Giới thiệu các phương pháp nghiên cứu định tính (Qualitative Research).
Nghiên cứu khoa học là việc thu thập, phân tích và lý giải số liệu để giải quyết một vấn đề hay trả lời một câu hỏi (Varkevisser, 1991). Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng đầu tiên trong các nghiên cứu nhân chủng học. Để có được những thông tin sâu, các nhà nhân chủng học đi đến sống ở các cộng đồng mà họ muốn nghiên cứu, họ thường sử dụng các kỹ thuật như phỏng vấn phi cấu trúc, thu thập lịch sử đời sống, thảo luận nhóm, nghiên cứu trường hợp để quan sát và tìm hiểu những nguyên nhân chi phối hành vi ứng xử của người dân. Ngày nay, các kỹ thuật đó được sử dụng rộng rãi không chỉ trong phạm vi của nhân chủng học mà còn ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt là lĩnh vực Y- Xã hội học. Phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu định tính là gì?
Nghiên cứu định tính (NCĐT) là một phương pháp tiếp cận nhằm tìm cách mô tả và phân tích đặc điểm văn hóa và hành vi của con người và của nhóm người từ quan điểm của nhà nghiên cứu. Nghiên cứu định tính cung cấp thông tin toàn diện về các đặc điểm của môi trường xã hội nơi nghiên cứu được tiến hành. Đời sống xã hội được nhìn nhận như một chuỗi các sự kiện liên kết chặt chẽ với nhau mà cần được mô tả một cách đầy đủ để phản ánh được cuộc sống thực tế hàng ngày. Nghiên cứu định tính dựa trên một chiến lược nghiên cứu linh hoạt và có tính biện chứng. Phương pháp này cho phép phát hiện những chủ đề quan trọng mà các nhà nghiên cứu có thể chưa bao quát được trước đó. Trong nghiên cứu định tính, một số câu hỏi nghiên cứu và phương pháp thu thập thông tin được chuẩn bị trước, nhưng chúng có thể được điều chỉnh cho phù hợp khi những thông tin mới xuất hiện trong quá trình thu thập. Đó là một trong những khác biệt cơ bản giữa phương pháp định tính và phương pháp định lượng. So sánh nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính Phương pháp nghiên cứu định lượng (NCĐL) sử dụng một bảng hỏi đã chuẩn bị trước theo một cơ cấu nhất định cho mọi đối tượng nghiên cứu. Một ví dụ điển hình của phương pháp này là điều tra KAP (Knowledge Attitude Pratice: Kiến thức – Thái độ - Thực hành). Nghiên cứu KAP cho phép suy luận thống kê từ kết quả thu được ở các mẫu tương đối nhỏ ra quần thể lớn hơn; nó cũng cho phép đo lường và đánh giá mối liên quan giữa những biến số; tiến hành điều tra khá dễ và triển khai khá nhanh chóng và kết quả thu được từ các cuộc điều tra tốt có thể sử dụng để so sánh theo thời gian hoặc giữa các vùng. Tuy nhiên KAP có một số nhược điểm và cần được sử dụng một cách thận trọng. Đáng lưu ý nhất là những sai số không do chọn mẫu, ví dụ người được hỏi trả lời không đúng các câu hỏi vì không nhớ hoặc do hiểu sai hoặc cố tình nói dối. Hai vấn đề nghiêm trọng nhất là: - Sự phiên dịch lại về mặt văn hóa: xảy ra khi đối tượng phỏng vấn không hiểu câu hỏi đặt ra như ý định của nhà nghiên cứu mà lại hiểu khác đi và trả lời theo cách hiểu của họ. - Những sai số ngữ cảnh là những yếu tố liên quan đến bản thân cuộc phỏng vấn. Phương pháp nghiên cứu định luợng giả định rằng hành vi và thái độ của con người không thay đổi theo ngữ cảnh. Tuy nhiên, câu trả lời của đối tượng có thể thay đổi phụ thuộc vào các ngữ cảnh khác nhau. - Nghiên cứu định tính cho phép các nghiên cứu viên hạn chế các sai số ngữ cảnh bằng cách sử dụng các kỹ thuật phỏng vấn và tạo ra một môi trường phỏng vấn mà trong đó đối tượng cảm thấy thoải mái nhất. Các phương pháp thu thập thông tin khác nhau đem lại thông tin khác nhau. Vì vậy trước khi quyết định sử dụng phương pháp nào cần phải xác định loại thông tin nào cần thiết nhất cho mục đích nghiên cứu. Các phương pháp NCĐT và NCĐL có thể kết hợp để bổ sung lẫn cho nhau. Ví dụ: - NCĐT có thể hỗ trợ cho NCĐL bằng cách xác định các chủ đề phù hợp với phương pháp điều tra. - NCĐL có thể hỗ trợ cho NCĐT bằng cách khái quát hóa các phát hiện ra một mẫu lớn hơn hay nhận biết các nhóm cần nghiên cứu sâu - NCĐT có thể giúp giải thích các mối quan hệ giữa các biến số được phát hiện trong các NCĐL Sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp Sử dụng NCĐT trong trường hợp | Sử dụng NCĐL trong trường hợp | Chủ đề nghiên cứu mới và chưa được xác định rõ | Chủ đề nghiên cứu đã được xác định rõ và đã quen thuộc | Nghiên cứu thăm dò, khi chưa nắm được những khái niệm và các biến số | Khi những vấn đề cần đo lường khá nhỏ hay đã từng được giải quyết | Khi cần thăm dò sâu, khi muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa những khía cạnh đặc biệt của hành vi với ngữ cảnh rộng hơn | Khi không cần thiết phải liên hệ những phát hiện với các bối cảnh xã hội hay văn hóa rộng hơn hay bối cảnh này đã được hiểu biết đầy đủ | Khi cần tìm hiểu về ý nghĩa, nguyên nhân hơn là tần số | Khi cần sự mô tả chi tiết bằng các con số cho một mẫu đại diện | Khi cần có sự linh hoạt trong hướng nghiên cứu để phát hiện những vấn đề mới và khám phá sâu một chủ đề nào đó | Khi khả năng tiến hành lại sự đo lường là quan trọng | Nghiên cứu sâu và chi tiết những vấn đề được chọn lựa kỹ càng, những trường hợp hoặc các sự kiện | Khi cần khái quát hóa và so sánh kết quả trong quần thể nghiên cứu |
Vai trò của NCĐT trong chương trình sức khỏe
Nghiên cứu định tính đặc biệt có giá trị trong các lĩnh vực sức khỏe, KHHGĐ, PCSR, sức khoẻ sinh sản và AIDS ... vì nó cho phép: - Khám phá, thăm dò những vấn đề khó và còn ít được biết đến, ví dụ như mãi dâm, ma túy, nhận thức của cộng đồng về HIV/ AIDS - Tìm hiểu nhận thức của người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa về nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống bệnh sốt rét. - Đề ra những biện pháp can thiệp phù hợp và phát hiện những quần thể cần được chú trọng trước hết - Thăm dò tính khả thi, chấp nhận và sự phù hợp của biện pháp cấp võng, bọc võng phòng chống sốt rét cho người di rừn, ngủ rẫy. - Nhận biết những tồn tại trong những can thiệp đang triển khai và đưa ra những giải pháp thích hợp đối với những tồn tại đó - Hoàn chỉnh những thông tin định lượng thu được trong các giám sát thường xuyên và các nghiên cứu đánh giá bằng cách giúp giải thích những kết quả thu được từ nghiên cứu định lượng. - Thiết kế các công cụ điều tra chính xác hơn bằng cách phát hiện các chủ đề thích hợp nhất cho nghiên cứu điều tra bằng cách xác định các câu hỏi thích hợp và cách diễn đạt chúng cho phù hợp. Ai có thể thực hiện nghiên cứu định tính - Người nắm rõ thực địa. - Người nắm rõ đối tượng nghiên cứu kể cả lịch sử, kinh tế-văn hóa-xã hội nơi đối tượng sinh sống. - Người được huấn luyện tốt (có kiến thức và kỹ năng tốt). - Người có kinh nghiệm trong tiếp xúc với những người thuộc các thành phần xã hội khác nhau . - Người kiên nhẫn và biết lắng nghe người khác. Các phương pháp, kỹ thuật thu thập số liệu chủ yếu trong nghiên cứu định tính. PHỎNG VẤN SÂU (In-depth Interview) 1. Phỏng vấn không cấu trúc (Unstructure Interview) Là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu xã hội học. Khi sử dụng phương pháp này nghiên cứu viên (NCV) phải nhớ một số chủ đề cần phỏng vấn và có thể sử dụng một danh mục chủ đề để khỏi bỏ sót trong khi phỏng vấn. Nghiên cứu viên có thể chủ động thay đổi thứ tự của các chủ đề tuỳ theo hoàn cảnh phỏng vấn và câu trả lời của người được phỏng vấn. Phỏng vấn không cấu trúc (PVKCT) giống như nói chuyện, làm cho người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái và cởi mở trả lời theo các chủ đề phỏng vấn. Điều cốt yếu quyết định sự thành bại của phỏng vấn không cấu trúc là khả năng đặt câu hỏi khơi gợi một cách có hiệu quả, tức là khả năng kích thích người trả lời cung cấp thêm thông tin. Ưu điểm của PVKCT là cho phép nghiên cứu viên linh hoạt thay đổi cấu trúc phỏng vấn tùy theo ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng. PVKCT đặc biệt có ích trong những trường hợp khi mà NCV cần phỏng vấn những người cung cấp thông tin nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Phỏng vấn không cấu trúc cũng hữu ích trong những trường hợp không thể sử dụng được phỏng vấn chính thức (ví dụ khi nghiên cứu về gái mãi dâm đứng đường hoặc trẻ em lang thang ...). PVKCT đặc biệt hữu ích trong nghiên cứu các chủ đề nhạy cảm như tình dục, mãi dâm, ma túy hoặc HIV/AIDS ... Nhược điểm: Không có mẫu chuẩn bị sẵn nên mỗi cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện không lặp lại vì vậy rất khó hệ thống hoá các thông tin và phân tích số liệu. 2. Phỏng vấn bán cấu trúc (Semi-Structure Interview) Phỏng vấn bán cấu trúc là phỏng vấn dựa theo danh mục các câu hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến. Tuy nhiên thứ tự và cách đặt câu hỏi có thể tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn. Các loại phỏng vấn bán cấu trúc gồm: Phỏng vấn sâu (In-depth Interview) Được sử dụng để tìm hiểu thật sâu một chủ đề cụ thể, nhằm thu thập đến mức tối đa thông tin về chủ đề đang nghiên cứu. Phỏng vấn sâu sử dụng bản hướng dẫn bán cấu trúc trên cơ sở những phỏng vấn thăm dò trước đó về chủ đề nghiên cứu để có thể biết được câu hỏi nào là phù hợp. Nghiên cứu trường hợp (Case study) Nhằm thu thập thông tin toàn diện, có hệ thống và sâu về các trường hợp đang quan tâm. “Một trường hợp” ở đây có thể là một cá nhân, một sự kiện, một giai đoạn bệnh, một chương trình hay một cộng đồng. Nghiên cứu trường hợp đặc biệt cần thiết khi nghiên cứu viên cần có hiểu biết sâu về một số người, vấn đề và tình huống cụ thể, cũng như khi các trường hợp có nhiều thông tin hay mà có thể đem lại một cách nhìn sâu sắc về hiẹn tượng đang quan tâm. Lịch sử đời sống(Life – History) . Thông tin về lịch sử đời sống của cá nhân thường được thu thập qua rất nhiều cuộc phỏng vấn kéo dài (thường là phỏng vấn bán cấu trúc và không cấu trúc) Ưu điểm của PV bán cấu trúc - Sử dụng bản hướng dẫn phỏng vấn sẽ tiết kiệm thời gian phỏng vấn - Danh mục các câu hỏi giúp xác định rõ những vấn đề cần thu thập thông tin nhưng vẫn cho phép độ linh hoạt cần thiết để thảo luận các vấn đề mới nảy sinh. - Dễ dàng hệ thống hoá và phân tích các thông tin thu được Nhược điểm: Cần phải có thời gian để thăm dò trước chủ đề quan tâm để xác định chủ đề nghiên cứu và thiết kế câu hỏi phù hợp 3. Phỏng vấn có cấu trúc hoặc hệ thống (Structure/System Interview) Là phương pháp phỏng vấn tất cả các đối tượng những câu hỏi như nhau. Thông tin thu được bằng phương pháp này có thể bao gồm cả các con số và các dữ liệu có thể đo đếm được. Các phương pháp này được coi là một bộ phận trong nghiên cứu định tính vì chúng giúp cho việc mô tả và phân tích các đặc điểm văn hóa và hành vi của đối tượng nghiên cứu. Các phương pháp này nhằm phát hiện và xác định rõ các phạm trù văn hóa thông qua sự tìm hiểu “những quy luật văn hóa” trong suy nghĩ của cá nhân, tìm hiểu xem họ nghĩ và biết gì về thế giới xung quan họ và cách họ tổ chức các thông tin này như thế nào. Liệt kê tự do (Free listing) Tách biệt và xác định các phạm trù cụ thể. NCV yêu cầu đối tượng liệt kê mọi thông tin mà họ có thể nghĩ tới trong một phạm trù cụ thể. Ví dụ, khi tìm hiểu kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục ta có thể yêu cầu đối tượng liệt kê tên của các bệnh đó hoặc liệt kê các con đường lây nhiễm HIV ... Phân loại nhóm (Group category) Phương pháp này tìm hiểu kiến thức của đối tượng về các phạm trù khác nhau và mối liên hệ giữa chúng. Ví dụ, NCV có thể yêu cầu đối tượng phân loại các bệnh của đường sinh dục và các bệnh lây qua đường tình dục hoặc phân loại những tiếp xúc không gây lây nhiễm HIV và những tiếp xúc có thể làm lây nhiễm. Phân hạng sử dụng thang điểm (Scale category) Là phương pháp rất phổ biến trong khoa học xã hội. Các thang điểm thường được sử dụng để phân hạng các khoản mục trong một phạm trù nào đó. Thang điểm có thể là một dẫy số có thể là đồ thị. Ví dụ: Khi tìm hiểu kiến thức của cá nhân về các biểu hiện của bệnh AIDS, sau khi đưa ra danh sách của một số triệu chứng NCV có thể sử dụng thang điểm để xác định hiểu biết của đối tượng và yêu cầu đối tượng khoanh vào số mà theo bạn biểu thị mức độ trầm trọng của bệnh AIDS: 0 1 2 3 4 5 6 7 (từ nhẹ cho đên mức độ nặng nhất) Hoặc đánh dấu trên đường thẳng *________________________* Nhẹ ------------------- Nặng THẢO LUẬN NHÓM (Group Discussion)
Một điều cần lưu ý là đơn vị nghiên cứu và phân tích trong thảo luận nhóm sẽ là nhóm chứ không phải là cá nhân. 1. Thảo luận nhóm tập trung (FGD: Focus Group Discussion) Một nhóm tập trung thường bao gồm từ 6 đến 8 người có chung một số đặc điểm nhất định phù hợp với chủ đề cuộc thảo luận, ví dụ cùng một trình độ học vấn, cùng một độ tuổi, cùng một giới tính ... Thảo luận nhóm tập trung thường được sử dụng để đánh giá các nhu cầu, các biện pháp can thiệp, thử nghiệm các ý tưởng hoặc chương trình mới, cải thiện chương trình hiện tại và thu thập các thông tin về một chủ đề nào đó phục vụ cho việc xây dựng bộ câu hỏi có cấu trúc ... Ưu điểm của phương pháp - Cung cấp một khối lượng thông tin đáng kể một cách nhanh chóng và rẻ hơn so với phỏng vấn cá nhân. - Rất có giá trị trong việc tìm hiểu quan niệm, thái độ và hành vi của cộng đồng - Hỗ trợ việc xác định những câu hỏi phù hợp cho phỏng vấn cá nhân Nhược điểm - Nghiên cứu viên khó kiểm soát động thái của quá trình thảo luận so với phỏng vấn cá nhân. - Thảo luận nhóm tập trung không thể đưa ra tần suất phân bố của các quan niệm và hành vi trong cộng đồng. - Kết quả TLNTT thường khó phân tích hơn so với phỏng vấn cá nhân. - Số lượng vấn đề đặt ra trong TLNTT có thể ít hơn so với PV cá nhân - Việc chi chép lại thông tin và chi tiết của cuộc thảo luận nhóm tập trung rất khó, nhất là việc gỡ băng ghi âm. 2. Thảo luận nhóm không chính thức (Informal Group Discussion) Ví dụ Thảo luận với các nhóm tự nhiên như nhóm thành viên gia đình, nhóm đàn ông uống trà trong quán, nhóm phụ nữ đi khám bệnh ... Phương pháp này dùng kỹ thuật phỏng vấn bán cấu trúc hoặc phỏng vấn tự do. Phương pháp này dễ dàng thực hiện nhưng ít có tính hệ thống do đó khó sử dụng để so sánh giữa các nhóm. Phương pháp này có giá trị đối với các can thiệp đã được lập kế hoạch từ trước. PHƯƠNG PHÁP QUAN SÁT (Observation) Phương pháp phỏng vấn cung cấp các thông tin về quan niệm, thái độ, giá trị và hành vi tự thuật của đối tượng. Các phương pháp quan sát cung cấp thông tin về hành vi thực cho phép hiểu rõ hơn hành vi được nghiên cứu. Người ta có thể quan sát trực tiếp các hành vi thực tế hoặc có thể quan sát các dấu hiệu của hành vi. Đôi khi chỉ có thể quan sát gián tiếp dấu hiệ phản ảnh hành vi. Ví dụ muốn nghiên cứu hành vi sử dụng bao cao su trong số gái mãi dâm, NCV không thể trực tiếp quan sát hành vi thực tế sử dụng bao cao su như thế nào. Cũng không thể chỉ dựa vào câu trả lời của các cô gái mãi dâm về số bao cao su mà họ đã sử dụng. Do đó NCV có thể đếm số bao cao su được vứt trong các thùng rác sau mỗi buổi sáng hay sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. Các hình thức quan sát Quan sát tham gia/ hoặc không tham gia. Quan sát công khai/ hay bí mật. Giải thích rõ mục tiêu của quan sát/ hoặc không nói rõ về mục đích thực của quan sát cho đối tượng bị quan sát biết. Quan sát một lần/Quan sát lặp lại . Quan sát một hành vi/Quan sát tổng thể . Quan sát thu thập số liệu định tính, mở và mô tả/Quan sát thu thập số liệu định lượng dựa trên danh mục các điểm cần quan sát. PHƯƠNG PHÁP ĐI DẠO (Transect Walk) Là công cụ mô tả và chỉ ra vị trí và phân bố của các nguồn tài nguyên như đất, ruộng đồng, đồi núi, hồ, thảm thật vật, sông suối, nông trường, chuồng trại gia súc và các hình thái kinh tế-xã hội, văn hóa, tập quán cũng như các hoạt động thường nhật khác của cộng đồng… để xác định, giải thích có hay không sự ảnh hưởng, mối liên quan giữa các yếu tố trên với vấn đề sức khỏe hay những vấn đề khác mà cộng đồng đang đối mặt. Trong phương pháp này, người nghiên cứu cùng với một vài thành viên của cộng đồng (thường là người am hiểu, sống lâu năm tại cộng đồng này) cùng đi bộ dạo quanh khu vực nghiên cứu để ghi chép, thảo luận, mô tả về sự phân bố các yếu tố địa lí, sinh cảnh, hiện tượng tự nhiên, xã hội….Những dữ liệu này rất quan trọng cùng với nguồn số liệu khác góp phần trả lời cho câu hỏi nghiên cứu. Thay cho lời kết. Nghiên cứu định tính là những nghiên cứu thu được các kết quả không sử dụng những công cụ đo lường, tính toán. Nói một cách cụ thể hơn NCĐT là những nghiên cứu tìm biết những đặc điểm, tính chất của đối tượng nghiên cứu cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của đối tượng nghiên cứu trong những hoàn cảnh cụ thể. Trong khi nghiên cứu định lượng đi tìm trả lời cho câu hỏi bao nhiêu, mức nào, độ lớn của vấn đề (how many, how much) thì NCĐT đi tìm trả lời cho câu hỏi nguyên nhân tại sao (Why), ai (Who), cái gì (What), như thế nào (How), ở đâu (Where)…giúp ta đi sâu tìm hiểu một thực trạng hay một vấn đề sức khỏe nào đó. Danh mục sách tham khảo về nghiên cứu định tính 1. Strauss A & Corbin J (1998/2007), Basics of Qualitative Research – Techniques and Procedures for Developing Grounded Theory, 2nd ed, Thousand Oaks CA: Sage http://books.google.co.uk/books?id=w...unipPg#PPP1,M1 2. Denzin NK & Lincoln YS, ed (2005), The Sage Handbook of Qualitative Research, 3rd ed, Thousand Oaks CA: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=X...5GXH2A#PPT1,M1 3. May T, ed (2002), Qualitative Research in Action, London: Sage http://books.google.co.uk/books?id=e...rRB--A#PPP1,M1 4. Marshall CM & Rossman GB (1999), Designing Qualitative Research, 3rded, Thousand Oaks CA: Sage.http://books.google.co.uk/books?id=W...It2Io#PPR10,M1 5. Czarniawska B (2004), Narratives in Social Science Research, London: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=N...Scfx3xrjuDxcac 6. De Laine M (2000), Fieldwork, Participation and Practice – Ethics and Dilemmas in Qualitative Research, London: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=2...AY7TkU#PPA5,M1 7. Dey I (1993), Qualitative Data Analysis – A user-friendly guide for social scientists, London: Routlege. http://books.google.co.uk/books?id=9...QKBFXU#PPR6,M1 8.Heaton J (2004), Reworking Qualitative Data, London: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=0...-OPgA4MMSH3fpQ 9. Woods P (1999), Successful Writing for Qualitative Researchers, London: Routledge. http://books.google.co.uk/books?id=A...e25Vhb6mtBbWEc 10. Silverman D (2006), Interpreting Qualitative Data: Methods for Analyzing Talk, Text and Interaction, 3rd ed, Newbury Park CA: Sage http://books.google.co.uk/books?id=2...d72-nU8NZ-y44c 11. Glaser B & Strauss A (1967), The Discovery of Grounded Theory: Strategies for Qualitative Research, Chicago: Aldine. http://books.google.co.uk/books?id=t...Q_6mqY#PPA2,M1 12. Yin RK (1994), Case Study Research – Design and Methods, Thousand Oaks CA: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=B...JMkGuo#PPP7,M1 13. Shekedi A (2005), Multiple Case Narrative – A Qualitative Approach to Studying Multiple Populations, Amsterdam: John Benjamins. http://books.google.co.uk/books?id=N...Erxv3n2p-4wcno 14. Ragin CC & Becker HS, ed (1992), What Is a Case? Exploring the foundations of social inquiry, New York: Cambridge Uni Press. http://books.google.co.uk/books?id=v...1Moqjs#PPR7,M1 15. Stewart DW & Shamdasani PN (1990), Focus Groups – Theory and Practice, Newbury Park CA: Sage http://books.google.co.uk/books?id=R...fQT9VJBm0XpdCQ 16. Morgan DL (1998), The Focus Group Guidebook – FG Kit 1, Thousand Oaks CA: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=5...isuhSI#PPR1,M1 17. Ramaxanoglu C & Holland J (2002), Feminist Methodology – Challenges and Choices, London: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=P...kcezV8bMqekUHI 18. Davies CA (1999), Reflexive Ethnography – A guide to researching selves and others, London: Routlege. http://books.google.co.uk/books?id=c...dIbuISxvyM8XkE 19. Agar MH (1986), Speaking Ethnography, Newbury Park CA: Sage http://books.google.co.uk/books?id=s...W7GFo84wWP5usA 20. LeBihan J & Green K (1996), Critical Theory and Practice: A coursebook, London: Routlege. http://books.google.co.uk/books?id=1...yVBHrq7rzZK8Sk 21. Shaw I & Gould N (2001), Qualitative Research in Social Work, London: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=v...A5gNWMN8gw_C7E 22. Daymon C & Holloway I (2002), Qualitative Research Methods in Public Relations and Marketing Communications, London: Routledge. http://books.google.co.uk/books?id=B...zwMKkg9cCwdZP4 23. McNiff J (2000), Action Research in Organisations, London: Routlege. http://books.google.co.uk/books?id=B...SoEbnvSZE7o88U 24. Lee TW (1999), Using Qualitative Methods in Organizational Research, Thousand Oaks CA: Sage. http://books.google.co.uk/books?id=i...Av-XP0DHh5Pvj4
(Hình ảnh trong bài là: Thảo luận nhóm tập trung và Phỏng vấn sâu với người dân tộc Mon tại biên giới Thái Lan-Myanmar, tỉnh Kanchanaburi -Thái Lan.)
|