Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 2 8 4 2
Số người đang truy cập
2 4 9
 Thư viện điện tử Thông tin-Tư liệu NCKH
Hội chứng thoát vị đĩa đệm với nhân viên văn phòng liệu có nguy hiểm không ?

Giới thiệu

         Đĩa đệm là một  bộ phận hoặc xem như miếng lót làm giảm sốc cho toàn bộ cột sống, vị trí nằm giữa hai thân đốt sống hay nói rõ hơn, đĩa đệm là chiếc gối đệm đàn hồi có dạng như một thấu kính nằm giữa 2 đốt sống nhằm tạo sự uyển chuyển của cột sống thực hiện các động tác cúi, ưỡn, nghiêng, xoay, ngửa... Đồng thời, đĩa đệm còn có tác dụng như một bộ phận giảm sóc giúp cho cột sống chịu trọng lực từ việc mang vác các vật nặng và chống rung giữ cho cơ thể cân bằng. Để thực hiện được các chức năng trên, đĩa đệm có một cấu tạo rất đặc biệt gồm nhân nhầy ở trong, bao quanh là các vòng sợi xơ và hệ thống các dây chằng. Theo thời gian, đĩa đệm cũng dễ thoái hóa và trở nên giòn, dễ vỡ. Ở những người trẻ thì đĩa đệm mềm dẻo hơn những người già, cũng giống như những cấu trúc khác trong cơ, chúng trở nên mất tính dẻo dai và bền chắc, theo thời gian chúng dễbị tổn thương, thậm chí ở những người trẻ ở độ tuổi 30 cũng có trường hợp bị hư hỏng đĩa đệm khoảng 30%. Khi một đĩa đệm mất tính mềm dẻo, nó có thể bị rách ra và khi đó một khối chất dịch thoát ra ngoài, hiện tượng này gọi là thoát vị đĩa đệm, chất dịch này có thể đè / ép lên rễ thần kinh hoặc tủy gây lên tình trạng đau, tức khi khối thoát vị đó đủ lớn và chèn nặng vào rễ thần kinh. Thoát vị đĩa đệm được giải thích là bình thường đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống, có lớp vỏ sợi bọc nhân nhày ở trung tâm. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương. Ở những người trên 30 tuổi, đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách. Trên cơ sở đó nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống (chấn thương, gắng sức...), nhân nhày có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài chui vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau dọc theo cột sống.
 

Thoát vị đĩa đệm cột sống luôn là một vấn đề thời sự vì đó là một nguyên nhân phổ biến gâyđau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như đau chân tay. Ở Việt Nam có tới 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng. Còn ở Mỹ, hằng năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc do đau thắt lưng, với chi phí điều trị lên tới 21 tỷ USD. Hiểu biết vấn đề này giúp chúng ta dự phòng có hiệu quả thoát vị đĩa đệm cột sống và giảm bớt chi phí điều trị bệnh. Thuật ngữ về chứng đau khi thoát vị đĩa đệm cột sống cũng khác nhau: nhiều thuật ngữ để mô tả bệnh của đĩa đệm cột sống và các chứng đau liên quan, như thoát vị đĩa đệm (herniated disc), thần kinh bị chèn ép (pinched nerve), lồi đĩa đệm (bulging disc), đau thần kinh tọa (sciatica), lồi đĩa đệm (bulging disc), rách đĩa đệm (ruptured disc), trượt đĩa đệm (slipped disc), lồi đĩa đệm (disc protrusion), thoái hóa đĩa đệm (disc degeneration), đĩa đệm đen (black disc),...hoặc một số thuật ngữ y khoa khác như ruptured spinal disk, herniated bulging disc, bulging disc therapy, bulging disc spinal cord, bulging disc spine, herniated disc surgery, herniated disc mri,... và tất cả được sử dụng chưa thống nhất theo các nhà lâm sàng và nhân viên y tế khác nhau. Thay vì tập trung  vào các thuật ngữ về giải phẫu học cột sống, sẽ ích lợi hơn khi bệnh nhân quan tâm tìm hiểu chẩn đoán y khoa nhờ đó xác định nguồn gốc cơn đau tại vị trí cột sống cổ, thắt lưng, ngực như thế nào sẽ tốt hơn. [các thuật ngữ trên sẽ được làm rõ thông qua hình ảnh bên trên]

Một số nguyên nhân có thể gây nên thoát vị đĩa đệm

­Các chấn thương cột sống (té, ngã, tai nạn lao động, tai nạn xe,...);

­Tư thế không đúng và không thích hợp trong lao động; thoát vị đĩa đệm không chỉ phổ biến ở những người lao động nặng mà còn xảy ra với cả những nhân viên văn phòng ngồi làm việc sai tư thế (theo bác sĩ Tang Kok Kee-tập đoàn y tế Parkway, Singapore);

­Tuổi tác và các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải (gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống,... cũng là các yếu tố thuận lợi gây bệnh);

­Tổn thương đĩa đệm cũng có thể do nguyên nhân di truyền. Nếu bố mẹ có đĩa đệm yếu do bất thường về cấu trúc thì con cái cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.

 
Các biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Biểu hiện lâm sàng

­Đau cột sống và đau rễ thần kinh là các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh;

­Đau thường tái phát nhiều lần, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần, sau đó lại khỏi bệnh;

­Đôi khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi người;

­Có cảm giác kiến bò, tê cóng, kim châm tương ứng với vùng đau. Dần dần, đau trở nên thường xuyên, kéo dài hàng tháng nếu không được điều trị;

­Tuỳ theo vị trí đĩa đệm bị thoát vị, có thể có các triệu chứng đặc trưng từng vùng:

+Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ gây đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau cánh tay;

+Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống lưng thì sẽ có triệu chứng đau thần kinh liên sườn. Bệnh nhân sẽ thấy đau vùng cột sống lưng, lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, dọc theo khoang liên sườn;

+Nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở vùng thắt lưng thì bệnh nhân sẽ thấy đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa, đau thần kinh đùi bì.

­Người bệnh có tư thế ngay lưng hay vẹo về một bên để chống đau, cơ cạnh cột sống co cứng. Có trường hợp đau rất dữ dội và người bệnh phải nằm bất động về bên đỡ đau;

­Khả năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút rõ rệt, bệnh nhân rất khó thực hiện các động tác cột sống như cúi ngửa, nghiêng xoay; khi rễ thần thần kinh bị tổn thương thì bệnh nhân khó vận động các chi;

­Nếu tổn thương thần kinh cánh tay thì bệnh nhân không thể nhấc tay hay khó gấp, duỗi cánh tay, khả năng lao động và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng;

­Nếu tổn thương thần kinh tọa thì bệnh nhân có thể không nhấc được gót hay mũi chân. Dần dần xuất hiện teo cơ chân bên tổn thương;

­Khi bệnh nặng người bệnh thấy chân tê bì, mất cảm giác ở chân đau hay đại, tiểu tiện không kiểm soát được.

 

 

 

Thoát vị đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng chèn ép dây thần kinh gây đau.

Đưa laser qua ống thủy tinh vào đốt đĩa đệm

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm không phải dễ dàng. Trên thực tế bệnh hay bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh khác. Đó là do các triệu chứng lâm sàng chỉ có tính chất gợi ý, để chẩn đoán xác định cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh hiện đại, tốn kém mà không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để làm. Chụp X-quang cột sống thông thường ít có giá trị, không phát hiện được thoát vị đĩa đệm vì tổn thương đĩa đệm không cản quang, do đó không thấy được trên phim, chỉ gián tiếp đánh giá tổn thương đĩa đệm khi thấy giảm chiều cao khe liên đốt sống, vẹo cột sống. Để “nhìn thấy” đĩa đệm bị tổn thương và thoát vị, phải chụp bao rễ cản quang, chụp cắt lớp vi tính CT, cộng hưởng từ hạt nhân (MRI). Khi đó đĩa đệm được cắt thành từng lát,phân tích hình ảnh rõ ràng và chi tiết. Qua đó người ta có thể đánh giá được hình thái, tính chất tổn thương đĩa đệm, vị trí thoát vị vào ống sống hay vào lỗ liên hợp, cũng như mức độ hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm gây ra. Từ đó bác sĩ lập ra kế hoạch để quyết định các biện pháp điều trị hợp lý.

Việc điều trị thoát vị đĩa đệm cũng cần cân nhắc, không phải lúc nào cũng đạt được như ý, do đó việc chẩn đoán xác định theo một trình tự sẽ giúp đề ra hướng xử tríthích hợp và tránh tối đa các biến chứng:

­Khai thác triệu chứng lâm sàng: tập trung vào việc tìm ra nguồn gốc cơn đau của bệnh nhân. Chẩn đoán y khoa đối với bệnh nhân đau thắt lưng, đau chân hay những triệu chứng khác không chỉ dựa vào hình chụp MRI  hay hình chụp CT, còn phải tìm hiểu tiền sử y khoa, tiến hành khám tổng quát và nếu có thể thì tiến hành một hay nhiều cuộc kiểm tra mới có thể đi tới kết luận về nguồn gốc cơn đau;

 
­
Tiền sử bệnh: bác sĩ sẽ xem xét tiền sử như thời gian đau từ khi nào, đau thần kinh tọa hay những triệu chứng khác có xảy ra không, đặc điểm cơn đau, những hoạt động nào hạn chế hay loại thuốc nào làm giảm đau,...;

­Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối như chức năng thần kinh, trương lực cơ bắp, ở một số nơi chân hay cánh tay, kiểm tra đau ở một số vị trí;

­Chỉ định cận lâm sàng và thăm dò chức năng: dau khi bác sĩ biết rõ hoặc nghi ngờ nguồn gốc cơn đau, sẽ được chỉ định chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ để khẳng định tổn thương. Các bước chụp và khảo sát ấy sẽ hỗ trợ làm rõ vấn đề như vị trí của đĩa đệm bị thoát vị hay rễ thần kinh vị chèn ép;

­Mặc dù việc tìm quan sát qua chẩn đoán hình rất có ý nghĩa và gần như quyết định chẩn đoán, song một số ca tự nó không đủ chẩn đoán vì một số tổn thương hiện diện trên hình ảnh nhưng không có tương xứng với triệu chứng;

­Cần thiết khảo sát tình trạng vật lý và triệu chứng đối với bệnh nhân để đối chiếu với những gì tìm thấy trên hình ảnh, sau đó mới có thể đi đến một chẩn đoán chính xác;

­Yếu tố then chốt trong chẩn đoán là xác định xem thần kinh cột sống có bị chèn ép không hay đĩa đệm tự nó gây ra đau. Hai tình trạng thông thường này tạo ra hai loại đau khác nhau:

+Thần kinh bị chèn ép: khi bệnh nhân có triệu chứng thoát vị đĩa đệm, chỗ đau không phải đĩa đệm, mà do sự thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh cột sống. Điều này tạo ra cơn đau gọi là đau rễ thần kinh (chẳng hạn đau rễ thần kinh do đĩa đệm cột sống lưng thoát vị, hay đau tay do đĩa đệm cổ thoát vị);

+Đau đĩa đệm: khi bệnh nhân có triệu chứng đĩa đệm bị thoái hóa (gây đau thắt lưng hay những triệu chứng khác), thì chỗ đĩa đệm tự nó đau và là nguồn gốc gây đau. Kiểu đau này được gọi là đau dọc trục.

­Hình ảnh chụp X-quang, CT hay MRI có thể chỉ ra đĩa đệm thoát vị, thần kinh bị chèn ép, trượt đĩa đệm, rách đĩa đệm nhưng không nói lên đầy đủ nguồn gốc cơn đau. Các bác sĩ chuyên khoa cột sống còn phải tiến hành tìm hiểu các triệu chứng đặc biệt của bệnh nhân và các khám nghiệm vật lý mới có thể kết luận nguyên do đau;

 
­
Cơn đau do thần kinh bị chèn ép và cơn đau tại chỗ đĩa đệm có cách điều trị khác nhau. Sự chẩn đoán chính xác rất quan trọng vì cách điều trị hai loại này khác nhau rất nhiều. Nếu bệnh nhân bị căng thẳng bắp thịt hay một tổn thương phần mềm khác gây đau mà lại đi điều trị thoát vị đĩa đệm thì sẽ không ích lợi gì cho bệnh nhân.

Hậu quả của thoát vị đĩađệm

Thoát vị đĩa đệm có thể gây hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh:

­Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ hoặc gây hội chứng vai cánh tay rất khó chịu;

­Bí trung, đại tiện: những triệu chứng này rất quan trọng bởi vì nó là dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa, cần phải được điều trị cấp cứu, nếu như có tình trạng bí trung đại tiện hoặc bệnh nhân có cảm giác tê bì quanh bộ phận sinh dục ngoài. Tất cả những triệu chứng trên là do kích thích của rễ thần kinh

­Teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động. Yếu cơ do dây thần kinh chi phối vận động, bị chặn dẫn truyền những xung động thần kinh từ não bộ xuống do đó gây tình trạng yếu nhược cơ.

à Tất cả các biến chứng đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chưa kể những tốn kém do chi phí điều trị.

Thái độ xử trí và điều trị thoát vị đĩa đệm

Việc điều trị thoát vị đĩa đệm tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật; Điều trị bảo tồn gồm các biện pháp: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu, tắm suối khoáng, đắp bùn, chiếu đèn, sóng ngắn, điện phân, đắp dầu ...Khi phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả thì có thể chuyển sang điều trị ngoại khoa.

 
          Vật lý trị liệu:
có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo dãn cột sống trong điều trị bệnh theo hướng dẫn của các nhân viên y tế chuyên khoa. Ở một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị đĩa đệm còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo dãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.

Biện pháp dùng thuốc: gồm các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, celebrex, mobic,...Lưu ý, các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày. Các thuốc giãn cơ như Mydocalm, Myonal, Decontractyl,... được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống. Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin. Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison. Tuy nhiên việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.

Can thiệp ngoại khoa: phương pháp phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định trong các trườnghợp sau: thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục); có liệt chi; đau quá mức, các thuốc giảm đau không hoặc rất ít hiệu quả; sau khoảng 6 tháng áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả.

­Mổ hở: một can thiệp ngoại khoa lớn với những rủi ro và biến chứng tương đối cao. Ở một số mức độ tổn thương không thể né tránh được can thiệp này;

­Phương pháp tiêu hủy nhân nhầy bằng men Chimopapain: tuy là can thiệp tối thiểu, nhưng vẫn có những biến chứng có thể gây nguy cơ tử vong do sốc phản vệ vì dị ứng với men tiêu nhân nhầy;

­Mổ nội soi đĩa đệm: cũng có thể gặp những biến chứng như mổ hở.

            Kỹ thuật giảm áp đĩa đệm bằng Laser qua da: Laser được 2 bác sĩ Mỹ là Choy và Ascher dùng để chữa bệnh này lần đầu tiên vào năm 1987. Sau khi dùng laser đốt cháy một phần đĩa đệm, áp lực trong đĩa đệm giảm xuống làm cho khối thoát vị nhỏ lại, không còn chèn ép để gây đau nữa. Phương pháp trên có tên tiếng Anh là PLDD_Percutaneous Laser Disc Decompression, hay là giảm áp lực của đĩa đệm bằng laser xuyên qua da. PLDD phát triển rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến, gần đây, do sự phát triển mạnh của nội soi, đặc biệt là phương pháp nội soi Yeung, sự ưa thích PLDD đã giảm xuống ở Mỹ và một số nước phát triển khác. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới chứng minh PLDD là phương pháp điều trị rất tốt.

 
Tuy nhiên, PLDD chỉ cóhiệu quả nếu đĩa đệm thoát vị còn chưa xé rách dây chằng dọc sau (nằm phía sau của đĩa đệm). Còn nếu dây chằng dọc sau đã bị rách thì tốt nhất tìm một cách chữa bệnh khác. Việc nhận biết khối thoát vị đã xé rách dây chằng này hay chưa không phải là dễ dàng, cần có những bác sĩ giàu kinh nghiệm trong cả khám chữa bệnh thoát vị đĩa đệm và áp dụng PLDD.

Trong kỹ thuật này, người bệnh nằm nghiêng trên bàn mổ (nếu làm PLDD ở lưng) hoặc nằm ngửa (nếu làm PLDD ở cổ). Bác sĩ sát trùng và xác định nơi chích kim trên máy chiếu X-quang. Sau khi gây tê, họ sẽ chích kim từ ngoài da vào đĩa đệm; một sợi dây bằng thủy tinh nối với máy phát laser được luồn qua kim tới đĩa đệm. Laser sẽ đốt cháy một phần đĩa đệm. Khi đốt, người bệnh sẽ có cảm giác nóng và tức nhẹ ở nơi đốt, gần cuối sẽ có cảm giác nóng chạy dọc theo tay hoặc chân (xem hình trên). Thời gian làm PLDD là khoảng 15 phút cho một đĩa đệm. Sau đó, người bệnh nằm nghỉ khoảng 1-2 giờ và về nhà trong ngày. Từ ngày thứ 3-5, một số người bị đau do quá trình viêm gây ra, sau khi dùng thuốc sẽ hết. Thường thì sau một tuần, họ có thể đi làm lại được, nhưng phải 3 tháng sau mới có thể đánh giá được kết quả PLDD.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng PLDD đơn giản, ít đau đớn, không cần gây mê; người bệnh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đặc biệt là không phải nằm viện. So với mổ hở, biến chứng của PLDD ít gặp hơn rất nhiều và thường cũng không nặng nề. Một số bệnh nhân đau tăng lên đột ngột trong lúc làm PLDD do khi đĩa đệm bị đốt cháy, khói chưa kịp thoát ra làm cho khối thoát vị to thêm, gây chèn ép nhiều hơn. Nếu chọn lựa đúng bệnh nhân để làm PLDD và kỹ thuật này được thực hiện tốt thì tỷ lệ này chỉ chiếm 1/1.000 trường hợp. Nhiều người bệnh e ngại tia Laser và tia X phát ra khi làm PLDD sẽ gây hại cho cơ thể. Thực ra, Laser nếu được sử dụng đúng cách và đôi mắt có bảo hiểm tốt thì được coi là vô hại.

PLDD cũng có một số nhược điểm nhất định. Đây là một phương pháp kén chọn bệnh nhân. Nhiều trường hợp được điều trị bằng PLDD vẫn còn có thể chữa được bằng thuốc và vật lý trị liệu. Ở những bệnh nhân này, PLDD giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng chữa hết bệnh và đặc biệt là giảm số lượng thuốc đưa vào cơ thể. Khả năng chữa hết bệnh của PLDD mặc dù cao hơn nhiều so với dùng thuốc và vật lý trị liệu nhưng lại thấp hơn so với mổ hở hoặc nội soi. Cần lưu ý đây không phải là một phẫu thuật mà chỉ là một thủ thuật. Thủ thuật được tiến hành dưới gây tê tại chỗ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Nguyên lý là năng lượng laser được đưa vào trong nhân nhầy của đĩa đệm nhờ hệ quang dẫn mềm và dưới sự quan sát thông qua một X-quang tăng sáng truyền hình ba chiều. Năng lượng laser này làm quang đông và bốc bay một phần nhân nhầy. Nhân nhầy co rút lại cùng với lỗ hổng do sự bốc bay nhân nhầy tạo ra, đã làm giảm áp suất nội đĩa đệm, dẫn tới giảm áp suất chèn ép lên rễ dây thần kinh ở vị trí thoát vị. Thủ thuật này được chỉ định cho đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm, ngoại trừ trường hợp đĩa đệm bị vỡ ra, xẹp đĩa đệm trên 50%, thoát vị đĩa đệm quá lớn, các vòng xơ của đĩa đệm bị đứt nhiều, đứt dây chằng dọc sau, trượt thân đốt sống trên độ 1, phì đại dây chằng vàng, phụ nữ đang mang thai.

