Công nghệ xử lý máu mới có thể làm giảm nguy cơ mắc sốt rét sau khi truyền máu
Các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em-những người trải qua truyền máu ở vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét sau khi truyền máu. Một thử nghiệm mới, được công bố trong tạp chí The Lancet mới đây, cho thấy rằng công tác xử lý máu được với một công nghệ mới kết hợp bức xạ UV và vitamin B là an toàn và có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt rét sau truyền máu. "Ở nhiều nước ở khu vực cận Sahara, châu Phi, nơi sốt rét là loài đặc hữu, và dân số mang ký sinh trùng nhưng không có triệu chứng lâm sàng chiếm tỷ lệ rất cao. Đây là vấn đề đặc biệt trong truyền máu do người hiến tặng vì nó dẫn đến người nhận có nguy cơ cao bị lây nhiễm (không những ký sinh trùng sốt rét mà còn cả một số bệnh truyền nhiễm khác lây qua chế phẩm của máu) nếu không được cung cấp các biện pháp xử lý máu. Giáo sư Jean-Pierre Allain, tác giả chính của trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cho biết các xét nghiệm tìm ký sinh trùng như ký sinh trùng sốt rét là rất tốn kém và cho đến nay, chưa có công nghệ nào có khả năng xử lý máu toàn phần được sử dụng phổ biến trong truyền máu ở cận Sahara, châu Phi. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhằm tìm kiếm công nghệ tiềm năng làm giảm khả năng mắc bệnh trong quy trình điều trị thực tế và thấy rằng mặc dù nguy cơ lây truyền bệnh sốt rét là không thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng sẽ giảm đáng kể nguy cơ truyền nhiễm. Nghiên cứu này được công bố trước ngày Sốt rét thế giới (ngày 25 tháng 4). Mỗi năm, có khoảng 214 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh sốt rét cấp tính, phần lớn trong số đó là ở châu Phi. Bệnh sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium sp. gây nên. Nó thường được lây truyền bởi muỗi nhưng cũng có thể lây truyền qua đường truyền máu - điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em chưa phát triển đầy đủ khả năng miễn dịch, hoặc người lớn bị suy giảm miễn dịch ở một mức độ nhất định như phụ nữ mang thai.
Hiện nay, ở châu Âu máu được hiến tặng là phải trải qua một số lượng lớn các biện pháp kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn. Các quy trình thường được áp dụng đối với máu toàn phần bao gồm xét nghiệm axit nucleic, lọc máu hoặc nuôi cấy, nhưng các quy trình này không được thực hiện ở hầu hết các nước đang phát triển vì thiếu nguồn lực. Một số các kỹ thuật, được áp dụng nhằm giảm mầm bệnh còn tồn tại, được dùng để xử lý các thành phần máu như huyết tương hoặc tiểu cầu. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực cận sa mạc Sahara, châu Phi có đến 70% truyền máu là máu toàn phần.
Phát hiện ký sinh trùng Plasmodium sp. trong máu được hiến tặng là rất khó khăn - hiện nay, lựa chọn hợp lý duy nhất là sử dụng kính hiển vi nhưng kỹ thuật này có độ nhạy thấp, độ đặc hiệu cao và coi như chuẩn vàng, song không đáng tin cậy ở tất cả vì một số trường hợp mật độ ký sinh trùng sốt rét thấp dưới ngưỡng kính hiển vi.
Tại Ghana, 50% người hiến máu mang ký sinh trùng Plasmodium sp., và 14-28% số bệnh nhân được truyền máu sau đó sẽ dương tính với Plasmodium sp. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật mới hiệu quả và an toàn nhằm giảm tác nhân gây bệnh, sử dụng ánh sáng tia cực tím và vitamin B2 (hay riboflavin) để giảm mật độ của các ký sinh trùng sốt rét trong máu toàn phần được hiến tặng. Nghiên cứu tiếp theo công trình khoa học trước đó phát hiện ra rằng công nghệ này còn có khả năng bất hoạt ký sinh trùng sốt rét Plasmodium sp. và các mầm bệnh khác, bao gồm cả virus HIV, virus viêm gan C và virus viêm gan B trong thử nghiệm in vitro.
223 bệnh nhân ở bệnh viện thực hành Anokye Komfo ở Kumasi, Ghana, những người cần truyền máu vì thiếu máu do sốt rét thể nặng hoặc xuất huyết đã tham gia vào nghiên cứu. Nghiên cứu này thiết kế dựa trên phương pháp mù đôi ngẫu nhiên có đối chứng. Giống như các trường hợp trong thực hành lâm sàng bình thường, không có ai kể cả bác sĩ hay bệnh nhân biết liệu các đơn vị máu được hiến tặng hoặc người nhận có mang ký sinh trùng Plasmodium sp. hay không. Nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của tất cả người được truyền máu vào ngày được truyền và 1, 3, 7 và 28 ngày sau đó. Bằng cách nghiên cứu các trình tự gen của Plasmodium sp. hiện diện trong máu, các nhà nghiên cứu đã có thể cho biết liệu bệnh nhân có thể sẽ mang ký sinh trùng hiến tặng sau khi truyền máu hay không. Tổng cộng có 65 bệnh nhân trước đây không mang ký sinh trùng sốt rét - một nửa trong số đó nhận máu có áp dụng phương pháp xử ký sinh trùng trong máu và nửa còn lại tiếp nhận máu không áp dụng phương pháp máu. Khoảng 22% bệnh nhân (8/37), người nhận máu không được xử lý cho kết quả dương tính với ký sinh trùng sốt rét so với 4% (1/28) của bệnh nhân nhận máu đã được xử lý. Các thông số về đông máu, giảm tiểu cầu và tình trạng cầm máu của tất cả các bệnh nhân là tương tự nhau, dù bệnh nhân được nhận máu có áp dụng phương pháp xử lý hay không. Kỹ thuật này không xuất hiện các ảnh hưởng, tác dụng phụ đến các tính chất đông máu và những bệnh nhân nhận máu đã được xử lý xảy ra các phản ứng dị ứng ít hơn một chút so với những người nhận máu không được xử lý (5% so với 8%). Công nghệ này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và các tác giả cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn, trong các nhóm dân số lớn hơn, và đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong một bình luận có liên quan, Tiến sĩ Sheila F O'Brien, Văn phòng các dịch vụ về máu, Canada, cho biết: “Công nghệ giảm mầm bệnh làm bất hoạt không chỉ ký sinh trùng Plasmodium mà còn tác động đến một loạt các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong truyền máu, bao gồm cả virus HIV, virus viêm gan C, virus viêm gan B. Sự ra đời của công nghệ này dự kiến áp dụng cho tất cả các sản phẩm máu bao gồm cả tế bào hồng cầu báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận trong việc truyền thuốc chữa bệnh. Ở các nước phát triển, công nghệ này sẽ tiếp tục làm giảm nguy cơ truyền nhiễm, vốn đã thấp trước đây. Nó cũng sẽ giải quyết mối quan tâm từ các mầm bệnh mới nổi như Babesia microti, virus Tây sông Nile, virus Chikungunya và virus Zika. Chi phí thực hiện công nghệ này sẽ được phản ánh bằng một loạt các hiệu quả trong quá trình sản xuất - đáng chú ý là việc giảm các biện pháp kiểm tra bệnh truyền nhiễm và những người hiến máu”.
Cô cho biết thêm các rủi ro mà người nhận máu ở châu Phi phải chấp nhận, đặc biệt là trẻ em, sẽ được coi là một nguy cơ rất lớn tại các nước phát triển. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng nhiễm trùng lây truyền qua truyền máu toàn phần có thể được giải quyết một cách an toàn bằng công nghệ giảm mầm bệnh trong khi vẫn duy trì các lợi ích lâm sàng của truyền máu, nhấn mạnh rằng tiềm năng của phương pháp này sẽ cách mạng hóa vấn đề truyền máu an toàn ở châu Phi, nơi mà vấn đề này là cấp thiết nhất.
|