Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Finance & Retail Hoạt động hợp tác
Hợp tác trong nước
Hợp tác quốc tế
Dân tộc thiểu số
Dự án Quỹ toàn cầu PCSR
Quân dân y kết hợp
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 5 6 4 6
Số người đang truy cập
6 3 0
 Hoạt động hợp tác Hợp tác trong nước
Các cơ sở y tế trong nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cùng người bệnh

Các bệnh viện chủ động đón Tết cùng người bệnh;Mải lo chống rét, quên bỏng rình rập;Ngứa khi trời lạnh, vì sao?; Ăn gì để chống rét?;5 bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa

Các bệnh viện chủ động đón Tết cùng người bệnh

Mỗi dịp Xuân về, Tết đến, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, trang thiết bị, hóa chất… nhằm đảm bảo công tác điều trị, để động viên các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện những ngày xuân, các bệnh viện đã có thêm những cành đào, cây quất và tổ những chương trình đón tết sớm cho người bệnh, thăm hỏi và tặng quà cho bệnh nhân. Ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống tại một số bệnh viện lớn…

Tổ chức Tết sớm cho người bệnh

Tại BV Cấp cứu Trưng Vương (TP. HCM), BS. Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV cho biết, với chức năng là trung tâm cấp cứu và điều hành cấp cứu của TP.HCM, BV đã lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị nhân sự cũng như vật lực từ nửa tháng trước để sẵn sàng điều trị cấp cứu nội viện, tiếp nhận cấp cứu, vận chuyển 115 trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các êkip, đội, nhóm cũng đã sẵn sàng phục vụ Lễ hội xuân, Lễ hội pháo hoa và Đường hoa Nguyễn Huệ.

 

 Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị chu đáo đón Tết cùng bệnh nhân.

Công tác trực lãnh đạo, chuyên môn, điều dưỡng và cấp cứu sẽ được “mở cửa” 24/24, kể cả trong ba ngày Tết để theo dõi, cấp cứu những trường hợp bệnh trở nặng, diễn tiến phức tạp. Hiện 18 xe cấp cứu của BV vẫn hoạt động bình thường và sẽ luôn “trực chiến” trong những ngày tết. Trường hợp có sự cố lớn, BV sẽ huy động xe của các BV khác và xe trong hệ thống cấp cứu của thành phố. Cơ số máu phục vụ nhu cầu truyền máu cũng được chuẩn bị đủ, đồng thời BV cũng đã liên hệ với Ngân hàng máu TP.HCM để có thể cung cấp lượng máu lớn khi cần thiết. Để động viên tinh thần cho những bệnh nhân bị bệnh nặng không thể xuất viện về nhà ăn tết, ngày 26/1, BV Cấp cứu Trưng Vương và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo sẽ tới thăm hỏi, động viên và trao 200 phần quà tết cho những bệnh nhân đang điều trị tại BV.

Tặng quà cho bệnh nhi và tổ chức Tết cho bệnh nhân tại khoa, phòng

Khối điều trị nhi khoa, ngoài việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh, các hoạt động chăm lo về tinh thần đã bắt đầu được triển khai từ trước Tết để các bệnh nhi có thể được vui đón Tết trong BV. Tại BV Nhi Trung ương, cùng với lịch trực Tết đã được lãnh đạo BV phân công, tổ công tác xã hội của BV cũng đang chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức các chương trình tặng quà cho các bệnh nhi phải điều trị tại viện trong những ngày Tết Nguyên đán. Tại các bệnh viện chuyên khoa như sản, tim mạch, ung bướu... công tác khám chữa bệnh cũng sẽ được duy trì như bình thường.

 

 Các bệnh viện chuẩn bị thuốc đầy đủ để phục vụ bệnh nhân trong dịp Tết.
Ảnh: Đ.A

Tại BV Phụ sản TW, BS.CKII Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV cho biết,  BV đã lên kế hoạch cụ thể sẵn sàng cấp cứu và tổ chức cho bệnh nhân đón tết, các y bác sĩ sẵn sàng túc trực thường xuyên để phục vụ công tác KCB và động viên thăm hỏi người bệnh. Ngoài ra trong những ngày giáp tết, để động viên tinh thần cho những bệnh nhân đang nằm điều trị, sản phụ chờ sinh, lãnh đạo BV sẽ cùng các khoa phòng đến thăm hỏi và tặng quà, tổ chức đón tết cho bệnh nhân ngay tại khoa, phòng…

 

Đảm bảo công tác điều trị và phòng chống dịch
 

           Theo TS.BS.Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy, thường vào dịp Tết số ca phải vào cấp cứu sẽ tăng hơn ngày thường phải sẵn sàng trực cấp cứu cho bệnh nhân 24/24 giờ, bảo đảm đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm trong các ngày Tết. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác điều trị và chủ động đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra, BV đã có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra và phải đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn về phòng chống dịch. Ngoài ra, đội cấp cứu ngoại viện bố trí đội cấp cứu ngoại viện trong dịp Tết với đầy đủ cơ số thuốc men, trang thiết bị, phương tiện cần thiết, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ khi được huy động. Với tổ xe, yêu cầu bố trí thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển người bệnh cấp cứu khi được điều động. Đối với người bệnh còn điều trị tại BV, Giám đốc Nguyễn Trường Sơn cho biết, BV đã lên kế hoạch tổ chức thăm hỏi và tặng quà Tết nhằm động viên, chia sẻ với người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, đối tượng chính sách.
* Đến từng giường bệnh để thăm hỏi, động viên người bệnh
 

               Còn tại BV Bạch Mai, TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, BV đã bố trí gần 200 cán bộ trực được phân theo 4 cấp (trực lãnh đạo, trực khoa phòng, chuyên môn và trực hậu cần) và các đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ phục vụ người bệnh. TS. Nguyễn Quốc Anh cho hay, hàng năm có khoảng 500 - 600 bệnh nhân phải nằm điều trị trong dịp Tết Nguyên đán. Để động viên tinh thần người bệnh, lãnh đạo BV và các khoa, phòng đã bố trí thời gian vào chiều ba mươi và sáng mồng một Tết tới từng giường bệnh thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà cho bệnh nhân. Ngoài ra, BV cũng chuẩn bị các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nặng phải ở lại BV điều trị trong các ngày Tết

* Các thầy thuốc trực 24/24 giờ
 

Tại BV Việt Đức, TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV cho biết, BV luôn sẵn sàng đón tiếp người bệnh vào cấp cứu, KCB bất cứ lúc nào. Vì là đơn vị đầu ngành về ngoại khoa nên số người bệnh luôn ở trong tình trạng quá tải. Số bệnh nhân cần phải phẫu thuật xếp hàng đến ngày cận Tết, đó là chưa kể những trường hợp cấp cứu trong những ngày Tết, nhiều nhất là tai nạn giao thông. BV đã bố trí các bác sĩ giỏi trong các chuyên khoa như chấn thương chỉnh hình, thần kinh, hồi sức tích cực, lồng ngực, tim mạch... luôn trong tình trạng sẵn sàng 24/24 giờ khi có yêu cầu. Gần 200 cán bộ, y tá, bác sĩ của BV cũng đã được huy động sẵn sàng trực cấp cứu cho bệnh nhân trong những ngày Tết.

 

Mải lo chống rét, quên bỏng rình rập

Trước thời tiết lạnh giá kéo dài, nhiều người dân, đặc biệt tại các gia đình ở vùng cao, nông thôn vẫn có thói quen đốt củi thành đống để sưởi ấm. Thói quen đó tưởng chừng như vô hại nhưng chính nó lại gây ra những vụ tai nạn bỏng đáng tiếc, để lại di chứng nặng nề cho nạn nhân.

Vô vàn kiểu bỏng do sưởi

Những ngày cận Tết, tại khoa bỏng của Viện Bỏng quốc gia, bệnh nhận nhập viện có chiều hướng tăng bất thường, với nhiều cấp độ khác nhau phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Các bác sĩ, y tá của viện mải miết thực hiện công tác cấp cứu cho những trường hợp bị bỏng. Theo người nhà bệnh nhân Trần Văn T., 22 tuổi ở Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang kể lại thì T. bị bỏng do ngã vào đống lửa mà gia đình đốt để sưởi ấm cho cả nhà. Hôm đó sau khi đi làm về T. chạy vào bếp để làm ấm người, vừa hút xong điếu thuốc lào thì bị say thuốc ngã vật xuống đúng vào đống than củi khiến cho toàn bộ chân trái của T. bị bỏng sâu. Rất may người trong nhà phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu. Chị Nguyễn Thị H., quê ở Sơn La khi được người nhà đưa vào cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng khá nguy kịch. Toàn bộ phần da thịt phía bên phải mặt biến dạng do bị than đốt cháy, sức nóng của than cũng ăn sâu vào tận xương bả vai phải khiến xương cháy xém. Theo các bác sĩ đang điều trị cho biết chị bị bỏng độ 5, cháy mất tai phải. Nguyên nhân cũng do nạn nhân dùng củi để sưởi không may ngã vào đống than. Với cụ bà Quách Thị T., 75 tuổi, dân tộc Mường, nằm tại khoa cấp cứu của Viện đã gần 1 tháng. Cụ bà bị bỏng toàn thân độ 4. Theo người nhà cho biết thì cụ vấp ngã vào đống củi đốt giữa nhà. Khi phát hiện ra thì toàn bộ quần áo trên người cụ đã bị than đốt xém hết. Vết bỏng nặng nhất kéo dọc xương sống, cháy đến tận xương. Sau một tháng điều trị tích cực đến nay sức khỏe của cụ T. mới đang dần bình phục.

Bỏng mùa lạnh tăng độ khó cho việc cấp cứu

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Đỗ Lương Tuấn, trưởng khoa bỏng người lớn, Viện Bỏng quốc gia cho biết: trong đợt lạnh vừa qua số lượng bệnh nhân nhập viện do bị bỏng tăng nhiều so với cùng thời điểm trong năm trước. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua đã có gần 50 trường hợp (kể cả số đã xuất viện). Thời điểm hiện tại khoa đang điều trị cấp cứu cho 10 trường hợp bị  bỏng nặng (độ 4-5) trong đó có quá nửa là bỏng do sửa ấm bằng than củi. Theo BS. Tuấn, những trường hợp bị bỏng do than củi thường để lại di chứng rất nặng nề. Vì những trường hợp này phần lớn là người già, người đang ốm nên khi đó cơ chế phản xạ bị hạn chế, do vậy khi vô tình bị ngã vào lửa thường phản ứng rất chậm nên dễ bị bỏng nặng, bỏng sâu. Việc điều trị cho những nạn nhân như vậy vô cùng khó khăn, đặc biệt trong thời tiết giá rét như hiện nay, bởi phần lớn bệnh nhân đã bị bỏng thường phải mặc mỏng để đảm bảo công tác điều trị. Với thời tiết lạnh như hiện nay thì vừa phải giữ ấm cho bệnh nhân đồng thời phải làm mát cho vết thương là điều không phải dễ. Viện đã lắp đặt hệ thống sưởi ấm bật 24/24 giờ ở tất cả các phòng trong khoa, đồng thời các y bác sĩ được tăng cường kiểm tra đảm bảo độ ổn định cho các vết thương của bệnh nhân.

BS. Tuấn cũng đưa ra lời khuyến cáo cho người dân trong việc làm ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh: đối với những gia đình dùng các thiết bị có chức năng sưởi ấm như quạt sưởi, lò sưởi, bóng đèn sưởi… thì cần tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác sản phẩm như khoảng cách, điện áp, công suất. Trường hợp sưởi ấm thủ công như đốt than, củi thì phải ngồi ở một khoảng cách an toàn, lửa đốt vừa phải không cho cháy to phòng hỏa hoạn. Với những trường hợp bị tai nạn do sưởi ẩm thì cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt. Làm mát vết bỏng cho nạn nhân bằng nước hoặc khăn ướt ở nhiệt độ 18-20 độ C liên tục từ 15-20 phút sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến  bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.           

Ngứa khi trời lạnh, vì sao?

Rất nhiều người bị ngứa toàn thân mỗi khi trời lạnh, đặc biệt trời càng lạnh càng ngứa dữ dội. Nguyên nhân là khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các axít hữu cơ khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.

Da bị khô gây ngứa

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, ngoài các nguyên nhân gây ngứa do viêm da như mày đay, vẩy nến, á sừng, mụn nhọt,... thì hiện tượng ngứa khi trời lạnh là do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô. Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ như axít organic cùng với mồ hôi. Các axít hữu cơ có tác dụng giữ cho da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các axít hữu cơ khiến da bị khô, và nứt nẻ sinh ngứa.

Biểu hiện của tình trạng ngứa do thời tiết lạnh có thể từ lâm râm đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ngủ. Nhiều người do ngứa không chịu được gãi làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. 

Vệ sinh da để hạn chế ngứa

Các bác sĩ da liễu cho biết, ngứa do thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Nhưng thường khi thời tiết ấm lên thì hiện tượng ngứa cũng giảm hoặc chấm dứt. Để hạn chế bị ngứa điều quan trọng là cần vệ sinh da sạch sẽ. Vào mùa đông, cơ thể ít tiết mồ hôi, ít bụi bặm nhưng vẫn cần tắm rửa thường xuyên, nhất là cần vệ sinh vùng kín, nách, bẹn,... để da sạch, thông thoáng. Khi tắm chỉ nên dùng nước đủ ấm, không chà xát da mạnh khi tắm. Đặc biệt những người bị ngứa thường rất hay ngâm mình trong nước nóng rất lâu để cho bớt ngứa nhưng càng dùng nước nóng lâu càng làm cho da mất hết chất nhờn, mau khô, nứt nẻ, càng ngứa hơn. Khi tắm xong cần lau khô nước bằng khăn bông mềm, sau đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp lên da. Khi bị ngứa dữ dội kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc hoặc gãi mạnh gây trầy xước gây nhiễm trùng, viêm da.           

Ăn gì để chống rét?

Mùa Đông khí trời lạnh lẽo, dễ trở thành hàn tà gây bệnh cho con người nhất là người già và trẻ em. Bởi vậy cần ăn những thức bổ dưỡng và ấm nóng để nâng cao sức đề kháng. Để cùng tham khảo, dưới đây xin giới thiệu một số món ăn có tác dụng chống rét.

- Canh hoa bách hợp, nhân sen, thịt nạc: Hoa bách hợp (cần dựa vào sức khỏe, thể trạng gầy, béo, tuổi tác để định lượng cho phù hợp) từ 30 - 100g, nhân hạt sen và thịt nạc cũng khoảng từ 30 - 100g. Nấu canh ăn, cứ cách 1 - 2 ngày ăn một lần.

- Canh cá chép đậu đỏ: Cá chép tươi 500g, đậu đỏ hạt nhỏ 100g, cùng gừng, vỏ quýt lượng vừa đủ, nấu thành canh ăn, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần.

- Canh thịt gà trống: Gà trống to chừng 500g, vặt sạch lông, mổ bỏ nội tạng, cho vừng, rượu gạo ninh nhừ thành canh ăn.

- Bồ câu trắng ninh nhừ: Bồ câu trắng mới nở 1 con vặt sạch lông, mổ bỏ ruột ngũ tạng, nhét vào bụng chim gồm ba kích thiên, hoài sơn, câu quất, mỗi thứ từ 15 - 20g, rồi cho vào nồi đổ nước vừa đủ ninh nhừ, mỗi tuần ăn 1 đến 2 bữa. Người có tính nhiệt hay thận có vấn đề thì không ăn món này.

- Gà gô hầm: Gà gô to chừng 500g, làm sạch mổ bỏ lòng ngũ tạng, nhét vào bụng gà gô các thứ sa sâm, ngọc trúc, câu quất, quế chi mỗi vị chừng 30g, cho vào nồi đổ nước vừa đủ ninh nhừ thành canh, tra ít gia vị vừa ăn. Mỗi tuần cần ăn từ 1 - 2 lần.

- Ruột cá trắm hấp trứng: Lấy ruột cá trắm 60g, cho vào 2 quả trứng gà khuấy tan đều cho lên bếp khi trứng chín, đem ra ăn.

- Món mật o­ng: Mỗi lần uống từ 10 - 30g mật o­ng giúp bổ tỳ, nhuận phổi, nhuận tràng, giải độc,. Các cụ già hay bị táo bón có thể lấy 60g mật o­ng, sữa bò 150g, một chút ít nước hành ép đun chín, cho vào trộn đều ăn vào buổi sáng rất hiệu nghiệm.   

5. Bình Định: Bệnh viện đa khoa tỉnh lần đầu thực hiện phẫu thuật tim hở

Được sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh việnViệt Đức do PGS.TS. Nguyễn Viết Ước, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, các thầy thuốc của BVĐK tỉnh Bình Định đã tiến hành phẫu thuật tim hở  thành công cho 2 bệnh nhân Nguyễn Văn Cang, 22 tuổi, ở thôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn  được chẩn đoán thông liên thất, tăng áp động mạch phổi, suy tim độ 3 và bệnh nhân Trần Địch, 45 tuổi, ở thôn Tân Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định với chẩn đoán thông liên nhĩ, hở 2 lá, giãn tim phải, tăng áp phổi. 7 ngày sau mổ, đến nay 2 bệnh nhân đã  khỏe mạnh, tiếp xúc rất tốt và chuẩn bị ra viện.

6. Món ăn ngày Tết có chứa transfat?

Theo một thống kê, tiêu thụ thực phẩm trong các dịp Tết thường tăng 20-30%. Cùng với việc tất bật lo toan sắm sửa cho mùa Tết, các bà nội trợ còn phải tăng cường bảo vệ sức khỏe cho gia đình trước sự rình rập của transfat - chất béo chuyển hoá, nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Chọn thực phẩm thế nào?

Ngay từ đầu tháng chạp, thị trường thực phẩm Tết đã khá nhộn nhịp ở mọi nơi. Do đặc trưng của Tết Nguyên đán nên các sản phẩm thường xoay quanh hai tiêu chí chính là nhiều và đẹp, chất lượng của một số loại thực phẩm vì thế cũng ít nhiều bị lơ là. Một số nhà sản xuất lạm dụng các thành phần, nguyên liệu có chứa chất gây hại cho sức khoẻ tim mạch như transfat. 

Nghiên cứu về vấn đề này, Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã kết luận: Transfat gây hại cho sức khỏe hơn cả các chất béo bão hoà thường có trong mỡ động vật mà ta thường biết. Nguyên nhân là do chất béo transfat làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Nguy hại là vậy nhưng transfat lại có mặt trong khá nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, nhất là các sản phẩm có sử dụng dầu chiên có thể không đảm bảo chất lượng vì đã qua quá trình hydro hoá ở nhiệt độ cao - nguyên nhân chính làm sinh ra transfat - chẳng hạn như một số loại mỳ ăn liền, khoai tây chiên, gà rán… Tuy nhiên, do thành phẩm làm ra tươi ráo, màu sắc đẹp và để được lâu, giá thành hạ…, nên một số nhà sản xuất vẫn lạm dụng dầu chứa transfat này, “quên” những khuyến cáo về sức khỏe tim mạch của các chuyên gia y tế.

Các món ăn truyền thống có an toàn?

Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng chuộng ẩm thực truyền thống với các món thông dụng như bánh chưng, dưa hành, giò lụa… Điều gì sẽ xảy ra khi các món ăn này chứa transfat? Thật may mắn là nguy cơ chính về transfat ít khi nằm trong các món ăn truyền thống, vì các món ăn chế biến trong gia đình thường chỉ chứa transfat tự nhiên có hàm lượng cực kỳ thấp. Lượng transfat công nghiệp chứa trong các thực phẩm chế biến sẵn vốn được ưa thích như một số loại mì ăn liền, bánh ngọt, khoai tây chiên, gà chiên… mới thực sự là mối đe doạ. Để ngày xuân thêm trọn vẹn, các bà nội trợ hãy quan tâm đặc biệt đến khâu chọn thực phẩm. Hãy chọn những sản phẩm không có transfat vì một năm mới an lành và khỏe mạnh cho cả gia đình.  PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên các bà nội trợ: “Ðể bảo vệ sức khỏe tim mạch cho gia đình trong mùa Tết, người tiêu dùng chỉ nên chọn những thực phẩm ghi rõ thông tin không có trans fat trên bao bì”.       

5 bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa

Thời tiết chuyển mùa gần như là yếu tố đặc trưng của khí hậu nước ta. Đây là một yếu tố tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt ở người cao tuổi. Sự giảm chức năng hoạt động hệ tim mạch và hệ miễn dịch là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến một số bệnh đặc thù. Sau đây là một số bệnh dễ xảy ra ở người cao tuổi trong các thời điểm này.

Viêm khớp gối:

Đây là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất. Lý do cơ bản là do thoái hoá xương, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Vào mùa lạnh, các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn máu. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang… Người bệnh ít khi sốt, trong các trường hợp này, nên vận động chân từ từ, sau một vài động tác sẽ giảm đau cho khớp. Có thể dùng một số loại rượu thuốc để xoa bóp nhằm làm tăng lượng máu lưu thông tại chỗ. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.

Đau lưng:

Vấn đề đau lưng dường như là một công thức mang tính quy luật. Ngày thường cũng đã có hiện tượng đau lưng nhưng vào những ngày chuyển mùa, đau lưng trở nên rõ ràng hơn. Nguyên do chủ yếu là do thoái hoá xương cột sống, cột sống không còn thẳng mà bị “còng”. Đau lưng vào những ngày này gây ra hiện tượng khó nằm, khó ngủ, nằm đau, ngồi cũng đau. Biện pháp xoa bóp là hiệu quả nhất vì làm tăng lượng lưu thông máu đến vùng bị tổn thương này. Hãy xoa bóp chính giữa cột sống và khối cơ hai bên ở vùng thắt lưng. Việc sử dụng thuốc giảm đau tỏ ra công hiệu nhưng phải tuyệt đối sử dụng theo chỉ định của bác sĩ vì những tác dụng phụ nghiêm trọng của nó trên người cao tuổi.

Cứng khớp và khó vận động:

Tự nhiên ngủ dậy, không vận động được khớp cổ tay, khó vận động khớp bàn ngón tay, khớp gối, cổ chân. Người cao tuổi khó thực hiện được các động tác nhỏ như đi lại, cầm bát đũa. Đây là hiện tượng cứng khớp ở người già. Không giống như trong các bệnh có hiện tượng cứng khớp như viêm khớp dạng thấp, tình trạng này xảy ra là do các khớp không tiết đủ các chất nhờn bôi trơn cho vận động. Đây là dấu hiệu thoái thoá khớp dạng khô khớp. Để giảm mức độ, người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục, đi lại, phân phối thời gian nằm và vận động hợp lý. Vận động từ từ vào buổi sáng, các màng hoạt dịch sẽ được tái kích hoạt và tiết dịch bôi trơn nhiều hơn.

Viêm đường hô hấp:

Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết hanh, khô hoặc ẩm thấp. Trong những điều kiện thời tiết như thế, đường hô hấp rất dễ bị bệnh như: viêm mũi họng, viêm khí quản phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Nhất là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào thì gần như là tuyệt đối. Ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè… là những dấu hiệu cơ bản. Giữ phòng ngủ có một không khí ấm áp vào mùa đông và mát mẻ, không ẩm thấp vào mùa hè là những biện pháp tránh những bệnh đường hô hấp cho người cao tuổi.

Đột qụy não:

Tuổi cao là yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh mạch máu não như bệnh đột qụy não. Đó là vì ở giai đoạn này, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, lại hay kèm theo bệnh tăng huyết áp khi tuổi xế chiều. Thời điểm dễ xảy ra trong ngày là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể người. Trong các trường hợp nặng, người bệnh qụy ngã đột ngột và bất tỉnh. Chuyển ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tập thể dục nhẹ nhàng nhưng thường xuyên, ăn uống cân đối, đa dạng, lưu ý chất béo và có một cuộc sống tinh thần thoải mái được coi là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Không thay đổi được tuổi nhưng ta có thể thay đổi thói quen hút thuốc và uống rượu, bia. Tinh thần thoải mái là biện pháp sống khoẻ ở người cao tuổi.

Trong mọi trường hợp cần hết sức lưu ý vì người cao tuổi có những đặc thù riêng về sức khoẻ và tâm lý. Hãy đưa người cao tuổi đi khám nếu có những dấu hiệu bất thường và xử lý các vấn đề về sức khoẻ theo hướng dẫn chuyên khoa.

 Người cao tuổi lưu ý những dấu hiệu cảnh báo đột qụy

- Đột ngột xuất hiện tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân).

- Ngất hoặc nặng hơn là hôn mê.

- Mất khả năng nói (thất ngôn) hoặc rối loạn khả năng nói hay hiểu lời nói.

- Đột ngột có những rối loạn thị giác ở một hay hai mắt: nhìn đôi, lác…

- Đột ngột mất khả năng thăng bằng và phối hợp động tác.

- Đột ngột đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân.

Các dấu hiệu trên có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại bình thường. Hiện tượng đó được gọi là cơn thiếu máu não thoảng qua.

Thiếu máu não thoảng qua là những dấu hiệu báo trước cực kỳ quan trọng của đột qụy và người bệnh cần được nhập viện ngay. Đừng sai lầm bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo này, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.                     


Ung thư - Bệnh của tế bào

Quá trình phát triển bệnh ung thư

Trong suốt cuộc đời con người có thường có sai lạc và có sự sửa chữa. Trong quá trình phát triển và duy trì cuộc sống, đôi khi có các tế bào bị biến đổi do nhiều yếu tố khác nhau từ ngoại cảnh hoặc ngay trong bản thân cơ thể. Sự biến đổi tế bào có thể từ nhẹ đến nặng theo nhiều mức độ khác nhau. Nếu biến đổi ở mức nhẹ, cơ thể sẽ sửa chữa những hỏng hóc nhỏ này. Nếu biến đổi nặng hơn có thể đến mức ác tính, cơ thể không sửa chữa được sẽ bỏ tế bào này đi và thay thế bằng các tế bào khác. Tuy vậy, trong một thời điểm nào đó, hệ thống sửa chữa này bị yếu đi hoặc “lơ là mất cảnh giác”, các tế bào bị biến đổi có thời cơ tồn tại và nhân lên đến số lượng quá lớn không thể tiêu diệt được nữa. Lúc này cho dù cơ thể huy động mọi lực lượng bảo vệ cũng không xuể. Đồng thời, hệ thống điều hoà phát triển, hệ thống điều hoà biệt hoá trở nên vô dụng đối với “đội quân” này. Đây là mốc quan trọng, khởi phát bệnh ung thư sau này.

Ở giai đoạn tiếp theo, “đội quân” tế bào ác tính sẽ nhân lên, bành trướng ra xung quanh, số lượng tăng lên từ khoảng 1.000 tế bào lên 1.000.000 tế bào. Với số lượng tế bào như vậy, tuy đã tạo thành khối u nhưng cũng còn rất nhỏ để có thể phát hiện bằng các phương tiện hiện nay.

Tất cả quá trình nói trên chiếm tới 75% thời gian phát triển của bệnh ung thư, trung bình 15-20 năm. Một số ít ung thư có quá trình này ngắn hơn nhưng cũng có loại có thời gian dài hơn. Tiếp theo, khối u ác tính xâm lấn vào vùng xung quanh do các tế bào ung thư có khả năng di động dễ dàng và khối u có khả năng làm tiêu đạm vùng xung quang làm cho vùng này lỏng lẻo hơn. Trong khi khối u ác tính phát triển, một hoặc nhiều tế bào ung thư có khả năng tách ra, di chuyển đến vị trí mới cách xa khối u cũ và tiếp tục phát triển thành một ổ mới gọi là ổ di căn hay vị trí di căn. Còn vị trí hình thành bệnh được người ta gọi là u nguyên phát. Ổ di căn này có những đặc điểm giống hệt những đặc điểm của u ban đầu và các ổ di căn khác. Tế bào ung thư có thể di căn theo các cách sau:

- Tế bào ung thư đi vào trong mạch máu, tự trôi theo dòng máu, mắc lại ở một nơi nào đó (thường ở các mạch máu nhỏ) và sinh sôi, tăng trưởng ở đó. Phổi và gan là những nơi có mạng lưới mạch máu dày đặc nên tế bào ung thư hay mắc ở đó nên là những nơi hay gặp di căn nhất.Trên đường đi tới “miền đất mới”, có nhiều tế bào bị chết dọc đường. Vì vậy, để có ổ di căn mới, phải cần rất nhiều tế bào tách ra khỏi khối u.

- Con đường thứ hai là bạch huyết. Hệ bạch huyết là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như mạch máu, toả khắp cơ thể, gọi là bạch mạch có chất dịch gần như trong suốt lưu thông ở trong, có nhiệm vụ chính bảo vệ cơ thể. Dọc đường đi của bạch mạch có các hạch bạch huyết nhỏ hình hạt đậu. Tế bào ung thư sau khi tách khỏi u nguyên phát có thể xâm nhập vào mạng lưới bạch mạch rồi mắc lại ở các hạch bạch huyết.  

- Ung thư có thể di căn theo các lối đi ít bị cản trở vào các hốc, ống trong cơ thể. Ví dụ: ung thư dạ dày sau khi xâm lấn qua thành dạ dày, các tế bào có thể bong ra, rơi vào trong ổ bụng gây di căn ở buồng trứng.

- Ung thư cũng có thể di căn do kỹ thuật mổ không đúng. Một con dao mổ cắt ngang qua khối u, dính đầy tế bào ung thư nếu để chạm vào các mô lành sẽ cấy các tế bào vào các mô đó.

Hậu quả của ung thư đối với cơ thể

Tại vị trí nguyên phát, nếu không điều trị ngăn chặn kịp thời, khối u phát triển làm phá huỷ mô lành xung quanh, làm hỏng các chức năng và gây đau đớn. Điều đáng nói là ung thư rất hay di căn vào các cơ quan quan trọng của cơ thể làm hỏng các cơ quan này và là nguyên nhân chủ yếu làm người bệnh tử vong. Các tế bào ung thư sinh ra những độc tố hoặc các chất nội tiết không cần thiết gây rối loạn chuyển hoá, làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Ung thư cũng gây trục trặc hệ thống miễn dịch, khả năng chống các bệnh nhiễm trùng giảm. Ung thư gây mất cân bằng dinh dưỡng làm cơ thể suy mòn và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Ngày 30/01/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp các nguồn tin)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích