Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử kéo dài đến tháng 4/2022
Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất Việt Nam dự kiến kéo dài đến hết tháng 4/2022 để bao phủ 70% dân số, theo kế hoạch triển khai vừa được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phê duyệt. Theo đó, kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 diễn ra trong năm 2021-2022. Tuy nhiên, tùy theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine, kế hoạch này có thể thay đổi. Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên và phủ được 70% vào tháng 4/2022 để đạt miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng được triển khai đồng loạt trên cả nước từ tháng 7 với khoảng 19.000 điểm tiêm chủng tại các cơ sở công lập và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế. Do số lượng tiêm lớn, Việt Nam huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia, từ y tế, công an, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Trong bối cảnh hiện tại, vaccine Covid-19 được ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố: Nhóm 1, các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho người ở vùng đang có dịch. Nhóm 2, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ. Nhóm 3, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư. Nhóm 4, các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, cửa khẩu quốc tế. 16 nhóm tiêm chủng Nhóm được tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Cụ thể 16 nhóm như sau: 1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân. 2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...). 3. Lực lượng quân đội. 4. Lực lượng công an. 5. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam. 6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. 7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước. 8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc nhiều người. 9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. 10. Người sinh sống tại các vùng dịch. 11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. 12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 13. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế..., cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch. 14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo. 15. Người lao động tự do. 16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine. Bộ trưởng Long nhấn mạnh vaccine là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh, đến nay khoảng 105 triệu liều từ nhiều nguồn cung ứng được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Bộ trưởng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng. Người dân thực hiện ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại. Mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng bố trí ít nhất một đội cấp cứu lưu động. Mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh chuẩn bị tối thiểu 5 giường trống để sẵn sàng xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm. Thực hiện 5K, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử thời gian qua đã triển khai thí điểm tại TP HCM, với hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ. TP HCM đã huy động hơn 5.000 nhân viên y tế và nhiều lực lượng hỗ trợ, tổ chức hơn 1.000 điểm tiêm; hoàn thành mục tiêu tiêm hơn 800.000 liều. Vài ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên quá trình triển khai còn chậm, sau đó thành phố tăng tốc tiêm chủng tốt hơn. Bộ trưởng Long cuối tháng 6 nhận định những kinh nghiệm triển khai tiêm chủng diện rộng tại TP HCM là bài học giúp các địa phương khác áp dụng cho chiến dịch tiêm về sau.
|