TRANG CHỦ | Thứ 6, ngày 22/11/2024 |
|
|||||||||||||||
|
Nhiều người bị ám ảnh bởi quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh, họ nghe nói vi trùng H. pylori gây ung thư da dày nên khi khám sức khỏe tổng quát cố gắng tìm cho ra mình có bị nhiễm H . pylori hay không. Từ đó sa vào việc điều trị, dùng kháng sinh thật mạnh, thậm chí dùng cả tháng trời để diệt cho bằng được con vi trùng nguy hiểm này. Cách đơn giản thường được sử dụng để tìm H. pylori là thử máu, nhưng cách này chỉ cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi trùng H. pylori qua việc tìm kháng thể. Để xác định vi trùng còn hoạt động trong dạ dày, cần nội soi dạ dày, làm Clo test hoặc làm test thổi bong bong để thử vi trùng. Tuy nhiên, cũng không nên bận tâm nhiều đền vi trùng khi mình không có triệu chúng đau dạ dày, vì không có một khuyến cáo nào của các tổ chức y khoa trên thế giới đề nghị khám tổng quát ở người bình thường để tìm và diệt vi trùng H. pylori nhằm phòng ngừa ung thư dạ dày. Đau dạ dày gần như là một bệnh xã hội, căng thẳng trong công việc cũng đau dạ dày, một số người chờ đợi, lo lắng một việc gì đó cũng sẽ bị đau dạ dày. Để phân biệt đau dạ dày bệnh lý và đau dạ dày cơ năng, có nghĩa không phải do bị loét dạ dày, các bác sĩ thường đi tìm các triệu chứng báo động trong dau dạ dày. Khi bạn có các triệu chúng báo động như sụt cân, thiều máu, nôn mửa sau khi ăn, tiêu phân đen nhiều lần trong ngày, trên 40 tuổi có đau dạ dày kéo dài trên hai tuần…thì không nên xem thường, cần sớm đi gặp bác sĩ. Các triệu chứng này là chỉ định bạn cần được soi dạ dày. Khi soi dạ dày, nếu có loét và có vi trùng H. pylori. Việc diệt H. pylori trong các trường hợp loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa loét dạ dày tái phát, ngừa ung thư dạ dày. Một điều khó xử cho bác sĩ hiện nay là có nhiều người điều trị H. pylori do quan điểm sai lầm nêu trên, nên khi thật sự cần điều trị thì vi trùng lại kháng thuốc. Lúc này, bác sĩ phải phối hợp nhiều kháng sinh, dùng liều cao, thời gian kéo dài (thường là hai tuần). Khi điều trị H. pylori, bạn phải tuân thủ phác đồ điều trị, và sau khi điều trị cần kiểm tra đề xác định đã hết vi trùng. Một sai lầm thường gặp khi thử lại vi trùng sau điều trị là người bệnh không ngưng thuốc đúng theo yêu cầu. Tất cả các xét nghiệm thử vi trùng đều yêu cầu phải ngưng dùng kháng sinh trước bốn tuần, thuốc ức chế acid trước hai tuần. Một sai lầm khác, nhất là ở những cơ sở không có nội soi hoặc xét nghiệm thử vi trùng bằng hơi thở, là kiểm tra lại vi trùng sau khi điều trị bằng xét nghiêm máu! Nếu xét nghiệm máu trong thời gian này sẽ cho kết quả dương tính cho dù bệnh nhân đã hết hay còn vi trùng vì đó là kháng thể của cơ thể chống lại vi trùng, không phải là vi trùng. Việc phát hiện ra vi trùng H. pylori là một thành tựu của khoa học trong việc điều trị loét dạ dày. Nếu không sử dụng kháng sinh quá dễ dàng, điều trị vi trùng khi không cần thiết và khi điều trị phải kiểm tra lại đề bảo đảm đã diệt được vi trùng, tránh trường hợp kháng thuốc tràn lan trong cộng đồng, là bạn đã giúp khoa học thành công hơn trong việc điều trị bệnh loét dạ dày. Bạn có thể tham khảo thêm các vấn đề liên quan đến vi khuẩn này trên cùng trang website của Viện chúng tôi để hiểu rõ hơn. Lê Đình Phúc, 46 tuổi, phucld76@.... Hải Châu, Đà Nẵng Hỏi: Xin các bác sĩ cho tôi biết bệnh viêm gan siêu vi A lây truyền qua con đường như thế nào, có giống như viêm gan B và C hay không. Làm thế nào biết nhiễm chúng vì hầu hết các nơi tôi đến yêu cầu xét nghiệm viêm gan siêu vi A đều không có làm, ngay cả các bẹnh viện lớn. Cho tôi biết cách phòng bệnh viêm gan siêu vi A. Chân thành cảm ơn! Trả lời: Cảm ơn về câu hỏi của bạn, đây là bệnh truyền nhiễm không lây truyền qua đường máu và các chế phảm của máu như viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Viêm gan siêu vi A là một bệnh lây cấp tính thường gặp trên toàn thế giới. Nhất là ở những thành phố lớn nơi đông dân cư, các trại lính chật chội, nhà trẻ, khu ký túc xá trường. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh không gây viêm gan mạn tính. Trên thế giới hàng năm ước tính có 1,5 triệu trường hợp Viêm gan siêu vi A chủ yếu gặp ở châu Á, châu Phi và Đông Âu. Viêm gan siêu vi A là bệnh lây qua đường tiêu hóa, nguồn lây chủ yếu từ người bệnh sang người lành qua đường phân - miệng.Nguồn bệnh liên quan đến nguồn nước, thực phẩm bị nhiễm bẩn nhất là do ăn phải các loại sò, trai, ốc, hến chưa được nấu chín hoặc ăn các thực phẩm khác như rau sống không được rửa sạch. Các dụng cụ cá nhân, quần áo của người bệnh có thể là nguồn lây nhưng ít quan trọng. Bệnh lưu hành chủ yếu ở những vùng kém vệ sinh, kinh tế khó khăn và tỉ lệ phát triển dân số cao. Tác nhân gây bệnh xuất hiện trong phân khoảng 1-2 tuần trước khi có triệu chứng lâm sàng. Thông thường bệnh viêm gan siêu vi A ở trẻ em hầu như không có triệu chứng nhưng ở người lớn thường gây vàng da, vàng mắt. Bệnh viêm gan siêu vi A cấp tính nặng đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ, nhưng ít có thể nặng ở người lớn. Bệnh viêm gan siêu vi A là một bệnh tự giới hạn, hiếm khi gây tử vong. Bệnh thường có khởi phát đột ngột, cấp tính vơi các biểu hiện bao gồm sốt khó chịu, mệt, chán ăn, buồn nôn, nôn, phát ban, đau khớp và đau cơ. Các triệu chứng thường mất đi khi bắt đầu vàng da và nước tiểu sậm màu, Bệnh thường không trầm trọng và không kéo dài. Đôi khi biểu hiện tắt mật xảy ra muộn và kéo dài trong nhiều tháng đã được ghi nhận. Chẩn đoán viêm gan siêu vi A: có thể dựa vào xét nghiệm huyết thanh bằng ELISA phát hiện: Nếu xét nghiệm IgM Anti –HAV dương tính (đang bị viêm gan siêu vi A), nếu IgG anti –HAV dương tính (miễn nhiễm (sau đó khoảng 3-12 tháng IgM biến mất IgG chiếm ưư thế) Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số bệnh tự giới hạn. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và kiêng rượu, bia trong giai đọan viêm gan siêu vi A cấp. Thường các bệnh nhân khỏi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa trong vòng 4-6 tuần, vấn đề dinh dưỡng nâng cao thể trạng, uống nhiều nước hoa quả cũng được khuyến cáo trong điều trị viêm gan siêu vi A. Về phòng bệnh, viêm gan siêu vi A lây theo đường tiêu hóa nên áp dụng các biện pháp phòng: (i) Thực hiện tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; (ii) Thực hiện ăn chín, uống sôi; (iii) Cung cấp và sử dụng nước sạch, xử lý hệ thống rác và nước thải; (iv)Những loại sò, trai, hến, tôm cua, ốc…ở những vùng nhiễm bẩn cần dược đun sôi hoặc hấp chín trước khi ăn; (v) Khu nhà trẻ, mẫu giáo cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh; (vi) Tiêm phòng là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh viêm gan siêu vi A: Vaccine phòng viêm gan siêu vi A tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, thông thường tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 đến 12 tháng (94% đến 100% sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi tiêm đầu tiên nếu được tiêm mũi thứ 2 kết quả tốt đẹp hơn và sự miễn nhiễm kéo dài hơn). Võ Thị Tu, 36 tuổi, Phú Thọ, tuanh1977@.... 