Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 4 6 6 1
Số người đang truy cập
6 0 9
 Tư vấn sức khỏe Hỏi-Đáp
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên đề ký sinh trùng và kiến thức y học phổ thông tháng 10 năm 2015

Lê A., 21 tuổi Thừa Thiên Huế, 09145…

Hỏi: Em là một sinh viên chuyên ngành thú y, trường ĐH Nông Lâm Huế. Xin bác sĩ cho em biết rõ về tầm quan trọng của bệnh lây truyền từ động vật sang người vì gần đây trên ti vi em thấy đề cập “Mối đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng từ bệnh lây truyền từ động vật này”. Xin cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn chúng tôi xin chia sẻ các thông tin mới nhất về bệnh lây truyền từ động vật truyền sang người. Bất kỳ một bệnh hoặc nhiễm trùng nào lây truyền một cách tự nhiên từ động vật có xương sống sang người và ngược lại thì được phân loại là bệnh lây truyền từ động vật sang người (zoonosis) theo ấn bản của PAHO. Các bệnh lây truyền từ động vât sang người đã được nhận ra nhiều thế kỷ nay và hơn 200 căn bệnh đã được xác định và mô tả. Chúng gây ra bởi các tác nhân gây bệnh, gồm cả vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và virus. Thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng. Việt Nam cũng được coi là một “điểm nóng”, trong đó có nhiều bệnh có thể gây đại dịch. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị quốc tế về “Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2015” do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế Indonesia tổ chức trong hai ngày 25-26/8 tại Hà Nội.

 

75% bệnh truyền nhiễm mới nổi lây từ động vật

Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola... Ước tính 60% các bệnh của con người, 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Thông tin tại hội nghị cho biết, trong những năm gần đây, dịch bệnh mới nổi nguy hiểm lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc lây truyền từ động vật sang người liên tục xuất hiện như: cúm A/H5N1, SARS, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV, bệnh than, bệnh dại... là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây tổn hại đến nền kinh tế, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn thế giới.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, có hàng trăm bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh hạch từ chuột, Mers-CoV từ lạc đà, Ebola được cho là từ loài khỉ, cúm gia cầm... “Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây truyền từ người sang người, lây từ người sang người nhanh hơn - làm tăng nguy cơ lây lan giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán bệnh mới nổi rất khó, vì thế giới không biết bệnh gì, từ đâu, điều trị như thế nào... như virut cúm gia cầm A/H5N1 hay SARS. Một số lại biến chủng, biến đổi; trước chỉ lưu hành bệnh trên động vật, sau đó lây sang người, từ độc lực thấp sang độc lực cao”, ông Phu nhấn mạnh.

 

Việt Nam tích cực tham gia phòng chống bệnh lây truyền từ động vật

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi các nước và mỗi người dân phải nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật sang người”.

Theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, Việt Nam nằm trong khu vực được coi là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Người dân có tập quán chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ - nhà nào cũng nuôi gà, thậm chí bò, trâu ngay dưới nhà...; điều kiện vệ sinh rất kém, tập quán người dân ăn gỏi cá, ăn tiết canh, ăn gà chết, gà rù... Vì thế, nguy cơ xuất hiện các bệnh mới nổi rất cao. Có nhiều bệnh từ lâu không xuất hiện, nhưng đến một lúc nào đó có thể bùng phát trở lại. Thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Các dịch bệnh này là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố, như sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, du lịch và thương mại quốc tế, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp...

 

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong Chương trình An ninh y tế toàn cầu, luôn cam kết có những hành động mạnh mẽ nhất trong việc phòng chống dịch bệnh mới nổi. Với vai trò là nước chủ trì hội nghị, Việt Nam tiếp tục cam kết tham gia tích cực trong phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người của Chương trình An ninh y tế toàn cầu. Trong năm 2014, 44 quốc gia đã tiến hành xây dựng và cam kết tham gia Chương trình An ninh Y tế toàn cầu (GHSA) với 11 gói hành động, trong đó có gói hành động về Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người (ZDAP). Từ tháng 1/2014, Việt Nam đã chính thức cam kết tham gia Chương trình GHSA, với vai trò là quốc gia cùng Indonesia chủ trì gói hành động về Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Võ Văn Tr., 32 tuổi, ngành Thuế Hải Dương, 0912…..

Hỏi: Kính thưa các bác sĩ, vừa qua bố em đi khám tại BVĐK Hải Dương được bác sĩ bảo là bố em bị bệnh glocom, em không biết bệnh này có nguy hiểm khong, có di truyền không, có lây cho các thành viên trong gia đình không? Em kính mong sự hồi đáp của các bác. Em trân trọng cảm ơn!

