Hơn 7,3 triệu USD cho Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ tỉnh Thừa Thiên Huế
Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn năm 2010-2016 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng, đặc biệt ở tuyến huyện; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trong vùng. Tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư hơn 7,3 triệu USD để thực hiện các nội dung hoạt động của dự án. Mục tiêu và nội dung hoạt động của dự án Mục tiêu của dự án tập trung vào việc hỗ trợ cho hệ thống cung ứng dịch vụ y tế để nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ, đồng thời hỗ trợ để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được đến các dịch vụ y tế với hai nội dung cụ thể: - Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng tuyến huyện thông qua việc cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế dự phòng huyện và tăng cường năng lực quản lý. - Hỗ trợ để phát triển và phát triển tốt các chính sách bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, giúp người cận nghèo tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần bảo đảm sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đơn vị được thụ hưởng dự án này là Sở Y tế, bệnh viện đa khoa các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế; các trung tâm y tế dự phòng huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú vang, Phú Lộc; trường cao đẳng y tế; cán bộ y tế huyện trong toàn tỉnh và người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Các chỉ tiêu hoạt động chủ yếu của dự án Để thực hiện mục tiêu chung là tăng cường các dịch vụ y tế dự phòng, điều trị cấp huyện và cải thiện khả năng tiếp cận cho người dân khó khăn về kinh tế; chỉ tiêu hoạt động chủ yếu là tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ bệnh nhân nội trú, ngoại trú của người nghèo, cận nghèo tại bệnh viện huyện; giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh đối với các trường hợp sinh đẻ, viêm phổi trẻ em và viêm ruột thừa cấp; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tăng tỷ lệ các trung tâm y tế dự phòng huyện có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phù hợp theo quy định của Bộ Y tế để cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế dự phòng theo quy định. Để tăng cường độ bao phủ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, chỉ tiêu hoạt động chủ yếu là tăng tỷ lệ % người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; giảm số hộ cận nghèo phải chi cho y tế ≥ 40% so với thu nhập chỉ tiêu ngoài lương thực hàng năm. Nhằm nâng cao năng lực bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng huyện, chỉ tiêu hoạt động chủ yếu là tăng tỷ lệ số bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán tại bệnh viện huyện; tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân về chất lượng tổng thể các dịch vụ y tế tại bệnh viện huyện, giảm thời gian chờ đợi, tính sẵn có của dịch vụ và phương tiện chẩn đoán. Để nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ y tế, chỉ tiêu hoạt động chủ yếu là nâng cao năng lực đào tạo cán bộ y tế cho trường cao đẳng y tế; số bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa I ở các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng huyện; tăng tỷ lệ % cán bộ y tế được dự án hỗ trợ đào tạo dài hạn quay trở lại nơi làm việc cũ sau khi được đào tạo. Nguồn kinh phí được dự án hỗ trợ Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các hoạt động từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2016 với tổng kinh phí được đầu tư 7.341.300 USD, trong đó vay vốn 6.810.500 USD của Ngân hàng Thế giới và 530.800 USD vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được quản lý và thực hiện hoạt động theo các quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý dự án ODA (Official Development Assistant) có nghĩa là viện trợ phát triển chính thức, phù hợp với các điều khoản trong hiệp định vay vốn ký kết với Ngân hàng Thế giới. Trong công tác quản lý tài chính, dự án thực hiện theo quy định hiện hành về cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA. Nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới được cấp phát cho tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện dự án. Nguồn vốn đối ứng do ngân sách địa phương bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm bảo đảm phù hợp với tiến độ hoạt động của dự án. Vốn của dự án đầu tư để thực hiện hạng mục xây dựng các trung tâm y tế dự phòng huyện được quản lý, sử dụng theo quy định đối với việc quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Vốn của dự án để thực hiện các hạng mục hỗ trợ việc khám chữa bệnh cho người nghèo, cung cấp trang thiết bị, đào tạo cán bộ, dịch vụ tư vấn, giáo dục truyền thông, chi phí hoạt động gia tăng được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành đối với nguồn vốn hành chính sự nghiệp. Kinh phí đầu tư được sử dụng để giúp đỡ cho người nghèo, cận nghèo như hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, tiếp thị xã hội về bảo hiểm y tế người cận nghèo và truyền thông giáo dục, tăng cường năng lực quản lý bảo hiểm y tế. Hỗ trợ tăng cường dịch vụ y tế tuyến huyện như cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện huyện, thành phố; cung cấp trang thiết bị và xây dựng các trung tâm y tế dự phòng huyện. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như nâng cấp trường cao đẳng y tế bằng việc hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo giảng viên; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở cơ sở bằng việc đào tạo chuyên môn ngắn hạn về khám chữa bệnh, cận lâm sàng; đào tạo quản lý bệnh viện và trang thiết bị y tế; đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ hệ 2 năm; hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ tập trung 4 năm. Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816; đào tạo cán bộ y tế dự phòng huyện. Ngoài ra, một phần kinh phí cũng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý dự án như thuê chuyên gia, hợp đồng thêm nhân lực; tổ chức đào tạo, hội thảo; điều tra, giám sát, nghiên cứu và chi phí cho các hoạt động gia tăng. Dự án đầu tư để phát triển Với sự đầu tư, giúp đỡ của Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với các tỉnh khác thuộc khu vực Bắc Trung Bộ như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sẽ có điều kiện nâng cao cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng, đặc biệt là ở tuyến huyện; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân ở trong vùng theo mục tiêu chung đã được xây dựng.
|