Hai thầy thuốc tận tụy với lâm sàng và điều trị bệnh sốt rét tại Việt Nam
1. Giáo sư, tiến sĩ Trần Tịnh Hiền Trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, tên tuổi GS.TS Trần Tịnh Hiền gắn liền với những dịch bệnh quan trọng như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng sốt rét mới là mối quan tâm lớn nhất đời ông. Có thể xem ông là nhà nghiên cứu hàng đầu về sốt rét ở nước ta, với xấp xỉ 100 công trình nghiên cứu – là tác giả đầu tiên hoặc đồng tác giả – công bố trên các tạp chí thế giới. Tôi hỏi GS.TS Trần Tịnh Hiền vì sao ông lại gắn cuộc đời với lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét, ông trả lời: “Chỉ cần học sốt rét là học hết y khoa từ giải phẫu bệnh, sinh lý học, miễn dịch học, di truyền… cho đến điều trị và dự phòng. Trong y học chỉ có cứu người, chứ đâu có bệnh sang hay hèn, chuyên khoa tiếng tăm hay tầm thường”. Tuy thế, mọi chuyện dường như bắt đầu từ chữ “duyên”. Tháng 4.1975, ông đang là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Chợ Quán (tên cũ của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM). Những năm tháng đó nước ta đối mặt với dịch sốt rét nặng nề. Từ 1987 – 1990, mỗi năm cả nước có 900.000 – 1.200.000 ca sốt rét và 2.000 – 3.500 ca tử vong vì bệnh này. Nguyên nhân là tình trạng di dân mạnh mẽ của người dân vào những vùng có sốt rét lưu hành (SRLH), mạng lưới y tế yếu và các thuốc sốt rét thông thường không còn hiệu quả. Làm việc tại khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Quán, thầy thuốc trẻ Trần Tịnh Hiền thường xuyên bị ám ảnh vì những ca sốt rét ác tính (SRAT) tử vong, có ngày đến 6 – 7 ca. Bệnh sốt rét, một bài học đơn sơ trong giảng đường y khoa đã trở thành một thách thức quá to lớn. Tuy nhiên, con đường đến với nghiên cứu sốt rét của GS.TS. Hiền chỉ thật sự khởi đầu vào năm 1987, khi BS Keith Arnold từ Tổ chức Nghiên cứu Á châu của Roche (Roche Asian Research Foundation) ở Hong Kong đến thăm bệnh viện. Hai người không xa lạ với nhau vì BS Arnold là thầy dạy đại học Y khoa Sài Gòn trước năm 1975. | Một chuyến thực địa nghiên cứu sốt rét của GS Hiền (giữa) tại Di Linh – Lâm Đồng. Ảnh: CTV | Keith Arnold là chuyên gia dược động học. Năm 1980, ông tìm đến Trung Quốc gặp GS Lý Quốc Kiều (Li Guo Quao), một thành viên của Dự án 523, để hợp tác nghiên cứu sốt rét. Mỗi người có trong tay một vũ khí điều trị lợi hại: GS Kiều có artemisinin, BS Arnold có mefloquine. Hai năm sau, họ đứng tên chung trong một công trình công bố trên tạp chí The Lancet. “Vì sao BS Arnold muốn nghiên cứu artemisinin tại Việt Nam?”, tôi hỏi GS Hiền. Ông trả lời: “Arnold muốn làm những nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá tác dụng của artemisinin trên bệnh nhân, nhưng các bác sĩ Trung Quốc lúc bấy giờ chỉ thích điều trị vài chục bệnh nhân rồi báo cáo nên ông đã trở lại Việt Nam”.
Một ngày giữa tháng tư này, như thường lệ, “ông sốt rét” (tên thân mật gọi với GS. Hiền) lại rời khỏi nhà lúc tinh mơ, lên đường đi đến các điểm nghiên cứu sốt rét. Ở tuổi 62, ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn để theo đuổi “tình yêu” với sốt rét. Những chuyến đi như thế có thể đi về trong ngày, nhưng đôi khi kéo dài vài ngày, di chuyển toàn bằng ôtô, đến một thôn, xã nào đó của các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Lâm Đồng hoặc Khánh Hòa. Ông nói: “So với thời trước, nghiên cứu bây giờ khỏe lắm rồi, tài liệu trên mạng quá nhiều, tìm thông tin gì cũng có. Tuy nhiên, người nghiên cứu cũng phải ra ngoài đi thực địa rất xa, vì sốt rét bây giờ hầu như chỉ có ở những vùng xa xôi”. Không thể đếm xuể bao nhiêu chuyến nghiên cứu thực địa về sốt rét mà GS Hiền đã thực hiện từ ngày đầu cho đến nay, dễ cả trăm chuyến. Ông tâm sự: “Làm gì cũng phải có đam mê, nếu không có đam mê, gặp khó khăn là bỏ cuộc ngay”. Vai trò người trong cuộc Theo GS.TS Trần Tịnh Hiền, để thuốc sốt rét artemisinin có được một vị trí xứng đáng như ngày nay, bốn nhân vật đóng góp nhiều nhất cần phải được nêu tên: GS Tu Youyou – người chiết xuất thành công hoạt chất artemisinin, GS Lý Quốc Kiều – người đã chứng minh tác dụng artemisinin trên con người, BS Keith Arnold – người đưa artemisinin ra khỏi Trung Quốc để nghiên cứu một cách bài bản, và GS. Nick White – người hoàn thiện lý thuyết ACT cũng như thuyết phục WHO sử dụng rộng rãi phối hợp có artemisinin. GS.TS. Hiền đã đúng khi đầu tư mấy thập kỷ để nghiên cứu lâm sàng artemisinin. Thuốc kỳ diệu thật. Làm việc vào những năm đó, TS. Nguyễn Hoan Phú, phó khoa nhiễm Việt – Anh bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh kể: “So với các thuốc thông dụng, artemisinin mang lại kết quả bước đầu rất tốt. Nhờ nó mà nhiều bệnh nhân được cứu sống”. Diễn viên kiêm M.C Quyền Linh là một trường hợp. Một ngày nọ, bệnh sốt rét tái phát, anh vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mê sảng. Anh nói: “Tôi nằm viện cả tháng trời. Bác sĩ cho biết tôi bị sốt rét ác tính (SRAT). Nếu không có nỗ lực của y bác sĩ, không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi”. Sự tận tụy cứu người của nhân viên y tế là một lẽ, nhưng mãi đến bây giờ anh mới biết mình được cứu nhờ chương trình hợp tác nghiên cứu về artemisinin. Những nghiên cứu ban đầu về tác dụng của artemisinin ở Việt Nam trong khoảng 1990 – 2000 là nền móng cho các nghiên cứu sau này. Liên tiếp những bài báo trên tạp chí Y học hoàng gia Anh hay The Lancet đã chứng minh thuốc điều trị tốt sốt rét cơn hay sốt rét ác tính, trên người lớn và ở trẻ em. Một thành công khác là các nhà nghiên cứu đã chứng minh artemisinin tọa dược có thể cứu sống bệnh nhân hôn mê do sốt rét P. falciparum. Dựa trên những bằng chứng này, hơn mười năm sau Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện thành công một nghiên cứu tương tự ở châu Phi, cứu sống hàng ngàn trẻ em bị sốt rét. Từ ý tưởng phối hợp điều trị của BS Keith Arnold, GS.TS. Hiền đã thực hiện những nghiên cứu chứng minh hiệu quả dài ngày của phối hợp artemisinin + mefloquine. Đây là nền tảng cho lý thuyết về ACTs (Artemisinin based Combination Therapies), phối hợp artemisinin với các loại thuốc có thời gian tác dụng kéo dài để chống kháng thuốc, mà GS Nick White phát triển và được WHO chấp nhận. Ngoài hợp tác với BS Arnold, GS Hiền và nhóm nghiên cứu ở Việt Nam hợp tác với GS Lý Quốc Kiều “tinh luyện” thuốc CV8, từ phối hợp bốn chất thành phối hợp hai chất đơn giản mà hiệu quả là dyhydroartemisinin-piperaquine (Arterakin) thay cho phối hợp dùng mefloquine phải nhập khẩu và mắc tiền. Arterakin hiện nay là chủ lực của chương trình phòng chống sốt rét Việt Nam, hoàn toàn sản xuất trong nước. Với những đóng góp của GS Hiền và cộng sự, số tử vong vì sốt rét nặng ở Việt Nam giảm thật ngoạn mục: từ 4.646 ca (năm 1991) chỉ còn 25 ca (năm 2011)! Ghi nhận của cộng đồng quốc tế GS.TS Trần Tịnh Hiền được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về bệnh sốt rét. Từ năm 2000, ông là thành viên của nhóm nghiên cứu artemisinin hay phát triển thuốc sốt rét mới của MMV của WHO và nhiều lần được mời đi tập huấn sốt rét cho các quốc gia Tây Thái Bình Dương. Nhờ những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt rét, năm 2010 ông được Hiệp hội Y học nhiệt đới và Vệ sinh của hoàng gia Anh trao tặng huân chương danh giá Mackay. Năm qua, ông được bầu làm thành viên danh dự của hiệp hội Y học nhiệt đới Hoa Kỳ. Cùng năm đó, Ủy ban Y học châu Âu đã cho phép sử dụng thuốc chữa sốt rét Eurartesim® (dihydroartemisinin plus piperaquine phosphate) với những bằng chứng thuyết phục về hiệu quả ở Việt Nam do GS Hiền cung cấp. Giáo sư Trần Tịnh Hiền với Cà phê khoa họcTranh luận sôi nổi, thoải mái, cởi mở giữa các nhà khoa học và công chúng diễn ra quanh những chiếc bàn cà phê. Đây là mô hình hoạt động khoa học xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Sáng 5-3, bên ngoài giảng đường Trường ĐH Y Dược TPHCM, hơn 50 sinh viên (SV) đã giao lưu với TSMary Chambers (ĐH Oxford - Anh, Giám đốc chương trình Cà phê khoa học), GS-TS Trần Tịnh Hiền (Giám đốc nghiên cứu lâm sàng của OUCRU tại Việt Nam – thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford) cùng nhiều giảng viên, nhà khoa học khác. | Các diễn giả trong buổi “Cà phê khoa học” |
Thoải mái tranh luận Đây là lần đầu tiên mô hình “Cà phê khoa học” - một hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với hai đơn vị thuộc ĐH Oxford (Anh) là OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng) và Trung tâm Y học Nhiệt đới, được tổ chức tại Việt Nam. Bắt đầu bằng việc thưởng thức cà phê, bánh ngọt, trái cây, SV chia nhóm ngồi tranh luận sôi nổi với các nhà khoa học xung quanh nội dung “Tại sao phải đặt vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học?”. GS.TS Trần Tịnh Hiền mào đầu: “Nghiên cứu y học hiện đang chuyển dịch từ những nước đã phát triển sang các nước đang phát triển. Do đó, cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu chú ý đến những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu sức khỏe. Tôi nghĩ chúng ta cần phải bàn luận về chủ đề này, đầu tiên là với các SV y khoa vì đối tượng này chuẩn bị làm quen với những hoạt động nghiên cứu. Những câu hỏi như tại sao chúng ta tiến hành nghiên cứu, tại sao nghiên cứu y học cần đến đạo đức hay những vấn đề đạo đức có cải thiện được chất lượng nghiên cứu hay không… là những vấn đề cần được xem xét”. Hàng loạt SV đã không ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học. Có SV cho biết còn băn khoăn, chưa xác nhận hay định hướng được về tầm quan trọng của đạo đức trong nghiên cứu y khoa. Các nhà khoa học đã đánh giá, bổ sung, bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này với các SV hết sức thoải mái như những người bạn. Đáng nhân rộng Là những người đầu tiên tham gia hoạt động “Cà phê khoa học”, SV Trần Mai Phương, lớp Y2007 Trường ĐH Y Dược TPHCM, bày tỏ: “Hoạt động này rất hấp dẫn, gần gũi nên rất phù hợp và đáng nhân rộng. Nó tạo ra môi trường cởi mở, bình đẳng cho mọi người tham gia đóng góp ý kiến và thảo luận về các chủ đề gần gũi với việc học tập và làm việc”. GS.TS Trần Tịnh Hiền cho biết trong môi trường không còn gò bó của các phòng họp và phòng thí nghiệm, công chúng sẽ bớt tính thụ động để phát biểu ý kiến, tranh luận cùng các nhà khoa học. Ở châu Âu, mô hình “Cà phê khoa học” đã có ở nhiều quán cà phê, nhà hàng, thậm chí cả tại quán bar. Tại Việt Nam kể từ nay, hoạt động “Cà phê khoa học” sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy đầu tiên của mỗi tháng, bắt đầu ở những trường ĐH và dần dần sẽ mở rộng đến những nơi công cộng như ở các quán cà phê tạiTPHCM, sau đó sẽphát triển ở các tỉnh, thành khác. Giúp bày tỏ quyết định cá nhân Bên lề cuộc tranh luận, TS Mary Chambers bày tỏ với phóng viên Báo Người Lao Động rằng mô hình “Cà phê khoa học” là hoạt động nhằm tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học và công chúng trong môi trường công cộng bên ngoài những phòng thí nghiệm, phòng họp. 1 | Sinh viên thoải mái cùng thảo luận trong buổi “Cà phê khoa học” |
Bằng môi trường thoải mái, hoạt động này sẽ tạo ra một diễn đàn khoa học trong đó các nhà khoa học, SV cũng như công chúng sẽ tranh luận thoải mái trên tinh thần tôn trọng ý kiến cá nhân của nhau. Theo ông, bằng các buổi thảo luận này, các nhà tổ chức muốn nâng cao sự nhận thức, hiểu biết của công chúng về các vấn đề khoa học đang diễn ra nóng hổi trong đời sống hằng ngày. Qua đó, nó cũng giúp công chúng thể hiện, bày tỏ các quyết định cá nhân của mình trước những sự kiện khoa học đang diễn ra. Quan trọng hơn, “Cà phê khoa học” giúp kết nối công chúng với khoa học và các nhà khoa học, các phương tiện truyền thông đại chúng một cách nhanh chóng, dễ dàng. |
2. Tiến sĩ Huỳnh Văn Thiên - Bác sĩ chống sốt rétCăn phòng làm việc của ông ẩn sâu trong một góc bệnh viện. Bên ngoài không thấy tấm bảng giám đốc, bên trong mọi thứ đều đơn giản từ cái bàn làm việc cũ, tủ đựng hồ sơ bằng gỗ đã bạc màu, đến chiếc điện thoại quay số cổ lỗ...Chủ nhân căn phòng đơn sơ này trước đây là bác sĩ Huỳnh Văn Thiên của khoa cấp cứu, bây giờ là giám đốc Bệnh viện 2 Lâm Đồng Huỳnh Văn Thiên. Với ông, trước sao thì nay vẫn vậy. Với người bác sĩ, chuyện căn phòng làm việc không quan trọng bằng chuyện làm gì để cứu người. TS.BS Huỳnh Văn Thiên sinh năm 1957 tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Hiện ông là đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Thay đổi cho mọi người Một người bạn nước ngoài của bác sĩ Thiên khi lần đầu đến bệnh viện để trao tặng trang thiết bị y tế đã thốt lên: “Một sự cố gắng vĩ đại!”. Chỉ với vài chục y bác sĩ, mỗi năm bệnh viện điều trị nội, ngoại trú cho hơn 220.000 bệnh nhân, trong đó có gần 6.000 ca phẫu thuật. Cách đây 5 năm, khi bác sĩ Thiên bắt đầu công việc giám đốc bệnh viện, hàng loạt quyết sách mới đã được áp dụng, trong đó có việc thay đổi cách thức đầu tư thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Từ chỗ bệnh viện phải thuê thiết bị của các công ty để đặt tại bệnh viện hoặc phụ thuộc vào máy móc của cá nhân bác sĩ nào đó, nay 50% tiền mua thiết bị sẽ do cá nhân đóng góp, 50% còn lại sẽ trích từ quỹ phúc lợi của bệnh viện. Bác sĩ Thiên giải thích: “Cách làm này đảm bảo từ giám đốc đến lao công hay bảo vệ đều được hưởng lợi từ việc xã hội hóa”. Ban đầu, người đồng tình ủng hộ cũng nhiều nhưng người phản đối cũng không ít. Có bác sĩ đã dứt áo ra đi cùng với những thiết bị hiện đại mà họ đã “xã hội hóa” vào bệnh viện trước đó. Đến nay bằng nhiều nguồn đầu tư, trong đó chủ yếu là xã hội hóa theo hình thức trên, nhiều thiết bị y tế hiện đại đã có mặt tại bệnh viện như máy chạy thận nhân tạo, nội soi tiêu hóa, CT scanner 16 lát cắt, máy chụp x-quang kỹ thuật số, siêu âm màu 4D... Nhiều bệnh nhân trước phải chuyển lên tuyến trên giờ bệnh viện đã tự xử lý được. Còn nhớ giữa năm 2011, khi tôi phản ảnh việc nhận phong bì tại khoa sản, ông gặp tôi bảo: “Mình tính xin lại chính xác danh tính của những người có liên quan trong bài viết để xử lý. Nhưng nghĩ lại thôi, đó không phải là cách giải quyết triệt để”. Lúc đó ông đã lặng lẽ làm theo cách riêng của mình: camera theo dõi được lắp tại khoa sản, một vài nữ hộ sinh có điều tiếng đã được luân chuyển sang các khoa, phòng khác...Con đường mới tưởng xa nhưng đã dần rộng mở. Nhiều đồng nghiệp quay trở lại bệnh viện để tiếp tục con đường chung. Ông dang tay đón nhận với quan điểm đơn giản: “Nếu sự quay về đó có lợi cho bệnh viện, cho bệnh nhân thì tôi không bao giờ vì sự hẹp hòi, vị kỷ của cá nhân mà không chấp nhận!”. Giải pháp cho sốt rét Năm 1995, GS.BS. H. P. Sauerwein (người Hà Lan) đã giúp ông trong việc tìm nguồn tài trợ để sang Hà Lan làm đề tài nghiên cứu khoa học. Ông nhớ lại: “Trước khi sang Hà Lan, tôi và GS Sauerwien đã thảo luận rất nhiều về đề tài và xây dựng đề cương mình sẽ làm để bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngày đầu đặt chân đến Hà Lan, người hướng dẫn của tôi chỉ giới thiệu vỏn vẹn: đây là thư viện, đây là bàn ghế làm việc và đây là những số điện thoại liên lạc khi cần, rồi bỏ đi biền biệt ba, bốn ngày. Tôi thật sự mất phương hướng và chỉ muốn quay về Việt Nam, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm thấy hướng đi cho riêng mình. Chín năm sau đó, đề tài luận án tiến sĩ của ông về “Chuyển hóa glucose trong bệnh lý sốt rét” đã được hội đồng phản biện gồm 11 thành viên thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu công nhận. Theo quy định, để bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài thì người nghiên cứu phải công bố được cái mới mà thế giới chưa biết. Cái mới trong đề tài “Chuyển hóa glucose trong bệnh lý sốt rét” chính là làm rõ cơ chế hạ đường huyết đối với bệnh nhân sốt rét. Từ đó, đề xuất cách điều trị trên lâm sàng là bảo đảm cung cấp thức ăn qua sonde (đặt ống thông) ngay từ đầu kết hợp với điều trị bằng thuốc. Đây là biện pháp dự phòng tối ưu ngăn ngừa tử vong do biến chứng hạ đường huyết. Hiện nay quan điểm này đã được áp dụng trong phác đồ điều trị bệnh sốt rét tại Việt Nam và ở một số nước trên thế giới có tỉ lệ bệnh sốt rét cao. Với cách đơn giản này, ngay cả những bệnh viện tuyến huyện cũng có thể làm được. Đôi ba tháng một lần, ông mời các chuyên gia nước ngoài đến nói chuyện chuyên môn và dạy ngoại ngữ cho anh em. Anh em nào tự học và lấy bằng mang về thì ông lại thưởng, dẫu số tiền không nhiều nhưng nó là một động lực mới. “Các bạn trẻ bây giờ quá lãng phí thời gian. Thay vì dành 30 phút để uống cà phê buổi sáng thì nên dành thời gian đó để học bất cứ cái gì đó có ích. Thời của mình kiến thức y khoa chính là tài sản độc quyền của những người thầy có điều kiện đi học ở nước ngoài, còn bây giờ các bạn hoàn toàn chủ động để học hỏi kiến thức. Vậy vì cớ gì mà không học?”. Từ 2 năm đến hơn 30 năm Tốt nghiệp Đại học Y dược Huế năm 1982, theo quy định, ông về làm việc tại Bệnh viện huyện Bảo Lộc để “trả nợ” trong thời gian hai năm. Những ngày đầu, khi bạn bè đã đề nghị cho đất để làm nhà nhưng ông từ chối vì chỉ muốn quay trở lại Huế. Ấy vậy mà đã hơn 30 năm rồi, đường đi ngày càng dài, những dự định mới, những kế hoạch đang còn ngổn ngang khiến ông thấy mình không thể dứt bỏ để ra đi. Chỗ riêng tư, ông tâm sự như một sẻ chia tâm huyết: “Cơ hội nằm ngay khối óc và trái tim của mình. Nếu tự mình không định hướng được cho con thuyền của mình thì không có một ngọn gió đồng hành nào có thể giúp được”. Mỗi sáng, nhân viên trong bệnh viện đều thấy ông đến thật sớm. Vào phòng và tự nấu nửa gói mì trong cái tô nhỏ. Mỗi buổi chiều muộn, ông trở về đi chợ để lo bữa cơm tối cho mình và hai cậu con trai song sinh đang học lớp 4. Cặp táp treo một bên, túi đồ ăn một bên, chiếc Honda 67 cũ kỹ đưa chủ nhân của nó rời công sở trở về nhà thanh thản.
|