật (trâu, bò, dê, cừu) nhưng có thể nhiễm vào người như các vật chủ tình cờ, chủ yếu qua đường thực phẩm nên bệnh có thể xếp vào danh mục bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người (Parsitic Zoonose-PZ) hoặc bệnh sán lá lây qua đường thực phẩm (Food-borne trematodiasis-FBTs). Từ năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp bệnh này và trong một trong những bệnh ký sinh trùng quan trọng và có khả năng lây truyền từ người sang người (WHO, 2012). Chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn thường dựa trên sự phối hợp các biểu hiện lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, các đánh giá xét nghiệm cận lâm sàng - đặc biệt là tăng bạch cầu ái toan, miễn dịch chẩn đoán-thường là ELISA phát hiện kháng thể kháng Fasciola spp. dương tính, hình ảnh học phổ biến nhất là siêu âm có hình ảnh thương tổn nhu mô gan dạng microabces khá điển hình. Về biểu hiện lâm sàng, các triệu chứng thường gặp nhất là đau hạ sườn phải hoặc đau thượng vị lan ra sau lưng và lan lên vai phải, chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi với tỷ lệ thay đổi tuỳ theo giai đoạn cấp hoặc mạn tính. Về điều trị, nhiều loại thuốc chống ký sinh trùng đã từng được thử nghiệm để điều trị như emetine, clorsulon, nitazoxanide, artesunate, artemether với các mức hiệu quả khác nhau trên bệnh nhân mắc sán lá gan lớn. Tuy nhiên, hoạt chất được sử dụng chiếm ưu thế là triclabendazole được Tổ chức Y tế thế giới cung cấp cho bệnh nhân ở một số nước có bệnh lưu hành, bao gồm Bolivia, Georgia, Ecuador, Madagascar, Peru, Việt Nam và Yemen tỏ ra có hiệu quả cao, liệu trình ngắn ngày và tác dụng ngoại ý thấp với dung nạp đường uống tốt. H1
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ít nhất trong 53/63 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tập trung chủ yếu tại 15/15 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Loài chủ yếu là Fasciola gigantica và/ hoặc loài lai(hybrid-Fasciola spp.) đều được phát hiện từ các bệnh nhân cũng như ở động vật nhai lại trâu bò, cừu, dê dựa trên kỹ thuật phân tích sinh học phân tử. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, bệnh nổi lên và chiếm ưu thế ở nhiều tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, TP. Đà Nẵng và Quảng Bình, với tỷ lệ nhiễm dao động từ 2,4-12,8%. Với sự gia tăng của bệnh SLGL như một mối quan tâm của cộng đồng và là vấn đề y tế công cộng quan trọng do chúng gây nhiều tác hại trên sức khỏe con người, kinh tế chăn nuôi và sản lượng gia súc, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Tổ chức Y tế thế giới đã dành nhiều nguồn kinh phí và nhân lực, vật lực tập trung vào phân tích dịch tễ, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp can thiệp, truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ nhằm làm giảm nhẹ bệnh do KST này trong khu vực và một số tỉnh có số mắc cao. Đừng trước tình hình bệnh SLGL trên động vật kháng thuốc triclabendazole (TCBZ) với tỷ lệ 15-25% tại các nước Hà Lan, Úc, Newzealand và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông như Thái Lan và Việt Nam, đồng thời một số ca báo cáo rải rác kháng thuốc TCBZ với bằng chứng rõ ràng trên người tại Hà Lan (2016) và Úc (2019). Mặc khác, cũng phát hiện nhiều ca bệnh tỏ ra giảm nhạy TCBZ và phải dùng thuốc đến liều thứ 2 với liều gấp đôi mới khỏi bệnh tại miền Trung-Tây Nguyên, Việt Nam. Điều này đã cho thấy, nguy cơ hiệu lực thuốc TCBZ này giảm và có thể xảy ra kháng thuốc là không xa trong tương lai với liều khuyến cáo hiện nay là 10mg/kg cân nặng cơ thể. Do đó, việc đưa ra khuyến cáo dùng liều TCBZ cao hơn như thường quy là rất quan trọng, nhưng cần phải đánh giá sự an toàn, tính dung nạp và hiệu quả điều trị thuốc TCBZ trên cho bệnh nhân mắc SLGL-Đó cũng là mục tiêu của nghiên cứu hợp tác này để có cơ sở xây dựng chính sách và hướng dẫn dùng thuốc TCBZ trong tương lai trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam nói riêng.
Buổi làm việc giữa nhóm nghiên cứu Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn , Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford-BV Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và của Công ty Novatis
Với ý nghĩa đó, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford-BV Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (OUCRU-HTD) phối hợp cùng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (IMPE QN) triển khai Dự án nghiên cứu Hợp tác quốc tế “Nghiên cứu tính an toàn, sự dung nạp và hiệu quả lâm sàng của Egaten (Triclabendazole) ở bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn (từ 6 tuổi trở lên)” với sự tài trợ kinh phí của Công ty Novatis - Một công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu, tiên phong trong lĩnh vực phát triển thuốc mới có trụ sở chính tại Thụy Sỹ, hoạt động từ năm 1996 đến nay. Đặc biệt, thuốc triclabendazole được sử dụng trong nghiên cứu này để đặc hiệu điều trị bệnh sán lá gan lớn trên phạm vi toàn cầu gần 20 năm qua cũng từ công ty Novartis. Đề cương nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng Khoa học, Ban Đánh giá đạo đức Y sinh học Quốc gia của Bộ Y tế và có Quyết định phê duyệt thực hiện trong trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh khía cạnh nghiên cứu khoa học và sử dụng kết quả dựa trên y học chứng cứ, nghiên cứu này còn mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu nhiều bệnh ký sinh trùng khác, nhất là các bệnh lây truyền từ động vật sang người và bệnh ký sinh trùng mới nổi. Đồng thời, qua đó với cơ hội hợp tác nghiên cứu cùng nhau sẽ tiếp tục tận dụng sự hiệu quả các labo xét nghiệm hiện đại tại Viện, có thể phát huy hiệu quả nguồn lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng, trong đó, ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo các nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh ký sinh trùng và thử nghiệm lâm sàng chuyên nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa về khoa học công nghệ. Hơn nữa, có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước với nhóm toàn cầu để hướng đến phòng chống tích cực và loại trừ một số bệnh do KST thời gian đến. PGS.TS.Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng, Đồng chủ nhiệm đề tài phát biểu chỉ đạo buổi khởi động triển khai đề tài
Buổi khởi động triển khai đề tài nghiên cứu Hợp tác quốc tế
Sau buổi khởi động triển khai đề tài, với sự đồng thuận trên toàn cầu về nghiên cứu điều trị bệnh nhân sán lá gan lớn (Fascioliasis) tại một số nước có lưu hành và đặc biệt bệnh do ký sinh trùng sán lá Fasciola spp. chiếm cao trong cơ cấu bệnh tật tại 4 châu lục trên thế giới trong đó có Việt Nam, Lãnh đạo Viện IMPE-QN và Đơn vị OUCRU-HTD và các chuyên gia Novartis thống nhất hợp tác nghiên cứu và thường xuyên định kỳ thực hiện trao đổi chuyên gia để xây dựng, thực hiện các bước của nghiên cứu sao cho hoàn chỉnh và đặc biệt xây dựng các ý tưởng mới về các đề tài mới với hi vọng giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đào tạo chung các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả các tiềm lực KH&CN vốn có của các bên tham gia.
|