Trả lời:Trước tiên, chúng tôi muốn chia sẻ mối lo lắng của bạn, câu hỏi của bạn chúng tôi xin phúc đáp như sau:Bệnh lý glocom hay tên tiếng Anh gọi làGlaucoma, là một bệnh lý biến chứng trong đó có thương tổn thần kinh thị dẫn đến mất giảm thị lực. Có một số thể glocom và hai thể phổ biến nhất là glocom góc mở tiên phát (primary open-angle glaucoma_POAG) và glocom góc đóng (angle-closure glaucoma_ACG). Glocom góc mở thường được gọi là "the sneak thief of sight" vì nó không có triệu chứng cho đến khi mất thị lực xảy ra đáng kể. Không có một dấu chứng hay triệu chứng điển hình nào cảnh báo sớm bênh glocom góc mở. Chúng phát trển chậm và đôi khi không biểu hiện mất thị lực đến nhiều năm.

 

Hầu hết, người bị glocom góc mở cảm thấy tốt và không chú ý sự thay đổi nào về thị lực của mình vì mất thị lực ban đầu là chỉ xuất hiện một bên hoặc vùng ngoại vi và sức nhìn hay nhìn rõ nét vẫn còn duy trì cho đến khi phát hiện bệnh. Vào thời điểm bệnh nhân biết mất thị lực, bệnh thường diễn tiến thật sự đầy đủ. Mất thị lực do bệnh glocom không thể hồi phục dù có điều trị, thậm chí có phẩu thuât.

 

Cách nhận biết và triệu chứng biểu hiện của bệnh glocom

- Bệnh glocom góc đóng: Thường xảy ra ở những người trung niên trở lên. Bệnh nhân thấy nhức mắt, nhức đầu dữ dội, đỏ mắt nhưng không có rử mắt, buồn nôn và nôn, nhìn mờ và thấy các quầng xanh đỏ quanh nguồn sáng.

- Bệnh glocom góc mở: Glocom góc mở đang chiếm tỉ lệ tương đối lớn, xảy ra ở những người trẻ hoặc trung niên. Thường chỉ có triệu chứng nhìn mờ từ từ, không đau nhức hay đỏ mắt gì nên bệnh nhân dễ bỏ qua, không chú ý đến, đến khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn và không hồi phục thị lực.

 

Về đặc điểm lâm sàng:

- Dấu hiệu nhận biết glocom góc đóng nguyên phát: Đau nhức (nhức đầu, nhức mắt cùng bên); Nhìn mờ (nhìn mọi vật không rõ nét); Thấy quầng sáng nhiều màu sắc; buồn nôn và nôn do kích thích dây thần kinh X. Khi thăm khám thấy các triệu chứng thực thể là nhãn áp cao, gây phù giác mạc. Giác mạc mờ, mất bóng, thị lực giảm, cương tụ rìa (giãn phình mạch máu kết mạc), đồng tử giãn méo và mất phản xạ ánh sáng, tiền phòng nông, thủy dịch vẩn đục nhẹ Tyndall (+). Có thể có phù gai thị, soi góc tiền phòng (đóng góc, dính góc). Đo nhãn áp có nhãn áp cao, có thể trên 35 mmHg. Soi góc thấy đóng góc.

- Dấu hiệu nhận biết glocom góc mở nguyên phát: Xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, không đau. Thường xảy ra ở 2 mắt. Triệu chứng thực thể gồm nhãn áp dao động, có thể tăng từng lúc. Soi đáy mắt có tổn hại gai thị như lõm teo gai, mạch máu dạt về phía mũi. Đo thị trường thấy thu hẹp. Soi góc tiền phòng là góc mở.

Hy vọng với các thông tin tối thiểu ở trên, bạn và gia đình đã hiểu về bệnh glocom.

Lê Thị Bích Ng. 41 tuổi, TT thủ Dầu Một, Bình Dương, thuytruc@....

Hỏi: Vừa qua chống em đi khám vì bị sưng đầu gối và hạn chế đi lại khó khăn, khi khám tại khoa ngoại chấn thương bệnh viện quốc tế cho biết có u nang bao hoạt dịch ở khớp gối. Điều này có nguy hiểm lắm không, kính mong ban trả lời của Viện sốt rét ký sinh trùng quy nhơn trả lời giúp càng sớm em xin cảm ơn rát nhiều!

Trả lời: chia sẻ và thông cảm về bệnh mà bạn vừa hỏi, chúng tôi xin chia sẻ theo ý kiến chuyên khoa như sau:

Khớp gối giống như các khớp khác được bao bọc bởi bao khớp, như một túi khép kín. Túi này được che phủ bên trong nhờ một tấm thảm đó là màng hoạt dịch. Tổ chức hoạt dịch tiết ra dịch - gọi là hoạt dịch- để nuôi dưỡng và bôi trơn khớp.

Trong trường hợp bất thường, ở bên trong khớp hay trong những trường hợp chấn thương, bao hoạt dịch có thể phản ứng tăng tiết dịch một cách quá đáng,đó là nguyên nhân của tràn dịch khớp gối. Khi áp lực bên trong của gối tăng nó có thể tạo nên các thay đổi như thoát vị ra phía sau của gối. Đó là u nang bao hoạt dịch, nó thường nằm ở chính giữa khoeo và to ra sau gối. Nang này không có ǵì là nguy hiểm, đặc biệt là không bao giờ ung thư hoá. Bên trong nó chỉ có mỗi thành phần là hoạt dịch, điều đó giải thích tại sao thể tích của nó lại có thể thay đổi được. Thông thường thể tích của nó nhỏ và không gây trở ngại với chức năng của gối. Đôi khi nó trở nên to, căng, đưa tới đau do tăng áp lực, thay đổi khi đi lại, thể tích nhỏ đi khi  gấp gối, đặc biệt là lúc ngồi xổm. Rất hiếm những trường hợp chèn ép vào tổ chức xung quanh (mạch máu , thần kinh gây nên kiến ḅò, rát bỏng ở cẳng chân) do thể tích của khối u quá to. Trong một số ít trường hợp nó có thể bị vỡ biểu hiện bằng: đau tăng lên đột ngột, bắp chân mau chóng sưng to tràn hoạt dịch ra ngoài. Có nguy cơ làm tắc các tĩnh mạch hoặc gây nên các tổn thương về cơ.

 

Làm thế nào để chẩn đoán ?

Cần phải nghĩ tới khi có đau ở phía sau khoeo, hơn hết là sờ thấy một khối nhỏ như ḥn bi. Thể tích lại thay đổi, giảm đi và mất khi gối ở tư thế gấp, nó thấy rơ hơn khi gối duỗi thẳng. Trong trường hợp nghi ngờ, dùng siêu âm chẩn đoán biết rõ là nó nằm ở đâu và kích thước bao nhiêu. U nang bao hoạt dịch thường là hậu quả của các  bệnh gối: cần phải t́m kiếm các nguyên nhân này ở gối: Có khi là thương tổn sụn khớp, có khi là sụn chêm hay bao hoạt dịch hay sau chấn thương,...

Điều trị u nang bao hoạt dịch

Thường u nang bao hoạt dịch tiến triển tự nhiên, không cần điều trị, cũng khỏi do dịch lại chui vào trong khớp. Tất cả các nang bao giờ cũng lành tính, không cần phải đưa ra một phương pháp điều trị ǵ thêm. Đôi khi  không khỏi mà lại gây nên khó chịu cho bệnh nhân, có thể điều trị bằng cách chọc hút và bơm thuốc có nguồn gốc cortisone vào trong. Đồng thời để tránh tái phát, cần phải t́m và  điều trị nguyên nhân ở trong gối, ví dụ như can thiệp vào sụn chêm chẳng hạn. Trong trường hợp khó trị, u nang lại gây đau, gây khó chịu cho người bệnh, phương thức điều trị bằng nội soi có thể được ra: Nhờ nội soi qua lỗ liên hệ giữa nang và khớp và làm nhỏ lại: bằng cách dùng một nắp đậy chắn lỗ thông thương, như thế đảm bảo không c̣n tăng áp lực gây đau trong nang nữa. Nhưng mới được áp dụng gần đây nên chưa thể bàn về kết quả của  phương pháp này. Cần có chỉ định ngoại khoa khi nang đó tái phát nhiều lần, có nghĩa là phải mổ để lấy hoàn toàn nang đó đi.

Nguyễn Thị Thu Th. 46 tuổi, Tuy An , Phú Yên, ….

Hỏi: Các bác sĩ ơi, có thể cho em biết vì sao độ pH trong dạ dày rất đậm đặc mà con vi khuẩn Helicobacter pylori của em vẫn sống được vậy. Em cam o­n rất nhiều.

Trả lời: Phải nói rằng đây là một câu hỏi thật thú vị, liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ một số khám phá về “vũ khí bí mật” của vi khuẩn gây bệnh dạ dày. Được phát hiện vào năm 1982, Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong dạ dày của chúng ta, mặc cho các điều kiện khắc nghiệt có tính acid của dạ dày. Người ta ước tính rằng cứ trong 2 người thì có 1 người nhiễm H. pylori (trên 50% dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này) nhưng hầu hết sẽ không thấy có biểu hiện bệnh lý nào. Mặc dù vậy, nó được coi là một trong những bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu của rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày - ruột. Những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra cách H. pylori tấn công con người, đồng thời mở ra hy vọng loại trừ vi khuẩn này. Thông qua sự thích nghi tiến hóa độc đáo, vi khuẩn H. pylori có thể tránh được những tác dụng sát khuẩn của acid dạ dày bằng cách ẩn bên trong lớp chống acid dày của chất nhầy bao phủ thành dạ dày. Khi ở bên trong lớp chất nhầy, các vi khuẩn sử dụng các protein bám dính của nó gắn chặt các phân tử đường tự nhiên được tìm thấy trên các thành dạ dày. Sự kết hợp đính kèm này như một thứ vũ khí bí mật rất hiệu quả để vi khuẩn H. pylori có thể chống lại những nỗ lực của cơ thể để ‘loại bỏ’ nó ra khỏi cơ thể, cho phép nó tạo ra các tác nhân gây bệnh để gây hại dạ dày mà không bị trừng phạt. H. pylori ăn cắp nhiên liệu của các tế bào ở niêm mạc dạ dày, làm các tế bào này bị suy yếu, gây giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Như vậy là vừa trực tiếp gây tổn thương niêm mạc dạ dày, vừa làm giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm cho niêm mạc dạ dày suy yếu, tổn thương và tăng nguy cơ bị viêm loét...Nhưng giờ đây, thứ vũ khí bí mật này của loài vi khuẩn H. pylori đã bị bại lộ. Các nhà nghiên cứu ở trường dược, thuộc trường Đại học Nottingham và Astra Zeneca R and D đã xác định được cơ chế tạo kết dính, tốt nhất được biết đến từ trước đến nay, mà phân tử protein của vi khuẩn sử dụng để đính kèm vào các phân tử đường trong dạ dày. Nghiên cứu được công bố ngày 14/8/2015, trên tạp chí khoa học có uy tín khoa học.

