Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
Một trong những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự vùng dậy của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đó là kết quả của phong trào cách mạng liên tục diễn ra suốt 15 năm kể từ ngày thành lập Đảng, với cao trào những năm 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Viết về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ : Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. "Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta". Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Đặc trưng nổi bật của Nhà nước cách mạng kiểu mới đó là Nhà nước dân chủ, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Ngay sau một tháng kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ : "Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh". Về chính quyền nhân dân ở các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu: "Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó". Người nhấn mạnh: "Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống", "Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người "trong nhà trong họ" vào làm việc với mình" (...) "Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó". Một điều dễ nhận thấy là vai trò quan trọng của chính quyền ở địa phương và cơ sở trong việc thực thi dân chủ trực tiếp với nhân dân. Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian viết nhiều bài về xây dựng các Ủy ban nhân dân. Ngày 11-9-1945, Người viết bài “Cách thức tổ chức các Ủy ban nhân dân”. Ngày 4-10-1945 Người viết bài: “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn của các Ủy ban nhân dân”. Và ngày 12-10-1945, Người lại viết bài “Sao cho được lòng dân?”. | Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết" | Người nhấn mạnh : "Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý", "muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".
Đặc biệt, trên báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17-10-1945 đã đăng “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lần nữa Người nêu rõ bản chất cách mạng và dân chủ của chính quyền nhân dân, nguồn gốc sức mạnh của chính quyền là ở sự gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân. "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Hồ Chí Minh coi trọng phát huy dân chủ để người dân tự lựa chọn bầu ra người đại biểu vào cơ quan chính quyền nhà nước. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống ... Viết về ý nghĩa của Tổng tuyển cử Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết". "Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân". Nhấn mạnh dân chủ, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quản lý đất nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, quan tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ngay từ khi còn đi tìm đường cứu nước, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người yêu nước Việt Nam trong yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Véc-xây đã yêu cầu cải cách pháp luật ở Đông Dương để người bản xứ được bảo đảm về luật pháp như người châu Âu. Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, Người nhấn mạnh "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ". Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy trí tuệ của Đảng, toàn dân cùng với Quốc hội được bầu ra ngày 6-1-1946 soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ, đó là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng mới được xây dựng qua 14 tháng, đã có được bản Hiến pháp do Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9-11-1946. Đó là hiện tượng đặc biệt của lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới. Và trong hoàn cảnh cách mạng nước ta "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc" phải vượt qua bao khó khăn, thách thức, việc thông qua Hiến pháp càng có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn và pháp lý. Đó còn là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Lời nói đầu của Hiến pháp đầu tiên (1946) đã nêu rõ: Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Hiến pháp là thành quả vẻ vang của cách mạng và được xây dựng trên các nguyên tắc : - Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo. - Bảo đảm các quyền tự do dân chủ. - Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Bản chất cách mạng và nhân dân, tính chất dân chủ và pháp quyền hòa quyện và thống nhất với nhau khi Hiến pháp khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Điều khẳng định đó khiến ta nhớ lại tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cuốn Đường cách mệnh (1927) khi Người cho rằng: Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc. Từ một ý tưởng, một tư tưởng lớn đến điều được ghi trong Hiến pháp là kết quả của cả một chặng đường đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự hiện thực hóa, pháp chế hóa mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tính chất dân chủ, bản chất nhân dân của Hiến pháp năm 1946 thật sâu sắc và đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Sự xác định rõ nghĩa vụ và quyền lợi công dân đã thể hiện điều đó. Mỗi công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật. Có tới 11 điều của Hiến pháp quy định về quyền lợi của công dân (từ điều thứ 6 đến điều thứ 16). Hiến pháp xác định tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa. Công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Đàn bà được ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm. Quyền lợi của những người trí thức và lao động chân tay được bảo đảm. Người tàn tật, già cả được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng. Thực hiện chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc... Đó là những nội dung dân chủ mang tính cách mạng sâu sắc. Từ đó đến nay những nội dung nền tảng đó tiếp tục được phát triển, bổ sung trong các bản Hiến pháp tiếp theo, đã và đang được thực hiện một cách sinh động trên đất nước ta. Những quy định của Hiến pháp 1946 về tổ chức bộ máy nhà nước từ Nghị viện nhân dân, Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, về cơ quan tư pháp đều chứa đựng sâu sắc bản chất của một nhà nước cách mạng - Nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân và vì dân. Nhà nước của dân và do dân nghĩa là nhân dân xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền nhà nước, coi chính quyền là ruột thịt của mình. Nhà nước vì dân nghĩa là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân. Vì dân không chỉ là mục tiêu hoạt động và tồn tại của chính quyền mà còn là phương thức, phong cách và phương pháp hành động của chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật". Người nhấn mạnh: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ chính quyền. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp Người đã chỉ rõ: "Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi nặng nề". Người đã thẳng thắn chỉ ra những lầm lỗi chính như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Người đã chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của từng lỗi lầm đó. Trong những lỗi lầm đó nổi bật lên là bệnh tham ô, xa hoa, lãng phí, quan liêu và hách dịch với dân. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện như: "ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân". Trong khi đời sống của dân còn đói khổ mà cán bộ "Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra ? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức". Những biểu hiện kéo bè, kéo cánh, cá nhân, cục bộ, không vì việc chung...cũng rất nặng nề. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán gay gắt thái độ, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công, dinh tư (lấy của chung làm của riêng), thậm chí dùng pháp công để báo thù tư (dùng pháp luật nhà nước để trả thù riêng). Thái độ đó làm mất lòng tin cậy của dân và uy tín của Chính phủ. Phê phán những khuyết điểm của cán bộ chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mọi người sửa chữa để chính quyền ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn. Người nêu rõ: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung". | Người nhấn mạnh: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". | Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu mọi cán bộ phải thường xuyên tự phê bình, tự giáo dục, tự chỉ trích để khắc phục khuyết điểm và cái hư hỏng trong mỗi người và trong bộ máy. Người đòi hỏi cán bộ phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực vạch ra những khuyết điểm sai lầm mà sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ thái độ "xong việc thì thôi". "Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng những khuyết điểm nhỏ của cán bộ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân. Vì vậy, chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay. Chúng ta không sợ có khuyết điểm mà chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mong muốn và đã làm hết sức mình để xây dựng, củng cố vững chắc Nhà nước kiểu mới - Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp thật sự là công bộc của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng vì nhân dân. Chăm lo xây dựng Hiến pháp và hệ thống luật pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của nhân dân, quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân. Hoạt động thực tiễn của chính quyền nhà nước và nội dung Hiến pháp, pháp luật cũng thể hiện đường lối, mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản. Do hoàn cảnh lịch sử lúc đó mà Đảng phải rút vào bí mật (11-11-1945). Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dù là bí mật, Đảng vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân. Chính nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà bản chất cách mạng, bản chất nhân dân, tính chất dân chủ triệt để được giữ vững và tăng cường. Cũng nhờ sự lãnh đạo đó mà sức mạnh và thực lực của chính quyền nhân dân không ngừng được củng cố, bảo đảm cho Nhà nước non trẻ vượt qua được những khó khăn, thách thức, hiểm nghèo giữ vững và phát triển thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về phương diện xây dựng Nhà nước kiểu mới mãi mãi là bài học lớn, là định hướng sáng rõ cho đến ngày nay và nhiệm vụ sắp tới trong việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là sự tiếp tục phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong thời kỳ mới.
|