Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 7 1 5 3
Số người đang truy cập
2 8 8
 Tin tức - Sự kiện Tin vắn đáng chú ý
Phải phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cho trẻ em dưới 5 tuổi trong xây dựng nông thôn mới
Phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn năm 2016 - 2020, việc phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cho trẻ em dưới 5 tuổi là một tiêu chuẩn cần phải triển khai ở các địa phương nhằm đạt được yêu cầu của chỉ tiêu quy định.

Thực trạng tình hình

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em làm ảnh hưởng đến sự phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ và làm giảm khả năng học tập, làm việc, lao động của trẻ trong tương lai. Mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu về phòng chống suy dinh dưỡng, tuy vậy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại nước ta vẫn còn ở mức cao và có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi với tỷ lệ 24,6% được ghi nhận vào năm 2015; như vậy tại thời điểm này ở nước ta cứ 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Hiện nay chiều cao trung bình của người Việt Nam vẫn còn thấp so một số nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời sẽ có nguy cơ thấp hơn chiều cao tối đa của chính họ khoảng 10cm khi trưởng thành. Thực tế vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ em là các chất sắt, kẽm, vitamin A, i-ốt, calci và vitamin D. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em hiện nay vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng động. Kết quả tổng điều tra vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2014 - 2015 ghi nhận phụ nữ mang thai thiếu máu 32,8%, thiếu kẽm 63,6%; phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu máu 27,8%, thiếu kẽm 80,3%; trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu 25,5%, thiếu kẽm 69,4%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em là 13,0%... Vì vậy việc cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cần tiếp tục được quan tâm nhằm đạt được các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn năm 2016 - 2020, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn năm 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.

Mục tiêu thực hiện

Mục tiêu chung đến năm 2020 trong đăng ký xây dựng nông thôn mới là phải phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi, thu hẹp khoảng cách về suy dinh dưỡng thấp còi giữa các vùng miền; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Mục tiêu cụ thể là phải tích cực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trong xây dựng nông thôn mới tùy theo từng trường hợp như: mỗi năm giảm ít nhất 1,5% ở nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, ít nhất 1% ở nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ 20 - 30%, ít nhất 0,7% ở nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi dưới 20%; ít nhất 0,5% ở nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi dưới 10% và khống chế ở mức 5 - 6%.

Biện pháp giảm suy dinh dưỡng thấp còi

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cần có những hoạt động cụ thể bao gồm: củng cố và nâng cao năng lực, hỗ trợ điều kiện cho mạng lưới hoạt động; theo dõi sự tăng trưởng, phát triển và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A, viên sắt hay viên đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ; điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ suy dinh dưỡng vùng mất an ninh lương thực; truyền thông thay đổi hành vi phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi; bảo đảm an ninh lương thực trong hộ gia đình; theo dõi và giám sát việc thực hiện.

Củng cố và nâng cao năng lực, hỗ trợ điều kiện cho mạng lưới hoạt động: Thực hiện bằng việc tập huấn chuyên môn dinh dưỡng ở các tuyến từ tỉnh, thành phố thuộc trung ương đến y tế thôn bản, cộng tác viên, cán bộ liên ngành với những nội dung cần thiết như: cập nhật chuyên môn dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, bổ sung đa vi chất, truyền thông giáo dục dinh dưỡng, giám sát, theo dõi thực hiện chương trình... với loại hình đào tạo tùy theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Nhân viên chuyên trách dinh dưỡng ở tuyến tỉnh, thành phố thuộc trung ương sau khi được tập huấn chuyên môn sẽ là giảng viên đào tạo, tập huấn cho nhân viên mạng lưới tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và y tế thôn bản, cộng tác viên y tế. Nhân viên chuyên trách dinh dưỡng tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ hỗ trợ, phối hợp tập huấn cho nhân viên tuyến xã, phường, thị trấn, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế, đồng thời thực hiện các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng. Ngoài ra, cán bộ các ngành như phụ nữ, thanh niên, giáo viên... cũng cần được tập huấn chuyên môn để phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi.

Theo dõi sự tăng trưởng, phát triển và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi: Trạm y tế, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế được cấp cân, thước đo chiều cao, thước đo vòng cánh tay. Bà mẹ có con dưới 2 tuổi được cấp biểu đồ tăng trưởng và được hướng dẫn sử dụng biểu đồ để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ. Tất cả trẻ sơ sinh phải được theo dõi cân nặng; những trường hợp sản phụ không sinh con tại trạm y tế mà sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế hay tại nhà... thì trạm y tế phải tổng hợp cân nặng sơ sinh của trẻ. Để theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em dưới 5 tuổi, tất cả trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, gầy còm phải đo cân nặng, chiều cao và chu vi vòng cánh tay hàng tháng; đối với những trẻ dưới 2 tuổi không suy dinh dưỡng được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng quý mỗi 3 tháng một lần và trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi không bị suy dinh dưỡng sẽ được cân đo 6 tháng một lần. Xác định tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi sẽ căn cứ vào bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0 - 5 tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006; tỷ lệ suy dinh dưỡng của xã, phường, thị trấn được xác định dựa trên kết quả cân đo theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ, việc xác định nên thống nhất tại một thời điểm cho toàn tỉnh, thành phố để bảo đảm tính thống nhất của số liệu.

Bổ sung vitamin A, viên sắt hay viên đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ: Vitamin A liều cao cần bổ sung cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi 2 lần mỗi năm; những xã, phường, thị trấn khó khăn sẽ mở rộng bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm vào tháng 6 và tháng 12 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tất cả phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được bổ sung một liều vitamin A liều cao duy nhất. Viên sắt hay viên đa vi chất nên được bổ sung cho phụ nữ mang thai hàng ngày từ khi phát hiện mang thai cho đến 1 tháng sau khi sinh; đồng thời phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ từ 18 đến 35 cũng cần cấp phát viên sắt hay viên đa vi chất hàng tuần. Ngoài ra, viên đa vi chất dinh dưỡng dành cho trẻ em cần bổ sung cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc thuộc gia đình đặc biệt khó khăn.

Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ suy dinh dưỡng vùng mất an ninh lương thực: Trẻ em dưới 5 tuổi cần được sàng lọc để phát hiện suy dinh dưỡng cấp tính vào các đợt cân trẻ theo định kỳ. Những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng sẽ được cung cấp gói điều trị theo quy định đối với trẻ em từ 0 - 72 tháng tuổi. Các đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng tại vùng thiên thai, vùng mất an ninh lương thực được cung cấp sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng; việc thực hiện các hỗ trợ dinh dưỡng phụ thuộc vào tình hình ảnh hưởng cụ thể của thiên tai và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Truyền thông thay đổi hành vi phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi: Thực hiện bằng cách cung cấp tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông giáo dục phòng chống thấp còi để tuyên truyền và tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi; phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và bà mẹ có con dưới 2 tuổi được cấp tài liệu truyền thông hướng dẫn chế độ ăn và phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tổ chức chiến dịch truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong dịp lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng 1 - 2 tháng 6, lồng ghép truyền thông giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi trong Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16 - 23 tháng 10; tuyên truyền lợi ích của sữa mẹ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến 24 tháng tuổi; đồng thời có thể triển khai truyền thông lồng ghép trong các chiến dịch khác. Tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp với các buổi truyền thông nhóm và thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đặc biệt là thể thấp còi; đẩy mạnh tư vấn phục hồi dinh dưỡng, duy trì và phát triển hệ thống tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng; xây dựng các câu lạc bộ gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng, tổ chức các hội thi tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi; xây dựng các mô hình phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi đặc thù cho vùng miền. Tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng các chương trình, phóng sự, thông điệp truyền thông trên hệ thống đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương; xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các thôn, tổ, xã, phường, thị trấn; xây dựng các pa nô, áp phích cỡ lớn treo tại các nơi công cộng, chỗ đông người.

Bảm đảm an ninh lương thực hộ gia đình: Thực hiện việc cung cấp tài liệu, tờ rơi về hướng dẫn bảo đảm an ninh lương thực, đa dạng hóa sản phẩm tại hộ gia đình; khuyến khích sản xuất và sử dụng thực phẩm sẵn có tại hộ gia đình đưa vào bữa ăn của trẻ...

Giám sát thực hiện: Được triển khai theo các nội dung quy định của tuyến trung ương, tỉnh và thành phố thuộc trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn. Đồng thời cũng cần thực hiện công tác phối hợp liên ngành và lồng ghép các chương trình, dự án trong nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại trung ương và địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Lựa chọn ưu tiên nguồn lực can thiệp biện pháp

Để bảo đảm nguồn lực trong triển khai thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt được hiệu quả tốt, việc phân loại cấp độ ưu tiên cho các biện pháp can thiệp rất cần thiết. Xã, phường, thị trấn được xếp ưu tiên nhóm A khi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%; xếp nhóm B khi tỷ lệ này chiếm từ 20 - 30% và xếp nhóm C khi tỷ lệ này chiếm ở mức dưới 20%.

Đối với nhóm A và B: Can thiệp toàn diện lên tất cả nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em; ưu tiên kiện toàn và nâng cao chất lượng mạng lưới nhất là đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên y tế; tăng cường truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ sung vitamin A và đa vi chất, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính...; ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của trung ương và địa phương, phối hợp sử dụng nguồn ngân sách khác nếu có.

Đối với nhóm C: Thực hiện các can thiệp tập trung vào phụ nữ ở giai đoạn trước và sau khi mang thai; ưu tiên các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, hướng dẫn bổ sung đa vi chất, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính...; ngân sách thực hiện được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của trung ương và địa phương hỗ trợ cho các hoạt động thiết yếu, duy trì mạng lưới, ngân sách còn lại sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa; trong trường hợp nguồn kinh phí huy động đủ thì có thể thực hiện các hoạt động can thiệp theo nhóm A và B.

Điều cần quan tâm

Hiện nay các địa phương trên cả nước đang phát động và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để cải thiện đời sống cho cộng đồng người dân, trong đó về lĩnh vực y tế có đề cập đến vấn đề phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cho đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi trong tiêu chí xây dựng. Muốn thực hiện được vấn đề này đạt được hiệu quả tốt theo mục tiêu đã đề ra, các biện pháp triển khai phải tích cực, đồng bộ, đầy đủ với những nội dung nêu trên từ tuyến trung ương đến cơ sở. Hy vọng rằng thời gian tới, các địa phương đạt được tiêu chuẩn nông thôn mới sẽ không còn trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi có tỷ lệ thấp nhất theo quy định.

Ngày 24/04/2018
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích