|
Nữ Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa |
Một Nữ Bác sĩ người dân tộc thiểu số Katu được nhận “Giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2008”
“Giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2008” lần đầu tiên do Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức đã được Hội đồng xét chọn 10 cán bộ y tế cơ sở tiêu biểu của 10 tỉnh thuộc khu vực miền Trung từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Ninh Thuận để trao một giải thưởng vinh quang của thế hệ trẻ những người thầy thuốc mặc áo trắng đang công tác ở tuyến đầu ngày hôm nay. Thừa Thiên Huế vinh dự có Nữ Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa, người dân tộc thiểu số Katu, Trưởng Trạm Y tế xã vùng cao, biên giới A Đớt thuộc huyện A Lưới được hân hạnh đón nhận giải thưởng cao quý này. Con đường trở thành một nữ bác sĩ trẻ ở tuyến cơ sởHồ Thị Thanh Hoa sinh năm 1973, người dân tộc thiểu số Katu, mang họ của Bác Hồ kính yêu, có quê quán ASo, xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi học xong bậc trung học, với niềm mơ ước trở thành một người thầy thuốc trẻ để phục vụ, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào dân bản nơi mình đã sinh ra và lớn lên, một địa bàn vùng cao, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế xã hội; chị quyết định thi tuyển vào Trường Trung học Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Trường Cao đẳng Y tế Huế) và đã đạt được kết quả mong muốn. Năm 1996, chị tốt nghiệp y sĩ trung học, ra trường và trở về với xã Hương Lâm để làm nhiệm vụ của một người cán bộ y tế cơ sở ở tuyến đầu. Với sức bật của tuổi trẻ và chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo trong nhà trường, chị đã phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực công tác của mình để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho bà con ở các thôn bản trên địa bàn xã. Ngoài thời gian làm việc ở Trạm Y tế, chị cũng đã xuống tận thôn bản, tận gia đình để khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân không có điều kiện đi đến được cơ sở y tế. Chị cũng đã trực tiếp tham gia và vận động nhân viên y tế xã, y tế thôn bản, quân y Bộ đội Biên phòng, bộ đội làm công tác vận động quần chúng, các đoàn thể quần chúng ... thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia và các chương trình y tế ưu tiên khác của địa phương. Chị được bổ nhiệm Trưởng Trạm Y tế xã năm 1997 và kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2000. Trạm Y tế xã Hương Lâm có những bước chuyển biến khởi sắc và đã được chính quyền cơ sở, y tế tuyến trên đánh giá hoạt động tốt. Xuất phát từ những thành tích công tác đã đóng góp, năm 2001 chị được xét chọn và cử tuyển đi đào tạo bác sĩ đa khoa hệ tập trung 4 năm tại Trường Đại học Y Dược Huế để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho nhiệm vụ y tế theo yêu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là ở tuyến cơ sở. Trong thời gian 4 năm đi học bác sĩ hệ tập trung, với đồng lương y sĩ ít ỏi, thiếu thốn của chị và người chồng (là con liệt sĩ) làm công nhân xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh; chị phải khắc phục mọi khó khăn cả về kinh tế lẫn tình cảm gia đình để yên tâm học tập. Ở nhà, người chồng vì thương yêu và thấy được ý chí vươn lên của người vợ trẻ nên đã cố gắng gánh vát, xoay xở công việc gia đình và chăm sóc con cái một cách đầy đủ dù không có mặt của người phụ nữ. Tháng 10 năm 2005, Hồ Thị Thanh Hoa tốt nghiệp đại học với tấm bằng bác sĩ đa khoa và chị trở về địa phương tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác. Cũng trong thời gian này, nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế ở cơ sở, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện chủ trương tăng cường bác sĩ ở tuyến tỉnh, huyện về các Trạm Y tế xã chưa có bác sĩ để làm nhiệm vụ. Theo đề án này, bác sĩ ở các Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở Y tế tại tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chưa có bác sĩ để bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh có bác sĩ công tác. Thời gian tăng cường được thực hiện thay thế luân phiên 6 tháng từ năm 2005-2008 cho đến khi cơ sở có bác sĩ được đào tạo tại chỗ theo địa chỉ tốt nghiệp từ Trường Đại học Y Dược Huế về phục vụ. Nữ Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa ra trường đúng vào thời điểm này, với ý thức trách nhiệm trước tình hình khó khăn về cán bộ y tế ở cơ sở, chị không có nguyện vọng xin công tác ở bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện như các bác sĩ khác cũng như không về lại Trạm Y tế xã Hương Lâm để phục vụ gần nhà mà tình nguyện đến phục vụ tại Trạm Y tế xã A Đớt, một xã biên giới giáp nước bạn Lào. Tại đây cán bộ y tế còn yếu kém, điều kiện kinh tế xã hội và đời sống của người dân có khó khăn hơn xã Hương Lâm rất nhiều, Trạm Y tế xã cũng chưa có bác sĩ phục vụ. Con đường để trở thành một nữ bác sĩ phục vụ ở tuyến đầu, một nữ bác sĩ của bản làng vùng cao, biên giới của Hồ Thị Thanh Hoa là như vậy. Chồng con của chị thấy chị say mê với công việc, vui vẽ thực hiện nhiệm vụ công tác với lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ như trong nội dung của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm mà nhiều người đã được đọc nên đã ủng hộ, động viên và tạo điều kiện cho chị hoàn thành tốt mọi công việc chuyên môn và quản lý của một Trưởng Trạm Y tế xã. Cảnh cửa nhà thui thủi, thường vắng bóng chị trước đây và ngay cả bây giờ vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào, chồng con chị cũng đã quen với hoàn cảnh này, động viên chị và không có ý kiến gì, thật đáng trân trọng. Vinh quang của “Giải thưởng Đặng Thùy Trâm-2008”Hồ Thị Thanh Hoa bước chân vào ngành y tế để làm nghề thầy thuốc chỉ mới trong 12 năm, có 4 năm đi học đại học, một thời gian không dài nhưng một nữ bác sĩ trẻ 35 tuổi, người dân tộc thiểu số Katu ở vùng cao, miền núi, biên giới đã có những nỗ lực cố gắng phấn đấu không ngừng trong nhiệm vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, học tập nâng cao trình độ và quản lý của mình. Tại xã Hương Lâm trước đây và xã A Đớt hiện nay chị đang công tác, đồng bào dân bản rất tin tưởng tay nghề và mến yêu chị do tinh thần thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, không quản ngại nắng mưa, đêm ngày ... của một người “lương y như từ mẫu” thường xuyên có mặt ở cơ sở. Khi đồng bào ở thôn bản bị ốm đau, tai nạn, sinh nở ... trong điều kiện không đến được Trạm Y tế; nghe tin người nhà bệnh nhân cấp báo thì chị bàn giao công việc cho nhân viên y tế khác, vội vã xách túi cứu thương lên đường dù xa hay gần, mưa to hay nắng nóng, đêm tối hay ban ngày; chị đều đến ngay tận hộ gia đình để xử trí kịp thời công việc cần thiết, cứu chữa bệnh nhân và giúp đỡ người phụ nữ sinh nở an toàn. Chị đã thực hiện nhiệm vụ của mình với tinh thần thái độ phục vụ nhân dân và đạo đức của người làm công tác y tế chuẩn mực, trách nhiệm công tác chuyên môn cao; khi nào cũng thấy chị hăng say, nhiệt tình và vui vẻ trong công việc, không hề biểu lộ một ý nghĩ hay lời nói nào về hoàn cảnh, sự khó khăn, gian khổ, vất vả của bản thân mình. Cơ sở y tế nơi chị công tác từ yếu kém đã dần dần trở nên hoạt động tốt. Ngoài công việc khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã, chị đã tham gia các chương trình y tế quốc gia và các chương trình y tế ưu tiên khác của địa phương có hiệu quả ở cơ sở như chương trình phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, quân dân y kết hợp ... Chị đã có nhiều nỗ lực phấn đấu để trở thành một nữ bác sĩ của bà con dân bản, của đồng bào dân tộc Katu, Tàôi ở núi rừng vùng cao biên giới mà chị đã học được qua tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, hết lòng phục vụ người bệnh của Liệt sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-Nữ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Với những thành tích mà Nữ Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa đã đạt được trong những năm qua, chị rất xứng đáng được đón nhận “Giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2008” mà Hội đồng xét duyệt và Báo Tuổi Trẻ đã trao tặng vừa qua ở Hội nghị biểu dương tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Giải thưởng kèm theo 10 triệu đồng và 5 triệu đồng của Công ty Cổ phần Dược phẩm ImexPharm hỗ trợ đã có ý nghĩa rất lớn về cả tinh thần lẫn vật chất đối với chị và gia đình. Chị sẽ phấn đấu làm tốt hơn nữa trong vị trí một nữ bác sĩ của bà con ở bản làng dân tộc vùng cao, biên giới trong thời gian đến.
|