|
Đoàn chuyên gia của AAMI làm việc tại IMPE Quy Nhơn |
Viện Sốt rét Quân đội Australia (AMI) và Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sốt rét kháng thuốc
Ngày 18/7/2016, Viện Sốt rét-KST-CT (IMPE) Quy Nhơn đã làm việc với TS. Mike Edstein-chuyên gia Viện Sốt rét Quân đội Australia (AAMI) nhằm chia sẻ thông tin và thống nhất kết quả nghiên cứu ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc thực hiện trong năm 2015, đồng thời thảo luận kế hoạch nghiên cứu kháng thuốc sốt rét mới tại thực địa trong thời gian tới. Làm việc với AAMI có TS.BS. Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Khoa Nghiên cứu bệnh sốt rét; TS. Trần Minh Quý-Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế cùng các nghiên cứu viên và chuyên viên hợp tác quốc tế của IMPE. Trước buổi làm việc, TS. Mike Edstein-Trưởng Đơn vị đánh giá thuốc của AAMI gửi lời cảm ơn lãnh đạo IMPE Quy Nhơn vì sự hợp tác hơn 10 năm qua (2006-2016) trong nghiên cứu sốt rét kháng thuốc, đặc biệt là hiệu lực các phác đồ thuốc mới. AAMI là một trong những viện nghiên cứu lâu đời và có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu ký sinh trùng sốt rét tổng quát, côn trùng sốt rét, dược động học thuốc chống sốt rét và sinh học phân tử ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Phi và Đông Nam châu Á. Nhiều công trình khoa học có giá trị trong hợp tác giữa AAMI và IMPE về các lĩnh vực này đã được đăng tải trên nhiều tạp chí y học hàng đầu thế giới như The Lancet, American Journal of Tropical Medicine and Hygiene,… đóng góp rất nhiều kiến thức nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng. Hơn 10 năm qua, AAMI, Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội (MIHE) và IMPE Quy Nhơn đã hợp tác nghiên cứu lao bô (in vitro, dược động học và sinh học phân tử) cũng như thực địa (in vivo) tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Các nghiên cứu ưu tiên bao gồm đánh giá P.falciparum và P.vivax kháng thuốc, trị liệu sốt rét phối hợp có artemisinins (ACTs) với P.falciparum chưa biến chứng và hiệu lực phác đồ chuẩn chloroquin phosphate với P.vivax. Nghiên cứu về thành phần loài muỗi Anopheles và vai trò truyền bệnh của các véc tơ chính An.minimus, An.dirus tại điểm theo dõi (sentinel) Phước Chiến. Hợp tác nghiên cứu đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học giá trị, được đăng tải trên một số tạp chí và y văn quốc tế có uy tín góp phần đề xuất các biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp ở Việt Nam. TS. Mike Edstein tiếp tục trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu kháng thuốc hợp tác giữa 4 đơn vị gồm Đơn vị Nghiên cứu y học Hải Quân Mỹ (NAMRU-2), AAMI, MIHE và IMPE Quy Nhơn trong năm 2015. Kết quả này sẽ được báo cáo tại hội thảo sốt rét tổ chức ở Malaysia vào tháng 8/2016 nhằm thông báo sơ bộ hiệu lực phác đồ artesunate đơn thuần trong 4 ngày đầu và tiếp sau dihydroartemisinin-piperaquin hoặc phác đồ artemether (ART)-lumefantrine (LUM) điều trị sốt rét P.falciparum chưa biến chứng và đánh giá hiệu lực phác đồ chloroquine phosphate điều trị sốt rét do P.vivax tại Phước Chiến, Ninh Thuận. Kết quả ban đầu chưa ghi nhận tình trạng kháng artemisinin, thuốc phối hợp DHA-PPQ và AL và P.vivax vẫn nhạy với chloroquine như là thuốc diệt thể phân liệt trong máu tại điểm nghiên cứu Phước Chiến. Các phân lập (isolates) P.falciparum thu thập theo tiêu chuẩn qua thử nghiệm trên in vitro, đánh giá dược động học và sinh học phân tử cho thấy vẫn còn nhạy với nồng độ thuốc thường dùng, chưa có dấu hiệu kháng thuốc ở đây. Để chuẩn bị cho các nghiên cứu tiếp theo, TS. Mike Edstein cũng báo cáo nghiên cứu về sự phát triển tiền lâm sàng của thuốc sốt rét aminomethylphenol JPC-3210 của Hãng dược phẩm Jacobus Pharmaceutical Company, một loại thuốc mới tác dụng kéo dài có khả năng sử dụng kết hợp với các loại thuốc tác dụng nhanh như artemisinin để điều trị sốt rét kháng thuốc. | Đoàn chuyên gia của AAMI làm việc tại IMPE Quy Nhơn |
Sau phần trình bày, các nghiên cứu viên hai Viện đã trao đổi về các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu (thử nghiệm in vivo, in vitro và chỉ điểm phân tử) và các vấn đề tồn tại cần làm rõ trong thời gian đến. Theo AAMI, đề cương hợp tác nghiên cứu “Hiệu lực và khả năng dung nạp của pyronaridine-artesunate trong điều trị nhiễm đơn thuần không biến chứng P. falciparum, P. vivax và P. malariae hay nhiễm phối hợp Plasmodium sp. tại Việt Nam” (gọi tắt là đề cương Pyramax) giữa MIHE, IMPE Quy Nhơn, NAMRU-2 và AAMI như lựa chọn điểm nghiên cứu tại miền Trung-Tây Nguyên; ưu tiên thử nghiệm một số phác đồ phối hợp thuốc có artemisinin, nghiên cứu đánh giá sự phát triển và biến động của vectơ truyền bệnh trong quá trình phòng chống sốt rét, khả năng thu thập mẫu nghiên cứu và xử lý mẫu tại labô và thực địa, khả năng ứng dụng các kỹ thuật cao trong nghiên cứu dược động học và sinh học phân tử. Các ý kiến thảo luận thống nhất giữa chuyên gia các Viện sẽ được viết thành đề cương nghiên cứu hoàn chỉnh sau đó thông qua Bộ Y tế cũng như Bộ Quốc phòng các nước và ngành y tế địa phương để hợp tác nghiên cứu triển khai thực hiện vào năm 2017. Thay mặt lãnh đạo Viện, TS.BS. Huỳnh Hồng Quang đã cảm ơn chuyến thăm và làm việc của chuyên gia AAMI, đồng thời thảo luận một số điểm trong kết quả nghiên cứu trong năm 2015, đề xuất một số hoạt động hỗ trợ nghiên cứu. Đặc biệt trong quá trình nghiên cứu phối hợp, NAMRU-2 và AAMI cần xem vai trò của IMPE Quy Nhơn giống như MIHE, cần có kế hoạch đào tạo và chuyển giao kỹ thuật nghiên cứu cho các bên như nhau; cụ thể là trong thời gian đến nên hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho từ 2-3 cán bộ của IMPE Quy Nhơn về kỹ thuật sinh học phân tử (PCR, giải trình tự và phân tích đột biến gen trong kháng thuốc) và nuôi cấy ký sinh trùng sốt rét trong phòng thí nghiệm và tại thực địa tại Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác nghiên giữa AAMI, NAMRU-2, MIHE và IMPE Quy Nhơn là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng, tăng cường mối quan hệ và hợp tác quốc tế giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng các nước. Tin rằng, hợp tác nghiên cứu này không chỉ mang đến những lợi ích khoa học mà còn góp phần tích cực hướng đến mục tiêu loại trừ sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030.
|