Hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn
Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn được Bộ Y tế giao công tác phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. là nơi có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là gần đây có sự gia tăng tỷ lệ mắc sốt rét, tử vong do sốt rét và bệnh nhân sán lá gan lớn nên công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và tăng cường nguồn nhân lực y tế. Hoạt động khoa học công nghệ Thực hiện công văn số 6186/BYT-K2ĐT ngày 4/10/2011 của Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế về việc báo cáo định kỳ nhiệm vụ KHCN lần 2/2011. Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn tổ chức đánh giá tình hình thực hiện công tác KHCN 5 năm 2006-2010 và năm 2011 như sau: Hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010 Mặc dù kinh phí hạn hẹp, giai đoạn 2006-2010 Viện đã triển khai 9 đề tài cấp Bộ, trong đó có 7 đề tài đã nghiệm thu. Hàng năm Viện thực hiện trên dưới 10 đề tài cơ sở và các hoạt động khoa học khác phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Các đề tài nghiên cứu KHCN của Viện tập trung giải quyết chủ yếu các vấn đề giảm tỷ lệ mắc sốt rét, giảm tử vong do sốt rét đặc biệt là nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy, dân di cư tự do, tìm ra các yếu tố nguy cơ và biện pháp can thiệp cho các đối tượng này và tại một số xã có tình hình sốt rét dai dẳng. Nghiên cứu vectơ truyền bệnh sốt rét - muỗi Anopheles, thành phần loài, tập tính, vai trò truyền bệnh, sự nhạy, kháng với hóa chất diệt côn trùng. Ứng dụng công nghệ sinh học nghiên cứu thành phần loài, định loại muỗi bằng kỹ thuật PCR. Thực hiện các đánh giá hiệu lực thuốc sốt rét đang sử dụng đối với ký sinh trùng sốt rét. Tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm các loại giun sán, trong đó đặc biệt là bệnh sán lá gan lớn, xây dựng các biện pháp phòng chống. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng có hiệu quả trong việc khống chế tình hình sốt rét, trong các năm qua bệnh sốt rét đã giảm mạnh, không còn xảy ra vụ dịch nào. Bệnh sán lá gan lớn cũng đã được kiểm soát, điều trị kịp thời. Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu KHCN là kinh phí. Hàng năm kinh phí cho nghiên cứu khoa học của Chương trình Mục tiêu phòng chống sốt rét là 350 triệu, Viện trích từ nguồn chi sự nghiệp vào khoảng 500-600 triệu cho nên kinh phí cho một đề tài rất thấp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN (chủ yếu là ngân sách nhà nước bao gồm từ nguồn Mục tiêu PCSR và ngân sách sự nghiệp) thực hiện từ 2006 đến tháng 6 năm 2010 là 3,52 tỷ và ước thực hiện đến hết tháng 12 năm 2010 là 4,82 tỷ. Việc tuyển chọn các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước rất khó khăn. Năm 2009 được sự tài trợ của Tổ chức y tế thế giới Viện triển khai các đề tài đánh giá hiệu lực thuốc sốt rét với tổng số tiền là 564 triệu. Các thử nghiệm hóa chất, thuốc do các công ty, tổ chức đặt hàng hầu như không có. Do tính đặc thù của bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng khác là những bệnh xã hội được nhà nước bao cấp, nên việc thu từ các nghiên cứu hầu như không có, hiệu quả được hưởng từ các nghiên cứu là cộng đồng, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Hoạt động khoa học công nghệ năm 2011 Thực hiện hướng dẫn của Vụ Khoa học - Đào tạo, năm 2011 Viện đề xuất 3 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu sự thay đổi của mùa truyền bệnh sốt rét dưới tác động của biến đổi khí hậu và hiệu quả các biện pháp can thiệp theo đỉnh bệnh sốt rét hiện nay. Nghiên cứu giải trình tự và phân tích phả hệ của phức hợp An.minimus, loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên bằng các chỉ thị di truyền gen ty thể (COI, COII) và gen nhân (ITS2). Nghiên cứu triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó ở người bằng Albendazole tại một số điểm thuộc miền Trung, Việt Nam. Trong danh mục đề xuất tuyển chọn vừa qua, đề xuất đầu tiên đã trúng tuyển và tác giả đang hoàn chỉnh đề cương chi tiết để trình Hội đồng Bộ phê duyệt. Về các đề tài NCKH cấp cơ sở, năm 2011 Viện triển khai 18 đề tài phục vụ công tác chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh trong khu vực, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1,4 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách sự nghiệp. Nhìn chung tất cả các đề tài đều đang thực hiện đúng tiến độ, sắp kết thúc và chuẩn bị nghiệm thu vào tháng 02/2012. Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và phòng khám bệnh chuyên ngành đáp ứng yêu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước, góp phần giải quyết các bệnh ký sinh trùng nổi trội ở khu vực như sán lá gan lớn, ấu trùng giun đũa chó/mèo, giun lươn, giun đầu gai, sán dây, ấu trùng sán lợn… Kế hoạch khoa học công nghệ Trong giai đoạn tiếp theo (2012-2015) Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn ưu tiên thực hiện nhiệm vụ KHCN như Phòng chống sốt rét tại những nơi giao lưu biên giới, đề xuất các biện pháp thống nhất phù hợp cho vùng biên giới. Nghiên cứu nội dung thông điệp truyền thông và kênh truyền thông giáo dục truyền thông phù hợp với nhóm dân giao lưu biên giới; sản xuất và cung cấp vật liệu truyền thông; tổ chức truyền thông giáo dục nhằm hạn chế nhiễm bệnh do giao lưu biên giới. Nghiên cứu sinh học phân tử ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, phân biệt tái phát/ tái nhiễm, đột biến phân tử kháng thuốc bằng kỹ thuật PCR và các kỹ thuật sinh học phân tử khác; nghiên cứu dịch tễ học kháng thuốc và xây dựng bản đồ phân bố kháng thuốc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đánh giá nhạy cảm của véc tơ truyền bệnh chính với hóa chất hiện dùng, xác định cơ chế kháng hóa chất bằng các kỹ thuật sinh học phân tử. Nghiên cứu phòng chống bệnh sán máng và một số bệnh ký sinh trùng mới nổi như bệnh giun lươn, giun đũa chó, giun đầu gai... Nghiên cứu các liên quan của biến đổi khí hậu đến sự thay đổi thành phần loài, mật độ, tập tính, vai trò truyền bệnh của muỗi Anopheles, Aedes trong quá trình phòng chống sốt rét và sốt xuất huyêt. Nghiên cứu ký sinh trùng biển khu vực Nam Trung bộ theo Dự án của Viện Nghiên cứu Y học biển trình Bộ Y tế (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn thành lập Trung tâm nghiên cứu y học biển Nam Trung bộ). Trang bị la bô sinh học phân tử thông qua Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu nhằm bổ sung và hoàn thiện các trang thiết bị kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học cơ bản tại khu vực miền Trung về phòng chống sốt rét, phòng chống bệnh giun sán và véc tơ truyền bệnh. Thành lập Phòng xét nghiệm Trung tâm với một số la bo đạt chuẩn ISO 17025 (labo vi sinh, sinh học phân tử) đáp ứng mở rộng nghiên cứu mở rộng và dịch vụ khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực chuyên ngành và vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến bệnh ký sinh trùng. Tăng cường các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật theo hướng Nghị định 43 /NĐ-CP và 115/NĐ-CP như sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, KIT chuẩn đoán ký sinh trùng… Hoạt động đào tạo Hoạt động đào tạo Trong 34 năm qua (1978-2011), Viện đã đào tạo 34 khóa kỹ thuật viên trung cấp xét nghiệm chính quy và 3 khóa kỹ thuật viên trung cấp xét nghiệm không chính quy (vừa làm vừa học) với gần 1.200 học sinh tốt nghiệp, cung cấp đội ngũ cán bộ chuyên ngành cho các cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến địa phương. Từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật này các tỉnh trong khu vực đã đào tạo được màng lưới xét nghiệm viên rộng khắp, đặc biệt là tại các điểm kính hiển vi góp phần tích cực phát hiện sớm ký sinh trùng sốt rét ngay từ tuyến cơ sở và hạ thấp tỷ lệ bệnh sốt rét một cách tương đối vững chắc. Đội ngũ cán bộ khoa học Viện đồng thời là giảng viên thỉnh giảng hoặc giảng viên kiêm nhiệm tại các Trường Đại học Y Hà Nội, Học Viện Quân Y, Trưởng Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Quy Nhơn và một số Viện nghiên cứu thực hiện công tác đào tạo sau đại học như Viện Khoa học Việt Nam, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Tham gia đào tạo nhiều bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đạt chất lượng cao, bổ sung cho nguồn nhân lực làm công tác chuyên ngành tại các địa phương. Đào tạo lại chuyên ngành về các lĩnh vực dịch tễ học, ký sinh trùng học, côn trùng học, lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cũng như các bệnh ký sinh trùng cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ y tế các tuyến. Chuyển giao công nghệ cho các Viện nghiên cứu trong cả nước và một số tỉnh trong khu vực về dịch vụ phòng chống mối mọt, côn trùng, chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng… Kế hoạch đào tạo Nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật viên trung cấp cả về đội ngũ cán bộ giảng dạy và trang thiết bị phục vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành ở khu vực trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên. Xây dựng tài liệu giảng dạy chuyên ngành quy chuẩn và phối hợp với các Trường đại học y dược biên soạn tài liệu đào tạo sau đại học, viết sách chuyên khảo cập nhật các thông tin mới nhất trong lĩnh vực chuyên ngành. Tiếp tục mở rộng đào tạo lại chuyên ngành và chuyển giao công nghệ cho các tuyến y tế đảm bảo hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng. Thành lập Trường Trung cấp/Cao đẳng xét nghiệm ký sinh trùng-vi sinh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đang xây dựng đề án) theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế.
|