Bệnh viêm gan A lây nhiễm qua đường tiêu hóa
Viêm gan A là bệnh gây nên do nhiễm HAV (hepatitis A virus), đây là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính thường xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. HAV không có vỏ bọc, hình đa giác, có kích thước nhỏ khoảng 27 nm; chúng thuộc nhóm Hepatovirus và là một thành viên của họ Picornaviridae. Bệnh thường được lây nhiễm qua đường tiêu hóa nhưng ít khi được cộng đồng người dân chú ý. Đặc điểm của bệnh viêm gan A Theo các nhà khoa học, từ ngày xưa những vụ dịch viêm gan do nhiễm vi-rút viêm gan A (HAV) thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh. Mãi cho đến ngày nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh viêm gan do nhiễm HAV ở trẻ em thường không có biểu hiện dấu hiệu lâm sàng nhưng ở người lớn bệnh gây nên triệu chứng vàng da, vàng mắt. Trên thực tế bệnh viêm gan do nhiễm HAV cấp tính nặng đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ nhưng ít xảy ra thể nặng ở người tuổi trung niên và người cao tuổi; đồng thời bệnh không gây viêm gan mạn tính. Đối với phụ nữ mang thai, hiếm khi có biến chứng của bệnh viêm gan do nhiễm HAV trong thai kỳ. Tuy nhiên một số nghiên cứu thực tiễn cho thấy bệnh viêm gan do nhiễm HAV có thể phát triển và trở thành dịch bệnh lưu hành. Vi-rút viêm gan A có khả năng duy trì trong tự nhiên với mầm bệnh được lây truyền từ người bệnh sang những người lành cảm nhiễm và nguồn lây nhiễm chính là từ người bệnh. Việc lây truyền bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa do mầm bệnh nhiễm từ phân thải của người bệnh sang miệng của người lành cảm thụ. Tác nhân gây bệnh thường xuất hiện trong phân vào khoảng 1 đến 2 tuần trước khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Đồng thời sự lây truyền bệnh có liên quan đến nguồn nước và các loại thực phẩm bị nhiễm bẩn; nhất là do ăn phải các loại thức ăn như sò, trai, ốc, hến... chưa được nấu chín kỹ hoặc các loại thực phẩm khác như rau sống, hoa quả... không được rửa sạch. Các loại dụng cụ, đồ dùng cá nhân, quần áo... của người bệnh cũng có thể là nguồn lây nhiễm nhưng ít quan trọng. Ngoài ra còn có các trường hợp cá biệt như nguồn lây nhiễm có thể từ máu hoặc thành phần máu cô đặc được lấy từ người cho máu đang trong thời kỳ ủ bệnh viêm gan A. Thực tế dịch bệnh thường lưu hành chủ yếu ở những vùng có điều kiện vệ sinh thấp kém, kinh tế khó khăn và tỷ lệ phát triển dân số cao. Trên toàn cầu, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bị mắc bệnh viêm gan A. Số mắc bệnh nhiều nhất là ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Đông Âu; tuy vậy do việc phát hiện và báo cáo chưa đầy đủ nên số mắc bệnh thực sự vẫn có thể cao hơn gấp 3 đến 10 lần con số được ghi nhận. Trước đây ở Trung Quốc vào năm 1988 đã bùng phát vụ dịch bệnh viêm gan A tại thành phố Thượng Hải do người dân ăn sò, hến; tương tự như vụ dịch xảy ra ở Mỹ làm cho khoảng 300.000 người bị mắc bệnh trong vòng chỉ vài tháng, trong đó có 50% người trưởng thành bị nhiễm bệnh. Ở nước ta, bệnh viêm gan A cũng thường gặp chủ yếu ở trẻ em; một số các nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan A chiếm khoảng 51,35%; ở thành phố Hà Nội tỷ lệ này chiếm khoảng 28,7%. Hiện nay nhóm người thực hiện hành vi quan hệ tình dục theo kiểu qua đường miệng, nhóm người đi du lịch đến vùng có dịch bệnh viêm gan A lưu hành cũng rất dễ bị nhiễm HAV. Theo ước tính tỷ lệ người đi du lịch có nguy cơ bị nhiễm HAV từ 0,3 đến 0,6%; tỷ lệ này có thể cao gấp 6 lần ở những người đi du lịch lang thang. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế cũng là nhóm người có nguy cơ dễ mắc bệnh viêm gan A. Đặc biệt bệnh viêm gan A cấp tính có thể xảy ra ở những người có sẵn bệnh gan hoặc xảy ra ở người bệnh viêm gan B, viêm gan C mãn tính với nguy cơ diễn biến tối cấp gây tử vong cao. Viêm gan A lây nhiễm qua đường tiêu hóa, có triệu chứng vàng da và mắt (ảnh minh họa) Triệu chứng bệnh lý, biến chứng và chẩn đoán Dấu hiệu của bệnh viêm gan A thường không xuất hiện trên lâm sàng cho đến khi vi-rút gây bệnh hiện diện trong cơ thể khoảng 1 tháng. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa; đau bụng khó chịu, đặc biệt là đau tức ở vùng gan ở phần bụng trên bên phải dưới bờ xương sườn; người bệnh chán ăn, sốt nhẹ, nước tiểu có màu đậm, đau cơ, ngứa, vàng da và mắt. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan A thường diễn biến khoảng dưới 2 tháng nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 6 tháng. Trên thực tế, không phải tất cả mọi người mắc bệnh viêm gan A đều có đầy đủ các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nêu trên. Vì vậy khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ với tâm trạng lo lắng bị nhiễm bệnh, phải đến bác sĩ để thăm khám. Nếu có tiếp xúc với người bị viêm gan A, có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh với vắc-xin phòng bệnh hoặc điều trị bằng globulin miễn dịch trong vòng 2 tuần. Có thể chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh trong các trường hợp như: ghi nhận thông tin từ nhà hàng vừa mới ăn có phát sinh ổ dịch viêm gan A, gần đây có quan hệ tình dục hoặc có chia sẻ việc tiêm thuốc với người bị viêm gan A... Biến chứng của bệnh viêm gan A là bệnh có thể tiến triển kéo dài và gây suy gan cấp tính. Bệnh tiến triển kéo dài được ghi nhận trong một số ít trường hợp bệnh nhân viêm gan A tiếp tục có các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm bệnh trong vòng vài tuần với thời gian dài hơn bình thường, người bệnh lúc đầu có thể giảm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý nhưng sau đó xuất hiện trở lại trong vòng vài tuần. Trong các trường hợp hiếm hơn, bệnh nhân viêm gan A có thể bị suy gan cấp tính, chức năng gan bị mất một cách đột ngột; những đối tượng có nguy cơ cao là người có bệnh gan mãn tính, người cao tuổi; trường hợp suy gan cấp tính phải vào bệnh viện để điều trị và theo dõi, nhiều khi có thể phải yêu cầu xử trí can thiệp bằng cách ghép gan. Để chẩn đoán xác định, việc xét nghiệm máu thường được thực hiện để phát hiện sự hiện diện của vi-rút viêm gan A (HAV) trong máu bệnh nhân. Máu được lấy từ tĩnh mạch cánh tay gửi đến trung tâm xét nghiệm có điều hiện thể thử nghiệm, đồng thời phải kết hợp với các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng trong quá trình chẩn đoán. Các loại vắc-xin phòng bệnh viêm gan A Phòng ngừa mắc bệnh viêm gan A tốt nhất vẫn là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin phòng bệnh viêm gan A gồm loại vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin bất hoạt. Hiện nay loại vắc-xin bất hoạt được sử dụng khá phổ biến dưới dạng tiêm bắp thịt sau khi loại vắc-xin này được nghiên cứu, sử dụng ở châu Âu từ năm 1992 và tại Mỹ từ năm 1995; sau đó phát triển và sản xuất thêm các vắc-xin khác từ năm 1996. Các loại vắc-xin này được điều chế từ toàn bộ vi-rút viêm gan A và bất hoạt bằng formaldehyde, chúng khá ổn định và có thể bảo quản ở nhiệt độ 4oC trong vòng 2 năm; đồng thời được cơ thể con người chấp nhận tốt khi dùng và ít gây ra phản ứng phụ.
Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt để phòng bệnh viêm gan A (ảnh minh họa) Trên thực tế sau khi được tiêm 2 liều hoặc nhiều hơn loại vắc-xin viêm gan A bất hoạt, nồng độ kháng thể kháng HAV trong huyết thanh đạt được tương tự như sau khi bị nhiễm bệnh tự nhiên. Nồng độ này có thể cao hơn 15 lần so với liều dự phòng bằng globulin miễn dịch; tuy nhiên hiệu quả bảo vệ ở người lớn có vẻ thấp hơn. Những người có kết quả dương tính với HIV-1 và các nhóm người bị suy giảm miễn dịch khác sẽ có đáp ứng kém hơn. Tuy nhiên chưa có cơ sở chứng minh ảnh hưởng bất lợi của vắc-xin viêm gan A về hậu quả của chúng trong các trường hợp cá thể có HIV-1 dương tính. Đối với trẻ nhỏ, các nhà khoa học lo ngại đáp ứng của vắc-xin viêm gan A bị hạn chế do có kháng thể kháng HAV được truyền từ người mẹ sang và việc tiêm vắc-xin vào năm thứ hai có lẽ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Một vài nghiên cứu gần đây có thể khẳng định việc tiêm vắc-xin viêm gan A sớm vẫn có hiệu quả tốt. Theo các nhà khoa học, vắc-xin viêm gan A bất hoạt gây hiệu quả miễn dịch ít nhất được 5 năm khi tiêm một mũi đơn; nếu sau 2 liều tiêm thì vắc-xin có thể bảo vệ được 10 năm và tác dụng phòng bệnh của chúng có khả năng kéo dài đến 50 năm. Tác dụng phụ của vắc-xin viêm gan A sau khi tiêm thường xảy ra nhẹ và chỉ diễn biến trong thời gian ngắn. Các phản ứng thường thấy là sưng, đỏ và đau tại chỗ tiêm kèm theo sốt, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn. Thực tiễn chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau khi tiêm loại vắc-xin này. Vắc xin viêm gan A được khuyến cáo nên sử dụng cho bất kỳ ai có nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh như: cô giáo nuôi dạy trẻ, thầy cô giáo và những người có tiếp xúc gần gũi với trẻ khuyết tạt, nhân viên y tế, người quan hệ đồng tính, người nghiện ma túy, người được ghép gan. Bên cạnh đó, vắc-xin này được chống chỉ định sử dụng cho những người có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, người đang bị sốt do bất cứ nguyên nhân gì; mặc dù không có ghi nhận nào về tác hại của vắc-xin viêm gan A đối với thai nhi nhưng để bảo đảm an toàn thì không nên tiêm phòng vắc-xin này cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, việc phòng bệnh cũng cần lưu ý khi đến du lịch ở những vùng có bệnh viêm gan A lưu hành bằng các biện pháp cần thiết trong vệ sinh ăn uống, không ăn các loại thực phẩm chưa được rửa sạch hoặc nấu chín kỹ, nên uống nước sạch đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội; thực hiện việc rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không dùng đồ dùng cá nhân của người khác... Lời khuyên của thầy thuốc Trong thời gian qua, bệnh viêm gan B do nhiễm vi-rút HBV được đề cập nhiều và bệnh này chủ yếu lây qua đường máu, đường tình dục và lây nhiễm từ mẹ sang con trong thời kỳ chu sinh. Riêng bệnh viêm gan A do nhiễm vi-rút HAV ít khi được cộng đồng người dân chú ý mặc dù bệnh dễ dàng lây nhiễm qua đường tiêu hóa từ phân thải của người bệnh; các loại thức ăn, thực phẩm, nguồn nước, dụng cụ... bị nhiễm bẩn mang mầm bệnh. Vì vậy việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp rất cần thiết, nhất là đối tượng có nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh; đồng thời cũng cần lưu ý đến các vấn đề vệ sinh ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ.
|