Tìm kiếm tương tác phân tử nào đã giúp cho tác nhân gây bệnh này rất thành công trong một môi trường khắc nghiệt như dạ dày, cho đến bây giờ đã chứng minh là rất khó. Sử dụng tia X-quang cực kỳ mạnh mẽ, các nhà khoa học có thể nghiên cứu sự tương tác kết dính giữa phân tử protein BabA của H. pylori với các phân tử đường Lewisb của niêm mạc dạ dày ở cấp độ nguyên tử. Họ phát hiện ra rằng, ngay tại đỉnh của nó, BabA sở hữu một rãnh đặc biệt, cho phép nó gắn một cách an toàn với Lewisb bằng cách sử dụng một mạng lưới các liên kết hydro (cùng một loại tương tác giữa các phân tử nước với nhau). Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy rằng mạng lưới này được tinh chỉnh - nếu một vài trong số các liên kết hydro bị phá vỡ, mạng không hoạt động và ràng buộc không còn có thể xảy ra. Sự hiểu biết này vào các tương tác phân tử cần thiết cho độ bám dính là một cơ sở đầy hứa hẹn cho sự phát triển của chiến lược mới trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn H. pylori. Nghiên cứu này hiện nay là nền tảng cho nghiên cứu trong tương lai giữa trường ĐH Nottingham và AstraZeneca R & D vào “chiến lược chống bám dính” nhằm thanh toán bù trừ H.pylori trong dạ dày thông qua đánh bật các vi khuẩn sử dụng BabA ra khỏi thành dạ dày: thuốc ức chế Lewisb. Chiến lược mới lạ này là cần thiết để giúp điều trị nhiễm H. pylori, vì hiện nay vi khuẩn này được đánh giá là đang tăng sức đề kháng với liệu pháp kháng sinh thông thường trên phạm vi toàn cầu. Tiến sĩ Franco Falcone, cho biết: “Mặc dù nghiên cứu này trả lời câu hỏi từ lâu về cách H. pylori bám trụ trong dạ dày, nó đại diện cho bước đầu tiên trong việc phát triển các liệu pháp mới. Trong vài năm tiếp theo, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ rất quan trọng để xác định xem cách tiếp cận độ bám dính chống BabA liệu có khả thi và có thể tiến đến phát triển ứng dụng trên lâm sàng. Một cách tiếp cận tương tự đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trong những mô hình tiền lâm sàng.

Hy vọng với các thông tin trên, bạn đã biết được tác nhân vi khuẩn H. pylori vì sao sống được trong môi trường dịch vi như thế!

Thùy Linh, 29 tuổi, Đơn Dương, Lâm Đồng

Hỏi: Em nghe nói đến trên da mình khi bị nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, siêu vi khuẩn hay virus, ký sinh trùng giun sán. Vật, xin các bác sĩ cho em biết một số bệnh ở da do tác nhân virus vì em chỉ biết có bệnh giời leo mà thôi. Em rất cảm ơn các bác đã trả lời giúp em!

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn, liên quan đến câu hỏi chúng tôi xin chia sẻ cho bạn một số vấn đề liên quan như sau: Trong thực hành hành lâm sàng tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa da do ký sinh trùng, chúng tôi gặp rất nhiều tác nhân có thể làm cho bệnh nhân viêm da, các nguyên nhân này rất đa dạng và đôi khi khó chẩn đoán vì các triệu chứng của chúng rất na ná, giống nhau và khó phân biệt thương tổn, nhất là khi các thưng tổn đó đã được can thiệp và chữa trị bằng các thuốc thoa/ bôi ngoài da.

 

Khi đối mặt với các bệnh da như vậy, các thầy thuốc lâm sàng cần phải phân biệt viêm da hay tổn thương da do virus với một số bệnh viêm da do căn nguyên khác như viêm da dị ứng, viêm da do tiếp xúc các hóa chất, viêm da do bệnh lý nghề nghiệp, viêm da do nhiễm độc, nhiễm độc da do thuốc, thậm chí các loài hoa, rau và thảo dược cũng óc thể dẫn đến viêm da khi một số cá nhân có cơ địa dị ứng. Bỏng và bỏng nắng làm tăng nguy cơ viêm da và kích thích da nặng hơn, cũng như một số chất có thể làm thêm nặng các thương tổn vốn sẵn có như chlorine, chất lau sàn nhà, chất tẩy rửa và xà phòng, chất làm mềm vải, chất làm móng tay chân, nước hoa, thuốc thoa ngoài, ...Tại những nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, các bệnh ngoài da phát triển mạnh và là nỗi lo lắng của nhiều người, vì ngoài việc gây các khó chịu, đau đớn, còn ảnh hưởng thẩm mỹ. Dưới đây là một số bệnh da do virus thường gặp:

Bệnh Zona (giời leo)

Bệnh Zona là kết quả của sự tái hoạt động của virus Herpes zoster (Varicella-zoster virus_VZV). Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Virus thủy đậu trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Sau đó, virus sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da và tạo ra những mảng phát ban gây đau thường gọi là bệnh Zona. Triệu chứng đầu tiên của Zona thường là tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau ở một phía của cơ thể. Những cảm giác da có thể gặp là ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói. Thông thường thì sau khi cơn đau xuất hiện được 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày. Tiếp đó, 2-3 tuần sau, ban sẽ biến mất, vảy rơi và có thể để lại sẹo nếu tổn thương bị bội nhiễm. Trước hoặc cùng với tổn thương da, thường nổi hạch sớm, đau ở vùng tương ứng. Hạch là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán. Rối loạn cảm giác rất thường gặp. Biểu hiện: đau dây thần kinh từng cơn lan tỏa hoặc thành “điểm đau nhói” dai dẳng, cảm giác rát, nóng, khu trú ở vùng đau sau Zona. Ở người cao tuổi, đau sau Zona thường dữ dội và khá dai dẳng.

 

Bệnh da do virus Herpes simplex

Bệnh do virut Herpes simplex gây ra. Loại virus Herpes simplex có 2 nhóm: Herpes simplex nhóm II gây mụn rộp bộ phận sinh dục, nhóm I gây ra mụn rộp môi. Khoảng 80% dân số nhiễm virut này, nhưng bình thường chúng nằm yên trong cơ thể, chỉ có khoảng 25% phát bệnh, khi có điều kiện thuận lợi. Mỗi đợt bệnh kéo dài 1-3 tuần, tùy người một năm tái phát 1-2 lần, cũng có khi 5-6 lần. Dấu hiệu dễ thấy là bị ngứa, nóng, rát, đỏ da, có cảm giác lăn tăn ở môi, miệng, má, cằm, mũi hoặc ở cơ quan sinh dục, sau đó xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti, tập trung thành từng đám. Những mụn này chứa đầy dịch, khi bị vỡ, dịch chảy ra ngoài làm lây bệnh. Đường lây do tiếp xúc, chủ yếu qua môi (hôn, dùng chung khăn mặt) hoặc do lây truyền qua đường tình dục.

 

Trường hợp sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường nặng (lan rộng, kéo dài, có biến chứng). Còn lại đa số trường hợp khác, bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi trong vài tuần.

Bệnh hạt cơm (Verrues)

Bệnh hạt cơm là một loại bệnh da thường gặp do virus sinh u nhú (Human papilloma virus_HPV) gây nên. Bệnh thường gặp ở giới nữ nhiều hơn giới nam. Hạt cơm có hai loại là hạt cơm thường và hạt cơm phẳng.

            - Hạt cơm thường do HPV týp 2 gây nên. Thương tổn là tổn thương sùi ra ngoài bề mặt hình bán cầu hoặc dẹt đường kính từ vài mm đến 1- 2cm, ở trung tâm có thể lõm xuống. Bề mặt hạt cơm tăng gai, thậm chí tạo thành rãnh, thành khía. Quanh các đám dầy sừng lại có những đám dầy sừng kế cận tạo thành như miệng giếng. Số lượng thay đổi từ một vài cái đến vài chục cái, đôi khi tập hợp lại. Vị trí hay gặp ở mu tay và các ngón, ít gặp ở lòng bàn tay. Hạt cơm ở tay được gây ra bởi HPV2 và HPV1 (13%). Hiếm gặp hơn là những tổn thương sùi ở trong hoặc ra ngoài, kết hợp với HPV4 hoặc HPV7.

            - Hạt cơm phẳng do HPV týp 3, type 10 gây nên. Tổn thương là những sẩn nhỏ hiếm khi nổi cao, màu vàng hoặc màu vàng nhạt, bề mặt bóng, mảnh, thường tập trung thành dải (do khi bệnh nhân gãi, hạt cơm có thể mọc theo vết xước gọi là hiện tượng Kobner) hoặc tạo thành mảng, cảm giác thường hơi ngứa. Vị trí ưu thế ở mặt mu tay, ngón tay, cánh tay, đầu gối và mặt trước cẳng chân. Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn nổi cao hoặc kích thước lớn. Nó tồn tại dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể có dấu hiệu viêm ở xung quanh hoặc có vòng giảm sắc tố.

 

Bệnh sùi mào gà vùng sinh dục - hậu môn

Sùi mào gà còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục, đó là bệnh sùi bộ phận sinh dục do virus HPV thuộc nhóm Papova gây nên. Tổn thương là các mụn có nhiều gai nhỏ giống như mào gà, chai cứng gây ngứa, thỉnh thoảng có chảy máu, sần sùi như da cóc nên gọi là mụn cóc, khi các mụn này ở bộ phận sinh dục thì gọi là mụn cóc sinh dục.

Tỷ lệ bệnh nhân bị mụn cóc sinh dục tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Sùi mào gà lây truyền qua quan hệ tình dục khi giao hợp không được bảo vệ, theo mọi hình thức, đặc biệt hình thức dương vật - hậu môn. Mọi biểu mô của tổn thương sùi bong ra đều có chứa HPV, do vậy sùi mào gà còn có thể lây truyền dễ dàng do tiếp xúc trực tiếp ở những nơi có tổn thương. Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà khoảng 1- 6 tháng. Sùi mào gà tiến triển mạn tính, nhiều tháng đến nhiều năm, các triệu chứng không hề giảm đi mà trái lại ngày càng tăng nếu không được điều trị. Thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm gây loét, chảy máu. Các biến chứng thường gặp của sùi mào gà là nhiễm khuẩn, chảy máu, cản trở giao hợp hoặc cản trở thai sổ trong khi sinh. Biến chứng lâu dài của sùi mào gà là ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.

Khi thấy biểu hiện khác lạ trên da, người bệnh cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Đối với các bệnh ngoài da do nhiễm virut gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị.

 

Có rất ít sự lựa chọn thuốc kháng virut để điều trị, bệnh nhân thường được duy trì cân bằng dịch để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và bôi thuốc làm dịu da tại chỗ, giảm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là vấn đề phải lưu ý hàng đầu. Thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da bệnh nhân vì rất dễ lây lan. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc để không lây lan sang người khác.

Với các thông tin trên, hy vọng bạn đã hiểu hơn về các bệnh da do virus cũng như cần phân biệt với các bệnh viêm da khác để điều trị sớm và kịp thời, tránh biến chứng cũng như tránh lãng phí thời gian và kinh tế.

Nguyễn Võ Đức Anh, 23 tuổi, ĐH Y dược Cần Thơ

Hỏi: Các bác ơi cho cháu hỏi, cháu là một sinh viên y khoa năm thứ 4 trường ĐH Y dược Cần Thơ, gần đây cháu có nghe nói đến các bệnh mày đay hầu hết do giun sán gây nên và mọi người đang rất lo lắng. Cháu muốn hỏi các bác làm thế nào nhận biết các thể mày đayđể chẩn đoán và xử trí đúng nhất. Cháu rất cảm ơn ah.

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi chuyên môn của chị, chúng tôi đã có nhiều lần phúc đáp cho các đọc giả về nguyên nhân gây mày đay, gây dị ứng và các tác nhân làm dễ trong môi trường nhiệt đới và nóng ẩm như ở Việt Nam chúng ta trên cùng trang website: http://www.impe-qn.org.vn (bạn có thể tìm đọc và các hình ảnh minh họa). Hôm nay, nhân câu hỏi này, chúng tôi xin chia sẻ bài viết của PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn – một chuyên gia về nhiễm độc dị ứng và sốc phản vệ đề cập một cách dễ hiểu về nhận biết các thể mày đay ở người hay gặp nhât. Trong các bệnh dị ứng thì mày đay là bệnh phổ biến và hay gặp nhất, tỷ lệ mắc bệnh này trong cộng đồng dân cư ở nước ta khoảng 19-24%. Các bệnh này do nhiều nguyên nhân gây nên có thể bị nhầm lẫn với một loạt các bệnh ngoài da khác và việc xác định chẩn đoán đặc hiệu không phải dễ dàng. Mày đay được chia ra 2 loại là mày đay cấp và mạn tính.

- Mày đay cấp tính: là tình trạng mày đay kéo dài dưới 6 tuần và chủ yếu xuất hiện ở những bệnh nhân có yếu tố cơ địa và phổ biến ở trẻ em. Các biểu hiện mày đay xuất hiện trong hoàn cảnh có liên quan đến các dị nguyên nhất định hoặc sau nhiễm virut. Nhiều bệnh nhân mày đay cấp có thể tự khỏi mà không cần đến bác sĩ.

- Mày đay mạn tính: là tình trạng mày đay kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng trên 6 tuần, thường gặp ở lứa tuổi trung niên và nữ mắc nhiều hơn nam. Mày đay mạn không thường gặp ở bệnh nhân có yếu tố cơ địa và khó khăn để xác định nguyên nhân.

- Nguyên nhân do dị ứng: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó việc dùng thuốc là nguyên nhân chính gây mày đay. Tất cả các loại thuốc và các đường đưa thuốc vào cơ thể như uống, tiêm, xông, hít, đặt dưới lưỡi, bôi ngoài da... đều có thể gây mày đay. Thức ăn cũng là nguyên nhân gây mày đay, các loại thức ăn giàu protein dễ gây bệnh hơn các loại thức ăn khác. Các loại mỹ phẩm: phấn, son, nước hoa, xà phòng,... là nguyên nhân chính gây mày đay cho phụ nữ. Ngoài ra, các dị nguyên như: bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông súc vật... cũng là những tác nhân gây mày đay.

- Nguyên nhân yếu tố vật lý: Đây là dạng mày đay xảy ra không theo cơ chế dị ứng. Trường hợp này thường do các yếu tố vật lý (nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, áp lực, chấn thương…) gây nên. Các biểu hiện này thường xuất hiện chậm sau 3-12 giờ. Cơ chế có thể do các tế bào mast ở tổ chức dưới da của những cá thể quá mẫn cảm, các tế bào này dễ dàng thoát bọng, phóng thích các chất hóa học trung gian khi tiếp xúc với những yếu tố nêu trên và gây nên bệnh cảnh lâm sàng của mày đay.

Dấu hiệu nhận biết

- Mày đay dị ứng: Sau khi dùng thuốc, thức ăn hoặc tiếp xúc với dị nguyên (nhanh có thể vài phút, chậm có thể hàng ngày) người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ, càng gãi càng làm sẩn phù to nhanh hoặc xuất hiện những sẩn phù khác và ở những vùng đó xuất hiện những sẩn phù màu hồng hoặc đỏ đường kính vài milimet đến vài centimet. Người bệnh cảm thấy râm ran một vài chỗ trên da như côn trùng đốt.

- Các tổn thương này hình tròn hoặc bầu dục xuất hiện ở nhiều nơi, có thể chỉ khu trú ở đầu, mặt cổ, tứ chi hoặc bị toàn thân. Ở một số trường hợp, các triệu chứng kèm theo đôi khi có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao.

- Mày đay tiếp xúc: Khi tiếp xúc với những chất như mỹ phẩm, hóa chất có thể gây nổi mày đay tại chỗ trong vòng vài phút đến vài giờ. Bệnh hay gặp ở những người tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa. Nhiều trường hợp bị mày đay do mang găng tay cao su. Về cơ chế nó có thể xảy ra dưới dạng phản ứng miễn dịch hoặc không miễn dịch, các phản ứng này thường nhẹ.

- Mày đay do côn trùng đốt: Đây là mày đay dạng sẩn do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng như muỗi, mòng, bọ chét, mạt, kiến, o­ng, sâu róm... Triệu chứng là những dát hoặc nốt sẩn tụ thành từng đám chủ yếu ở vùng da trần, đặc biệt là tay, chân và vùng đầu, mặt, cổ, rất ngứa và thường bị gãi trầy xước.

- Mày đay vật lý: Mày đay vật lý được đặc trưng bởi những dát sẩn xảy ra sau một tác nhân vật lý nào đó. Chúng xảy ra ở khoảng 50% số bệnh nhân mày đay mạn tính. Loại mày đay này có thể chia ra các dạng như: mày đay do sức ép hoặc rung động (mặc quần áo bó sát, nắm chặt tay điều khiển máy cần cẩu, lái xe ôtô...); mày đay do lạnh (thời tiết lạnh, nước lạnh, hoặc cầm nắm đồ vật lạnh); mày đay do nóng (xuất hiện ở những vùng da hở do phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời hoặc do nóng khi tiếp xúc).

- Mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân: Là thể bệnh hay gặp, hay tái phát và không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Mày đay mạn tính chủ yếu xảy ra ở người lớn, có đến 40% số bệnh nhân mày đay mạn tính kéo dài hơn 6 tháng, đến 10 năm sau vẫn sẽ bị nổi mày đay. Bệnh có xu hướng diễn biến lui bệnh rồi lại tái phát, triệu chứng nặng hơn về đêm gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, buồn bực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, học tập.

Mày đay có thể bị nhầm lẫn với một loạt các bệnh ngoài da khác có ngứa như viêm da cơ địa dị ứng, dị ứng thuốc, viêm da tiếp xúc, côn trùng cắn, hồng ban đa dạng, vảy phấn đỏ chân lông. Vì vậy, việc khai thác tiền sử bệnh là rất quan trọng, nhất là ở lần khám đầu tiên. Nên khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng để khám.

Đối với bệnh nhân, cần để ý theo dõi các yếu tố thuận lợi, thúc đẩy xuất hiện các triệu chứng mề đay như các yếu tố vật lý, thức ăn, thuốc. Cần thiết quan sát kỹ hình thái tổn thương, kích thước, màu sắc, vị trí kể cả mức độ ngứa, cảm giác đau, nóng rát nếu có để thông báo với bác sĩ, từ đó tìm ra nguyên nhân loại trừ thì việc kiểm soát bệnh dễ dàng hơn.

Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn cảm. Những thức ăn gây kích thích như: rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt; những thức ăn có nhiều đạm: tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa... cần hạn chế và cần áp dụng chế độ loại trừ. Nếu mề đay không xuất hiện thì bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ... Khi có triệu chứng mề đay, phù môi, sưng mặt hoặc khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Hy vọng với các thông tin trên, bạn đã rõ các phân loại về mày đay ở người bệnh.

Nguyễn Hồng Th. 34 tuổi, TT Bình Định, haiha@

Hỏi: Xin các anh chị ở Viện Sốt rét Quy Nhơn cho tôi hỏi những hậu quả nghiêm trọng do giun sán gây ra, đặc biệt vừa rồi tôi đi khám ở Viện các anh chi có nói giun móc gây thiếu máu rất nghiêm trọng, nếu không điều trị kịp thời.

Trả lời: Câu hỏi của bạn, chính là nội dung thông điệp mà chúng tôi – các thầy thuốc lâm sàng tại phòng khám hay tư vấn các bệnh nhân khi kê đơn thuốc cho một số người rằng hãy sổ giun định kỳ vào mỗi 6 tháng một lần vì nguy cơ suy dưỡng và thiếu máu do giun tròn đường ruột tại các vùng nông thôn. Gần đây có một bài viết đề cập “Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu mỗi năm vì giun sán” ngẫm ra cũng có thể lắm chứ vì dân số Việt Nam hiện nay vượt con số 80 triệu dân và cứ ước tính nếu một người nhiễm giun móc/ mở hoặc các loại giun tròn khác sẽ như thế nào. Theo các chuyên gia y tế, 80% dân số Việt Nam nhiễm giun đũa, 52% nhiễm giun tóc và 32% nhiễm giun móc. Mỗi năm, ngoài lượng máu khổng lồ bị mất do giun móc và giun tóc, phải kể đến hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm bị giun đũa "bớt xén" trong ruột. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày, 20 giun đũa có thể tiêu thụ 0,7 mg protein; 1 giun móc tiêu thụ 0,2 ml máu. Chúng làm người nhiễm bị suy nhược cơ thể.

Trung bình trong mỗi người Việt Nam có 8 giun đũa, 17 giun móc và 32 giun tóc sống ký sinh. Theo điều tra của Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ em cũng cao xấp xỉ người lớn với 70% nhiễm giun đũa, 51% nhiễm giun tóc và 16% nhiễm giun kim. Tình trạng này có ảnh hưởng đáng kể tới trọng lượng của trẻ. Tất cả trẻ nhiễm 3 loại giun kể trên đều nhẹ cân hơn so với trẻ không nhiễm. Đối với trẻ nhiễm 2 loại giun, tỷ lệ này là 55% và với trẻ nhiễm 1 loại giun là 33%.

Tỷ lệ nhiễm sán của người Việt Nam cũng rất cao. Kết quả điều tra tại 35 xã thuộc 11 tỉnh (với gần 30.000 mẫu xét nghiệm) cho thấy, tỷ lệ nhiễm sán lá gan trung bình là 21%, có nơi 37%. Tỷ lệ này tăng dần theo lứa tuổi, cao nhất là nhóm 30-50 tuổi; tỷ lệ nhiễm ở nam cao gấp 3 lần nữ. Nguyên nhân gây nhiễm sán lá gan chính là tập quán ăn uống của người dân các địa phương như thói quen ăn gỏi, thường là gỏi cá. Trong 10 loài cá được xét nghiệm, có tới 7 loài nhiễm ấu trùng sán lá gan như mè, rô đồng, chép, diếc, trôi, rô phi. Trong đó, cá mè đứng đầu về tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá gan: 44-92%. Trung bình mỗi con mè nhiễm 75 ấu trùng, có con nhiễm tới 603 ấu trùng. Đây là điều rất đáng lưu tâm vì các món tái, gỏi sống đang được nhiều người ưa chuộng. Vẫn còn nhiều phụ nữ mua cá mè về làm gỏi mà không hề biết loại cá này là một trong những vật trung gian gây bệnh.

Theo một nghiên cứu của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (thực hiện tại vùng đồng bằng), tỷ lệ nhiễm sán dây là 2%, nam giới chiếm 75% các trường hợp nhiễm. Trong cơ thể người, nang sán dây phân bố dưới da, nhiều nhất ở vùng lưng, ngực, tay, đầu, mặt, cổ. Nhiều bệnh nhân mang ấu trùng sán trong não (có người mang tới 102 ấu trùng sán trong não). Sán dây gây đau bụng, nhức đầu, suy nhược thần kinh. Các bác sĩ chuyên ngành ký sinh trùng cho biết, tỷ lệ và cường độ nhiễm giun sán của Việt Nam cao như vậy là do điều kiện khí hậu, môi trường sống bị ô nhiễm nặng và quan trọng hơn cả là thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, để chống giun sán, người dân không chỉ cần uống thuốc tẩy giun mà còn phải bảo đảm vệ sinh cho bữa ăn hằng ngày.

Với các thông tin trên, bạn sẽ thấy được phần nào mức độ nguy hại của giun sán đối với cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, gần đây nhờ vào các chương trình can thiệp của Bộ Y tế, các Chương trình y tế trên toàn cầu và dự án nước ngoài đã đầu tư rất nhiều vào nước ta nhằm giảm đi gánh nặng bệnh tật do giun sán gây nên có ý nghĩa rất quan trọng.

Ngày 05/10/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích