|
Cấp màn và hướng dẫn sử dụng cho bà con dân tộc thiểu số tại Đakrông (Nguồn ảnh: http://dohquangtri.gov.vn) |
Huyện Đăkrong (Quảng Trị) phấn đấu thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2020
Mặc dù là một trong những vùng sốt rét lưu hành nặng, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng huyện Đakrông phấn đấu sớm trở thành huyện miền núi của tỉnh Quảng trị đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2020. Là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, sau nhiều năm xây dựng và phát triển bộ mặt của huyện Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc. Hầu hết các xã đều có điện thắp sáng, hệ thống giao thông đi lại đã được bê tông hóa, trạm y tế, trường học kiên cố mọc lên góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Đakrông là huyện miền núi có 14/14 xã có sốt rét lưu hành ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân là làm nương rẫy, số lượt người di biến động giao lưu qua biên giới, đi rừng ngủ rẫy ngày càng tăng và khó kiểm soát, số công nhân của các công ty khai thác vàng, thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, do địa hình phần lớn là núi rừng và sông suối; khí hậu thời tiết thuận lợi cho trung gian truyền bệnh là muỗi Anopheles phát triển quanh năm. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp, các ngành nên công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng đã có nhiều tiến bộ. Nếu so sánh với những năm 1990 khi mới tái lập tỉnh Quảng Trị, tình hình sốt rét ở huyện Đakrông đã có những chuyển biến hết sức rõ rệt. Nhớ lại, nhiều xã tại thời điểm đó, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong cộng đồng chiếm hơn 30% như A bung, Ango, Avao, Tà rụt thì đến cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 những xã này số ca măc sốt rét đến trạm y tế xã rất thấp, thậm chí trong một thời gian dài không ghi nhận số ca sốt rét. Nguyên nhân của tình hình trên là do nhiều năm ngành y tế triển khai một cách đồng bộ công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn như đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân thông qua các kênh truyền thông thích hợp, phù hợp với phong tục tập quán như họp dân, thăm hộ gia đình, tư vấn khi đến thăm khám tại trạm y tế; nhờ đó mà tỷ lệ người dân ngủ màn tăng lên, khi bị sốt đến khám tại trạm y tế xã. Ngoài ra, dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét liên tục cung cấp màn ngủ, đảm bảo độ bao phủ 2 người/ một màn đôi kể cả màn tẩm hóa chất diệt tồn lưu lâu cho người dân sống trong các vùng sốt rét lưu hành năng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho người dân giao lưu vào vùng sốt rét, đi rừng, ngủ rẫy. Bên cạnh đó, việc thực hiện rộng rãi các biện pháp phòng chống sốt rét như phun tồn lưu trong nhà, tẩm màn bằng hóa chất diệt, phát hiện và điều trị sớm ca bệnh đã góp phần làm giảm số ca mắc sốt rét và làm giảm nguồn lây lan ra cộng đồng. Kết quả tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong toàn huyện Đakrông liên tục giảm từ 6.1 KST/1000 DS (năm 2012) xuống còn 0.16 (năm 2015) và trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ ghi nhận 2 ca sốt rét có ký sinh trùng.
Tuyên truyền phòng chống sốt rét cho người dân xã Tà Long, huyện Đakrông
Những thành tựu trên đây là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận, đồng thời là cơ sở đề Đakrông hướng tới nỗ lực loại trừ sốt rét sớm so với mục tiêu đặt ra. Để đạt được mục tiêu loại trừ vào năm 2020 huyện Đakrông cần tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt giải pháp đầu tư nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực cho công tác phòng chống sốt rét; tăng cường xây dựng và củng cố mạng lưới phòng chống sốt rét từ huyện đến thôn bản đảm bảo cho mọi người dân dễ tiếp cận tới dự phòng, chẩn đoán và điều trị sốt rét; tập trung phát hiện sớm và xử lý có hiệu quả các ổ bệnh tránh lây lan ra cộng đồng; thu thập đầy đủ thông tin qua các kênh thông tin để sớm dự báo và theo dõi diễn biến của bệnh sốt rét trên địa bàn hàng năm và mỗi 5 năm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc loại trừ sốt rét như điều trị chống lây lan, phát hiện tất cả các ca nhiễm sốt rét bằng kính hiển vị, test chẩn đoán nhanh; dùng thuốc điều trị để làm giảm ký sinh trùng, tăng cường phòng chống vector có trọng điểm và coi giám sát là một biện pháp can thiệp cốt lõi. Giải quyết tốt các thách thức, đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống một cách tích cực và chủ động. Tin rằng Đakrông sớm trở thành huyện miền núi của tỉnh Quảng trị đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2020, góp phần vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.
|