|
Đoàn chuyên gia CHAI làm việc với Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn |
Đoàn chuyên gia Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) đến thăm và làm việc tại Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn
Ngày 17/5/2016, thông qua Tổ chức Bill, Hilary and Chelsea Clinton Foundation tại Việt Nam đoàn chuyên gia Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton (Clinton Health Access Initiative_CHAI) đã đến thăm và làm việc với Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn (IMPE-QuyNhon) nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, hỗ trợ tiến trình phòng chống và loại trừ sốt rét ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước. Tham dự làm việc về phía đoàn chuyên gia có ông Ngô Huy Đăng (Mỹ)-Giám đốc Quốc gia CHAI Việt Nam, TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy (Việt Nam)-Phó Giám đốc, Joseph Michael Novotny (Mỹ)-Cán bộ quản lý chương trình sốt rét cùng các cán bộ chương trình sốt rét; về phía Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn có PGS.TS. Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng, PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Phó Viện trưởng, TS. Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng cùng lãnh đạo các khoa/phòng liên quan. Tại buổi làm việc, đại diện đoàn chuyên gia đã trình bày những hoạt động trong lĩnh vực sốt rét hiện nay của CHAI tại Việt Nam. Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) được thành lập năm 2002 nhằm giúp bệnh nhân tăng cường tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng cao và hiệu quả nhất với mức chi phí chấp nhận được, đồng thời đảm bảo duy trì được sự bền vững ở những quốc gia đang phát triển. Sau hơn 13 năm hoạt động, đến nay CHAI đã có mặt ở 38 quốc gia trên khắp thế giới với mục tiêu thay đổi sức khỏe toàn cầu như hỗ trợ trực tiếp chính phủ trong các hoạt động của chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Lao, Viêm gan, Sốt rét. CHAI đã triển khai các hoạt động sốt rét từ năm 2006 với các mục tiêu: dự đoán nhu cầu và tìm kiếm nguồn cung thuốc điều trị sốt rét trên thế giới; đảm bảo các bệnh nhân sốt rét được tiếp cận nguồn thuốc điều trị hiệu quả; hỗ trợ kĩ thuật và vận hành đối với các hoạt động loại trừ sốt rét; hỗ trợ tài chính bền vững; tiếp cận xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh; phòng và chống bệnh tật theo mùa. Nhiệm vụ cơ bản của CHAI bao gồm: hỗ trợ chính phủ phát triển kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét mang tính chiến lược và phù hợp với từng quốc gia, đồng thời cung cấp các nguồn lực cần thiết để thực hiện các kế hoạch này, triển khai các hoạt động hàng ngày có hiệu quả và hiệu suất cao, phối hợp hoạt động theo khu vực.Hỗ trợ kỹ thuật: hỗ trợ chính phủ đưa ra quyết định dựa trên các khảo sát nghiên cứu, tăng cường nhận thức của chính phủ về tình trạng sốt rét ở mỗi quốc gia và trên thế giới, nâng cao mục tiêu của các hành động can thiệp nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong điều kiện hạn chế về nguồn lực.Hỗ trợ ngoại giao và phiên dịch: hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chương trình quốc gia gặp gỡ các đối tác quốc tế cũng như các nhà sản xuất vật tư sinh phẩm, các nhà tài trợ, học viện và nhà cung cấp ngoài quốc doanh. Tại buổi làm việc này, PGS.TS. Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng đánh giá cao hoạt động của CHAI tại Việt Nam đồng thời giới thiệu những hoạt động của Viện, những khó khăn thách thức trong phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2020. Trong 5 năm qua (2011-2015), Chương trình phòng chống & loại trừsốt rét luôn được coi là một trong những chương trình quốc gia ưu tiên, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của địa phương và tổ chức quốc tế, nhất là Dự án Quỹ toàn cầu PCSR; có hệ thống điều hành hoạt động thống nhất từ trung ương đến địa phương nên đã xác định được các biện pháp can thiệp phù hợp, góp phần giảm thấp các chỉ số sốt rét theo mục tiêu đề ra. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu giảm chết, giảm mắc và không để dịch sốt rét xảy ra nhưng chưa mang tính bền vững; hiệu quả các biện pháp can thiệp và hoạt động của màng lưới y tế cơ sở còn hạn chế do chưa kiểm soát được các nhóm dân di biến động (dân di cư tự do, dân đi rừng ngủ rẫy, giao lưu biên giới…), người dân chưa có ý thức tự bảo vệ khi sống trong vùng sốt rét lưu hành, lại phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lụt kéo dài trên diện rộng hàng năm nên nguy cơ sốt rét gia tăng trở lại và bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Các vấn đề khó khăn kỹ thuật cũng là những thách thức không nhỏ trong quá trình phòng chống sốt rét, đặc biệt là chủng ký sinh trùng P.falciparum kháng thuốc sốt rét hiệu lực cao artemisinin ở Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) trong đó có Việt Nam và đa kháng thuốc (multi-drug resistance) ngày càng có nguy cơ lan rộng do quá trình di biến động ngoài tầm kiểm soát y tế, khó khăn cho điều trị sốt rét và sốt ác tính. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng các biện pháp phòng chống véc tơ như dùng màn tẩm, phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng trong nhà (IRS)… làm cho muỗi Anopheles thay đổi tập tính trú đậu, tìm mồi hút máu và kháng hóa chất diệt côn trùng. Từ đó, kế hoạch phòng chống & loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2020 và đến 2030 ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên cụ thể như sau: Đến năm 2020: -Cắt đứt lan truyền do P.falciparum ở vùng kháng thuốc; -Giảm tỷ lệ KSTSR ở vùng lan truyền cao <1-1000 dân số sốt rét lưu hành (DS SRLH); -Không còn tỉnh nào trong giai đoạn PCSR tích cực; -04 tỉnh đề phòng sốt rét quay trở lại; -08 tỉnh trong giai đoạn loại trừ sốt rét; -03 tỉnh chuyển sang tiền loại trừ sốt rét vào năm 2020 Đến năm 2030: -Loại trừ P.falciparum vào năm 2025; -Loại trừ sốt rét ở 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên vào năm 2030. Thời gian | Giai đoạn PCSR tích cực | Giai đoạn loại trừ sốt rét | Tiền Loại trừ | Loại trừ | 2026-2030 | Không còn sốt rét ở miền Trung-Tây Nguyên vào năm 2030 | Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận | 2021-2025 (Loại trừ P.falciparum 2025) | Không còn tỉnh nào có tỷ lệ KSTSR≥1/1000 DS SRLH Cắt đứt lan truyền do P.falciparum | Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận | Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông | 2015-2020 (Loại trừ P.falciparum vùng đa kháng 2020) | Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận | Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông | Quảng Bình, TT-Huế, Quảng Ngãi, Đăk Lăk |
Cùng với mục tiêu và chỉ tiêu phòng chống & loại trừ sốt rét nêu trên, Viện đã mạnh dạn đưa ra chiến lược Phòng chống sốt rét của khu vực miền Trung-Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đồng thời cập nhật Chiến lược kỹ thuật sốt rét toàn cầu (Global Technical Strategy for Malaria) của WHO giai đoạn 2016-2030; xác định các giai đoạn phòng chống, loại trừ của tỉnh, huyện trong khu vực; xác định các mốc cần đạt được trong từng giai đoạn, áp dụng các biện pháp phòng chống và loại trừ sốt rét tùy theo từng giai đoạn; tập huấn cho cán bộ tuyến tỉnh để mỗi tỉnh xem xét đang ở trong giai đoạn loại trừ hay tiền loại trừ để có cơ sở lập kế hoạch cho chiến dịch truyền thông loại trừ sốt rét. Các cán bộ Viện và đoàn chuyên gia CHAI đã trao đổi và đề xuất các lĩnh vực hoạt động hợp tác tiềm năng như tăng cường hệ thống giám sát: giám sát ca bệnh (case report, case investigation), giám sát kháng thuốc (bằng kỹ thuật PCR), giám sát côn trùng (đặc điểm và thành phần loài, tình trạng kháng hóa chất,…), giám sát năng lực chẩn đoán và điều trị của cán bộ ở tuyến cơ sở, giám sát truyền thông phòng chống sốt rét, khả năng phát hiện ca bệnh; nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền: xây dựng vật liệu (pano); đào tạo nhân lực về xây dựng bản đồ, xử lý số liệu; nghiên cứu thuốc mới điều trị sốt rét (Tafenoquine)… Kết quả viếng thăm và làm việc của đoàn chuyên gia cũng mở ra tiền đề hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện và đối tác CHAI trong tương lai.
|