|
Chất lượng kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào trình độ xét nghiệm viên (ảnh NVH) |
Xét nghiệm sốt rét truyền thống, đơn giản nhưng cần thận trọng
Để chẩn đoán bệnh sốt rét, bác sĩ thường căn cứ vào 3 yếu tố là dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Xét nghiệm là yếu tố xác định chẩn đoán ký sinh trùng học. Một phương pháp cổ điển, truyền thống, đơn giản, dựa vào hình thể của ký sinh trùng sốt rét để phát hiện trên tiêu bản lam máu nhuộm bằng giemsa của nhà khoa học Romanovski thường được áp dụng nhưng cần thận trọng khi thực hiện nhằm bảo đảm sự chính xác. Việc xét nghiệm chẩn đoán xác định sốt rét bằng phương pháp cổ điển, truyền thống, đơn giản trước đây và kể cả hiện nay thường dựa vào hình thể ký sinh trùng phát hiện trên tiêu bản lam máu nhuộm giemsa của nhà khoa học Romanovski. Mặc dù ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến; đặc biệt là các ngành miễn dịch học, sinh học phân tử... nên việc chẩn đoán ký sinh trùng học đã có nhiều phương pháp khác trở nên dễ dàng, chính xác và hiệu quả hơn nhưng các nhà khoa học vẫn cho rằng phương pháp lấy tiêu bản máu nhuộm giemsa của Romanovski vẫn được xem là phương pháp chẩn đoán ký sinh trùng sốt rét khá chính xác. Tuy nhiên để bảo đảm sự chính xác khi thực hiện, xét nghiệm viên phải thận trọng, chú ý, tuân thủ các kỹ thuật quy định và thời gian lấy tiêu bản máu như sau: Xét nghiệm viên cần lấy máu xét nghiệm trước khi cho bệnh nhân uống thuốc sốt rét để điều trị vì thuốc sử dụng có thể làm giảm mật độ của ký sinh trùng sốt rét xuống dưới ngưỡng phát hiện nên khó nhận biết khi soi dưới kính hiển vi quang học. Thông thường có thể lấy lam máu xét nghiệm bất kỳ lúc nào khi bệnh nhân không sốt hoặc có sốt nhưng thực tế ghi nhận nếu lấy lam máu lúc bệnh nhân đang lên cơn sốt thì cơ hội có nhiều ký sinh trùng sốt rét xuất hiện ở máu ngoại vi nên mới dễ phát hiện. Theo quy định, cần lấy một lam máu giọt dày và một lam máu giọt mỏng trên cùng một lam kính. Giọt dày có ưu điểm vì tập trung nhiều ký sinh trùng sốt rét giúp cho việc chẩn đoán dễ dàng và nhanh chóng. Giọt mỏng có ưu điểm là hình thể ký sinh trùng vẫn còn nguyên vẹn nên giúp định loại ký sinh trùng sốt rét chính xác. Một vấn đề cần lưu ý là xét nghiệm viên chỉ kết luận lam máu âm tính khi đã soi đủ 100 vi trường của lam máu giọt dày dưới kính hiển vi quang học mà không phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét. Khi phát hiện thấy một chủng loại ký sinh trùng sốt rét, vẫn phải cố gắng tiếp tục tìm xem có chủng loại ký sinh trùng sốt rét khác phối hợp không. Để xác định nhanh chủng loại ký sinh trùng; xét nghiệm viên cần chú ý chủng loại Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale có thể phát hiện thấy tất cả thể vô tính của ký sinh trùng ở máu ngoại vi. Riêng Plasmodium falciparum thường chỉ thấy thể nhẫn tư dưỡng trẻ và thể giao bào; đối với các trường hợp bệnh rất nặng và sốt rét ác tính mới có thể gặp các thể khác. Đánh giá mật độ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu giọt dày với độ phóng đại của kính hiển vi quang học từ 500 đến 600 lần bằng ký hiệu dấu cộng + theo quy định. Mật độ này xác định số ký sinh trùng sốt rét được phát hiện trên số vi trường thực hiện. Nếu soi 1 vi trường phát hiện có trên 10 ký sinh trùng, ghi ký hiệu ++++. Nếu soi 1 vi trường có từ 1 đến 10 ký sinh trùng, ghi ký hiệu +++. Nếu soi 100 vi trường phát hiện có từ 11 đến 100 ký sinh trùng, ghi ký hiệu ++. Nếu soi 100 vi trường phát hiện có từ1 đến 10 ký sinh trùng, ghi ký hiệu +. Hiện nay, một số nhà khoa học và xét nghiệm viên có xu hướng thích đánh giá mật độ ký sinh trùng sốt rét trên 1 mili-mét khối máu, tính số ký sinh trùng sốt rét theo số bạch cầu đếm được bằng máy đếm cầm tay trên lam máu giọt dày; sau đó dựa vào số bạch cầu chuẩn và áp dụng công thức tính tương quan để có số ký sinh trùng. Trên thực tế, tùy vị trí lấy máu xét nghiệm mà khả năng bắt gặp ký sinh trùng sốt rét cũng khác nhau. Nếu lấy máu ở tủy xương thì khả năng bắt gặp ký sinh trùng sốt rét cao nhất nhưng kỹ thuật này khá phức tạp, vì vậy ít khi được sử dụng và chỉ được sử dụng đối với những đối tượng bệnh nhân bị sốt rét dai dẳng khó tìm thấy ký sinh trùng sốt rét. Nếu lấy máu ở trong da, khả năng bắt gặp ký sinh trùng sốt rét cũng cao; khi soi tiêu bản máu dưới kính hiển vi quang học có thể thấy được tất cả các thể vô tính như quá trình phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong các vi mao mạch của mạch máu ở não; tuy nhiên kỹ thuật lấy máu cũng phức tạp và kết quả chỉ có tính chất định tính, thường sử dụng kết quả xét nghiệm theo kỹ thuật này để tiên lượng bệnh trong sốt rét ác tính. Nếu lấy máu ngoại vi, kỹ thuật thực hiện khá dễ dàng để làm tiêu bản máu và mọi đối tượng có thể áp dụng được; tuy vậy khả năng bắt gặp và phát hiện được ký sinh trùng sốt rét không cao. Thực tiễn ghi nhận nhược điểm tồn tại của phương pháp xét nghiệm cổ điển, truyền thống, đơn giản của nhà khoa học Romanovski bằng tiêu bản lam máu nhuộn giemsa phải mất thời gian dài trung bình khoảng 2 năm để đào tạo một kỹ thuật viên xét nghiệm bảo đảm yêu cầu; vì vậy khá tốn kém. Đồng thời ở những vùng sốt rét đã bị đẩy lùi, bệnh nhân giảm nhiều hoặc lâu ngày không có người bệnh; nếu xét nghiệm viên chủ quan không được soi tiêu bản lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét nhắc lại thì có thể quên hình thể dẫn đến chẩn đoán xác định nhầm lẫn. Ngoài ra, chất lượng kết quả xét nghiệm cũng phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của xét nghiệm viên, do đó kết quả thường mang tính chất không khách quan.
|