|
Bệnh nhân mắc bệnh sốt rét điều trị tại bệnh viện ở Monrovi, Liberia. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin đang đe dọa châu Phi.
Ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) kháng artemisinin- thành phần chính của thuốc điều trị sốt rét phối hợp, được Tổ chức Y tế thếgiới (TCYTTG) khuyến cáo đã xuất hiện nhiều nơi ở Đông Nam Á, tuy nhiên chưa có trường hợp nào được xác nhận ở châu Phi. Các nhà khoa học từ Viện Pasteur, phối hợp với Chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia Rwanda (Trung tâm Y sinh Rwanda), TCYTTG, Bệnh viện Cochin và Đại học Columbia (New York, Mỹ), lần đầu tiên đã phát hiện sự có mặt và lây lan của KSTSR có khả năng kháng lại các dẫn xuất của artemisinin ở Rwanda. Kết quả của nghiên cứu được công bố vào ngày 03/8/2020 trên tạp chí Nature Medicine. Bệnh sốt rét là một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng trên toàn cầu. Khoảng 3,2 tỷ người (gần một nửa dân số thế giới) ở 89 quốc gia có nguy cơ mắc bệnh. Hàng năm, trên 200 triệu ca mắc và hơn 400.000 ca tử vong được ghi nhận và hiện chưa có vắc xin phòng chống.
Trong hơn 15 năm qua, việc điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum chủ yếu là thuốc sốt rét phốihợp chứa dẫn chất artemisinin (ACTs) trên nguyên lý kết hợp một thuốc tác dụng diệt nhanh ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) của dẫn xuất artemisinin với một thuốc đi kèm (partner drug) khác có thời gian bán thải kéo dài(long haft-life). Kể từ năm 2008, KSTSR P. falciparum có khả năng kháng lại các dẫn xuất artemisinin ở Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Lào) và ngày càng phổ biến. Sự đề kháng này dẫn đến sự chậm làm sạch KSTSR trong máu bệnh nhân được điều trị bằng ACTs, đây là một mối đe dọa nghiêm trọng làm cản trở nỗ lực phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Một mối quan tâm lớn là những KSTSR kháng thuốc này sẽ lan rộng qua cận khu vực cận Sahara, Châu Phi - lục địa bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh sốt rét (chiếm trên 90% số ca mắc của toàn thế giới), như các thế hệ thuốc điều trị sốt rét trước đây (chloroquine).Trong những năm 1980, việc giảm hiệu lực của chloroquine được cho là nguyên nhân dẫn đến gia tăng thêm vài triệu ca tử vong do sốt rét ở trẻ em tại châu Phi. Kể từ năm 2014, sự phân bố địa lý của kháng artemisinin đã được giám sát dựa trên việc phát hiện các đột biến gen Kelch13 trên KSTSR. Những đột biến này được cho là làm giảm chức năng của protein Kelch13, một yếu tố liên quan đến sự phân hủy hemoglobin trong các tế bào hồng cầu bị nhiễm KSTSR. Hiện nay, cácloài KSTSR kháng thuốc phổ biến nhất ở Đông Nam Á có mang đột biến C580Y. Gần đây, đột biến C580Y trên KSTSR cũng đã được phát hiện ở Guyana và Papua New Guinea. Ở châu Phi, nơi thuốc ACTs vẫn còn rất hiệu quả và KSTSRmang đột biến Kelch13 vẫn còn hiếm. Dự án Nghiên cứu đa trung tâm đánh giá đột biến gen K13 liên quan dến kháng artemisinine (KARMA-K13 Artemisinin Resistance Multicenter Assessment), cho thấy ít hơn 5% mẫu ở châu Phi có đột biến và hơn 50% đột biến được phát hiện chỉ được ghi nhận một lần. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng đột biến thường thấy nhất ở châu Phi là loại A578S không tạo ra khả năng kháng artemisinin đối với KSTSR châu Á đã có biến đổi gen (gene-edited). Gần đây, các nhà khoa học từ Viện Pasteur, tham gia vào một dự án do TCYTTG hỗ trợ về giám sát kháng thuốc ở châu Phi đã xác định những dấu hiệu đầu tiên về sự xuất hiện của KSTSRmang đột biến gen Kelch13 kháng artemisinin ở châu Phi. Kết quả cho thấy tỷ lệ KSTSR mang đột biến R561H đáng kể ở hai địa điểm cách nhau 100km (7,4% ở Masaka và 0,7% ở Rukara). Việc giải trình tự toàn bộ bộ gen của những KSTSR này chỉ ra rằng các đột biến R561H được chọn lọc từ các quần thể KSTSRtại Rwandan và chúng không lây lan từ các KSTSRcó nguồn gốc châu Á (từ Thái Lan hoặc Myanmar - nơi mà đột biến R561H đã được ghi nhận trước đây). TS.Didier Ménard, Trưởng Đơn vị Di truyền và kháng thuốc sốt rét tại Viện Pasteur đã giải thích rằng “Những kết quả bất ngờ này tương phản với các kịch bản trước đó, trong đó sự xuất hiện của KSTSR kháng chloroquine hoặc pyrimethamine ở châu Phi là do sự lây lan của KSTSR kháng thuốc từ Đông Nam Á, nên người ta nghĩ rằng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra cho sự xuất hiện của KSTSR kháng artemisinin ở châu Phi”. Thực tế là chủng kháng thuốc này đã lan rộng giữa một số nơi ở Rwanda và khả năng kháng artemisinin (in vitro) của nó có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Trong trường hợp không có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của KSTSR kháng thuốc ở Rwanda và các nước lân cận, thì theo thời gian chúng có khả năng sẽ kháng thêm các loại thuốc phối hợp khác được sử dụng trong ACTs.Điều này có nghĩa là các phương pháp điều trị duy nhất hiện có sẽ trở nên không hiệu quả, như đã xảy ra ở Đông Nam Á. Nếu không có biện pháp can thiệp nào được triển khai, thì thuốc ACTs không còn hiệu lực ở châu Phi, có thể gây ra thêm 78 triệu trường hợp và 116.000 ca tử vong khác trong khoảng thời gian 5 năm. Tài liệu tham khảo chính (Source): Uwimana A, Legrand E, Stokes BH, Ndikumana JM, Warsame M, Umulisa N, Ngamije D, Munyaneza T, Mazarati JB, Munguti K, Campagne P, Criscuolo A, Ariey F, Murindahabi M, Ringwald P, Fidock DA, Mbituyumuremyi A, Menard D.“Emergence and clonal expansion of in vitro artemisinin-resistant Plasmodium falciparum Kelch13 R561H mutant parasites in Rwanda”, Nature Medicine, 2020 Aug 3. doi: 10.1038/s41591-020-1005-2.
|