Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành ký sinh trùng và kiến thức y học phổ thông tháng 11 năm 2015
Bùi Liên A., 25 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ AnHỏi: Tháng trước, cháu có đi dầm nước mưa và lội các đường ngập nước mưa do xe cháu bị hỏng. Khi về nhà cháu thấy da của chân cháu từ cổ chân xuống đến bàn chân sủng nước và trắng bệch ra, sang nay thấy bắt đầu ngứa và khó chịu, cả trưa nay cháu không ngủ được, cháu đó đi ra hiệu thuốc tây để mua thuốc thoa nhưng không đỡ mà hình như càng ngứa nhiều hơn. Mong các bác giúp cháu đây là bệnh gì vậy. Cháu rất cảm ơn ah.Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi phỏng đoán đó là bệnh da do ngấm nước có thể do nhiều nguyên nhân tác nhân xâm nhập và do nguồn nước ô nhiễm ăn chân của bạn là khả năng nghĩ đến nhiều nhất. Qua tìm hiểu, chúng tôi xin chia sẻ bạn về một nội dung các bệnh lý da thường gặp phải trong mùa mưa lũ mà chúng tôi nghĩ rằng tương đối đầy đủ. Hàng năm, sau mùa mưa lũ, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, trong đó có các loại bệnh ngoài da. Vậy dùng thuốc nào để trị các bệnh về da đặc trưng của mùa mưa lũ? Những bệnh ngoài da đặc trưng trong mùa mưa lũ gồm: nước ăn chân, ghẻ, viêm nang lông, bệnh do ấu trùng xâm nhập vào da...Ngoài ra, một số trường hợp chúng tôi gặp trên lâm sàng trên các bệnh nhân có mắc bệnh nghề nghiệp như mua bán cá, hải sản, rau xanh, thợ hồ, thợ đóng ghe thuyền, bán cà phê, nước giải khát, phục vụ quán ăn, nhà hàng, ….Để điều trị các bệnh này cần căn cứ theo thể bệnh mà dùng thuốc điều trị đặc hiệu được hiệu quả và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.Bệnh nước ăn chân Bệnh nước ăn chân còn gọi là bệnh nấm kẽ chân, thực chất là bị nhiễm nấm Candida spp. và Blastomyces. Nguyên nhân do chân tay ngâm trong nước nhiều khiến cho tế bào sừng bị chết và môi trường ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển. Vị trí nước ăn chân hay gặp ở các kẽ ngón chân 4, 5 kẽ ngón tay 3, 4. Điều trị nước ăn chân thường dùng các thuốc bôi vào vùng da bị tổn thương như: dung dịch BSI 2%. Cồn ASA (thành phần gồm: aspirin, natri salicylat pha trong cồn 70o). Các loại thuốc mỡ chứa kháng sinh chống nấm như: nizoral, canesten, ketoconazol, ticonazol... Cần lau sạch, làm khô vết thương trước khi bôi thuốc. Nếu tổn thương nặng có thể kết hợp với uống thuốc chống nấm như: griseofulvin, nizoral hoặc sporal... Khi bị nước ăn chân người bệnh cần hạn chế lội nước, lau chân khô trước khi đi giày dép, cần rửa chân tay bằng xà phòng diệt nấm hoặc nước cốt chanh để tránh tái nhiễm. Ngoài ra, ở nước ta nhiều cây thuốc cũng được sử dụng để điều trị nấm như: rễ cây táo rừng, trầu không, kim ngân, chút chít, ké đầu ngựa, lá muồng trâu... Có thể vò nát một trong các thứ trên xát nhẹ vào chân hoặc nấu thành nước để ngâm chân cũng có kết quả tốt. Bệnh ghẻ Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây nên và lây lan nhanh từ người này sang người khác, khi gặp điều kiện vệ sinh kém, bệnh có thể lây thành dịch. Tây y có thể dùng một trong những loại thuốc bôi ngoài da để chữa ghẻ như: thuốc D.E.P. là thuốc chống muỗi vắt đốt nhưng có tác dụng diệt cái ghẻ nhanh và ít độc tính. Thuốc không nên dùng cho trẻ nhũ nhi và không bôi vào bộ phận sinh dục. Thuốc benzyl benzoat (ascabiol, scabitox, zylate) có độ an toàn cao. Thuốc có chứa crotamintan 10% có tác dụng chống ngứa và diệt cái ghẻ, có thể bôi cho trẻ nhũ nhi và bôi vào vùng kín. Thuốc permethrin cream 5% là thuốc chữa ghẻ ít độc tính nhất có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai. Đông y thường dùng lá cây ba gạc, lá đào đun nước tắm, nhựa cây máu chó bôi tại chỗ, tắm nước muối, tắm biển... để chữa bệnh. Đối với ghẻ vảy, ngoài thuốc bôi tại chỗ còn phải dùng thêm thuốc uống như ivermactin. Đây là thuốc được dùng để điều trị giun chỉ từ năm 1987 nhưng lại rất hiệu quả và an toàn trong điều trị ghẻ, đặc biệt là ghẻ vảy. Lưu ý khi điều trị ghẻ, phải điều trị cho cả những người sống chung trong gia đình hoặc trong cùng đơn vị, ký túc xá sinh viên, tẩy uế quần áo, ga gối. Mùa hè phơi quần áo, ga gối 3 - 4 nắng. Quần áo giặt để 1 tuần sau mới được mặc lại. Bệnh viêm nang lông Viêm nang lông là một căn bệnh phổ biến ngoài da, căn nguyên thường gặp nhất là do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, một số trực khuẩn Gram âm, một số loại nấm... Do thiếu nước sạch để sinh hoạt, vi khuẩn gây viêm nang lông phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa. Các thuốc bôi ngoài da điều trị viêm nang lông khá tốt như betadin, các loại kem mỡ kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn tốt như: bactroban, fucidin... Đối với một số trường hợp bệnh nặng lan ra toàn thân thì nên sử dụng một số thuốc có tác dụng toàn thân, tùy theo tình trạng bệnh viêm nang lông như: - Viêm nang lông do tụ cầu: sử dụng kháng sinh đường uống thuốc nhóm amoxillin, nhóm cephalosporin, ciprofloxacin và metronidazol. - Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với kháng sinh chống nấm đường uống. Thuốc bôi như nizoral, canesten, mycoster... Thuốc chống nấm đường uống như itraconazole hoặc terbinafine. Đối với nấm men Candida dùng itraconazole hoặc fluconazol. Bệnh viêm kẽ do vi khuẩn Nguyên nhân gây bệnh do thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường sống và thân thể kém, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bệnh thường gặp ở người béo phì và xuất hiện ở những vị trí: hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng.... Phương pháp điều trị căn bệnh này là sử dụng dung dịch eryfluid và dùng kháng sinh đường uống. Bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân Còn gọi là bệnh bàn chân rỗ, bàn chân hà. Tổn thương là những vết lõm đường kính từ 1 - 3mm tập trung thành đám ở lòng bàn chân hay thấy ở gót trước và gót sau, không đau, không ngứa. Bệnh do vi khuẩn có tên gọi Micrococcus sedentarius gây ra, phương pháp điều trị là ngâm rửa nước muối hàng ngày, sau đó bôi mỡ kháng sinh erythromycin hoặc clindamycin và mỡ whitfeld xen kẽ. Bệnh sẽ khỏi sau 1 đến 2 tuần. Bệnh do ấu trùng xâm nhập da Nguyên nhân gây bệnh do trứng của giun sán tồn tại trong đất cát nở thành ấu trùng và xâm nhập da người. Ấu trùng tồn tại trên da trung bình từ 2 - 8 tuần, tối đa 2 năm và di trú trên da với tốc độ vài centimet một ngày. Triệu chứng nổi bật là người bệnh rất ngứa. Vị trí hay bị ấu trùng tấn công: cẳng chân, mông, quanh hậu môn, tay. Phương pháp điều trị tại chỗ: bôi mỡ kháng ký sinh trùng albendazole và uống thiabendazole từ 2 - 5 ngày. Huỳnh Văn D., 37 tuổi, TX An Nhơn, Bình Định Hỏi: Xin các bác sĩ cho em biết các loại yếu tố nào gây nên bệnh lý nhồi máu cơ tim hay bệnh vành tim. Em muốn phòng ngừa vì trong gia đình em gần đây có đến 2 người bị nhồi máu cơ tim nhưng may mắn chưa tử vong. Em chân thành cảm ơn! Trả lời: Đây là một câu hỏi rất thời sụ trong bối cảnh lối sống hiện đại và cuộc sống kinh tế ngày càng đi lên của người dân, tệ nghiên bia rượu hoặc lạm dụng thịt, bia, rượu đã góp phần không nhỏ vào bệnh lý tim mạch nói chung và mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim nói riêng. Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp như sau: Các yếu tố nguy cơ không chỉ là hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa không tránh khỏi mà còn chủ yếu liên quan đến lối sống và các yếu tố môi trường. Nguy cơ bệnh tim tăng lên khi có nhiều yếu tố nguy cơ cùng hiện diện. Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là cholesterol “xấu”, nồng độ lipid cao, béo phì, hút thuốc lá và cao huyết áp. Một nhóm các yếu tố nguy cơ được gọi là hội chứng X đặt ra một nguy cơ đặc biệt cao đối với tim và các bệnh khác. Hội chứng này bao gồm có đường máu cao, huyết áp cao, cholesterol “tốt” ( HDL) thấp và triglyceride cao. Hội chứng này xảy ra khoảng 3% nam giới và 3,4% nữ giới có lẽ do sự bất thường của các tiểu động mạch. Ngược lại, nguy cơ giảm thấp khi vắng mặt nhiều yếu tố nguy cơ. Trong một nghiên cứu năm 1999 tiến hành ở những người đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, không hút thuốc, không bệnh lý tiểu đường có mức cholesterol thấp (dưới 200 mg/ml) và huyết áp (dưới 120/80) có nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim là 77% và thấp hơn so với những người có yếu tố nguy cơ là 92% và những người này cũng có nguy cơ thấp về đột qụy não và ung thư. Tương tự như vậy, một nghiên cứu năm 2000 báo cáo rằng những người tích cực theo đuổi một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống ít chất béo, kiểm soát stress, cai thuốc lá, tập thể dục vừa phải làm giảm đáng kể nguy cơ bị đau tim, phẫu thuật tim, và tử vong. Giới tính: Bệnh động mạch vành thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Nhưng trên thực tế, phụ nữ có nhiều khả năng bị đau thắt ngực hơn nam giới và tỷ lệ sống sót sau nhồi máu cơ tim lại tương tự như nam giới. Hơn nữa, những phụ nữ trẻ có nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim cao hơn nam giới cùng độ tuổi với mình. Giải thích về điều này là không rõ ràng. Estrogen có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim và ở phụ nữ trẻ bị nhồi máu cơ tim luôn có nồng độ estrogen thấp hơn. Trong một nghiên cứu năm 2000, những người phụ nữ thời kỳ đầu mãn kinh (35-40 tuổi) có nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim cao hơn so với những người phụ nữ bước vào thời kỳ hậu mãn kinh. Nhiều nghiên cứu cho rằng phụ nữ ít được điều trị xâm lấn hơn nam giới trong tất cả các giai đoạn của bệnh tim. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã đề nghị rằng phụ nữ và nam giới nên được điều trị giống nhau trong giai đoạn cuối của bệnh tim (như nhồi máu cơ tim. Phụ nữ trẻ bị bệnh tim thường không có các triệu chứng giống như nam giới và ít có khả năng được chẩn đoán chính xác và tích cực. Trong thực tế, các triệu chứng của phụ nữ không giống như đau thắt ngực điển hình và thường đến khám về các vấn đề tiêu hóa hơn so với nam giới. Một nghiên cứu thú vị năm 1999 cho thấy rằng, trên thực tế, mặc dù phụ nữ bị đau thắt ngực không ổn định được điều trị ít tích cực hơn so với nam giới dù các yếu tố nguy cơ là tương đương nhau thì nam giới thực sự có một kết quả dài hạn tệ hơn. Dân tộc: châu Âu dường như đặc biệt dễ bị tổn thương với bệnh lý động mạch vành, tần suất mắc bệnh đang gia tăng ở mức báo động, nổi bật và phổ biến là dân số trẻ khi so với các nước phương Tây. Nguyên nhân có thể một phần là do yếu tố di truyền. Hút thuốc lá: Những người hút thuốc laù ở tuổi ba mươi và bốn mươi có tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao hơn gấp 5 lần so với nhóm không hút thuốc. Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân trực tiếp ít nhất 20% của tất cả các ca tử vong do bệnh tim, hoặc khoảng 120.000 ca tử vong hàng năm. Xì gà thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim, mặc dù có những bằng chứng mạnh mẽ hơn là do khói thuốc lá. Tác hại của thuốc lá đối với tim là đa dạng: (i)Hút thuốc làm giảm nồng độ HDL (còn gọi là cholesterol tốt) thậm chí ở lứa tuổi thanh thiếu niên; (ii)Nó làm suy giảm tính đàn hồi thành mạch, các mạch máu lớn trong cơ thể và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông; (iii)Nó làm tăng hoạt tính của hệ thần kinh giao cảm mà điều hòa tim và mạch máu; (iv)Khói thuốc lá có thể làm tăng bệnh lý tim mạch ở phụ nữ thông qua nội tiết tố là thiếu hụt estrogen. Lipid cholesterol và khác: Một số nghiên cứu hiện nay đã chứng minh rằng việc làm giảm LDL và nồng độ cholesterol toàn phần cũng như làm tăng mức HDL đã cải thiện tỷ lệ sống còn và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim. Tùy vào mỗi yếu tố nguy cơ mà nên cố gắng đạt mức cholesterol dưới đây: - Mục tiêu cholesterol chung: • Mức cholesterol toàn phần: thấp hơn hoặc bằng 200 mg/dl; +Mức cholesterol LDL: thấp hơn hoặc bằng 160 mg/dl hay nói đúng hơn là càng thấp càng tốt. Mức HDL-cholesterol: 45 mg/dL đối với nam và 50 mg/dL đối với phụ nữ, với tất cả mọi người hướng tới khoảng 60 hay càng cao càng tốt; +Mức triglyceride: thấp hơn hoặc bằng 200 mg/dL (mặc dù một số bằng chứng đề nghị rằng mọi người nên hướng dến mức dưới 100 mg/dL để giảm nguy cơ bệnh tim); +Mục tiêu cho những người có hai hoặc nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim: Mức LDL thấp hơn hoặc bằng 130 mg/dl. - Mục tiêu cho những người có bệnh tim: Mức LDL dưới 100 mg/dl. Sự gia tăng nồng độ các chất béo khác, bao gồm lipoprotein (a) và apolipoprotein A-1 và B cũng đang là chỉ điểm quan trọng của nguy cơ bệnh tim. Ví dụ: Apolipoprotein B thực sự là một chỉ số rất chính xác về nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ. Huyết áp cao: Huyết áp cao, hoặc tăng huyết áp, từ lâu đã được chứng minh là một nguyên nhân của bệnh động mạch vành. Huyết áp được phân loại như: +Tối ưu (dưới 120/80 mmHg); +Bình thường (từ 120/80 và 130/85 mm Hg); +Bình thường cao (từ 130/85 và 139/89) +Tăng huyết áp hoặc huyết áp cao (140/90). Một số nghiên cứu nói rằng huyết áp bình thường cao đặt ra nguy cơ cao hơn đối với các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Mặc dù các điều tra khác cho thấy nguy cơ này tồn tại chủ yếu ở những người bị bệnh tiểu đường. Hiện nay, đã báo cáo rằng sự gia tăng HA tâm thu là một chỉ số phản chính xác hơn về cao HA, đặc biệt là ở người già. Ngoài ra, sự khác biệt giữa hai chỉ số HA, được gọi là áp lực mạch có vẻ như là có liên quan với việc tăng nguy cơ mạch vành. Áp lực mạch cao hơn đi kèm với sự gia tăng nguy cơ về bệnh mạch vành. Lối sống ít vận động và tập thể dục Những người ít vận động có tần suất bị nhồi máu cơ tim gấp hai lần so với những người tập thể dục thường xuyên. Thường xuyên tập thể dục aerobic vừa phải luôn có lợi cho tim trong nhiều phương diện. Chẳng hạn, đi bộ nhanh có những ưu điểm sau: +Làm giảm nhịp tim và HA; +Cải thiện cholesterol và làm giảm lượng đường trong máu; +Mở rộng lòng mạch máu và nếu kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện các yếu tố đông máu; +Làm giảm Stress và cải thiện tâm lý. Một số nghiên cứu cho rằng để bảo vệ trái tim tốt nhất, không chỉ là khoảng thời gian cần tập thể dục mà còn liên quan tổng tiêu hao năng lượng hằng ngày. Vì vậy, cách tốt nhất để tập thể dục có thể là thực hiện nhiều bài tập ngắn với cường độ cao. Ngay cả những người lớn tuổi bị đau thắt ngực không ổn định hoặc những người đã bị nhồi máu cơ tim trước đó cũng có thể được hưởng lợi từ một chương trình tập thể dục phù hợp, được thiết kế bởi chính các bác sỹ từng điều trị cho họ. Bài tập rèn luyện và tăng cường các cơ ngực cũng được chứng minh là rất quan trọng đối với bệnh nhân đau thắt ngực. Cũng cần lưu ý rằng tập thể dục vất vả và đột ngột có thể gây ra nguy cơ bị đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Các hoạt động liên quan đến nâng cao cánh tay quá khỏi đầu cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Các bệnh nhân đau thắt ngực cũng đừng bao giờ nên tập thể dục ngay sau khi ăn. Những người có yếu tố nguy cơ tim mạch cần có một chỉ định tập luyện chi tiết và rõ ràng. Và với tất cả mọi người, kể cả người khỏe mạnh cũng nên lưu ý sự quá tải của chính bản thân mình khi luyện tập. Bệnh tiểu đường và kháng insulin: Nhồi máu cơ tim chiếm 60% và đột quỵ chiếm tới 25% các ca tử vong ở tất cả các bệnh nhân bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu báo cáo rằng những người bị bệnh tiểu đường type 2 và không có tiền sử về bệnh tim mạch có cùng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giống như những người có tiền sử bệnh tim mà không mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường kháng insulin mạn tính dường như có tác hại đáng kể đến tim. Bệnh lý này xảy ra khi nồng độ insulin là bình thường đến cao nhưng cơ thể không thể sử dụng insulin để điều hòa chuyển hóa đường trong máu cũng như dự trữ để tạo năng lượng. Trong trường hợp này, cơ thể bù trừ bằng cách tăng nồng độ insulin thêm nữa qua đó làm tăng nồng độ triglyceride và làm giảm HDL cholesterol “ cholesterol tốt”. Bình thường, insulin kích thích việc phóng thích hai chất endothelin và oxit nitric, có vai trò quan trọng trong việc duy trì lưu thông và tính đàn hồi thành mạch. Đề kháng insulin có thể gây ra sự mất cân bằng trong các chất này. Hàm lượng homocysteine Sự tăng cao bất thường nồng độ của axit amin homocysteine trong máu có liên quan chặt chẽ với tăng nguy cơ bệnh động mạch vành và đột quỵ. Homocysteine có thể gây tổn thương lớp nội mạc thành động mạch và hình thành cục máu đông. Nồng độ cực cao xảy ra khi thiếu hụt vitamin B6, B12, và acid folic. Một số chuyên gia tin rằng nồng độ cao của homocysteine chỉ là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh tim nhưng không phải là yếu tố nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu báo cáo rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa các yếu tố này và bệnh tim. Béo phì Béo phì có liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, nồng độ cholesterol bất thường, và lười tập thể dục, tất cả những điều này đều góp phần vào nguy cơ nhồi máu cơ tim. Béo bụng "bụng bia" là một nguy cơ đặc biệt. Thật vậy, nghiên cứu năm 2000 đã báo cáo rằng những người đàn ông có vòng eo lớn hơn 36 inch và nồng độ triglyceride cao hơn 2 mmol/L có nguy cơ cao mắc bệnh tim trong vòng năm năm. Béo phì ở trẻ em có nguy cơ mắc bệnh tim lớn hơn trong tương lai hơn là tiền sử gia đình có bệnh tim. Những người thừa cân ở tuổi trung niên vẫn có thể không giảm được nguy cơ mắc bệnh mạch vành trong tương lai, ngay cả khi họ giảm được trọng lượng thừa. Hy vọng với các thông tin trên đã giúp giải thích vấn đề bạn đang hỏi một cách thấu đáo. Lưu Đức C., 28 tuổi, TP. Nha Trang, 0909…..Hỏi: Kính thưa các bác sĩ, ba em bị vảy nến đã 2 năm nay, nhưng ông ăn uống đủ thức ăn và thỉnh thoảng còn uống rượu bia nữa. Em không biết chế độ ăn như thế nào là hợp lý cho người bị vảy nến. Kính mong các bác sĩ chỉ bảo giúp để em khuyên ba em đầy đủ.Trả lời: Bệnh vảy nến là bệnh lý liên quan đến da mạn tính, có tính chu kỳ và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường ít gây đau đớn nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt vảy nến vùng da đầu là hay gặp hơn cả. Bệnh tiến triển từng đợt và có thể dai dẳng suốt đời. Đôi khi người bệnh cũng nên có thái độ hòa hoãn, sống chung hòa bình với vảy nến, một bệnh tương đối lành tính, tuy khó chữa. Chế độ ăn hợp lý có hiệu quả giảm nhẹ các dấu hiệu bệnh. Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh và lĩnh vực di truyền học đã xác định được bệnh vảy nến có tính cơ địa di truyền và cơ chế tự miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác động khác có thể sinh bệnh đó là các yếu tố như stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường... Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh vảy nến là những mảng đỏ có kích thước khác nhau. Các mảng này trông khác hẳn, hơi gồ lên, cứng cộm và có ranh giới rất rõ với vùng da bên cạnh. Ban đầu, vẩy thường khởi phát bằng những thương tổn vùng thượng bì ở da đầu. Khi giới hạn của các mảng chưa rõ ràng, bệnh thường dễ bị nhầm với chàm da mỡ, nấm da. Những thương tổn này thường có khuynh hướng lan ra phía trước, ở trán, tạo thành hình móng ngựa. Trường hợp nặng, những mảng đỏ có thể lan rộng khắp da đầu và xuất hiện vẩy da. Tóc ở những vị trí đó vẫn mọc xuyên qua lớp vẩy da bình thường. Tuy nhiên khi cạo, gãi thì người bệnh vảy nến, nên trên da đầu sẽ thấy những vẩy bạc bong ra dễ dàng như gầu hoặc sáp nến. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân vảy nến? Theo bác sĩ Vũ Lan Anh, nếu có một chế độ ăn uống hợp lý, đôi khi tác dụng còn hiệu quả hơn cả sử dụng các loại thuốc điều trị vảy nến. Thực phẩm người bệnh nên ăn: - Cá biển: có nhiều omega-3 như cá hồi, cá thu, cá saba, omega- 3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm trong bệnh vẩy nến như leucotriene 3 và 5. Vì vậy, nếu dùng 150g cá biển mỗi ngày trong một thời gian dài sẽ rất hiệu quả trong chữa trị. - Rau quả có nhiều beta-caroten: trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài có chứa nhiều beta-caroten có khả năng hữu hiệu để bảo vệ cấu trúc da. - Vừng đen: chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự omega-3, vừa cung cấp vitamin E cần thiết cho lớp sợi liên kết dưới da. Vì vậy, các món ăn chế biến từ vừng đen rất tốt cho bệnh vẩy nến. - Bông cải xanh: axit folic luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Bông cải xanh được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp lượng acid folic thiết yếu cho da đầu. - Ngao sò: kẽm là khoáng chất vô cùng cần thiết cho da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong đó, ngao sò lại cung cấp lượng kẽm rất lớn. Nếu như không bị dị ứng hải sản thì đây là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh vẩy nến. Thực phẩm người bệnh nên tránh: Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là món đồ ăn nhiều protein và tanh (tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp xưởng, xúc xích, gà, đồ hộp, trứng). Đồ uống có chất kích thích (rược, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt). Đồ ăn có chứa nhiều chất béo (đường, sữa, mỡ, bơ, chocolate, đồ ngọt tổng hợp). Ngoài ra, người bệnh vảy nến phải chú ý hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm. Thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm (nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc). Dành thời gian mỗi buổi sáng sớm phơi nắng khoảng 15 phút sẽ rất tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời; không được tắm nước nóng; vùng da thương tổn và không được gãi, kỳ cọ, chà xát để tránh lan rộng thêm. Hồ Phương Ng., 47 tuổi TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Hỏi: Kính thưa các bác sĩ, ông xã nhà tôi làm giáo viên cấp ba, gần đây cảm giác hai bàn tay và các ngón tay có cảm giác yếu, tê tê, khó chịu và dường như mất cảm giác một số ngón tay. Chúng tôi có đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết coi chứng hội chứng ống cổ tay, đến khi vào TP. Hồ Chí Minh thì bảo là không phải mà có thể do chèn ép thần kinh giữa của tay do thoái hóa đốt sống, …tôi rất băn khoăn không biết làm thế nào để chẩn đoán ra bệnh của chồng tôi và phương pháp chẩn đoán nào? ở đâu là khẳng định bệnh chính xác bệnh ống cổ tay vì tôi sợ sau này có liệt không?Trả lời: Ở vùng cổ tay có 8 xương nhỏ, gọi là xương cổ tay. Một dây chằng ngang cổ tay (còn gọi là mạc giữ gân gấp) nằm trên phía trước cổ tay. OCT là khoảng không gian giữa dây chằng này và các xương cổ tay. Các gân gấp ngón của cơ vùng cẳng tay đi qua OCT. Dây thần kinh giữa (một dây thần kinh chính của bàn tay) đi qua OCT trước khi chia thành các nhánh nhỏ vào lòng bàn tay. Dây thần kinh giữa nhận cảm giác từ ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Nó cũng chi phối vận động của các cơ nhỏ vùng mô cái. Hội chứng OCT bao gồm các triệu chứng gây ra bởi sự chèn ép dây thần kinh giữa trong OCT. Liên quan đến câu hỏi thắc mắc của bạn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về phương pháp chẩn đoán chính xác hội chứng ống cổ tay (OCT). Phần lớn hội chứng OCT đều được chẩn đoán dựa vào lâm sàng, nhất là khi có cả 2 triệu chứng cơ năng và thực thể. Nhưng để chẩn đoán chính xác và biết được bệnh đang ở giai đoạn nào thì cần áp dụng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại. Vậy phương pháp nào đơn giản, tiện lợi, có giá trị cao trong khẳng định chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật và theo dõi quá trình điều trị hội chứng này?Hội chứng OCT là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất, đa số bệnh nhân hay than phiền về việc các ngón tay bị đau, tê rần, xuất hiện sau một chấn thương vùng cổ tay hay cơn đau thấp khớp. Khoảng 3% người trưởng thành ở Mỹ có biểu hiện hội chứng này. Cũng tại Mỹ, hội chứng OCT là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất, khiến hơn 2 triệu người phải khám bác sĩ hàng năm ở Mỹ. Ở nước Anh, hàng năm có khoảng 1/1.000 người bị hội chứng này, thường gặp ở những người từ 40-50 tuổi, nhưng cũng có thể thấy ở mọi lứa tuổi. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng tương đối cao. Hội chứng OCT là một trong các nguyên nhân gây tê tay, làm cho người bệnh rất khó chịu, có thể gây teo bàn tay. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 35, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Tổn thương trong hội chứng OCT là tình trạng chèn ép thần kinh giữa do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa số được coi là vô căn do không xác định được nguyên nhân cụ thể, chiếm khoảng 70% các trường hợp. Hậu quả của việc chèn ép dây thần kinh giữa gây ra đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay thuộc chi phối của thần kinh, nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay. Tình trạng chèn ép thần kinh giữa sẽ dẫn đến 2 sự thay đổi của thần kinh, thứ nhất là sự thay đổi về mặt chức năng dẫn truyền thần kinh, được đánh giá bằng điện sinh lý thần kinh và thứ hai là sự thay đổi về mặt hình thái giải phẫu do chèn ép, được đánh giá bằng các thăm dò hình ảnh như siêu âm, cộng hưởng từ. Như vậy, về mặt logic, để chẩn đoán hội chứng OCT một cách đầy đủ, bên cạnh thăm khám lâm sàng, phải có thăm khám điện sinh lý thần kinh và chẩn đoán hình ảnh phối hợp. Điện sinh lý thần kinh được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hội chứng OCT, tuy nhiên biến đổi điện sinh lý thần kinh có thể chưa chắc đã là do hội chứng OCT mà có thể là tổn thương nội tại dây thần kinh do bệnh lý dây thần kinh. Thăm dò hình ảnh bằng cộng hưởng từ khá phức tạp và để đánh giá chính xác sự thay đổi về hình thái của dây thần kinh thì cần những máy có từ lực cao, chi phí tốn kém, không dễ thực hiện thường quy cho tất cả các bệnh nhân. Siêu âm thần kinh giữa với độ chính xác cao Siêu âm thần kinh đơn giản, dễ thực hiện và độ chính xác cao trong nhận định sự thay đổi hình thái của dây thần kinh. Siêu âm có thể phát hiện tình trạng tăng kích thước thần kinh do chèn ép ở đoạn OCT dựa trên đo tiết diện cắt ngang của dây thần kinh ở các vị trí khác nhau ở trước, trong và sau OCT, đồng thời có thể phát hiện hình ảnh gián tiếp của tình trạng tăng áp lực trong OCT bằng đo độ vồng của dây chằng vòng cổ tay (bình thường dây chằng này phẳng, không vồng). Trên các lát cắt dọc theo dây thần kinh, sự thay đổi kích thước của dây thần kinh giữa trước trong và sau OCT có thể tạo nên những dấu hiệu đặc thù trên siêu âm như dấu hiệu Notch, dấu hiệu Notch đảo ngược,... Bên cạnh đó, siêu âm còn xác định được nguyên nhân chèn ép nếu có như u, nang, viêm bao hoạt dịch gân,... Như vậy, siêu âm có thể coi là thăm dò chẩn đoán không thể bỏ qua khi thăm khám và chỉ định điều trị hội chứng ống cổ tay. Việc phối hợp thăm khám lâm sàng chặt chẽ, điện sinh lý thần kinh và siêu âm chẩn đoán làm tăng khả năng chẩn đoán chính xác tổn thương, chẩn đoán loại trừ được các tổn thương cần phân biệt giúp cho bác sĩ có kế hoạch điều trị chính xác và hiệu quả hơn. Nguyễn Thái Ph., 27 tuổi, Núi Thành, Quảng NamHỏi: Xin bác sĩ cho gia đình tôi biết một số nguyên nhân nào gây nên tình trạng khó chịu trong miệng, cũng như đau rát trong khoang miệng vì gần đây tôi thấy một số thành viên trong gia đình có biểu hiện khó chịu trong khoang miệng như thế! Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết về đau miệng và các phàn nàn khó chịu trong miệng thường gặp mà các đồng nghiệp đã đúc kết rõ ràng. Đau miệng là cảm giác đau, rát trong miệng kéo dài hoặc tái đi tái lại mà không có nguyên nhân rõ ràng. Cảm giác khó chịu có thể ở lưỡi, lợi, môi, bên trong má, chân răng hoặc lan rộng toàn miệng gây nhiều phiền toái nhất là khi ăn. Nguyên nhân của đau miệng thường không xác định được. Mặc dù điều trị có thể dai dẳng nhưng không nên thất vọng. Người bệnh có cảm giác rát bỏng, thường gặp nhất là ở lưỡi nhưng cũng có thể gặp ở môi, lợi, vòm miệng, họng hoặc toàn bộ miệng; khô miệng, tăng cảm giác khát và thường xuyên muốn uống nước; thay đổi vị giác, như cảm thấy đắng miệng hoặc vị kim loại; mất cảm giác vị giác. Cảm giác khó chịu thường theo nhiều cách khác nhau. Có thể xảy ra hằng ngày, khó chịu một chút lúc mới thức dậy nhưng dần trở nên khó chịu hơn trong ngày hoặc khó chịu xảy ra rồi giảm đi. Cảm giác này có thể kéo dài nhiều ngày. Một số trường hợp hiếm gặp, các biểu hiện có thể đột ngột giảm đi nhưng hầu hết không gây ra bất kỳ tổn thương đáng chú ý nào ở lưỡi và miệng. Đau miệng không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái, người bệnh khó ngủ, căng thẳng, ăn uống không ngon miệng, ngại giao tiếp. Viêm lưỡi bản đồ - Đau miệng nguyên phát: không xác định được bất kỳ tổn thương nào trên lâm sàng hoặc xét nghiệm. Nguyên nhân của loại này thường do rối loạn dây thần kinh vị giác và cảm giác của hệ thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. - Đau miệng thứ phát: đôi khi do một số bệnh lý khác gây ra: khô miệng do sử dụng một số thuốc, rối loạn chức năng tuyến nước bọt hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư; bệnh lý vùng miệng, như nhiễm nấm vùng miệng (còn gọi là liken phẳng vùng miệng) hoặc viêm lưỡi bản đồ; do thiếu hụt các chất dinh dưỡng, như thiếu sắt, kẽm, folat (vitamin B9), thiamin (vitamin B1), riboflvin (vitamin B2), pyridoxin (vitamin B6) và cobalamin (vitamin B12); do dùng răng giả, đặc biệt là răng giả không khít hoặc bằng chất liệu kim loại có thể gây sang chấn hoặc kích thích cơ và mô vùng miệng; dị ứng hoặc phản ứng với thức ăn, phụ gia thực phẩm, chất điều vị thực phẩm cũng như những chất liệu sử dụng trong nha khoa; do trào ngược dạ dày-thực quản, dịch vị dạ dày mang tính acid trào ngược vào thực quản lên miệng gây kích ứng niêm mạc miệng; do sử dụng một số thuốc như thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển angiotensin; thói quen như đẩy và cắn đầu lưỡi và nghiến răng; do rối loạn nội tiết như đái tháo đường hoặc nhược năng tuyến giáp; quá kích thích vùng miệng do chải răng hoặc lưỡi quá mạnh hoặc thuốc chải răng loại mài mòn hoặc uống quá nhiều đồ uống có tính acid; do các yếu tố tâm lý-tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc tress. Đau miệng thường xuất hiện một cách tự nhiên không có yếu tố khởi phát. Tuy nhiên thường tăng nguy cơ ở: nữ giới, nhất là sau mãn kinh; tuổi cao; do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên; phản ứng dị ứng với thực phẩm; do sử dụng thuốc; do sang chấn tâm lý; rối loạn lo âu, trầm cảm. Nấm miệng là nguyên nhân gây đau miệng. Trên thực tế không có một xét nghiệm cận lâm sàng nào có thể xác định được hội chứng đau miệng. Thường thì bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm để loại trừ những vấn đề khác trước khi chẩn đoán đau miệng: xét nghiệm công thức máu, nồng độ đường trong máu, chức năng tuyến giáp, một số yếu tố dinh dưỡng và chức năng hệ miễn dịch; nuôi cấy hoặc sinh thiết (lấy mẫu từ miệng làm xét nghiệm xem có nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virut không); các xét nghiệm dị ứng (xem có dị ứng thức ăn, phụ gia thực phẩm hoặc thậm chí là các chất liệu sử dụng trong nha khoa; xét nghiệm nước bọt (người bệnh thường có cảm giác khô miệng nên các xét nghiệm nước bọt có thể xác định xem có giảm tiết nước bọt không; xác định có trào ngược dịch dạ dày lên thực quản và miệng không); siêu âm, chụp cắt lớp, …tùy theo biểu hiện để giúp xác định các vấn đề sức khỏe khác; bác sĩ sẽ có thể tư vấn tạm thời ngừng sử dụng thuốc (nếu cần thiết) để xem có hết cảm giác khó chịu trong miệng không, tuy nhiên không bao giờ được tự ý ngừng thuốc vì có thể rất nguy hiểm; bác sĩ có thể đưa ra bảng hỏi tâm lý-tâm thần để loại trừ trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các rối loạn tâm thần khác. Ngoài thuốc điều trị do bác sĩ hoặc nha sĩ kê đơn, người bệnh có thể làm một số cách đơn giản sau để giảm những khó chịu này: uống nhiều nước, giúp giảm cảm giác khô miệng nhưng tránh đồ uống có gas; hạn chế rượu và đồ uống có cồn; bỏ thuốc lá, thuốc lào; hạn chế sử dụng các gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, cà phê, quế hoặc bạc hà,...; hạn chế sử dụng thực phẩm hoặc đồ uống có tính acid; áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây để cung cấp đủ vitamin, sắt và và kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống nhiễm khuẩn; điều chỉnh thói quen chăm sóc răng miệng: vệ sinh răng miệng đúng cách, giảm một số thói quen xấu như đẩy lưỡi, nghiến răng, không dùng bàn chải răng quá cứng, thay loại kem đánh răng, có thể dùng loại dành cho răng nhạy cảm; giảm căng thẳng và thư giãn để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. limilo@.....Hỏi: Cho tôi xin hỏi cách xử trí sốt phát ban tại nhà làm thế nào cho hiệu quả nhất vì tôi rất sợ mang cháu đi khám tại bệnh viện và nằm viện thì nhiễm tứ tung cho cháu hơn. Tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ rất nhiều! Trả lời: Sốt phát ban là một bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em nhưng vẫn có thể gặp ở người trưởng thành. Đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và có thể biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhận biết và xử trí sớm tại nhà như thế nào cho hiệu quả? Trường hợp nào phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay, đó là nội dung mà các bà mẹ cần biết. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh để có thái độ xử trí thích hợp: - Sốt phát ban: là một bệnh trẻ em thường mắc phải. Bệnh chủ yếu do các loại virut gây nên, điển hình nhất là virut sởi (bệnh sởi), virut Rubella (bệnh Rubella hay bệnh sởi Đức), ngoài ra còn nhiều loại virut khác có khả năng gây sốt phát ban cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng. Biểu hiện là khoảng thời gian trước khi bị phát ban, trẻ sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, biểu hiện rõ ràng nhất là hay quấy khóc. Tiếp đến là trẻ sốt. Sốt phát ban do sởi thường là sốt cao, kèm ho, chảy mũi, mắt đỏ, sau khi có các triệu chứng đó vài ngày sẽ phát ban toàn thân. Riêng bệnh Rubella, trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ban xuất hiện rất nhanh, có thể 1 ngày đã nổi ban khắp da trên cơ thể. Hầu hết trẻ sốt phát ban có kèm tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng. Biến chứng của sốt phát ban thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu và có thể biến chứng nặng hơn là viêm não. Các loại sốt phát ban khác kể cả ban của bệnh Rubella thường lành tính, ít gặp biến chứng. Tuy nhiên, với bệnh Rubella gặp ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi (sẩy thai, sinh non, thai nhi sinh ra mắc nhiều dị tật bẩm sinh ở mắt, tim, não). Nếu trẻ xuất hiện phát ban, gia đình chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh, tại gia đình, nên hạ nhiệt cho trẻ bằng cách lau mát bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ của nước khi nhúng khăn vào phải thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ). Nên chườm ở trán, nách, bẹn và mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần và tã lót và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát (không nên cho trẻ nằm phòng có máy lạnh với nhiệt độ lạnh quá hoặc không cho quạt xoáy vào người trẻ). Cần lưu ý là không chườm nước đá hoặc nước lạnh cho trẻ. Khi trẻ sốt, ho, quấy khóc và xuất hiện ban, tốt nhất là cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu được chẩn đoán là sốt phát ban và có chỉ định cho trẻ điều trị và theo dõi tại gia đình, cần tuân thủ chỉ định, tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho con mình. Tuyệt đối không được tự tiện dùng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ. Khi trẻ sốt cao trên 38oC, nếu chườm ấm mà thân nhiệt không giảm, nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt loại đầu đạn vào hậu môn cho trẻ. Loại paracetamol đơn chất được khuyến cáo dùng cho trẻ khi sốt cao, liều lượng trung bình là 10mg/1kg cơ thể của trẻ. Có thể làm thông thoáng mũi bằng nhỏ mũi nước muối sinh lý 0,85%. Cần đặc biệt lưu ý là không được nhỏ thuốc nhỏ mũi hoặc uống thuốc ho của người lớn. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian cho trẻ bú. Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do trẻ sốt cao gây mất nước và chất điện giải. Loại nước cho trẻ uống tốt nhất là dung dịch oresol (ORS). Có hai loại ORS được các nhà sản xuất đóng gói khác nhau (loại 5,63g/gói và loại 27,5g/gói). Với trẻ em nên dùng loại gói nhỏ 5,63g/gói pha vào 200ml nước đã đun sôi, để nguội, lắc đều cho trẻ uống. Trẻ nhũ nhi thì uống 50ml/lần, ngày cho uống khoảng 2-3 lần; trẻ trên 2-6 tuổi có thể cho uống 100ml/lần, ngày cho uống 2-3 lần; trẻ trên 6 tuổi - 12 tuổi cho uống mỗi lần khoảng 150ml, ngày cho uống 2-3 lần. Ngoài ra nên cho trẻ uống thêm nước cam, nước chanh tươi. Thêm vào đó, trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh để bé bị nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu, cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng. Bé nên ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa. Không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không tắm hay vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, không nên để trẻ bị lạnh. Kiêng ăn quá mức sẽ làm trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt cần tiêm đủ các loại vaccine để phòng bệnh cho trẻ. Trên đây là các ý kiến của các chuyên gia về nhi khoa đã hướng dẫn. Bạn có thể tham khảo thêm trên các trang tin online vì hiện nay các kiến thức chăm sóc trẻ ốm ở tại gia đình được cập nhật và phổ cập như y học thường thức rất phổ biến cho mọi gia đình và mọi người. Lê Đại Vĩnh, 42 tuổi, TT Phù Mỹ, hht74@... Hỏi: Tôi đang bị dị ứng, ngứa và nổi mẫn liên tục từ năm này qua năm khác, liệu tôi có bị mắc sán lá gan hay không? Trả lời: Chúng tôi thật sự không biết là bạn đặt câu hỏi cho ai và nhờ ai trả lời? Câu hỏi của bạn không có chủ ngữ và người tiếp nhận. Câu hỏi không đầy đủ các triệu chứng, mà đề cập một cách chung chung về ngứa, mày đay và các triệu chứng khác thì không nhìn thấy- liệu bạn có hay không? nên chúng tôi xin phép không thể trả lời cho bạn được!
|