Toàn cảnh Đại dịch COVID-19 trên thế giới: 3 năm nhìn lại
Đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua gây ra hơn 650 triệu ca mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 6,66 triệu người trên toàn thế giới. Nhờ vaccine được bao phủ rộng khắp, căn bệnh này tới nay đã kết thúc giai đoạn cấp tính, đến nay biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện... Đại dịch COVID-19: Những dấu mốc không quên Gần 3 năm đã trôi qua kể từ khi COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra) xuất hiện và trở thành đại dịch lớn nhất trên toàn thế giới. Người dân ở khắp nơi trên thế giới vẫn không thể quên những cột mốc đáng nhớ của Đại dịch COVID-19 - căn bệnh đã để lại nhiều đau thương, mất mát và những sự kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Ngày 31/12/2019, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc thông báo xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên. Người đầu tiên được phát hiện mắc bệnh viêm phổi lạ là một người buôn bán ở chợ hải sản. Ngày 4/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về một loạt các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc, tuy nhiên không có trường hợp tử vong. Ngày 8/1/2020, WHO xác định virus mới cùng họ với virus corona gây bệnh SARS, chỉ 3 ngày sau, Trung Quốc ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong vì căn bệnh này. Ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra) là đại dịch toàn cầu. Ngày 13/1/2020, dịch đã lây lan ra ngoài Trung Quốc, ca bệnh đầu tiên được xác định ở Thái Lan. Ngày 24/1/2020, dịch bệnh COVID-19 "bước chân" tới châu Âu với ca bệnh đầu tiên ở Pháp. Ngày 2/2/2020, ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong ngoài Trung Quốc, ở Philippines. Ngày 12/3/2020, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Ngày 21/1/2020, Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên. Đến tháng 3, COVID-19 đã lan ra khắp 50 bang của nước Mỹ. Hình ảnh những nhân viên y tế, những người phục vụ bệnh nhân COVID-19 trong bộ trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tới nay, hơn 100 triệu người Mỹ (tương đương gần 1/3 dân số Mỹ) từng mắc COVID-19, hơn 1,1 triệu trường hợp tử vong. Sau 3 năm đại dịch, châu Âu có hơn 240 triệu ca mắc, gần 2 triệu trường hợp tử vong. Châu Á chứng kiến trên 200 triệu ca mắc, trên 1,5 triệu ca tử vong. Trong bối cảnh đại dịch, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách đóng cửa, kêu gọi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, cách ly các ca bệnh, kêu gọi rửa tay, khử trùng và tiến hành bảo vệ những nhóm đối tượng nguy cấp. Thế giới liên tiếp chứng kiến 4 làn sóng dịch bệnh COVID-19, tác động mạnh tới mọi mặt đời sống xã hội, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Kể từ khi biến thể Delta (biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2) xuất hiện cũng là lúc thế giới chạy đua nghiên cứu sản xuất vaccine và tiêm chủng ngừa COVID-19 được bao phủ trên toàn cầu. Hàng tỷ USD đã được đổ ra để nghiên cứu, phát triển sản xuất vaccine, các cuộc thử nghiệm vaccine nhanh chóng được tiến hành trên quy mô hàng nghìn tình nguyện viên, tốc độ sản xuất và đưa vaccine phòng COVID-19 ra thị trường trong thời gian nhanh kỷ lục. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thế giới.
Đến tháng 11/2021, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron "siêu lây nhiễm" nhưng ít gây ra biến chứng nặng đã làm thay đổi thế giới. Dịch COVID-19 đã bước sang một trang mới mang tên "làn sóng Omicron". Trong năm 2022, liên tục xuất hiện các dòng phụ phát sinh từ Omicron, gây ra những làn sóng mắc mới như BA.4, BA.5, BA.2.75,… "Cơn bão" Omicron Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi biến thể Omicron hoành hành "làm mưa làm gió" trên thế giới. Vào ngày 26/11/2021, WHO tuyên bố biến thể mới với khả năng "siêu lây nhiễm" Omicron sẽ làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch COVID-19. Với số lượng lớn các đột biến gene virus, Omicron tăng nguy cơ tái nhiễm so với các biến thể lưu hành trước đó. Omicron nhanh chóng được xác định là có khả năng lây truyền cao hơn đáng kể so với Delta, biến thể đáng lo ngại trước đó. Trong vòng 4 tuần, khi làn sóng Omicron lan khắp thế giới, nó đã thay thế Delta, trở thành biến thể gây bệnh thống trị. Xét nghiệm COVID-19 tại Phòng thí nghiệm Y tế công Quốc gia Singapore.
Làn sóng Omicron khiến số ca mắc tăng vọt, số ca nhập viện tăng (dù tỷ lệ thấp hơn Delta), chủ yếu ở người chưa được tiêm vaccine. Biến thể mới này gây ra triệu chứng nhẹ hơn so với Delta. Một số nguyên nhân đã dẫn đến sự thay đổi này, đó là virus chủ yếu nhân lên và gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp trên nên ít nguy hiểm hơn. Hơn nữa, khả năng miễn dịch của các nhóm dân số đã tăng lên nhờ tiêm chủng vaccine và miễn dịch có được từ lần mắc trước đó. Đến tháng 3/2022, WHO ước tính gần 90% dân số toàn cầu có kháng thể chống lại virus COVID-19 thông qua tiêm chủng hay đã từng mắc COVID-19 trước đó. Đến nay, trên 13 tỷ liều vaccine COVID-19 được tiêm phòng trên toàn cầu Cho đến nay, vaccine vẫn là "vũ khí" hữu hiệu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ chúng ta khỏi các triệu chứng nặng, giảm trường hợp nhập viện và nguy cơ tử vong. Vaccine đã góp phần cứu mạng hàng triệu người trên thế giới. Bao giờ đại dịch COVID-19 kết thúc? Kể từ khi Omicron xuất hiện, virus vẫn liên tục biến đổi. Hiện nay, có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron đang lưu hành, nhưng không có dòng nào được chỉ định là biến thể mới cần quan tâm. Cho đến nay, các dòng phụ này của Omicron có nhiều điểm chung: có khả năng lây truyền cao, sao chép ở đường hô hấp trên và có xu hướng gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể đáng lo ngại trước đó. Những dòng phụ của Omicron đều có những đột biến giúp lẩn tránh hệ miễn dịch dễ dàng hơn, vì vậy mà khả năng lây nhiễm cao hơn. Triển vọng của hầu hết các khu vực, bao gồm Châu Âu và Bắc Mỹ, vẫn tương đối thuận lợi trong những tháng tới. Mùa đông năm 2022–23 có thể chứng kiến sự gia tăng số ca bệnh đáng kể hơn ở Bắc bán cầu, nhưng không nghiêm trọng như đợt dịch tháng 12/2021–tháng 2/2022. Mặc dù hiện nay, ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy thoải mái hơn khi sống chung với dịch COVID-19, số trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn bệnh cúm gấp 2-4 lần. Mặc dù hiện tại chưa xuất hiện thêm biến thể mới đáng quan ngại nào, nhưng vẫn chưa thể lường trước tình huống xuất hiện biến thể mới có thể lật ngược tình thế. Nếu không tiếp tục tiêm chủng, khả năng miễn dịch với các biến thể hiện tại, bao gồm cả Omicron sẽ suy giảm dần theo thời gian. Các vaccine được thiết kế riêng để trúng đích Omicron (đặc biệt đối với biến thể BA.4 và BA.5) nâng cao hiệu quả đáng kể đối với các biến thể chiếm chủ đạo hiện nay. Ngày 12/12 vừa rồi, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) nhận định hiện còn quá sớm để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, không loại trừ khả năng đại dịch diễn biến xấu đi. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 Paxlovid và các phương pháp điều trị COVID-19 khác phổ biến rộng rãi ở các quốc gia có thu nhập cao. Tăng cường sử dụng các phương pháp trị liệu hiệu quả là một bước quan trọng đối với các chính phủ khi tiếp tục quá trình chuyển đổi sang quản lý dịch bệnh COVID-19. Hiện tại, WHO cùng các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng trên toàn thế giới, tiếp tục theo dõi các biến thể đang lưu hành để tìm các dấu hiệu của biến thể đáng lo ngại tiếp theo. Nếu xuất hiện một biến thể mới gây bệnh nặng hơn, khi đó thế giới sẽ phải đưa ra một chiến lược mới. Tuy nhiên, ngoài Omicron và các dòng phụ, chưa thấy dấu hiệu của biến thể mới nào nguy hiểm hơn có thể làm thay đổi thế giới vào lúc này.
|