|
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu kiểm tra lò đốt rác thải y tế |
Chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động; Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị 07/CT-BYT ngày 21/8/2008 về việc tăng cường công tác vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế. Trong những năm qua công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp đã được các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế coi trọng và trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm. Nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường lao động đối với người lao động đã được thực hiện, các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ đã góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe người lao động. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp đang còn một số tồn tại cần phải được khắc phục như số người bị tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng, hội đồng bảo hộ lao động tại một số cơ quan đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ, còn thụ động trong hoạt động, chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm; số người được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động còn ít, công tác khám sức khỏe tuyển dụng, công tác khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp còn thiếu thốn, chưa được trang bị đầy đủ. Nguyên nhân chính của các tồn tại trên là do thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự quan tâm đầu tư của người đứng đầu các cơ sở y tế. Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ thị cho các cơ quan y tế và các tổ chức có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung công việc sau: 1. Tăng cườnghướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ. 2. Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, biện pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng nhằm phục hồi khả năng lao động, nâng cao sức khỏe cho người lao động. 3. Nghiêm chỉnh thực hiện việc tổng hợp, thống kê, báo cáo về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế. 4. Thực hiện tốt chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ viên chức trong ngành y tế, đặc biệt là chế độ bồi dưỡng hiện vật đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Để thực hiện tốt các nội dung công việc nêu trên, Bộ Y tế đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan đơn vị trong ngành y tế như sau: Cục Y tế dự phòng & môi trường-Bộ Y tế Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; Chỉ đạo các Viện thuộc hệ y tế dự phòng trong việc xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên y tế làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp các tuyến; Xây dựng các chương trình hành động nhằm đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiẹp, chăm sóc sức khỏe và phục hồi khả năng lao động cho người lao động, đặc biệt là cán bộ, viên chức ngành y tế; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ” hàng năm; thống kê, báo cáo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp theo qui định của pháp luật; Tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc; Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn kinh phí cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm; biểu dương khen thưởng kịp thời với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Cục quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật liên quan đến việc khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp; Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giám định của các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khoa đào tạo nâng cao năng lực cho các bộ y tế các tuyến về khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ Y tế Chủ trì và phối hợp với Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Thanh tra Bộ, Công đoàn Y tế Việt Nam kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ các cơ quan, đơn vị trong các đơn vị trực thuộc Bộ; Chủ trì và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có chức năng huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp để tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện cho người sử dụng lao động đối với các đơn vị trực thuộc Bộ. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, tiêu chuẩn sức khỏe theo nghề, công việc; nghiên cứu, sửa đổi, ban hành bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp mới phù hợp với tình hình hiện nay; tài liệu đào tạo, đào tạo lại về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp Kiểm tra năng lực cán bộ và trang bị kỹ thuật của các phòng xét nghiệm phục vụ công tác vệ sinh lao động, khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong phạm vi được giao quản lý; Tổ chức các lớp cho nhân viên y tế làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp của các tuyến; Hỗ trợ kỹ thuật đo đạc, giám sát môi trường lao động tại các cơ quan đơn vị y tế và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành y tế. Giám đốc sở Y tế và Thủ trưởng y tế bộ/ngành Tổ chức triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp của các đơn vị thuộc thầm quyền quản lý bao gồm cả việc kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tổng hợp, thống kê, báo cáo về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp của các đơn vị trực thuộc theo qui định và báo cáo định kỳ về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và môi trường); Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có chức năng huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp để tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện cho người sử dụng lao động ở các cơ quan đơn vị trực thuộc; Xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng trình Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành quản lý phê duyệt; Đề xuất các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp để Bộ Y tế khen thưởng. Các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành y tế có trách nhiệm: Kiện toàn công tác tổ chức về lĩnh vực bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động: Hội đồng bảo hộ lao động, bộ phận y tế và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; Tăng cường công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp bao gồm: xây dựng kế hoạch và kinh phí bảo hộ lao động hàng năm; lập hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật người lao động, sổ theo dõi công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện cho người lao động; Bảo đảm đầy đủ phương tiện kỹ thuật, vật tư thiết bị bảo hộ lao động, các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động theo qui định hiện hành của Nhà nước; Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm; biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, đồng thỡi xử lý nghiêm minh với những cá nhân, tập thể không chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
|