 
Thủ thuật tạo hình thần kinh và chiếu tia tái tạo sự hoạt động trở lại của dây thần kinh: p
hương pháp này là kết hợp tái tạo dây thần kinh và sóng radio cho rễ thần kinh (PRFN_Pulsed radiofrequency of nerve roots). Bác sỹ sẽ dùng 1 loại kim đặc biệt có gân bong bóng, khi đưa vào bong bóng còn xẹp, khi vào tới vùng cột sống thì bong bóng sẽ nở ra, để bơm không khí qua đường dẫn truyền và đường dẫn truyền này sẽ mang theo tia. Các công đoạn và hiệu quả:

­Bước 1: là dùng kim trên đầu có gân bong bóng đưa trực tiếp vào cột sống và làm thông các phần bí tắc hoặc bị sẹo và tác động vào các phần bị tổn thương đồng thời đưa thuốc vào trực tiếp các vùng thoát vị ( sẽ làm từng khớp nơi cột sống và làm từ thấp lên cao);

­Bước 2: lại quay lại từ đầu, nhưng lần này sẽ dùng tia chiếu xạ để kích các dây thần kinh và các rễ thần kinh để chúng hoạt động trở lại;

­Bước 3: tập thể dục cho các phần thần kinh bị yếu như: chân, vai,... và sẽ bắt đầu tập sau khi làm thủ thuật khoảng 24 giờ và cần tập khoảng 2 tháng tiếp theo. Bác sỹ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân bài tập này ngay sau khi làm thủ thuật.

Về hiệu quả: đây là thủ thuật chứ khôngphải phẫu thuật, tiết kiệm thời gian, chi phí, không đau,không có các nguy cơ xảy ra như phương pháp phẫu thuật. song cẫn có khoảng 25% bệnh nhân không làm được do cản trở việc đưa kim dẫn truyền vào hết các nơi cần đưa vào, nhưng khi làm thực tế thì có thế kim bị tắc ở đâu đó không đi tiếp được, như vậy có khoảng 80% bệnh nhân thành công khi áp dụng phương pháp này, còn lại khoảng 20% bệnh nhân chỉ giải quyết được cục bộ từng phần hay không giải quyết được.

Những bệnh nhân không cần đến sự can thiệp bằng phẫu thuật, hoặc nguy cơ liệt sau phẫu thuật cao hoặc không muốn phẫu thuật thường chọn phương pháp này.

Biện pháp phòng tránh và luyện tập cho người bị thoát vị đĩa đệm

Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc, ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Điều quan trọng là biết giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng, điều đó giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống (là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm). Người trưởng thành cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi khom.

Hiện nay các nhân viên văn phòng thường ngồi làm việc liên tục hàng giờ liền bên máy vi tính. Điều đó làm cho cơ vai, cổ phải co cứng thường xuyên để giữ đầu cố định, gây chứng đau vai, gáy. Ngoài ra cột sống cổ cũng phải gánh tải trọng của đầu trong thời gian dài, làm tăng áp lực lên đĩa đệm. Kết quả là đĩa đệm cột sống cổ dễ bị thoái hóa và thoát vị. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do vậy sau khi ngồi khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi 5-10 phút, vừa bảo vệ mắt lại vừa giữ gìn đĩa đệm cột sống.

Dự phòng bệnh tái phát

­Cũng cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất. Giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.

­Thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, không quá sức để nâng cao thể lực. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cần áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai của các khối cơ lưng và cơ bụng. Có thể đi bộ trên nền phẳng (không nên mang dép có gót cao khi đã bị đau), bơi, đạp xe, thả diều hoặc lắc vòng nhẹ;

­Cần chú ý rằng đi xe máy, ô tô trên đường xóc, mấp mô cũng là một nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm cột sống. Do vậy người bị thoát vị đĩa đệm cần tránh đi xe đường xóc. Nếu cần phải đi ô tô, xe máy thì cần đeo đai lưng;

­Ngoài ra cần điều trị kịp thời các bệnh lý cột sống. Cần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế các sang chấn về tinh thần, chấn thương do lao động. Thích nghi với nghề nghiệp: tránh các nghề như lái mô tô, máy kéo...

 

Ngày 11/6/2009

Ths.Bs.Huỳnh Hồng Quang

(Tổng hợp từ BV Hoàn Mỹ, BV Chấn thươngchỉnh hình, Phân viện vật lý y sinh TP. HCM

http://orthopedics.about.com/cs/herniateddisk/a/ruptureddisk.htm

http://www.spineuniverse.com/displayarticle.php/article4100.html)

http://www.webmd.com/back-pain/tc/herniated-disc-symptoms

Ngày 11/06/2009
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích