Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 1 4 7 6
Số người đang truy cập
6 0 6
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng dẫn đến mạn tính. Người bệnh thường tách ra khỏi cuộc sống chung quanh, thu dần vào thế giới nội tâm, tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập và làm việc ngày càng giảm sút; có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu... Vì vậy sau các biện pháp điều trị bệnh, việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp là vấn đề cần được quan tâm.

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị là quá trình thực hiện, tạo nên cơ hội cho bệnh nhân vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống hàng ngày đạt được các mục đích tối ưu về chức năng sinh hoạt giao tiếp, tâm lý xã hội, lao động nghề nghiệp để có thể hòa nhập với cộng đồng và môi trường ở chung quanh.

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội

Sự cần thiết phải phục hồi và cách thức phục hồi

Bệnh nhân tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể hết các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng không học tập, làm việc và lao động được; có nội tâm bất ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Người bệnh thường có khuynh hướng sống ngày càng tách rời, xa lánh xã hội ở chung quanh; khó hòa nhập với cộng đồng và bệnh có khả năng tiến triển trở thành mạn tính. Trên cơ sở tồn tại này, xã hội cũng có xu hướng bỏ rơi bệnh nhân và thường xem họ không thể giúp ích được gì cho xã hội. Để giúp cho việc phục hồi chức năng của người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị, nhân viên y tế cần giải thích cho người bệnh, gia đình bệnh nhân về bệnh lý mắc phải; đồng thời nên chấp nhận bệnh tâm thần phân liệt, xây dựng các chương trình phục hồi chức năng tâm lý và lao động nghề nghiệp cho từng người bệnh. Ngoài ra, phải giải thích cho người bệnh tầm quan trọng của việc dùng thuốc và cách dùng thuốc; hướng dẫn xử trí các tác dụng phụ của thuốc. Cần giúp cho người bệnh, người nhà của bệnh nhân biết cách ứng xử với những biểu hiện bất thường có thể phát hiện.

Một số điểm cần lưu ý khi phục hồi

Cần lưu ý người bệnh tâm thần phân liệt bỏ nhà đi lang thang dễ có nguy cơ bệnh nặng thêm và bị nhiều ảnh hưởng khác do không được chăm sóc. Phải thuyết phục làm sao để gia đình, người thân của bệnh nhân ứng xử với người bệnh thuận lợi; bệnh nhân cảm thấy có được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, đùm bọc; có không khí ấm áp, cảm giác an toàn khi sống với người thân. Trên thực tế, người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động, công việc như trước khi bị bệnh; vì vậy bác sĩ điều trị và người thân của bệnh nhân phải quan tâm tìm hiểu khả năng sinh hoạt, làm việc của người bệnh; trên cơ sở này giúp họ có thể làm được những việc có ích mà họ có thể làm được. Người bệnh không thể thực hiện sinh hoạt một cách hoàn chỉnh, công việc hay nôn nóng; do đó cần hướng dẫn cho người thân trong gia đình hiểu là phải kiên nhẫn, chia công việc ra từng công đoạn cho người bệnh dễ thực hiện, dần dần làm từ việc đơn giản đến việc phức tạp để có thể thực hiện phù hợp, khỏi bồn chồn và nôn nóng. Đối với những hành vi, cách cư xử khác thường của người bệnh; nhân viên y tế cần giải thích cho gia đình bệnh nhân có sự hiểu biết cần thiết để không nên căng thẳng, không nên phê phán và tranh luận hoặc trừng phạt hay xa lánh họ; tìm cách hướng dẫn người bệnh tránh thực hiện những hành vi, cách cư xử khác thường đó. Nên động viên, khuyến khích, biểu dương, khen ngợi khi người bệnh làm được một việc tốt hoặc có sự cư xử phù hợp với những vấn đề mà người thân và gia đình mong muốn để họ vẫn cảm thấy rằng bản thân mình được yêu mến, sống còn có ích; dễ chấp nhận sự hướng dẫn điều trị, chăm sóc của bác sĩ và gia đình hơn. Hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh để họ có thể quyết định thực hiện được một cách đúng đắn trước một công việc nào đó rất quan trọng và cần thiết. Bác sĩ điều trị, gia đình và người thân của bệnh nhân phải thường xuyên, tiếp tục nói chuyện với người bệnh, để cho họ tham gia vào những cuộc nói chuyện trong gia đình; cần lắng nghe để người bệnh có thể nói được hết những suy nghĩ, tâm tư, cảm giác và thể hiện là mọi người trong nhà đều hiểu được họ. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần giúp đỡ và hướng dẫn người bệnh thực hiện được những công việc thông thường, biết tự chăm sóc cho bản thân mình, có thể làm được những việc đơn giản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân; gấp chăn màn, quần áo; quét nhà, thu xếp, dọn dẹp gọn gàng nơi ăn chốn ở của họ... Không nên để bệnh nhân ở trong tình trạng thụ động, cần giúp đỡ và hỗ trợ họ đi lại, đi chơi đây đó, giao tiếp, ứng xử, làm việc phù hợp với khả năng của họ. Tránh những tình huống có thể ảnh hưởng, làm cho tình trạng bệnh lý của người bệnh càng nặng thêm như bị những cảm xúc căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền; có những lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ thiếu thân thiện, không thận trọng của người chung quanh; tránh các cảm xúc đau buồn đột ngột, những xung đột trong mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng xã hội đối với bản thân họ. Khi tình trạng bệnh lý của người bệnh trở nên xấu hơn qua cách cư xử khác thường của bệnh nhân như: trầm lặng, không ăn uống, thu mình lại hoặc trở nên hiếu động, nói luôn miệng hoặc bị kích động, sợ hãi; có ý định gây thương tích cho bản thân hay dọa nạt, tấn công người khác thì gia đình cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các bệnh viện chuyên khoa để được xử trí điều trị phù hợp.


Cần phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động nghề nghiệp sau điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp

Sự cần thiết phải phục hồi

Người bệnh tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể giảm bớt hoặc mất đi các triệu chứng bệnh lý, chức năng tâm lý xã hội có khả năng được hồi phục nhưng không thể lao động, làm việc được; trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội dẫn đến sự buồn chán đối với bản thân. Vì vậy việc phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp cho người bệnh sẽ giúp khắc phục được tình trạng này. Lao động nghề nghiệp sẽ giúp cho người bệnh phát huy khả năng hoạt động tâm thần, hướng suy nghĩ của bệnh nhân vào công việc; hạn chế bớt việc suy nghĩ lan man, giúp họ quên đi bệnh tật, quên các cảm giác khó chịu do tình trạng ảo giác và hoang tưởng gây ra. Công việc và lao động nghề nghiệp cũng giúp người bệnh thoát khỏi hoàn cảnh ăn không ngồi rồi, đi lang thang, phá phách; giúp họ tự tin vào bản thân, xóa bỏ mặc cảm, ăn ngon và ngủ yên hơn. Đồng thời chính công việc và lao động nghề nghiệp cũng sẽ làm cho mọi người ở chung quanh giảm bớt những suy nghĩ sai lầm về người bệnh.

Cách thức phục hồi

Trên thực tế, tùy theo từng trường hợp người bệnh và hoàn cảnh, môi trường sống của mỗi bệnh nhân để chọn lựa cho họ loại hình lao động nghề nghiệp thích hợp, phục hồi lại công việc cũ trước đây người bệnh vẫn làm như chăn nuôi, trồng trọt, lao động tiểu thủ công nghiệp... Có thể dạy cho bệnh nhân một công việc mới đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp điều kiện hoàn cảnh. Lưu ý các công việc để người bệnh bắt đầu trở lại làm là những việc nhẹ nhàng, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phúc tạp hoặc có thể chia công việc ra làm nhiều công đoạn để giúp họ dễ dàng làm và hoàn thành từng công đoạn một. Khi khởi đầu, cần có người hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ; bảo đảm an toàn cho người bệnh khi lao động, làm việc. Nên có sự đánh giá, động viên, khen ngợi và khuyến khích họ để thúc đẩy công việc thực hiện tốt hơn. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là tổ chức thời gian phục hồi lao động nghề nghiệp phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh, khả năng làm việc của từng người; đồng thời nên động viên bệnh nhân cố gắng, kiên nhẫn trong công việc và giúp cho họ có được thu nhập từ chính lao động nghề nghiệp của mình để tạo niềm tin nỗ lực phấn đấu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay theo các nhà khoa học, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ khoảng từ 0,3 đến 1% dân số ở các nước và có khuynh hướng phát triển ở nhóm tuổi còn trẻ từ 18 đến 40, đây là lứa tuổi lao động chính của gia đình và xã hội. Vì vậy sau khi người bệnh được điều trị giảm bớt hoặc khỏi hẳn những triệu chứng bệnh lý lâm sàng, gia đình bệnh nhân kể cả nhân viên y tế ở các cơ sở y tế chuyên khoa cần quan tâm đến việc thực hiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp nhằm giúp bệnh nhân có điều kiện tiếp cận với môi trường sống ở chung quanh, hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác để họ không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội nữa.

Ngày 21/12/2015
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích