|
Rối loạn stress sau sang chấn cần được phát hiện sớm và xử trí phù hợp (ảnh minh họa) |
Cần phát hiện rối loạn stress sau sang chấn để xử trí
Trong cuộc sống đời thường, một số người sau khi bị tình trạng căng thẳng gây nên stress cực mạnh về cơ thể và tâm thần có thể dẫn đến sự rối loạn stress sau sang chấn. Đây là trường hợp phản ứng muộn và dai dẳng xảy ra cần được quan tâm phát hiện nhằm có biện pháp xử trí phù hợp.
Các sang chấn có thể gây nên rối loạn stress sau đó Tình trạng rối loạn stress sau sang chấn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân từ các sang chấn khác nhau như: Bản thân bị ảnh hưởng các thiên tai thảm họa từ thiên nhiên, chiến tranh; chịu tác động bởi các sự kiện do con người gây ra để tạo nên những đau khổ, mất mát, thiệt hại... Cá nhân bị mất hết niềm tin, hy vọng; bị tổn thất lớn về mặt vật chất, kinh tế và con người; phải đối diện với sự chết chóc, mất đi người thân, bạn bè; có sự thay đổi đột ngột về hoàn cảnh sống... Sau khi bị tấn công, tra tấn, khủng bố, hãm hiếp, bạo hành dâm đảng; bản thân ở trong tình trạng bị cô lập, bị bắt cóc... Trên thực tế, có các yếu tố thuận lợi thúc đẩy cho sự phát triển và hình thành tình trạng rối loạn stress sau sang chấn gồm nhân cách bị suy nhược, tiền sử có mắc bệnh trầm cảm... Các yếu tố này làm cho rối loạn stress sau sang chấn dễ dàng xuất hiện hoặc làm cho tình trạng càng trầm trọng thêm. Biểu hiện lâm sàng rối loạn stress sau sang chấn Rối loạn stress sau sang chấn thường có những biểu hiện lâm sàng như: Trầm cảm, lo âu, đôi khi có ý định hành vi tự sát. Nhớ đi nhớ lại mọi tình huống chi tiết gây nên sang chấn được gọi là có “mảnh hồi ức sang chấn”. Có giấc mơ dai dẳng về sự kiện gây ra sang chấn. Có biểu hiện tách rời khỏi với những người khác, sống cô lập, không đáp ứng với môi trường ở chung quanh và mất đi sự thích thú. Thường tránh né dai dẳng các hoạt động và các hoàn cảnh gợi lại sang chấn. Có cảm giác tê cứng, cùn mòn sự cảm xúc. Xảy ra cơn sợ hãi cấp tính, bi quan; có cơn hoảng sợ, tấn công do bị kích thích làm đột ngột nhớ lại hoặc diễn lại sang chấn hay phản ứng ban đầu đối với sang chấn nhưng ít gặp hơn. Ngoài ra, có thể bị rối loạn thần kinh thực vật, thường có trạng thái tăng động quá mức, tăng cảm giác, tăng phản ứng giật mình và mất ngủ. Sự khởi đầu của bệnh lý rối loạn stress tiếp theo sau sang chấn có một giai đoạn âm ỉ có thể từ vài tuần đến vài tháng nhưng ít khi trên 6 tháng. Bệnh tiến triển dao động nhưng cũng có khả năng bình phục trong phần lớn các trường hợp. Tuy nhiên một số trường hợp có thể tiến triển thành mạn tính qua nhiều năm và gây nên sự biến đổi nhân cách kéo dài. Trên thực tế, các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn có thể thay đổi một phần phù hợp với nền văn hóa của từng dân tộc. Xác định rối loạn stress sau sang chấn Theo các nhà khoa học, rối loạn stress sau sang chấn được xác định là tình trạng rối loạn xuất hiện trong vòng 6 tháng sau khi bị một sang chấn mạnh. Nếu thời gian xảy ra trên 6 tháng thì vẫn có thể chẩn đoán tạm thời khi có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng điển hình. Cần căn cứ vào các biểu hiện như: Phải có hồi ức bắt buộc lặp đi lặp lại hoặc sự tái hiện tình huống chấn thương trong ký ức, trong giấc mơ. Có cảm giác thờ ơ với mọi sự việc ở chung quanh một cách rõ rệt, có dấu hiệu tê liệt cảm xúc. Thường né tránh các kích thích có thể khuấy động sự hồi tưởng sang chấn. Ngoài ra, có rối loạn thần kinh thực vật với dấu hiệu ra nhiều mồ hôi, mạch nhanh, thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn, chóng mặt, khô miệng, rối loạn đại tiểu tiện; mặt có sắc diện khi tái, khi đỏ, nóng ran... Đồng thời có các rối loạn khí sắc cảm xúc và bất thường về hành vi nhưng tất cả đều góp phần vào chẩn đoán nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Lưu ý riêng các di chứng mạn tính của các stress cực mạnh như những di chứng biểu hiện nhiều năm sau sang chấn được xếp vào bệnh lý “biến đổi nhân cách kéo dài sau chấn thương thê thảm”. Trên thực tế, cần chẩn đoán phân biệt với phản ứng cấp đối với stress khi các triệu chứng xảy ra sớm hơn sau stress và có thể biến mất đi nhanh hơn. Cũng cần phân biệt với tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng bức khi bệnh nhân có những ý nghĩ bắt buộc tái đi tái lại nhưng người bệnh tự mình phê phán được và không liên quan đến các sự kiện của stress. Xử trí điều trị rối loạn stress sau sang chấn Tình trạng bệnh lý rối loạn stress sau sang chấn được xử trí điều trị như các rối loạn có liên quan đến stress bao gồm điều trị toàn diện với kết hợp nhiều biện pháp. Dùng liệu pháp tâm lý là chủ yếu để giúp người bệnh giảm sự lo âu, trầm cảm, hoảng sợ, thất vọng... Các liệu pháp thường dùng là liệu pháp tác phong, nhận thức, giải thích hợp lý, thư giãn, luyện tập, liệu pháp nhóm, liệu pháp gia đình... Người bệnh cần có sự nâng đỡ, chia sẻ của gia đình, người thân, người chung quanh, bè bạn... giúp bệnh nhân phục hồi lại chức năng tâm lý, xã hội và nghề nghiệp, kể cả việc tạo ra công ăn việc làm... Đồng thời có thể sử dụng liệu pháp điều trị bằng thuốc như các thuốc giải tỏa lo âu, chống trầm cảm, an thần kinh, vitamin, vi chất... nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn cụ thể. Lời khuyên của thầy thuốc Như trên đã nêu, tình trạng rối loạn stress sau sang chấn còn được gọi là hậu chấn tâm lý (Post traumatic stress disorder) là một sự rối loạn tâm lý biểu hiện chủ yếu bằng triệu chứng lo âu rõ rệt khi phải đối đầu với các sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc. Bệnh lý thường gặp ở những người từng trải qua các biến cố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất như thiên tai thảm họa, chiến tranh, bạo hành, tai nạn... Đây là trường hợp bệnh thuộc nhóm bệnh có liên quan đến tình trạng stress cần phải được phát hiện sớm và xử trí điều trị phù hợp.
|