Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 7 2 5 2
Số người đang truy cập
2 4 5
 Tư vấn sức khỏe Hỏi-Đáp
Hỏi đáp về y học thường thức và kiến thức chuyên ngành tháng 8 năm 2016

Nay Th….,Thuận Thành, sinh24@....0913....

Hỏi: Các bác sĩ ơi cho cháu hỏi, cháu có hai đứa con 5 tuổi và 9 tuổi nhưng đưa nào cũng thường hay chảy máu cam, cháu không biết nguyên nhân do đâu ca. Kính mong cho cháu biết nguyên nhân và cách phòng chảy máu cam ở trẻ em, cháu thân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chúng tôi cảm ơn câu hỏi của bạn, liên quan đến câu hỏi của bạn chúng tôi xin phúc đáp: Chảy máu cam là một bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở trẻ em và chảu máu không phải là một hiện tượng hiếm gặp nhưng nó lại làm cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Chảy máu cam là hiện tượng máu đỏ tươi đột ngột chảy ra từ hốc mũi.

Nhìn chung chảy máu cam không có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng trẻ có thể cảm thấy hoảng sợ, hoang mang. Trong trường hợp nếu trẻ bị chảy máu kéo dài thì tác động nguy hiểm hơn là làm cho trẻ mất máu nhiều, và tăng nguy cơ u xơ vòm mũi họng. Hơn nữa, nếu trẻ bị chảy máu cam thường xuyên cũng thường phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Bởi lượng máu chảy ra nhiều làm mất cân bằng với lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Hậu quả của hiện tượng này là trẻ bị hoa mắt chóng mặt, kém ăn, thiếu máu và có thể rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ, nhưng về cơ bản đa phần các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em diễn ra do màng mạch ở vách ngăn mũi gặp tổn thương. Chúng ta có thể liệt kê ra một số nguyên nhân phổ biến của bệnh lý chảy máu cam ở trẻ nhỏ như sau:
 

-Do va đập, chấn thương, thường các trẻ có thể chảy máu cam trong những lúc trẻ chơi đùa và cho những vật dụng, đồ chơi sỏ vào mũi, hoặc bị va đập vào các vật cứng như bàn, ghế, tường;

-Do thời tiết: Nếu độ ẩm không khí quá thấp cũng sẽ làm cho không khí quá khô, màng nhầy vách mũi trẻ cũng bởi vậy mà không còn đàn hồi, giảm độ co giãn và vô cùng nhạy cảm. Chỉ cần có sự chà xát nhỏ như khi bé hát hơi hay dụi mũi cũng có thể làm máu cam chảy. Cũng tương tự khi trời nóng, các mạch máu giãn nở, trẻ sẽ cảm thấy ngứa và có thể ngoáy mũi và làm vỡ mạch máu;

-Mất cân bằng độ ẩm: Hiện nay, nhiều gia đình thường xuyên bật điều hòa. Điều hòa làm dịu nhiệt độ nhưng cũng làm khô không khí ở môi trường xung quanh do đó làm cho mũi trẻ bị khô, dễ chảy máu cam. Điều tương tự cũng xảy ra khi một số bé có sở thích đứng trước tủ lạnh mở cửa, đặc biệt là mùa hè để làm mát;

-Thiếu dưỡng chất: Vitamin C là loại vitamin vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ, có tác dụng bảo vệ trẻ đặc biệt chống lại các bệnh truyền nhiễm. Việc thiếu hụt vitamin C làm cho sức đề kháng của trẻ suy yếu, các cơ quan, đặc biệt là hệ hô hấp bị vi khuẩn truyền nhiễm tấn công, một phần gây tổn thương vùng mạch máu khiến trẻ bị chảy máu cam;


H1

-Viêm mũi: Viêm mũi thường làm cho các mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch mở rộng, do đó hệ thống mạch máu trong khoang mũi của trẻ cũng có những biến đổi nhất định nên dễ dàng gây ra chảy máu mũi khi có tác động nhẹ từ bên ngoài;

-U mũi: Nghiêm trọng hơn các nguyên nhân trên là những khối u mũi gây ra hiện tượng chảy máu cam. Những khối u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính nhưng chủ yếu là lành tính. Tuy nhiên bố mẹ nên có sự kiểm tra cẩn thận cho bé để bác sỹ có thể chẩn đoán và điều trị;

-Các yếu tố bẩm sinh: Có một số yếu tố bẩm sinh, di truyền như cấu trúc thành mạch máu, cấu tạo vách mũi mỏng cũng khiến cho trẻ dễ bị tác động từ ngoại cảnh, gây tổn thương và chảy máu cam.


H2

Thái độ xử trí hay chúng ta phải mà gì khi bé chảy máu mũi? Khi trẻ chảy máu cam, việc đầu tiên các mẹ cần làm là cầm máu. Hãy bình tĩnh thực hiện những công đoạn sau;

-Bước 1: Xác định bên mũi chảy máu: Thông thường máu chảy ra từ một bên lỗ mũi, nhưng trẻ thường có phản ứng dụi nên máu loang ra mà rất khó phân biệt máu chảy từ bên nào. Lúc này mẹ cần lau mũi sạch cho bé, sau đó để bé cúi đầu xuống để máu chảy ra và các mẹ sẽ nhận ra bên chảy máu là bên mũi nào.

-Bước 2: Cầm máu cho trẻ. Các mẹ lấy ngón tay trỏ đè lên cánh mũi cho chạm vào vách ngăn. Hơi ngửa đầu bé lên một chút. Giữ nguyên khoảng 5 đến 10 phút thì máu sẽ ngừng chảy. Lưu ý là các mẹ chỉ nên hơi nửa ra sau một chút thôi, nếu ngửa quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng máu chảy ngược vào hốc mũi hoặc bao tử.

-Bước 3: Chăm sóc bé sau khi chảy máu cam. Cho bé nằm nghỉ. Nếu cẩn thận các mẹ có thể dùng bông gòn bịt lại lỗ mũi bị chảy. Nếu máu chưa ngưng và chảy xuống cổ họng thì đặt bé nằm nghiêng. Hướng dẫn bé đẩy máu ra ngoài bằng lưỡi. Nhớ là không được để bé nuốt máu này vào bụng nhé vì rất có thể bé sẽ bị nôn mửa, đau bụng và khó chịu.

Lặp lại việc đẩy máu này đều 3 phút/lần. Các mẹ nên chủ động ước lượng lượng máu trẻ mất.

-Quan sát bé sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, hoặc bé chảy máu mũi nhiều lần, bé cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh, bé thở khò khè hoặc có hiện tượng khó thở, thậm chí là nôn ra máu và có thể kèm theo sốt (hoặc phát ban) thì các mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và điều trị dưới sự theo dõi của bác sỹ nhé. Nếu máu vẫn chảy sau khi thực hiện các bước sơ cứu, trẻ mất máu nhiều thì có thể bé mắc bệnh hemophilia do đó cần đưa trẻ đi khám bác sỹ.

-Chú ý các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, dù có thể tự xác định nguyên nhân. Bố mẹ cần cẩn thận hỏi ý kiến bác sỹ trước khhi cho trẻ uống thuốc. Các mẹ cũng có thể tham khảo một số mẹo dân gian để chữa chảy mũi cam như sau: Lấy lá xương sông, lá dâu, lá nho non hay lá bạc hà, đem vò nát cho vào hốc mũi cũng có tác dụng cầm máu cho trẻ.


H3

Phòng tránh hiện tượng chảy máu cam

Để phòng ngừa bệnh lý chảy máu cam, các mẹ cần chủ động phòng tránh các nguyên nhân gây nên bệnh lý này.

-Khi trẻ bị viêm mũi, hay các bệnh về hệ tai-mũi-họng, các mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Luôn chú ý và nhắc nở trẻ không nên ngoáy mũi, dụi mũi để tránh bị chảy máu cam cũng như tránh lây lan các vi khuẩn gây viêm vùng mũi;

-Chăm sóc vệ sinh mũi cho trẻ: Các mẹ nên chú ý rửa mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Không cần vệ sinh quá nhiều gây mỏng thành mũi, hoặc làm mất đi lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi, gây tổn thương hoặc gây rát trong mũi trẻ, chỉ cần 2 lần/ tuần đối với các trẻ khỏe mạnh và nhiều hơn với các bé mắc các chứng bệnh viêm mũi theo chỉ định của bác sỹ;

-Chăm sóc bé và chú ý không để bé đưa vật gì vào trong mũi, dù mà mềm hay nhỏ, bởi thành mũi của bé vẫn đang rất yếu nên rất dễ bị tổn thương. Tổn thương mũi còn ảnh hưởng đến khả năng đường hô hấp của trẻ và khả năng miễn dịch các bệnh truyền nhiễm;

-Bổ sung dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C. Bổ sung thêm các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh, củ quả có vị chua và các loại quả có múi như cam, quýt, canh, bông cải xanh, cà chua, khoai tây, hoa kim châm, các loại cá như các trích, cá thu, các bơn vào bữa ăn hàng ngày để cung cấp đầy đủ vitamin C và canxi cho trẻ;

-Cung cấp nước thường xuyên cho trẻ để cân bằng độ ẩm của cơ thể với môi trường bên ngoài.

Thân chúc bạn khỏe!


Nguyễn Thị Xuân N., 39 tuổi, Cát Lái,….

Hỏi: Xin hỏi ban biên tâm, vừa qua tôi khi khám ở trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Cần Thơ, các bác sĩ ở đây cho biết thường phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn so với nam giới và hay bị tái đi tái lại? Tôi không biết lý do tại sao và làm thế nào để phòng trị dứt điểm vì bản thân tôi cũng thường hay bị đi bị lại rất nhiều lần?

Trả lời:Quả là một câu hỏi thú vị, liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng tiết niệulà một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến một phần của đường tiết niệu. Với trường hợp ảnh hưởng đến đường tiết niệu dưới thì được biết đến như là một nhiễm trùng bàng quang và khi ảnh hưởng đến đường tiết niệu trên được gọi là nhiễm trùng thận. Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang bao gồm đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên và cảm thấy buồn tiểu mặc dù bàng quang đang trống rỗng. Ngoài các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu dưới triệu chứng, nhiễm trùng thận bao gồm thêm các triệu chứng như sốtđau mạn sườn. Hiếm khi nước tiểu có thể xuất hiện máu. Đối với các trường hợp mới nhiễm trùng thì triệu chứng có thể mơ hồ hoặc không cụ thể.


H4

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do vi khuẩn Escherichia coli, mặc dù vậy các loại vi khuẩn hay các loài nấm khác hiếm khi là nguyên nhân. Yếu tố nguy cơ bao gồm phụ nữ, quan hệ tình dục, bệnh tiểu đường, béo phì, và tiền sử gia đình. Tuy quan hệ tình dục là một yếu tố nguy cơ nhưng nhiễm trùng đường tiểu không thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm trùng thận, nếu xảy ra thì thường là sau một nhiễm trùng bàng quang nhưng cũng có thể do một nhiễm trùng máu. Chẩn đoán ở phụ nữ trẻ khỏe mạnh có thể dựa vào các triệu chứng đơn thuần như trên. Ở những người có triệu chứng mơ hồ, thì việc chẩn đoán có thể khó khăn bởi vì vi khuẩn có thể hiện diện hoặc không từ một bệnh nhiễm trùng. Trong trường hợp phức tạp hoặc nếu điều trị thất bại, một xét nghiệm tìm vi khuẩn trong nước tiểu có thể hữu ích.

Trong trường hợp không có biến chứng, nhiễm trùng đường tiểu được điều trị ngắn hạn bằng kháng sinh như nitrofurantoin hoặc trimethoprim/sulfamethoxazole. Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị ngày càng tăng, một số trường hợp phức tạp hơn thì cần sử dụng thuốc kháng sinh dài hạn qua đường tĩnh mạch. Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện trong 2-3 ngày, xét nghiệm chẩn đoán hơn nữa có thể là cần thiết. Phenazopyridine có thể làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng. Với những người có vi khuẩn hoặc tế bào bạch cầu trong nước tiểu nhưng không có triệu chứng, việc dùng kháng sinh nói chung là không cần thiết, mặc dù trong thời kỳ mang thai là một ngoại lệ.


H5

Đối với những người bị nhiễm trùng thường xuyên, kháng sinh ngắn hạn có thể được thực hiện ngay sau khi các triệu chứng bắt đầu hay kháng sinh dài hạn có thể được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa. Bệnh thường gặp xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào đường tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này. Đường tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản (hai ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang), bàng quangniệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để ra ngoài khi tiểu. Bình thường nước tiểu vốn vô trùng. Cấu tạo đặc biệt ở vị trí niệu quản gắn vào thành bàng quang có tác dụng như một van chống trào ngược nhằm ngăn ngừa nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận. Dòng chảy của nước tiểu cũng là một lực cơ học giúp tống xuất vi khuẩn nếu chúng xâm nhập vào đây. Tất cả các đối tượng đều có thể mắc nhiễm trùng đường tiểu.

Phân loại nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu thường xuất hiện đầu tiên ở phần thấp (niệu đạo, bàng quang) và nếu không được điều trị nó có thể diễn tiến nặng lên đưa đến nhiễm trùng đường tiểu trên (niệu quản, thận). Sau đây là ba thể bệnh điển hình:

-Viêm niệu đạo: viêm hay nhiễm trùng niệu đạo gây nên cảm giác bỏng rát khi đi tiểu và đôi khi có mủ. Với nam giới, viêm niệu đạo có thể gây nên chảy mủ ở lỗ niệu đạo dương vật. Điển hình nhất là bệnh lậu: nam giới mắc bệnh này thường có mủ ở lỗ sáo ("hạt sương ban mai").

-Viêm bàng quang: là NTĐT thường gặp nhất gây nên đau tức bụng dưới, nước tiểu rất khai và đôi khi tiểu máu.

-Viêm thận-bể thận cấp: có thể do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hoặc do từ dòng máu. Nhiễm trùng thận hay viêm thận-bể thận (cần phân biệt với viêm cầu thận) là một cấp cứu y khoa vì nó có thể nhanh chóng đưa đến suy giảm chức năng thận cũng như tử vong nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả.

Dịch tễ

Về mặt dịch tễ học cho thấy khoảng 8-10 triệu người Mỹ mắc nhiễm trùng đường tiểu mỗi năm. Phụ nữ thường dễ mắc hơn nam giới vì những nguyên nhân không rõ mặc dù đường niệu đạo ngắn của giới này có thể là một yếu tố nguy cơ. Nhiễm trùng này xảy ra ở khoảng 5% trẻ em gái và 1-2% ở trẻ em trai. Tỷ lệ mắc ở trẻ sơ sinh vào khoảng 0,1-1% và tăng cao đến 10% ở trẻ sơ sinh nhẹ cân. Trước 1 tuổi, trẻ trai thương bị cao hơn trẻ gái, nhưng sau lứa tuổi này nhiễm trùng thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn so với trẻ trai.


H6

Nhiễm trùng đường tiểu xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập qua niệu đạo và gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu với triệu chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới. Nhiễm trùng đường tiểu xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập qua niệu đạo và gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu với triệu chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận. Bệnh hay gặp ở trẻ em gái, ở người lớn, phụ nữ dễ bị mắc bệnh hơn nam giới và vào mùa hè, thời tiết nóng, ẩm cũng là một trong những yếu tố gây bệnh khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi nhưng lại đi tiểu ít đi.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu có thể là cảm giác buồn tiểu thường xuyên hơn bình thường; mót đi tiểu nhưng chỉ có thể tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng, ngắt quãng, phải rặn tiểu hoặc nhỏ giọt nước tiểu cuối bãi; niệu đạo và bàng quang bị viêm; đau ở vùng chậu và bụng; cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cảm thấy hay buồn đi tiểu, tiểu ít, nước tiểu đục, nước tiểu có mùi khai hơn hay mùi khó chịu, đôi khi nước tiểu đục hoặc có lẫn máu, tiểu đau, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần hơn; cơ thể có thể sốt nhẹ và mệt mỏi. Nếu được dùng kháng sinh thì sau 1-2 ngày các triệu chứng sẽ giảm bớt. Một số người dễ bị nhiễm khuẩn đường tiểu vì có hiện tượng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên trên niệu quản và thậm chí tới cả thận. Buồn nôn, đau vùng thắt lưng và sốt cao có thể là những dấu hiệu của nhiễm khuẩn thận, cần đi khám ngay và làm một số xét nghiệm. Tránh tự ý dùng thuốc hay ngưng thuốc vì có thể bệnh sẽ nặng hơn vì tình trạng kháng thuốc.

Các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu ở hai giới

-Tắt nghẽn đường ra của bàng quang do sỏi hoặc u xơ tiền liệt tuyến;

-Bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng tống xuất nước tiểu của bàng quang;

-Những dị tật bẩm sinh của đường tiết niệu, đặc biệt là trào ngược bàng quang-niệu quản;

-Suy giảm miễn dịch, đái tháo đường;

-Hẹp bao quy đầu, có thai hoặc mãn kinh

-Sỏi thận, giao hợp với nhiều bạn tình

-Hẹp niệu đạo do bẩm sinh hoặc do chấn thương

-Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt)

-Uống ít nước hay chứng són phân;

-Một số nhóm máu tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ bám vào tế bào lót bề mặt đường tiểu gây nên nhiễm trùng đường tiểu tái diễn.


H8

Nguyên nhân gây bệnh

Cấu tạo của cơ quan sinh dục phụ nữ phức tạp. Niệu đạo của phụ nữ (dài 4 cm) ngắn hơn so với nam giới (20 cm) nên vi trùng đi ngược dòng vào bàng quang dễ dàng hơn; niệu đạo lại nằm gần trực tràng, vi khuẩn từ đây có thể đi vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiểu. Niệu đạo nằm cạnh âm đạo, do đó hoạt động tình dục cũng là yếu tố đẩy vi trùng ngược dòng vào bàng quang. Sử dụng màng ngăn âm đạo và một số phương pháp tránh thai (thuốc tránh thai) cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu khi tác dụng phụ của thuốc cản trở việc bài tiết - nước tiểu đọng lại trong bàng quang.


H9

Khi bàng quang hoạt động kém và nước tiểu không thoát đi hết dễ bị chảy ngược lại niệu quản. Nước tiểu càng ở lại lâu trong đường niệu, nguy cơ vi khuẩn sinh sôi càng lớn, do vậy tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vệ sinh sơ sài hoặc quá kỹ cũng là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh, nhất là vào chu kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh sẽ làm vi khuẩn sinh sôi, ngược lại, việc sử dụng thường xuyên các chất diệt khuẩn, các sản phẩm vệ sinh, sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo cũng làm mất cân bằng vi khuẩn, tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có ích. Một nguyên nhân ít ai nghĩ đến nữa là đồ lót quá chật làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ

-Tiêu chảy, khóc quá mức và không thể dỗ nín bằng các thông thường như cho bú;

-Chán ăn, sốt, buồn nôn và nôn mửa.

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu gặp ở trẻ lớn

-Đau thắt lưng hoặc đau bên mạn sườn (trong trường hợp nhiễm trùng ở thận)

-Tiểu rắt: tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được một ít nước tiểu

-Són nước tiểu

-Tiểu buốt: trẻ thường đau khi tiểu. Đặc biệt trẻ trai đang tiểu vì đau quá nên có thể đưa tay bóp lấy dương vật. Do vậy bàn tay trẻ thường bay mùi nước tiểu ("dấu hiệu bàn tay khai")

-Đau vùng bụng dưới. Nước tiểu đục đôi khi có máu hoặc có mùi bất thường.

Nhiễm trùng đường tiểu dưới ở người lớn

-Đau lưng, tiểu máu hay nước tiểu đục, tiểu khó mặc dù rất muốn tiểu;

-Sốt, tiểu nhiều lần, cảm giác toàn thân không được khỏe;

-Tiểu đau, giao hợp đau.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu trên ở người lớn

-Ớn lạnh, sốt cao;

-Buồn nôn, nôn mửa;

-Đau vùng hạ sườn.

Biến chứng

-Viêm thận bể thận cấp

-Áp xe quanh thận

-Nhiễm trùng huyết

-Suy thận cấp

-Trẻ em trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận à suy thận mạn;

-Phụ nữ có thai bị nhiễm trùng đường tiểu có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh.

Chẩn đoán

Tất cả dấu hiệu nêu trên là những gợi ý để khám xét và làm xét nghiệm. Que thử nước tiểu nhanh có thể là một test sàng lọc. Que thử này có thể phát hiện sự hiện diện của protein, bạch cầu, hồng cầu và một số chỉ số hóa sinh khác mang tính cách định hướng. Các xét nghiệm khác cần làm có thể là:

-Phân tích nước tiểu: hóa sinh, tế bào;

-Cấy nước tiểu, cấy máu;

-Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp X-quang phát hiện các dị tật bẩm sinh đường niệu.


H10

Vì rất nhiều trẻ em bị viêm bàng quang thường có một bất thường giải phẫu nào đó tạo điều kiện cho nhiễm trùng, vì các nhiễm trùng này có thể phòng ngừa được và cũng vì biến chứng lâu ngày của nhiễm trùng đường tiểu tái diễn nếu không được kiểm soát là rất nghiêm trọng nên những trẻ này thường cần phải được khám xét thật kỹ lưỡng. Các xét nghiệm này gồm siêu âm thận và đường tiểu cũng như chụp X-quang có thuốc cản quang khi trẻ đi tiểu. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo các đối tượng sau nên được khảo sát bằng các phương pháp trên:

-Trẻ gái trên 5 tuổi có hai hoặc nhiều lần nhiễm trùng đường tiêu;

-Tất cả trẻ trai ngay khi bị nhiễm trùng đường tiêu lần đầu tiên;

-Tất cả những trẻ có sốt khi mắc nhiễm trùng đường tiêu;

-Tất cả trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường tiêu.

Về mặt điều trị

Những trường hợp viêm bàng quang nhẹ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vì chúng có khả năng gây nên những biến chứng nặng nên tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu dù nặng hay nhẹ đều được khuyến cáo điều trị kỹ càng. Thuốc điều trị thường dùng là các kháng sinh. Liệu trình cũng như loại thuốc tùy thuộc vào loại vi khuẩn cũng như vị trí nhiễm trùng. Các kháng sinh thường dùng thuộc nhóm Nitrofurantoin, Cephalosporin, Sulfonamide, Amoxicillin, Trimethoprim-sulfamethoxazole, Doxycyclin, Quinolon.


H11

Khi được điều trị, các nhiễm trùng đường tiêu dưới có thể hết triệu chứng chỉ trong vòng vài ngày nhưng điều trị cần kéo dài từ 10 đến 15 ngày để đề phòng viêm thận bể thận. Nhiễm trùng đường tiểu do tác nhân Chlamydia trachomatisMycoplasma hominis cần điều trị với tetracycline hoặc doxycyclin dài ngày. Nhiễm trùng đường tiểu do bất thường giải phẫu hoặc có biến chứng tạo ổ mủ sâu cần phải phẫu thuật. Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn (3 hoặc nhiều lần NTĐT trong một năm) có thể điều trị kéo dài đến 6 tháng đôi khi đến cả 2 năm. Theo dõi điều trị bằng xét nghiệm nước tiểu là biện pháp bắt buộc để đánh giá hiệu quả của điều trị.
 

 H12


Phòng ngừa và điều trị

Nhiễm trùng đường tiểu thường được điều trị bằng kháng sinh. Các kháng sinh nên chọn như nhóm trimazon, nhóm quinolon phối hợp với các thuốc có tác dụng sát khuẩn đường niệu, kèm theo uống nhiều nước. Nếu đái buốt nhiều có thể dùng phối hợp với các thuốc giãn cơ trơn như Spasmaverin, Nospa, Buscopan để làm giảm triệu chứng. Trường hợp nặng cần điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ, triệu chứng sẽ giảm sau vài ngày rồi khỏi. Tuy nhiên, nhiễm trùng tiểu là căn bệnh hay tái phát, do đó để phòng ngừa, chị em phụ nữ nên thực hiện bằng các biện pháp đơn giản như sau:

-Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước. Nước giúp cơ thể bài tiết tốt, tránh ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Bên cạnh đó nên đi tiểu đều đặn và không nhịn tiểu lâu gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang;

-Để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục nói chung, nhiễm trùng đường tiểu nói riêng, chị em cần vệ sinh vùng sinh dục và tầng sinh môn hàng ngày 1-2 lần;

-Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh thích hợp cho cơ quan sinh dục để không làm mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo;

-Không nên xịt nước hoặc cho tay vào âm đạo. Không nên dùng nước hoa hay các chất khử mùi ở cơ quan sinh dục. Thay đồ lót hằng ngày, nhất là tối trước khi ngủ;

-Vệ sinh sau khi đi cầu nên  rửa từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn vào vùng sinh dục. Trong những ngày kinh nguyệt, đóng băng vệ sinh đúng cách và thường xuyên thay băng. Nên chọn đồ lót làm bằng sợi bông, thoáng và hạn chế ra mồ hôi để tránh ẩm ướt;

-Đi tiểu sau quan hệ tình dục, vì trong quá trình giao hợp, niệu đạo là ống nhỏ dẫn nước tiểu từ bàng quang thường mở rất rộng, do đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn tại khu vực âm đạo có cơ hội đi ngược lên. Phản xạ tiểu tiện sau mỗi lần giao hợp sẽ giúp thải ngay lập tức những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào trong bàng quang.

-Tăng sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ và cân đối, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin C. Khi hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh sẽ góp phần chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

Hy vọng với các thông tin đầy đủ ở trên sẽ giúp bạn và người thân trong gia định không còn nhiễm trùng đường tiểu nữa.


Lê Khánh Tuấn V., 57 tuổi, giáo viên, Cam Ranh Khánh Hòa

Hỏi: Các bác sĩ ơi, tôi đi khám bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh được chẩn đoán là mắc hội chứng chuyển hóa, vừa bị tăng huyết áp, vừa bị đái tháo đường, vừa bị mỡ trong máu cao, dùng thuocs rất nhiều loại. Gần đây, các bác sĩ bảo tôi rằng một số thuốc trị tăng huyết áp có thể gây tăng đường huyết vậy làm thế nào để dùng thuốc hiệu quả vậy bác sĩ?

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của anh, đây là một câu hỏi liên quan đến chuyên môn sâu, cụ thể là tương tác làm ảnh hưởng tác dụng lẫn nhau giữa các thuốc dùng đồng thời trên cùng một bệnh nhân.

Thực tế lâm sàng coh thấy không những các thuốc điều trị tăng huyết áp gây tăng đường huyết mà một số nhóm thuốc khác cũng có thể gây tăng đường huyết. Lý do khi sử dụng một số nhóm thuốc chữa bệnh khác có thể gặp tác dụng ngoại ý làm giảm tiết hormon insulin của tuyến tụy hoặc làm tăng đề kháng insulin, đều gây tăng đường huyết. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người bình thường và đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường.


H13

Trên đây, chúng tôi xin liệt kê các nhóm thuốc làm tăng đường huyết được cảnh báo:

Thuốc điều trị tăng huyết áp:

-Các thuốc lợi tiểu (furosemid, bumetanid, acetazolamid, indapamid, hydeochlorothiazid, chlorothiazid) điều trị tăng huyết áp, suy tim, có thể gây tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tụy và làm tăng đề kháng insulin;

-Hầu hết các thuốc lợi tiểu này gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu là yếu tố làm giảm tiết insulin của tuyến tụy. Đặc biệt, diazoxide có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng đường huyết mạnh do tác dụng ức chế sản xuất insulin ở tuyến tụy à vì vậy cần khám và kiểm tra đường huyết thường xuyên;

-Các thuốc chẹn beta như propanolol và metoprolol dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh cũng gây tăng đường huyết nhẹ do tăng tạo glucose và giảm tiết insulin tuyến tụy.

Thuốc chống viêm:

-Nhóm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch (prednisolon, methylprednisolon, dexamethason) được dùng điều trị bệnh liên quan đến phản ứng viêm (viêm khớp hay dị ứng);

-Các thuốc này không trực tiếp làm tăng đường huyết nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên sự bài tiết insulin nên cũng làm đường huyết tăng. Dạng thuốc tiêm hấp thu vào máu nhanh hơn nên cũng gây hạ đường huyết nhanh hơn dạng thuốc uống;

-Glucocorticoid được sử dụng trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng. Dù được sử dụng theo đường uống hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp thì thuốc này đều làm tăng gluocse. Nguyên nhân là do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin.

Thuốc nội tiết

-Levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin... được dùng để điều trị cho những người bị suy giáp trạng. Những bệnh nhân được điều trị L-thyroxin liều cao sẽ gặp phải tình trạng tăng đường huyết do thuốc làm tăng đề kháng dẫn đến làm giảm tác dụng của insulin;

-Tuy nhiên, việc tăng đường huyết chỉ xảy ra khi dùng với liều cao, còn nếu dùng liều thấp và trung bình thì không xảy ra các tác dụng bất lợi này;

-Thuốc tránh thai estrogen, progesteron có khả năng gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Đặc biệt, những phụ nữ thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc này.


H14

Thuốc an thần

-Thuốc an thần (olanzapine, quetiapine, risperidone) làm giảm tiết insulin, là nguyên nhân tăng đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi phải dùng đến thuốc an thần có nguy cơ tăng đường huyết, đặc biệt trong 2 tuần đầu;

-Tỷ lệ tăng đường huyết ở những bệnh nhân khoảng 50% àkhó kiểm soát hạ đường huyết;

-Phenobarbital (dùng an thần, gây ngủ) làm tăng chuyển hoá thuốc sulfonylure qua gan, làm tăng thải trừ chúng ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ đường huyết của thuốc

Thuốc trị hen

-Thuốc chủ vận beta 2 (salbutamol, terbutalin, ridodrin) kích thích tiết isulin đáng lẽ làm giảm glucose nhưng vì lại làm tăng tạo ra glucose ở gan nhiều hơn, hậu quả là làm tăng gluocose;

-Epinephrin, dopamin, thyophylin cũng gây tăng đường huyết theo cơ chế tương tự.

Các thuốc khác

-Các thuốc chứa đường với hàm lượng cao như siro ho, dung dịch tiêm truyền glucose gây tăng đường huyết nhiều. Các thuốc chứa đường với hàm lượng thấp không gây tăng glucose đáng kể ở liều điều trị;

-Thuốc cyclophosphamid (bệnh khớp, ung thư), các thuốc chống viêm không steroid (viêm khớp dạng thấp, gút), nicotin (khói thuốc lá), cafein (cà phê) đều làm tăng đường huyết ở mức nhẹ;

-Phenytoin (dùng chống động kinh, cũng dùng điều trị biến chứng thần kinh do bệnh đái tháo đường) có thể gây tăng đường huyết nhiều do ức chế giải phóng insulin từ tụy;

-Niacin (dùng điều trị rối loạn mỡ máu) có thể gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng insulin, song mức gây tăng đường huyết nhẹ;

-Người đái tháo đường vẫn có thể dùng thuốc này trong điều trị rối loạn mỡ máu nhưng cần theo dõi liều cẩn thận, nếu gây tăng gluocse nhiều có thể ngừng thuốc và thay thuốc khác. Nên kiểm tra đường huyết để phát hiện những bất thường đường huyết khi dùng thuốc.

Phần lớn các thuốc trên chỉ gây tăng đường huyết tạm thời. Với người có đường huyết bình thường, đường huyết sẽ ổn định trở lại sau khi ngừng dùng thuốc. Nhưng những thuốc đó cũng có thể làm tăng đường huyết nhiều cho người bệnh đái tháo đường khi phải dùng để chữa các bệnh kèm theo. Những loại thuốc trên có thể làm giảm hiệu lực kiểm soát đường huyết của thuốc trị đái tháo đường nhưng vẫn là thuốc điều trị chủ lực trong các bệnh liên quan. Ở người có đường huyết bình thường, dùng corticoid kéo dài được xem như một yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Khi gặp tác dụng bất lợi tăng đường huyết do dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay để có phương hướng khắc phục.

Trên đây là các thông tin rất quý báu từ các chuyên gia nghiên cứu về dược lâm sàng cũng như y học lâm sàng nghiên cứu dựa trên chứng cứ sẽ giúp cho câu hỏi của bạn thấu đáo hơn!


Lê Thạnh V., 35 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên, 0912….

Hỏi: Các bác sỹ ơi, có bao nhiêu loại bệnh mụn trứng cá, cách chăm sóc người bị mụn trứng cá như thế nào là đúng nhất vì tôi chăm sóc theo hướng dẫn của rất nhiều bác sĩ nhưng không hề thuyên giảm, xin các bác sĩ hướng dẫn chi tiết cho tôi với, tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Xin chân thành cảm ơn câu hỏi của bạn cũng là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt trong đó rối loạn nội tiết và trứng cá do dùng thuốc cũng thường xảy ra hay bệnh mụn trứng cá nghề nghiệp. Liên quan đến loại mụn trứng cá có thể phân ra như sau:


H15

-Bệnh trứng cá do nghề nghiệp: Đối với một số người hay tiếp xúc với môi trường làm việc thường xuyên nhiều loại hóa chất có thể gây thương tổn dạng trứng cá do tiếp xúc với môi trường nóng, dầu, sáp, xăng. Tổn thương thường tương ứng với vị trí tiếp xúc của da và thấy ở cánh tay, đùi, thân mình, đặc biệt ở những công nhân quần áo bị ngấm dầu mỡ (trứng cá hạt dầu). Biểu hiện gần giống như trứng cá thường có nhân, sẩn, mụn mủ và nang;

-Trứng cá  ở trẻ em: Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh có thể phát triển ở những bé từ vài tuần sau sinh đến 3 tuổi, đa số ở bé nam và thường nhầm lẫn với các bệnh lý ngoài da khác. Vị trí tổn thương thường thấy mụn xuất  hiện ở gò má, trán, cằm của bé. Bệnh có thể tự khỏi sau 4 tuần hoặc sau 1-3 tháng, chỉ cần giữ vệ sinh da mặt cho bé, không cần điều trị đặc hiệu. Nguyên nhân bé sơ sinh bị mụn trứng cá có thể là do yếu tố gia đình. Vì vậy, không tự ý  sử dụng các loại kem, thuốc bôi ngoài da cho trẻ sơ sinh có thể làm hỏng da mặt của bé và làm bệnh nặng thêm;

-Trứng cá thông thường: Là thể rất phổ biến ở cả hai giới, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các tổn thương khu trú đặc biệt ở vùng da mỡ như mặt (má, trán, cằm), ở vùng giữa ngực, lưng, vai. Đôi khi nhân trứng cá ở vành tai, bọc ở ống tai, màng nhĩ và đặc biệt gặp tổn thương u, cục, nang ở cổ, gáy. Tổn thương rất đa dạng, nhân trứng cá, sẩn nang lông, sẩn mụn, mụn mủ, u viêm tấy, abces trung bì và hạ bì. Các thương tổn này không phải thường xuyên kết hợp với nhau và có đầy đủ trên một bệnh nhân;

-Trứng cá đỏ: là một quá trình viêm mạn tính ở mặt, đặc biệt vùng mũi. Bệnh được đặc trưng bởi ban đỏ, sẩn, mụn mủ, giãn mạch và có tăng sinh phì đại tuyến bã - làm cho mũi phát triển to hơn. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn tuổi từ 30-50 tuổi, do nội tiết tố ở giai đoạn tiền mãn kinh và nhất là người có cơ địa da dầu. Cà phê, trà đặc cũng làm tăng bệnh nên phải tránh các đồ uống này. Tổn thương trứng cá đỏ thường ở vùng giữa mặt, tiến triển qua nhiều giai đoạn. Trên nền da đỏ xuất hiện từng đợt sẩn mủ, đôi khi nổi cộm giống như u hạt. Sau nhiều đợt tiến triển, nhất là ở nam giới thường có phản ứng phì đại, xơ hóa ở vùng mũi tạo thành mũi sư tử. Ổ nhiễm khuẩn cũng đã được đề cập đến, đặc biệt là vai trò của Propionibacterium acnes Demodex folliculorum (bài chi tiết về hai loại vi khuẩn này sẽ đề cập sau);

-Trứng cá mạch lươn: chủ yếu ở nam giới, bắt đầu sau tuổi dậy thì. Vị trí thường gặp là ở ngực, mặt, lưng, vai và cổ. Mới đầu, mụn ở nang lông, sau đó phát  triển to dần và loét rất đặc biệt. Các ổ mủ nông và sâu, có khi rất to, bệnh nhân có thể bị đau nhức khi có nhiều mủ. Khi khỏi thường để lại sẹo lồi hoặc sẹo lõm. Bệnh tiến triển lâu dài, dai dẳng khó chữa;

-Trứng cá sẹo lồi: Mụn trứng cá to, viêm đỏ, khi nổi lên đã thường là một cục rất lớn, khi khỏi để lại các sẹo lồi cao lên trên bề mặt da. Vị trí hay gặp ở cằm, da ngay dưới tai, lưng, ngực;

-Trứng cá kê hoại tử: Bệnh thường gặp ở nam giới, vị trí thường thấy mụn ở  trán, ở thái dương, rìa tóc mọc đối xứng. Ban đầu mụn trứng cá là sẩn nang lông màu hồng, thường có ngứa và nhanh chóng biến thành mụn mủ màu ngả nâu, bám rất chắc, xung quanh có một bờ viêm sưng tấy, dưới vẩy là một ổ loét nhỏ, sau để lại sẹo lõm tồn tại vĩnh viễn;

-Trứng cá do thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây nên thương tổn dạng trứng cá. Các loại thuốc và hoá chất có thể gây trứng cá như các thuốc chống lao, thuốc chống động kinh, thuốc hướng thần, thuốc chống phân bào, corticosteroid. Tuy nhiên, khó có thể phân biệt với trứng cá thực sự. Để nhận biết mụn trứng cá do thuốc, cần phải dựa vào đặc điểm lâm sàng, điều kiện xuất hiện và tiến triển của bệnh để nghĩ đến trứng cá do thuốc.
 

Làm thế nào để chăm sóc mụn trứng cá đúng?

Trong thực hành lâm sàng, chúng tôi hàng ngày gặp rất nhiều bệnh nhân mụn trứng cá mô tả lại các phương thức dân gian, y học cổ truyền kết hợp đông tây y trong điều trị mụn trứng cá rất sai lầm và đặc biệt là lạm dụng thuốc corticoides để điều trị để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi bị mụn trứng cá, không được cạy nặn mụn vì điều này rất nguy hiểm bởi gây ra vết thương hở, tổn thương mao mạch dẫn đến vi khuẩn trên bề mặt da dễ dàng xâm nhập, gây nhiễm trùng. Thậm chí, nếu không đảm bảo vệ sinh, vết cạy mụn đó cũng là con đường mà vi khuẩn có thể đi qua rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết. Nếu tình trạng không thuyên giảm thì cần đến đúng chuyên khoa để được khám, điều trị đúng căn nguyên. Việc điều trị, kê đơn phải phù hợp với lứa tuổi và giới tính, tình trạng mỗi người.

Hàng ngày cần rửa mặt nhẹ nhàng, không chà mạnh bằng nước máy sạch hoặc nước muối pha loãng. Nếu muốn sử dụng sữa rửa mặt, nên có sự tư vấn của thầy thuốc cho phù hợp với từng loại da. Không tự ý bôi thuốc, các chế phẩm tự chế, không dùng mỹ phẩm, đắp mặt nạ khi đang bị mụn trứng cá. Ăn uống nhiều đồ có tính mát, giàu vitamin và sinh tố. Kiêng đồ nhiều đường, nóng như nước ngọt, các loại quả ngọt, ớt, hạt tiêu, cà phê, trà đặc.

Gần đây, Đại học Northwestern, Mỹ đã ứng dụng trên điện thoại thông minh để giúp người dùng hiểu rõ hơn về chế độ ăn uống của họ ảnh hưởng đến làn da ra sao, giúp chăm sóc da, trị trứng cá trở nên thuận lợi hơn. Những người bị mụn trứng cá khi mắc phải những sai lầm trong ăn uống sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng mụn trên da. Theo đó,ứng dụng kể trên sử dụng thông tin từ một hệ thống phân tích nghiên cứu, nhằm thông báo cho người sử dụng những tác động của thực phẩm mà họ ăn hàng ngày đến mụn trứng cá.

Ứng dụng này khuyên người dùng về các loại thực phẩm như sữa, axit béo omega-6 và các loại thực phẩm chứa lượng đường cao sẽ khiến mụn trở nên khó trị hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng giải thích rằng, các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ có khả năng làm giảm bớt vấn đề mụn trứng cá. Ứng dụng này sau khi được thử nghiệm, chỉ trong một khoảng thời gian 5 tháng, nó đã được tải lên 5.507 điện thoại di động tại 98 quốc gia khác nhau. Như vậy, có thể thấy ứng dụng trên như một con đường mới và có hiệu quả cao để điều trị mụn trứng cá. Một số người tin rằng, không lâu sau nữa các ứng dụng tương tự sẽ sớm được bổ sung trong hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân.

Chúc bạn mau chóng hết mụn trứng cá!


H15

Thẩm Đình L., 57 tuổi, TP. Quy Nhơn

Hỏi: Xin hỏi tại BV Sốt rét Quy Nhơn có khám bệnh nhân bảo hiểm không, xin cảm ơn

Trả lời:

Trước đây, tại Viện có thực hiện tham gia khám bảo hiểm y tế cho người dân từ khắp nơi chuyển đến, song từ 1 năm trở lại đây chính sách và chế độ thanh toán bảo hiểm có phần thay đổi, cũng như quy định mới nên Viện chưa thực hiện lại chế độ khám bảo hiểm này. Với chế độ bảo hiểm y tế và chăm sóc khám chữa bệnh mới hiện nay đã có các chiều hướng tích cực và tiện lợi cho người bệnh, nên bạn có thể chuyển viện theo quy định rất tốt. Khi nào chúng tôi tiến hành khám bảo hiểm trở lại, sẽ thông báo sớm.

Trân trọng cảm ơn!

 

 

Ngày 01/08/2016
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích