|
Một cảnh đẹp của tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh sưu tầm) |
20 năm phòng, chống sốt rét để tiến tới loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến
Thừa Thiên Huế được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ vào cuối tháng 7 năm 1989. Sau khi chia tỉnh, công tác phòng, chống sốt rét đã ổn định tổ chức và mạng lưới hoạt động để triển khai thực hiện ngay các biện pháp can thiệp về chuyên môn kỹ thuật. Với chặng đường 20 năm phấn đấu, từ năm 1990 đến năn 2010, tình hình sốt rét tại tỉnh đã có những chuyển chuyển biến tích cực, tạo cơ sở để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng trong thời gian đến. Nhìn lại quá khứ đã qua Năm 1990 sau khi chia tỉnh, việc ổn định tổ chức, củng cố mạng lưới chuyên khoa, điều tra, khảo sát tình hình thực tiễn để xây dựng kế khoạch phòng, chống sốt rét phù hợp là một yêu cầu cấp bách được đặt ra nhằm triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp khống chế bệnh, chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn khỏi bị ảnh hưởng của bệnh sốt rét. Vào thời điểm năm 1991, dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có 903.029 người cư trú tại 4 huyện Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, A Lưới và thành phố Huế với 49 xã, thị trấn có bệnh sốt rét lưu hành nội địa. Ở thời điểm này, toàn tỉnh có 14.245 người bị mắc bệnh sốt rét với tỷ lệ 15,77 bệnh nhân sốt rét trên 1.000 dân số chung; có 275 sốt rét ác tính gây nên 66 trường hợp bị tử vong với tỷ lệ 7,31 người chết do sốt rét trên 100.000 dân số chung. Số chết tại các trạm y tế chỉ chiếm 6,06% (4/66), đặc biệt số chết tại bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực chiếm tỷ lệ cao 93,94% (62/66). Đã thực hiện 21.007 lam máu xét nghiệm phát hiện 2.515 ký sinh trùng sốt rét với tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm chiếm 11,97%; trong đó nhiễm chủng loại ký sinh trùng Plasmodiun falciparum chiếm ưu thế 79,64% (2.003/2.515). Song hành với công tác phát hiện bệnh tại cơ sở, tuyến tỉnh cũng đã điều tra, khám và xét nghiệm máu cho 9.208 người ở vùng sốt rét lưu hành, phát hiện 633 ký sinh trùng sốt rét, chiếm tỷ lệ 6,87% trên lam máu xét nghiệm; đặc biệt ghi nhận 421 người có lách sưng với tỷ lệ 4,57% và 749 người sốt lâm sàng với tỷ lệ 8,13% qua điều tra cắt ngang. Bệnh sốt rét đã hoành hành vào những ngày đầu sau khi chia tỉnh. Thừa Thiên Huế phải đối mặt với nhiều người bị mắc bệnh và nhiều trường hợp bị sốt rét ác tính gây tử vong cao làm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền lo sợ, người dân kinh hoàng và ngành y tế hoang mang, gặp nhiều khó khăn, vất vã. Cũng trong thời điểm này, cả nước đã rơi vào tình hình sốt rét có sự biến động và gia tăng với 1.091.251 người bị mắc bệnh, phát hiện 187.994 người bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét; có 31.741 người bị sốt rét ác tính làm cho 4.646 người tử vong; 144 vụ dịch sốt rét xảy ra ở nhiều địa phương gây khiếp sợ cho cả cộng đồng xã hội. Khẩn cấp trước tình trạng nguy biến này lúc bấy giờ, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song đã triệu tập một hội nghị toàn quốc đột xuất được tổ chức ngay vào ngày chủ nhật tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; nơi dịch bệnh sốt rét đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng ở phạm vi các huyện Quế Phong, Quế Châu và Quỳ Hợp để trực tiếp chỉ đạo các biện pháp khống chế dịch bệnh phát triển với trách nhiệm được giao cho lãnh đạo của các cấp chính quyền, ngành y tế tỉnh và các huyện trọng điểm. | Thừa Thiên Huế phát động Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25-4 | Đứng trước thực trạng tình hình và nguy cơ bệnh sốt rét hoành hành xảy ra ở nhiểu địa phương trên cả nước, chính phủ đã quyết định lãnh đạo công tác phòng, chống sốt rét trở thành một chương trình y tế quốc gia để tập trung các nguồn lực đầu tư của trung ương, địa phương nhằm có điều kiện tổ chức chỉ đạo và thực hiện các giải pháp tổ chức, xây dựng mạng lưới; giải pháp chuyên môn kỹ thuật và giải pháp xã hội một cách cụ thể, rõ ràng để chủ động khống chế dịch bệnh. Thừa Thiên Huế cũng là một tỉnh có được các điều kiện để triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ nhằm phấn đấu đưa tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh giảm xuống hàng năm, giữ vững ổn định tình hình; xây dựng, phát triển các yếu tố phòng chống sốt rét bền vững và duy trì thành quả lâu dài. Trên cơ sở này, với các kết quả đạt được theo mục tiêu chỉ đạo của dự án quốc gia phòng, chống sốt rét hàng năm; địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu chuyển chiến lược, từ chiến lược phòng chống sốt rét sang chiến lược loại trừ sốt rét ra khỏi cộng đồng khi có đủ điều kiện và sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng trong thời gian tới.
| Thừa Thiên Huế phát động Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25-4 | Thực trạng tình hình hiện nay
Đến năm 2010, sau quá trình 20 năm xây dựng và phát triển, Thừa Thiên Huế có dân số 1.149.921 người, cư trú tại 1.317 thôn bản, tổ dân cư thuộc 152 xã, phường, thị trấn của 7 huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang; thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế. Theo phân vùng dịch tễ sốt rét và can thiệp vào thời điểm này, tình hình đã có những thay đổi đáng kể so với trước; có 6 xãvới dân số 11.238 người sống ở vùng sốt rét lưu hành nặng; 13 xãvới dân số 35.193 người sống ở vùng sốt rét lưu hành vừa; 24 xã, thị trấn với dân số 71.016 người sống ở vùng sốt rét lưu hành nhẹ; 12 xã, thị trấn với dân số 96.847 người sống ở vùng sốt rét có nguy cơ quay lại và 97 xã, phường, thị trấn với dân số 932.919 người ở vùng không có sốt rét lưu hành. So với kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét trước đây, vùng dịch tễ sốt rét tại Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến và thay đổi. Số xã và dân số ở vùng sốt rét lưu hành nặng và vùng sốt rét lưu hành vừa nội địa đã giảm đi để chuyển sang vùng sốt rét lưu hành nhẹ, vùng sốt rét có nguy cơ quay lại và vùng không có sốt rét lưu hành. Kết quả này khẳng định tình hình bệnh sốt rét tại địa phương đã có chuyển biến tốt sau các năm tổ chức thực hiện, tác động biện pháp can thiệp hiệu quả. Theo tổng hợp thống kê báo cáo năm 2010, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 165 người mắc bệnh sốt rét, số bệnh nhân sốt rét chiếm tỷ lệ 0,14 trên 1.000 dân số chung; không còn sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét, dịch sốt rét được chủ động khống chế không xảy ra trong nhiều năm liền. Đã thực hiện 17.955 lam máu xét nghiệm, phát hiện 64 ký sinh trùng sốt rét với tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm chiếm 0,36% (65/17.955), số ký sinh trùng sốt rét chỉ còn 0,06 trên 1.000 dân số chung. Đặc biệt qua điều tra cắt ngang ở nhiều điểm, không phát hiện được người có lách sưng và sốt lâm sàng, chứng tỏ vùng dịch tễ lưu hành bệnh đã được khống chế. So với 20 năm trước, số bệnh nhân sốt rét đã giảm 99,54% (65/14.245), số người mắc bệnh sốt rét trên 1.000 dân số chung giảm 99,11% (0,14/15,77); không còn đối mặt với thảm hoạ sốt rét ác tính, tử vong và nguy cơ dịch sốt rét xảy ra như trước đây do địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét một cách chặt chẽ, có hiệu quả theo kế hoạch hàng năm. Tổ chức mạng lưới chuyên khoa từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, thôn bản, tổ dân cư đã hoạt động có nề nếp; việc quản lý hoạt động có quy trình, có trách nhiệm. Mạng lưới được tăng cường sức mạnh bởi chương trình quân dân y kết hợp ở cơ sở, đặc biệt tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, miền núi và biên giới. Công tác phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét đã được triển khai ngay từ đầu mùa bệnh phát triển hàng năm bằng biện pháp tẩm màn ngủ và phun tồn lưu hoá chất để chủ động khống chế bệnh phát triển. Từ thực trạng số màn ngủ còn quá ít và tập quán ngủ màn của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi chưa được hình thành, đến nay độ bao phủ bảo vệ bình quân của người dân đã đạt đến 2 người có một màn đôi và đã có thói quen sử dụng màn chống muỗi khi ngủ, đồng thời tham gia, hưởng ứng tích cực các đợt tẩm màn ngủ bằng hoá chất xua diệt muỗi. Công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét ngày càng được nâng cao chất lượng bằng các điểm kính hiển vi và xét nghiệm chẩn đoán nhanh trang bị phổ cập kịp thời cho các cơ sở y tế tuyến đầu để hạn chế sốt rét ác tính gây tử vong. Các chủng loại thuốc sốt rét được cung cấp đầy đủ về số lượng, chất lượng, kể cả thuốc có hiệu lực cao để các cơ sở y tế thực hiện đúng phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Công tác tập huấn, đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành và quản lý thuộc nhiều lĩnh vực cho mạng lưới nhân viên y tế ở các tuyến đã thực hiện hàng năm nhằm nâng cao chất lượng công tác; đặc biệt chú trọng tuyến xã, thịtrấn, thôn bản và quân y cơ sở vùng sốt rét lưu hành. Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng, chống sốt rét được phát động hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày hy sinh của Cố Giáo sư-Bác sĩ Đặng Văn Ngữ 1 tháng 4 và Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25 tháng 4; đồng thời duy trì các hoạt động này thường xuyên để nâng cao nhận thức, chuyển đồi hành vi phòng, chống bệnh cho cộng đồng người dân nhằm xã hội hoá được công tác, góp phần thực hiện giải pháp chuyên môn kỹ thuật có hiệu quả. Tuy vậy, một khó khăn mà địa phương đang phải đối mặt là vẫn còn một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số đi rừng, ngủ rẫy, qua về biên giới thăm thân... người bị mắc bệnh ngoại lai ở ngoại tỉnh trở về đã làm ảnh hưởng đến tình hình sốt rét của địa phương vào một số thời điểm. Các cơ sở đã tăng cường kiểm soát sốt rét ngoại lai, kiểm soát sốt rét biên giới để chủ động thực hiện việc giúp đỡ cho các đối tượng này các biện pháp phòng bệnh khi đi và chống bệnh kịp thời khi mắc bệnh trở về. Thừa Thiên Huế đang tiếp tục nỗ lực, cố gắng đẩy lùi sốt rét ở các vùng còn lưu hành bệnh, ngăn chận sốt rét quay trở lại ở những vùng bệnh đã được khống chế; xây dựng và phát triển các yếu tố phòng chống sốt rét bền vững để duy trì thành quả lâu dài đã đạt được trong 20 năm qua nhằm tạo cơ sở tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng vào thời gian đến. | Thầy thuốc Ưu tú BS.Nguyễn Võ Hinh-nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng thuộc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế. Với 60 tuổi đời, ông đã có đến 33 năm chuyên làm công tác phòng chống căn bệnh sốt rét. Mọi người gọi ông bằng cái tên trìu mến: người đẩy lùi căn bệnh sốt rét. |
Loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng Trong thời điểm hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo các địa phương và quốc gia nào đạt được thành quả tốt sau quá trình thực hiện chiến lược phòng chống sốt rét, nếu có đủ tiêu chuẩn và điều kiện cho phép thì có thể xem xét để chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét. Đến năm 2007, trên thế giới có 82 quốc gia đang triển khai chiến lược phòng chống sốt rét, 11 quốc gia đang triển khai giai đoạn tiền loại trừ sốt rét, 10 quốc gia đang triển khai giai đoạn loại trừ sốt rét, 4 quốc gia đang triển khai giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại, 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Tổ chức Y tế Thế giới kiểm tra công nhận không còn bệnh sốt rét. Theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, các giai đoạn của chiến lược loại trừ sốt rét được thực hiện như sau: - Nếu tại địa phương có số ký sinh trùng sốt rét ³ 5/1.000 dân vùng sốt rét lưu hành trong một năm thì vẫn duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét. - Nếu số ký sinh trùng sốt rét giảm xuống từ 1 đến dưới 5/1.000 dân vùng sốt rét lưu hành trong một năm thì có thể chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét. Trong giai đoạn này, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét tích cực và chuơng trình thay đổi quan điểm lần thứ nhất. - Nếu số ký sinh trùng sốt rét giảm xuống còn dưới 1/1.000 dân vùng sốt rét lưu hành trong một năm thì có thể chuyển sang giai đoạn loại trừ sốt rét. Trong giai đoạn này, vẫn duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét tích cực và chương trình thay đổi quan điểm lần thứ hai. - Nếu không phát hiện được một trường hợp ký sinh trùng sốt rét nào nội địa lây truyền tại địa phương thì có thể chuyển sang giai đoạn phòng chống sốt rét quay trở lại. - Nếu sau 3 năm duy trì được kết quả và tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đã loại trừ bệnh sốt rét. Cũng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, đơn vị được chứng nhận loại trừ bệnh sốt rét tối thiểu là đơn vị huyện với quy mô dân số khoảng 100.000 người. Thực trạng tại Việt Nam, huyện ở vùng sốt rét lưu hành có quy mô dân số khoảng 100.000 người là rất ít, trừ các huyện vùng đồng bằng, thị xã, thành phố nên cần xem xét để xác định lại dân số huyện trên thực tế hoặc có thể ghép liên huyện gần kề lại với nhau để đủ quy mô dân số khoảng 100.000 người theo quy định đơn vị được kiểm tra công nhận. Năm 2010, theo phân vùng dịch tễ sốt rét và can thiệp, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 43 xã sốt rét lưu hành, trong đó 6 xã sốt rét lưu hành nặng, 13 xã sốt rét lưu hành vừa và 24 xã lưu hành nhẹ. Dân số sống trong các vùng sốt rét lưu hành gồm 117.447 người, trong đó 11.238 người ở vùng sốt rét lưu hành nặng, 35.193 người ở vùng sốt rét lưu hành vừa và 71.016 người ở vùng sốt lưu hành nhẹ. Số ký sinh trùng sốt rét được phát hiện trong năm là 64, chủ yếu là ký sinh trùng sốt rét ngoại lai bị nhiễm ngoài tỉnh. Căn cứ theo tiêu chuẩn này để tính toán, hiện tại địa phương có 0,5 (64 x 1.000 / 117.447) ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân vùng sốt rét lưu hành trong năm. Với tiêu chuẩn quy định, chỉ số này thấp hơn chỉ số từ 1 đến dưới 5 ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân vùng sốt rét lưu hành trong năm nên có thể có đủ cơ sở và điều kiện để chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét trong chiến lược loại trừ sốt rét để tiếp tục phòng chống sốt rét tích cực và định hướng chương trình thay đổi quan điểm lần thứ nhất. Tuy vậy, thành quả nầy phải được duy trì một cách thường xuyên, liên tục và bền vững mới có cơ hội và điều kiện tiếp tục để chuyển sang giai đoạn loại trừ. Muốn thực hiện được vấn đề, cần tăng cường biện pháp đẩy lùi sốt rét nội địa ở các cơ sở còn lại, đẩy mạnh công tác kiểm soát sốt rét ngoại lai, sốt rét biên giới; không để mầm bệnh xâm nhập vào nội địa. Khi nào không phát hiện và khẳng định được không còn ký sinh trùng sốt rét nội địa lây truyền tại địa phương, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét tích cực để định hướng thay đổi quan điểm lần thứ hai; đồng thời chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phòng chống sốt rét quay trở lại. Lời kết Theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với định hướng: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học-công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”. Mong rằng khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bệnh sốt rét sẽ được loại trừ ra khỏi cộng đồng để góp phần trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, miền núi và biên giới.
|