Những khó khăn, thách thức phòng chống sốt rét trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Vào những tháng cuối năm 2019, tại Thành phố Vũ Hán- Trung quốc xuất hiện chùm ca bệnh viêm phổi và suy hô hấp làm cho thế giới liên tưởng đến đại dịch SARS vào năm 2003. Đến đầu tháng 1/2020, một loại virus mới đã được phát hiện từ các mẫu dịch phế quản- virus beta thuộc họ Coronavirus. Sau đó, chủng virus này được đặt tên là SARS-CoV-2- tác nhân gây ra đợt bùng phát bệnh viêm phổi có tên gọi là COVID-19 đã lây lan hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với hàng trăm triệu ca mắc, hàng triệu ca tử vong. Căn bệnh này gây ra một trận đại dịch kéo dài và chưa có dấu hiệu ngừng lại cùng tỷ lệ tử vong cao. Đại dịch này ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và diễn biến phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của đại dịch đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội… trong đó có ngành y tế. Để ứng phó với đại dịch COVID-19, ngành y tế đã phải tận dụng mọi khả năng và tăng cường nguồn lực. Điều này có thể ảnh hưởng đến các chương trình y tế khác trong đó có chương trình phòng chống sốt rét do phải tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chống dịch COVID-19 Tại Việt Nam, công tác phòng chống sốt rét từ năm 1991 đến nay, sau 30 năm thành tựu thu được là to lớn từ hơn 1 triệu ca mắc với 4646 ca tử vong vào năm 1991, đến hết năm 2021 chỉ còn 1422 ca nhiễm, 01 ca tử vong, dịch bệnh sốt rét không xảy ra, là cơ sở và tiền để để Chính phủ Việt Nam cam kết với cộng đồng quóc tế sẽ loại trừ sốt rét P.falciparum vào năm 2025 và tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.
Virus SARS-CoV-2
Tuy nhiện, bên cạnh những khó khăn, thách thức mà sốt rét đang đối mặt như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, di biến động dân cư, thì hiện nay đang đối mặt với một thách thức lớn là đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, Việc phong tỏa, cách ly bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn, đóng cửa các cửa khẩu biên giới đã hạn chế việc di chuyển, đi lại của người dân trong đó có cả những người cần được chăm sóc. Bệnh nhân có nguy cơ tiềm ẩn dễ nhiễm SARS-CoV-2 được khuyến cáo không đến cơ sở y tế vì sợ lây nhiễm cho các nhân viên y tế và các người khác. Hạn chế đi lại có thể gây khó khăn cho nhân viên y tế đến nơi làm việc, không kể đến nhân viên y tế bị mắc bệnh, dẫn đến hệ thống y tế bị giảm sút, trong đó có hệ thống phòng chống sốt rét và nếu các hoạt động cốt lõi trong phòng chống sốt rét không tiếp tục duy trì hay không được quan tâm đúng mức thì nguy cơ bệnh sốt rét sẽ bùng phát trở lại trên diện rộng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh Ebola và nay là dịch COVID-19 xảy ra tại các quốc gia châu Phi, các hoạt dộng phòng chống sốt rét bị đình trệ nên số lượng ca nhiễm sốt rét không giảm, thậm chí nhiều nơi sốt rét lưu hành tình hình sốt rét bùng phát. Báo cáo của WHO cho thấy sự gián đoạn 10% trong việc tiếp cận với điều trị sốt rét hiệu quả ở Châu Phi, cận Saharan có thể làm tăng thêm 19.000 ca tử vong. Sự gián đoạn 20% và 50%trong khu vực có thể dẫn đến 46.000 và 100.000 ca tử vong tương ứng. Đến nay, tuy chưa có một đánh giá đầy đủ nào về tác động của dịch COVID-19 tại các vùng sốt rét lưu hành, tuy nhiên từ bài học của các nước về vấn đề này thì Việt Nam khi có dịch COVID-19 bùng phát, sự ảnh hưởng của căn bệnh này đến mục tiêu phòng chống sốt rét quốc gia chắc chắn cũng xảy ra với các tình huống tương tự như ở các nước khác. Ngoài những vấn đê nêu trên, khi có đại dịch COVID-19, Việt Nam còn phải đối mặt với một số thách thức sau: giảm sự quan tâm của chính quyền do tập trung chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; giảm sự tiếp cận của người dân đối với cơ sở y tế khám chữa bệnh do hạn chế đi lại vì sợ lây nhiễm và chấp hành lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội trong phòng chống dịch COVID-19; giảm sự đầu tư nguồn lực kinh phí và nhân lực, thiếu vật tư cho phòng chống sốt rét (phương tiện xét nghiệm, thuốc, hóa chất phòng chống véc tơ…) khó khăn trong cung ứng, phân phối, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các hoạt động phòng chống sốt rét; giảm hay gián đoạn một số hoạt động phòng chống sốt rét ở các tuyến do tập trung cho phòng chống dịch COVID-19; nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao cho cán bộ tham gia vào các hoạt động phòng chống sốt rét, từ đó hạn chế đến việc tiếp xúc của cán bộ với bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, với các hoạt động phòng chống sốt rét tại thực địa.
Ký sinh trùng sốt rét
Ngày 26/3/2021-tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết Việt Nam có nguy cơ đối diện với đợt dịch thứ 4. Do vậy, Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng cần nâng cao cảnh giác, không được chủ quan. thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế vì diễn biến khó lường của dịch bệnh, và là một ưu tiên hiện nay của ngành y tế. Chú ý thực hiện và truyền thông cho người dân về thông điệp 5K khi đi thực địa (Khẩu trang, Khử khẩn, Khoảng cách, Khai báo, Không tập trung đông người) và trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để không làm gián đoạn và ảnh hưởng đến các hoạt động y tế khác, y tế các địa phương cần linh hoạt, điều chỉnh, bổ sung và tăng cường các hoạt động phòng chống sốt rét thiết yếu và cốt lõi như cung cấp đầy đủ thuốc sốt rét cho y tế cơ sở, test chẩn đoán nhanh, điều tra và xử lý các ổ bệnh, ổ dịch phù hợp với bối cảnh dịch bệnh địa phương, cùng cộng đồng thế giới hướng tới một tương lại vào năm 2030 không còn bệnh sốt rét nhằm hưởng ứng thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2021, góp phần vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
|