0902…. Hỏi : Cho em hỏi là viêm da hay mày đay do sán máng vịt là như thế nào vì quê em là vùng có rất nhiều hộ chăn nuôi vịt thả ngoài đồng và sông, ao làng rất phổ biến, các con em và lũ trẻ trong láng thường xuyên ra tắm ở đó liệu có bị sán máng vịt này không? Cho em hiểu về các thông tin bệnh này ? Trả lời :Viêm da nổi mẫn hay mày đây do ấu trùng cercaria (Cercarial dermatitis) ở người còn được gọi là ngứa ở người bơi lội ("swimmer's itch"), Viêm da Bade ("Badedermatitis"), hoặc bệnh "Weiherhippel" đang gia tăng về mặt tỷ lệ trong nhiều năm qua ở các quốc gia bán cầu bắc và nhiều hồ có mang tính giải trí đã bị ngăn cấm. Tác nhân chính gây nên tình trạng viêm da này tại châu Âu là do một loại ký sinh trùng sán lá của vịt, Trichobilharzia ocellata. Vịt và con người là các vật chủ tình cờ bị xâm nhập chủ động bởi các cercariae của ký sinh trùng đang sống trong nước, nổi trội lên từ các ốc sống trong nước loại ốc Lymnaea stagnalis. Ngược lại, các cercariae phát triển bên trong các vật chủ vịt thành sán trưởng thành, chúng không thể phát triển trong vật chủ người. Nhưng khi xuyên qua da người chúng gây nên các chứng mày đay và ban đỏ tại các vùng mà ấu trùng xâm nhập vào và ngứa ngày càng tăng có thể kéo dài vài ngày đến 3 tuần. Ốc xâm nhập vào nhờ miracidia, lộ ra từ các trứng, đi ra phân của các con vitu nhiễm sán. Các nhà khoa học đã duy trì chu kỳ của T. ocellata trong phòng thí nghiệm sử dụng các con vịt như là vật chủ cuối cùng và ốc Lymnaea stagnalis là vật chủ trung gian. Các nhà ký sinh trùng đã phân tích làm thế nào cercariae tìm thấy và nhận ra da của vật chủ. Trong ít nhất 5 pha xác định vật chủ, loài sán lá đáp ứng nhạy cảm và đặc hiệu cao với các hóa chất thích hợp trên da của vật chủ như chất ceramides, cholesterol và các acid béo, nhưng cũng tùy theo biên độ nhiệt độ, nước chảy và sự kích thích của bóng râm. Vì chúng thích nghi với các acide béo tự do với hành vi đi xuyên qua và chuyển dạng vách cơ thể của chúng, giống như ấu trùng Schistosoma - cercariae, chúng có thể bị khống chế với các phương pháp giống nhau như một đề xuất trước đây đối với schistosome cercariae. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu sự di chuyển của ấu trùng thông qua cách đánh dấu chất phóng xạ di chuyển trong vịt và các vật chủ chuột bất thường. Trong các vật chủ chuột thì ký sinh trùng đi đến phổi, gan và ruột và chúng có thể cũng xảy ra trên người. Các nhà khoa học cũng điều tra làm thế nào các miracidia được tìm thấy và nhận ra các vật chủ trung gian ốc. Các điều thích hợp chính nhất để định hướng hóa học đặc hiệu loài vật chủ thông qua các đại phân tử. Các nhà khoa học đã phát hiện có ít nhất 25 loại ấu trùng sán máng ở nước ngọt và 4 loại ấu trùng sán máng ở nước mặn gây viêm da cho người khi hoạt động dưới nước. Đó là những loại ấu trùng sán máng ký sinh ở động vật lông vũ như vịt, chim và các động vật có vú sống ở dưới nước. Sán máng trưởng thành đẻ trứng trong cơ thể vật chủ ký sinh, trứng được thải ra ngoại cảnh rơi vào nước và nở thành ấu trùng lông bơi tự do trong nước và xâm nhập vào vật chủ phụ là loại ốc thích hợp. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi; một ấu trùng lông có thể phát triển thành hàng trăm nghìn ấu trùng đuôi và được phóng thích bơi lội tự do ở trong nước. Khi người tiếp xúc với nguồn nước có ấu trùng đuôi như lội xuống ao để chăn vịt hoặc bơi ở ao hồ nhiễm bẩn dù chỉ một vài phút, ấu trùng đuôi sẽ đánh hơi và tìm mọi cách chui qua da để gây bệnh. Khi chui qua da người, ấu trùng sán máng chỉ gây viêm da, dị ứng nhưng không phát triển được thành sán máng trưởng thành ở người. Bệnh viêm da, dị ứng do nhiễm ấu trùng sán máng vịt thường gặp ở nước ta được phát hiện ở những vùng có chăn nuôi vịt. Tác nhân gây bệnh là loại ấu trùng đuôi sán máng vịt Trichobilhazria sp. và sán máng của một số loài động vật khác như Schistosomatium sp. Sau khi ấu trùng đuôi chui vào da vài giờ, bệnh nhân bị ngứa dữ dội, da phù nề, nổi mẩn đỏ thành từng đám rộng. Do bị phản ứng ngứa, gãi nhiều nên dễ bị nhiễm trùng. Thực chất đây chỉ là một hiện tượng dị ứng của cơ thể, những chỗ da nổi mẩn đỏ sau một tuần sẽ tự biến mất. Ngoài vịt, ấu trùng đuôi phát triển từ loại sán máng trưởng thành ký sinh ở loài chim cũng có thể xâm nhập qua da của những người thường hay bơi lội. Sau khi ấu trùng đuôi xâm nhiễm vào da, chúng sẽ bị chết trong da gây phản ứng dị ứng và ngứa. Tình trạng này hay gặp ở những khu vực có khí hậu ôn hòa và thường thấy ở những người hay tắm, bơi lội trong nước ngọt, nước lợ, thậm chí cả nước mặn; nơi đó có loại chim mang mầm bệnh thải phân có trứng sán máng vào nguồn nước; đồng thời tại thủy vực này có các loại ốc là vật chủ phụ thích hợp sinh sống để trứng sán máng phát triển thành ấu trùng lông và ấu trùng đuôi bơi lội tự do trong nước xâm nhập vào da người để gây bệnh. Khi bị viêm da, dị ứng do nhiễm ấu trùng sán máng; có thể điều trị bằng các thuốc chống dị ứng; nếu bị nhiễm trùng có thể sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Theo kinh nghiệm dân gian, để phòng bệnh viêm da, dị ứng khi lội xuống ao chăn nuôi vịt hoặc bơi lội ở ao hồ có khả năng hiện diện của ấu trùng sán máng; cần bôi lên da mỡ rái cá hoặc các loại dầu, mỡ có tác dụng xua ấu trùng đuôi nhằm bảo vệ da không cho ấu trùng xâm nhập. Với các thông tin trên, hy vọng bạn đã có được những hiểu biết bổ ích để phòng ngừa cho bệnh gia đình mình, đặc biệt các trẻ em có thói quen bơi trong vùng nguy cơ đó. Huỳnh thanh Linh, công nhân, Ninh hòa, Khánh hòa, 0919. Hỏi : Em bị vấn đề trên da mặt thường xuyên xuất hiện các mụn nước, có mủ hoặc không, đi khám nhiều nơi kể cả các phòng khám quốc tế do các bác sĩ chuyên khoa nước ngoài thăm khám và cho thuốc đều khẳng định bị mụn trứng cá, điều trị có giảm đôi chút sau đó lại bị lại và làm em khó chịu và rất ngại tiếp xúc với bạn bè. Mong các bác sĩ giúp làm cho em khỏi bị mụn càng sớm càng tốt. Em thành thật rất cảm ơn! Trả lời : Chúng tôi rất chia sẻ những điều bạn cảm thấy e ngại khi tiếp xúc với bạn bè và trong thực hành hàng ngày chúng tôi gặp ít nhất khoảng 5 bệnh nhân mắc mụn trứng cá mỗi ngày và cũng rơi vào trạng thái lo lắng như bạn. Sáu đây chúng tôi chia sẻ với bạn một số thông tin về mụn trứng cá, các yếu tố gây bệnh nghiêm trọng hơn cũng như cách chăm sóc khi bị mụn trứng cá nhé! | Mụn trứng cá là một loại bệnh ảnh hưởng đến tuyến dầu của da. Những lỗ nhỏ trên da quý vị (lỗ chân lông) kết nối với tuyến dầu dưới da. Những tuyến này tạo ra chất dầu được gọi là bã nhờn. Lỗ chân lông kết nối với các tuyến này bằng một ống được gọi là nang. Bên trong nang, dầu chuyển các tế bào da chết đến bề mặt của da. Một sợi lông mỏng cũng mọc qua nang và đâm ra ngoài da. Khi nang của một tuyến da bị bít lại, mụn sẽ mọc lên. Hầu hết mụn mọc ở trên mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Mụn trứng cá không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có thể để lại sẹo. Mụn là một loại bệnh về da phổ biến. Mọi người ở mọi chủng tộc và lứa tuổi đều bị mụn. Nhưng mụn xuất hiện phổ biến ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Ước tính khoảng 80 phần trăm tất cả những người ở độ tuổi từ 11 đến 30 bị bùng phát mụn tại thời điểm nào đó. Một số người ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi vẫn bị mụn. Đôi khi, lông, bã nhờn và tế bào da cùng kết lại thành một nốt bít. Vi khuẩn trong nốt bít đó gây sưng tấy. Sau đó khi nốt bít đó bắt đầu vỡ, mụn phát triển. Có rất nhiều loại mụn. Phổ biến nhất là những loại sau: -Mụn đầu trắng. Những mụn này nằm dưới bề mặt da. -Mụn đầu đen. Những mụn này mọc lên bề mặt da và trông có màu đen. Màu đen này không phải do bẩn. -Nốt sần. Đây là các nốt sưng nhỏ màu hồng mà có thể dễ vỡ. -Mụn mủ. Những mụn này có màu đỏ ở phần chân và có mủ ở trên đầu. -Mụn bọc. Những mụn này lớn, đau, cứng và nằm sâu dưới da. -Mụn nang. Những mụn này sâu, đau, đầy mủ và có thể để lại sẹo. Nguyên nhân gây ra mụn chưa được biết đến. Các bác sĩ cho rằng một số yếu tố sau đây có thể gây ra mụn: -Sự gia tăng hoóc môn ở lứa tuổi thanh thiếu niên (điều này có thể làm cho các tuyến dầu bị bít lại thường xuyên hơn) -Thay đổi hoóc môn trong thời kỳ mang thai -Bắt đầu hoặc ngừng sử dụng thuốc tránh thai -Di truyền (nếu bố mẹ quý vị bị mụn, quý vị cũng có thể bị mụn) -Một số loại dược phẩm -Đồ trang điểm chứa nhiều nhờn. Mụn do các bác sĩ chuyên về các vấn đề về da (bác sĩ chuyên khoa da liễu) điều trị. Việc điều trị nhằm mục đích: -Chữa lành mụn -Ngừng việc hình thành các mụn mới -Ngăn ngừa sẹo -Giúp giảm bớt cảm giác ngại khi bị mụn trứng cá. Điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo. Bác sĩ của quý vị có thể gợi ý các loại thuốc mua tự do không cần toa hoặc thuốc theo toa. Một số thuốc trị mụn được thoa trực tiếp lên da. Các loại khác là thuốc dạng viên uống. Bác sĩ có thể yêu cầu quý vị sử dụng nhiều loại dược phẩm. Sau đây là một số cách chăm sóc da nếu quý vị bị mụn: -Làm sạch da một cách nhẹ nhàng. Dùng sữa rửa mặt loại nhẹ vào buổi sáng, tối và sau khi làm việc nặng nhọc. Việc chà xát da mạnh tay không giúp mụn ngừng mọc. Điều này thậm chí có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. -Cố gắng không chạm vào da. Những người nặn, bóp hoặc cạy mụn có thể bị sẹo hoặc các vết thâm trên da. -Cạo râu một cách cẩn thận. Nếu quý vị cạo râu, quý vị có thể thử cả dao cạo điện và dao cạo an toàn để xem cái nào tốt nhất. Với dao cạo an toàn, hãy sử dụng lưỡi dao sắc. Xà phòng và nước cũng giúp làm mềm râu trước khi thoa kem cạo râu. Cạo nhẹ nhàng và chỉ cạo khi bắt buộc phải cạo. -Tránh ánh nắng mặt trời. Nhiều loại thuốc trị mụn có thể khiến mọi người dễ bị cháy nắng hơn. Phơi nắng nhiều cũng có thể khiến da bị nhăn và tăng nguy cơ ung thư da. -Lựa chọn đồ trang điểm cẩn thận. Không nên chọn đồ trang điểm chứa dầu. Tìm từ “noncomedogenic” (không gây mụn) trên nhãn. Điều này có nghĩa là đồ trang điểm đó sẽ không gây tắc nghẽn lỗ chân lông của quý vị. Nhưng một số người vẫn bị mụn ngay cả khi họ sử dụng những sản phẩm này. -Gội đầu thường xuyên. Nếu tóc của quý vị nhiều dầu, quý vị có thể cần gội đầu hàng ngày. Một số nguyên nhân có thể khiến cho mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn: -Thay đổi lượng hoóc môn ở các cô gái tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ trưởng thành 2 đến 7 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt của họ bắt đầu -Áp lực từ mũ bảo hiểm, ba lô hoặc cổ áo chật -Ô nhiễm và độ ẩm cao -Nặn hoặc cạy mụn -Chà xát mạnh lên da. Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp bạn có cách chăm sóc và lạc quan hơn với bệnh lý mụn của mình.
|
|
Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464 Email: impequynhon.org.vn@gmail.com Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng |
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích |