|
Ảnh minh họa - nguồn: Internet |
30 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện ở các tỉnh Bắc Trung Bộ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoạt động
Qua khảo sát thực tế hiện nay, các Trung tâm Y tế Dự phòng huyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế mới chia tách, thành lập nhưng chưa có cơ sở hạ tầng, thiếu thốn trầm trọng về cả trang thiết bị và nguồn nhân lực nên rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp đỡ giải quyết vấn đề này. Thực trạng tình hình Theo các nghiên cứu, đánh giá gần đây; tỷ lệ các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm ở khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ khá cao nhưng hệ thống y tế dự phòng tại đây trong nhiều năm qua chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, cán bộ y tế dự phòng thiếu cả về số lượng và chất lượng, trang thiết bị hoạt động còn sơ sài... Đặc thù của các tỉnh Bắc Trung Bộ là có địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn; hoạt động y tế dự phòng tại các tỉnh này còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, ngân sách đầu tư cho y tế dự phòng còn thấp nên không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Theo mô hình mới, các Trung tâm Y tế Dự phòng huyện hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều Trung tâm mới được chia tách, cán bộ y tế còn thiếu và chưa ổn định. Cơ sở vật chất ở nhiều nơi chưa có, phải sử dụng cơ cở làm việc nhờ bệnh viện hoặc các đơn vị khác. Trang thiết bị và kinh phí đầu tư cho các hoạt động y tế dự phòng rất thiếu. Cơ chế hợp tác và triển khai các hoạt động y tế trên địa bàn huyện, nhất là mối quan hệ với Phòng Y tế huyện, các Trạm Y tế xã còn hạn chế và chưa ổn định. Do thiếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nguồn kinh phí, phương tiện, trang thiết bị và cơ chế làm việc nên các hoạt động y tế dự phòng ở tuyến huyện hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ. Qua khảo sát, hệ thống y tế dự phòng huyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm 85 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện đã chia tách và thành lập. Trung tâm Y tế Dự phòng huyện có nhiệm vụ chính là phòng chống dịch bệnh, quản lý sức khỏe sinh sản, quản lý sức khỏe trẻ em, quản lý triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng... Vì vậy, phải khẳng định và thừa nhận rằng vai trò của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện đóng góp rất lớn vào các chỉ số sức khỏe và bệnh tật; đồng thời trung ương đã có chỉ đạo nguồn kinh phí chi cho các hoạt động y tế dự phòng phải dành khoảng 30% tổng số nguồn kinh phí chi cho y tế. Nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng huyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là rất lớn, trong khi đó chưa có nguồn vốn đầu tư. Đứng trước thực trạng tình hình này, Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ đầu tư, giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất hoạt động cho một số Trung tâm Y tế Dự phòng huyện thuộc các tỉnh đang còn gặp nhiều khó khăn. 30 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện được lựa chọn đầu tư Mục tiêu của Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ vay vốn Ngân hàng Thế giới trong thời gian 6 năm, từ năm 2010 đến năm 2016 là hỗ trợ để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Vì vậy, dự án không thể tập trung toàn bộ nguồn lực để hỗ trợ cho tất cả hệ thống y tế dự phòng huyện mà sẽ hỗ trợ cân đối giữa hệ điều trị của bệnh viện và hệ y tế dự phòng. Do nguồn lực của Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ có hạn nên tiêu chuẩn để lựa chọn của dự án là tập trung hỗ trợ các huyện nghèo, gặp nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh... Các huyện còn lại của các tỉnh sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ khác hoặc từ ngân sách của Chính phủ. Trong số 85 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ mới được chia tách, thành lập; dự án chọn lựa 30 Trung tâm Y tế Dự phòng để tập trung đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị chuyên môn kỹ thuật hoạt động. Tại tỉnh Thanh Hóa gồm 7 huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Bá Thước. Tại tỉnh Nghệ An gồm 7 huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn. Tại tỉnh Hà Tĩnh gồm 4 huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê. Tại tỉnh Quảng Bình gồm 4 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch. Tại tỉnh Quảng Trị gồm 4 huyện ĐaKrông, Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 4 huyện Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc. Trong số 30 Trung tâm Y tế Dự phòng huyện đã được lựa chọn, những địa phương nào có đủ điều kiện về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục tái định cư để giải phóng mặt bằng... sẽ được đầu tư trước. Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục được xem xét đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Theo nguyên tắc đầu tư này, trên cơ sở đề nghị và thống nhất của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ phù hợp với quy hoạch đầu tư các Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, dự án sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với khối nhà hành chính và khối nhà hoạt động chuyên môn để tiếp nhận trang thiết bị triển khai các hoạt động chuyên môn của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện. Hai khối nhà hành chính và khối nhà hoạt động chuyên môn phải nằm trong quy hoạch tổng thể cùng với các khối nhà khác dự kiến sau này được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương hoặc từ nguồn ngân sách của Chính phủ để tạo thành một Trung tâm hoàn chỉnh, tránh tình trạng phá bỏ hoặc không đồng nhất về quy hoạch giữa các khối nhà của Trung tâm. Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ đầu tư xây dựng khối nhà chuyên môn gồm các khoa chuyên môn, đào tạo, chỉ đạo ngành với quy mô diện tích xây dựng khoảng 600 m2 và tổng chi phí khoảng 200.000 USD cho mỗi Trung tâm Y tế Dự phòng huyện. Các hạn mục còn lại được đầu tư bằng các nguồn khác của địa phương và trung ương. Sau khi cơ sở vật chất được xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng, Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ cung cấp trang thiết bị chuyên môn kỹ thuật phù hợp cho hoạt động chuyên môn cần thiết với vốn đầu tư cũng khoảng 200.000 USD cho mỗi Trung tâm Y tế Dự phòng huyện để đáp ứng nhiệm vụ công tác y tế dự phòng trên địa bàn huyện.
|