Sốt rét tại Thừa Thiên Huế tiếp tục giảm
Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh đang thực hiện lộ trình chuyển đổi chiến lược từ phòng chống sốt rét sang chiến lược loại trừ sốt rét sau quá trình chủ động khống chế bệnh sốt rét có hiệu quả. Tình hình sốt rét tại địa phương tiếp tục giảm trong năm 2013, không có tử vong và dịch bệnh xảy ra. Tình hình sốt rét năm 2013 Năm 2013, Thừa Thiên Huế theo thống kê ghi nhận có 105 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 1 trường hợp sốt rét ác tính xảy ra ở huyện Phú Lộc do người bệnh đi lao động tại Lào bị nhiễm bệnh khi trở về địa phương nhưng không bị tử vong. Qua phân tích tình hình cho thấy có 95 bệnh nhân sốt rét ngoại lai bị nhiễm ngoài tỉnh, chiếm tỷ lệ 90,47%; đặc biệt chỉ có 10 bệnh nhân sốt rét nội địa, chiếm tỷ lệ 9,52% với 2 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh chứng tỏ vùng lưu hành bệnh đã được thu hẹp nhưng vẫn còn. So với năm 2012, số bệnh nhân sốt rét đã giảm đến 30,92% (105/152). Dịch sốt rét đã được chủ động khống chế không xảy ra trong năm 2013 và những năm trước đây. Trong năm đã xét nghiệm 23.135 lam máu, chỉ phát hiện được 81 ký sinh trùng sốt rét, chiếm tỷ lệ khá thấp 0,35%; trong đó nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum 32 trường hợp, Plasmodium vivax 46 trường hợp và nhiễm phối hợp hai loại 3 trường hợp. Cũng phù hợp với bệnh nhân sốt rét ngoại lai ngoài tỉnh, số ký sinh trùng sốt rét ngoại lai bị nhiễm ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ cao đến 87,65% (71/81), còn lại ký sinh trùng sốt rét nhiễm tại nội địa chỉ chiếm tỷ lệ thấp 12,35%. Các đơn vị có tình hình chuyển biến tốt như số bệnh nhân sốt rét tại huyện Nam Đông giảm 53,3%, thị xã Hương Thủy giảm 47,3%, huyện Phú Lộc giảm 17,9%; các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều có tình hình ổn định. | Giám sát hoạt động bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt rét tại khe suối ở TT Huế |
Các hoạt động phòng chống bệnh Để đạt được các kết quả trên, Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; đặc biệt là Đội Y tế dự phòng để triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp phòng chống ngay từ đầu mùa bệnh phát triển bằng những nguồn lực chủ động. Trong năm 2013, đã có 121.310 người sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi tẩm màn ngủ và phun tồn lưu tường vách; đồng thời cấp hỗ trợ bổ sung 2.000 màn chống muỗi cho những hộ gia đình nghèo sống trong vùng có nguy cơ mắc bệnh. Sử dụng 2.437 liều thuốc điều trị sốt rét; trong đó 105 liều thuốc điều trị cho bệnh nhân, 2.301 liều thuốc cấp cho người dân tự điều trị khi ra khỏi vùng bảo vệ để đi lao động dài ngày xa cơ sở y tế và 31 liều thuốc điều trị các trường hợp khác. Đồng thời với các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng mạng lưới chuyên khoa được chú trọng thực hiện với 1.541 học viên ở cơ sở tham dự các lớp học để phổ cập, nâng cao kiến thức và trình độ. Biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét cũng được triển khai bằng nhiều hình thức tại cơ sở như tổ chức nói chuyện, phát thanh, thảo luận nhóm, chiếu phim, văn nghệ, triển lãm; sản xuất thông điệp truyền thông, phát sóng truyền thanh truyền hình, viết tin cho đài báo, tổ chức chiến dịch truyền thông trong Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25 tháng 4... để nâng cao kiến thức, hành vi phòng chống bệnh cho cộng đồng người dân và xã hội hóa công tác. Nhằm chủ động phát hiện sớm tình hình để chỉ đạo kịp thời nhiệm vụ, việc giám sát các hoạt động phòng chống sốt rét như giám sát dịch tễ, giám sát phòng chống muỗi truyền bệnh, giám sát điều trị và sử dụng thuốc, giám sát kinh phí và vật tư... được chú ý trong vai trò quản lý, điều hành quy định. | Đối tượng đào đãi vàng, khai thác song mây dễ có nguy cơ mắc sốt rét |
Sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu Ngoài nguồn lực quốc gia của trung ương và địa phương cung cấp một phần, nguồn lực chủ yếu cho các hoạt động phòng chống sốt rét tại địa phương do Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ cho 32 xã, thị trấn với 202 thôn bản thuộc 2 huyện trọng điểm sốt rét A Lưới và Nam Đông. Năm 2013, dự án này đã hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu cần thiết như nâng cao việc tiếp cận và sử dụng các biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả; việc tiếp cận và sử dụng chẩn đoán, điều trị sốt rét hiệu quả; tăng cường giám sát và giải quyết dịch sốt rét; nâng cao năng lực của Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét. Dự án Quỹ toàn cầu đã kết thúc năm 2013 sau 5 năm triển khai thực hiện nhưng để duy trì thành quả bền vững, lâu dài; địa phương sẽ được tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn lực hoạt động trong hai năm 2014-2015 tiếp theo; đồng thời sẽ mở rộng thêm công tác nghiên cứu ký sinh trùng sốt rét tại tỉnh cùng mới một số địa phương khác cũng bằng nguồn lực của dự án này. Khó khăn và thách thức Bệnh sốt rét tại Thừa Thiên Huế năm 2013 so năm trước tiếp tục giảm. Trong những năm gần đây, sốt rét nội địa ở địa phương trên cơ bản đã được khống chế và ổn định nhưng sốt rét ngoại lai do bệnh nhân bị nhiễm từ các nơi khác ngoài tỉnh trở về địa phương đã làm cho tình hình biến động vào một số thời điểm. Tình trạng một số bộ phận người dân vẫn còn có các hoạt động như đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng, qua về biên giới, lao động làm ăn ở Tây Nguyên và Lào... bị nhiễm bệnh mang về cơ sở đã làm ảnh hưởng đến tình hình nhưng sự quản lý, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Thách thức hiện nay của địa phương là phải đối mặt với tình hình sốt rét ngoại lai bị nhiễm ngoài tỉnh. Vì vậy đã tăng cường thực hiện công tác giám sát, tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh tích cực khi ra khỏi khu vực bảo vệ và chủ động khám chữa bệnh kịp thời khi mắc bệnh trở về; quyết tâm không cho sốt rét quay trở lại trên địa bàn nhằm tiến đến lộ trình của chiến lược loại trừ sốt rét đã được định hướng.
|