|
Bệnh động kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, chiếm từ 0,5 - 0,7% dân số (ảnh minh họa) |
Bệnh động kinh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm
Động kinh là bệnh thường gặp, chúng chiếm tỷ lệ khoảng 0,5 đến 0,7% dân số trong cộng đồng dân cư. Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh như do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, ấu trùng sán ký sinh ở não, nhiễm khuẩn, động kinh nguyên phát... Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.
Theo các nhà khoa học, động kinh là một bệnh của não do sự phóng điện đột ngột và quá mức của những tế bào thần kinh (neuron) với đặc điểm xuất hiện từng cơn co giật cục bộ hoặc toàn thể; thời gian xảy ra ngắn từ vài giây đến vài phút và cơn động kinh có tính định hình, tái diễn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh động kinh bao gồm các cơn động kinh toàn thể, cơn động kinh cục bộ phức tạp, cơn động kinh gây rối loạn tâm thần, cơn động kinh gây sự mất trí... với những triệu chứng khác nhau. Cơn động kinh toàn thể Cơn động kinh toàn thể gồm cơn động kinh lớn với sự co cứng - giật cơ và cơn động kinh vắng ý thức. Cơn động kinh lớn với sự co cứng - giật cơ bắt đầu rất đột ngột, thường bệnh nhân kêu lên một tiếng rồi ngã ra, ý thức bị mất hoàn toàn và ngay tức thì. Cơn động kinh này xảy ra có 3 giai đoạn là giai đoạn co cứng, giai đoạn giật cơ và giai đoạn thoái lui. Giai đoạn co cứng thể hiện với sự co cứng rất mạnh toàn bộ các cơ của chi, thân mình, ngực và hậu quả dẫn đến làm cho bệnh nhân ngừng thở, tím tái, có thể cắn phải vào lưỡi. Giai đoạn giật cơ với tính chất đặc trưng là có hiện tượng giật cơ đều đặn, đột ngột, có nhịp điệu; đầu tiên là sự co gấp và sau đó là sự duỗi các chi. Giai đoạn thoái lui với biểu hiện bệnh nhân bị hôn mê sâu, thở mạnh hay thở rống, đi tiểu tiện ra quần; đây là dấu hiệu chứng tỏ cơn động kinh đã kết thúc, tiếp sau đó là trạng thái ý thức lú lẫn. Ngoài ra, cơn động kinh toàn thể không điển hình có triệu chứng vận động thường chiếm ưu thế ở mặt bên, không có giai đoạn co cứng hoặc co giật, thậm chí hoàn toàn không có hiện tượng co giật; bệnh nhân chỉ mất ý thức đột ngột kèm theo sự ngã xuống, đi tiểu tiện ra quần. Cơn động kinh vắng ý thức là cơn động kinh xảy ra rất ngắn, bệnh nhân có biểu hiện đặc trưng với cơn mất ý thức, đột nhiên ngừng mọi hoạt động, nhìn cố định vào một điểm, không trả lời, không ngã xuống như trường hợp người bệnh đang viết một nội dung gì đó tự nhiên mắt đờ đẫn, tay cầm bút nhưng không viết được thành chữ rồi sau đó rất nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Cơn động kinh cục bộ phức tạp Cơn động kinh cục bộ phức tạp được biểu hiện với rối loạn ý thức nguyên phát kèm theo tình trạng mất trí nhớ. Sau cơn động kinh, người bệnh thường có hiện tượng tự động với nhiều biểu hiện khác nhau như nhai, nuốt, cử động bàn tay, cài cúc áo... Cơn động kinh gây rối loạn tâm thần Trong cơn động kinh, bệnh nhân có rối loạn tâm thần gồm các trạng thái loạn thần cấp tính và các rối loạn tâm thần mạn tính gây biến đổi nhân cách. Các trạng thái loạn thần cấp tính của động kinh biểu hiện bằng cơn thoáng báo tâm thần, cơn tương đương, trạng thái lú lẫn, trạng thái hoàng hôn và cơn loạn khí sắc. Cơn thoáng báo tâm thần thường là những cơn cảm xúc như trạng thái lo âu, cảm giác lạ lùng, cơn khoái cảm, cơn hồi ức dồn dập, cơn sống lại trong dĩ vãng... Cơn tương đương thể hiện bằng động tác tự động như bệnh nhân đang lau chùi nhà nhưng lên cơn thì cứ lau chùi nhà mãi mà không cưỡng lại được; có khi cơn tương đương mang tính chất cưỡng bức, ý thức mù mờ, bệnh nhân không hiểu được hành vi của mình như cơn đi lang thang, cơn bỏ chạy thường là những cơn chạy thẳng; trong cơn có hành vi nguy hiểm cho người ở chung quanh, có khi là những hành vi lố bịch, hài hước. Trạng thái lú lẫn trong động kinh thường đi kèm với các yếu tố lo âu, có khuynh hướng kích động, giận dữ, bùng nổ; sau cơn thì bệnh nhân quên hết những vấn đề đã xảy ra. Trạng thái hoàng hôn khởi đầu đột ngột, cơn ngắn và người bệnh thường quên sau cơn; bệnh nhân đột nhiên mất định hướng, ý thức trở nên mù mờ, phân vân, ngơ ngác, trả lời chậm, bàng quan với những vấn đề thực tế ở chung quanh; có thể xuất hiện cơn bỏ chạy với khuynh hướng hung bạo hoặc tự sát; trong cơn thường xuất hiện ý tưởng lạ lùng, ảo tưởng, ảo giác bị đe dọa, bị tấn công, bị bao vây dẫn đến hành vi phá hoại, chạy trốn... Cơn loạn khí sắc làm cho bệnh nhân có cảm xúc lẫn lộn như vừa buồn rầu, vừa giận dữ, vừa bất mãn, vừa hằn học; người bệnh dễ bị kích thích và có những ý tưởng nghi ngờ bệnh, xuất hiện cảm giác sợ hãi, hiếm khi xuất hiện khoái cảm; một số trường hợp uống rượu nhiều, đi lang thang rất nguy hiểm. Các rối loạn tâm thần mạn tính của động kinh gây biến đổi nhân cách gồm: tính bất ổn, tính bùng nổ, tính bầy nhầy, tính vị kỷ. Tính bất ổn được biểu hiện thành cảm xúc, hoạt động không ổn định, có thể thay đổi từng lúc và cũng có thể thay đổi đột ngột từ thái cực này sang thái cực khác như bệnh nhân đi từ trạng thái phấn khởi, niềm nở quá đáng sang chỗ ghét bỏ, thù địch; khi thì hiền từ, độ lượng; khi thì hung dữ, thô lỗ; khi thì cau có, yên lặng, hằn học... Tính bùng nổ thể hiện sự mặc cảm về bệnh, tự ti, bi quan về sự bất lực, đau khổ vì sự sút kém, đa nghi về sự khinh miệt của người khác nên rất dễ phản ứng lại với những người ở chung quanh; phản ứng mang tính bùng nổ xảy ra khi chỉ với một lời nói vô ý, một cử chỉ nhỏ cũng làm cho bệnh nhân xanh xám mặt mày, vất bỏ công việc đang làm, thậm chí bị kích động và chửi bới... do đó dễ va chạm, mâu thuẫn với người khác và có thể gặp những khó khăn trong cuộc sống; ngoài ra thời tiết thay đổi cũng có thể làm cho bệnh nhân bực bội, gây gổ với người thân. Tính bầy nhầy thể hiện bằng những sự kiện rất đa dạng, người bệnh có tình cảm gắn bó với gia đình, nghề nghiệp, quê hương nên thường không đi xa nhà, không thể chuyển đổi được nghề nghiệp nhưng lại có những thành kiến dai dẳng khó xóa bỏ, suy nghĩ chậm chạp, khó chuyển chủ đề nói chuyện, thường giữ tập quán cũ, thích những công việc cũ, thích các lễ nghi tôn giáo, thích chính xác hoặc chi li, thích ngăn ngắp trật tự, thích đi vào chi tiết, không thích sự ngắn gọn; người bệnh thường bám sát bác sĩ và kiên trì chữa bệnh, uống thuốc. Tính vị kỷ biểu hiện dấu hiệu quá lo lắng về bệnh tật, chỉ quan tâm đến sức khỏe của mình nên tỏ ra vị kỷ, đòi hỏi mọi người phải chú ý chăm sóc cho bản thân mình. Cơn động kinh gây mất trí Trừ trường hợp nhóm các trẻ em bị tổn thương não rõ rệt, những bệnh nhân điều trị ngoại trú có trí tuệ bình thường trước khi bị động kinh chỉ chiếm từ 5 đến 10% số bệnh nhân động kinh. Tình trạng mất trí trong động kinh chỉ là những nét biến đổi về nhân cách cùng với thời gian sẽ trở nên trầm trọng hơn như tư duy chậm chạp khiến cho bệnh nhân không phân biệt được vấn đề chính, vấn đề phụ; thường bị vướng vào những chi tiết vụn vặt, vô nghĩa, ngôn ngữ trở nên nghèo nàn, quên đi ngày tháng... biểu hiện có vẻ như mất trí. Điều trị bệnh động kinh Đối với trường hợp cơn động kinh lớn gây co cứng - giật cơ là thể nặng nhất, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng trong cơn và sau cơn động kinh khi ý thức của người bệnh còn u ám; phải đặt khăn tay mềm cuốn lại vào giữa hai hàm răng bệnh nhân để tránh cắn phải lưỡi. Tiêm bắp thịt thuốc valium 10mg để phòng tránh cơn động kinh tái phát có thể xảy ra ngay sau đó. Dùng thuốc chống động kinh hợp lý như carbamazepin, ethosuximid, phenytoin, primidon, trimethadion... Việc điều trị phải lâu dài, theo dõi cẩn thận điện não đồ và phối hợp thuốc an thần nếu cần; tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời sắp xếp sự lao động, làm việc với chế độ thích hợp; tránh ở những nơi cao, gần lửa, gần nước, gần các loại máy móc đang vận hành... để phòng tránh rủi ro khi bệnh nhân xảy ra cơn động kinh. Đối với các thể bệnh động kinh khác như cơn cục bộ phức tạp, rối loạn tâm thần trong cơn động kinh, mất trí trong động kinh; việc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện và hướng dẫn cụ thể. Theo các nhà khoa học, bệnh động kinh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp; vì vậy cần phải tìm ra những nguyên nhân cụ thể để chẩn đoán xác định trước khi chữa trị.
|