Kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét-“yếu tố bền vững” ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên
Trong nhiều năm qua được sự đầu tư của Nhà nước và một số tổ chức quốc tế, công tác phòng chống sốt rét (PCSR) ở nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tỷ lệ mắc sốt rét và tỷ lệ chết sốt rét giảm rõ rệt, nhiều năm liền không có dịch sốt rét xảy ra. Tuy nhiên, khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn là trọng điểm sốt rét với gần 50% số mắc sốt rét và trên 80% số chết sốt rét so với cả nước, nguy cơ sốt rét quay trở lại còn cao, dịch sốt rét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc thù sốt rét ở khu vực này là điều kiện địa hình tự nhiên phức tạp (75% diện tích thuộc vùng rừng núi), trong đó có 8/15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên có đường biên giới chung với Lào và Cambodia (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông) nên việc kiểm soát sốt rét khó khăn, nhất là với các nhóm dân di biến động khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới). Bên cạnh đó có sự biến đổi lớn về môi trường, sinh thái, khí hậu nóng ẩm quanh năm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét có điều kiện sinh sản và phát triển, ký sinh trùng sốt rét kháng với nhiều loại thuốc chống sốt rét hiện dùng. Đây cũng là địa bàn chiển lược về kinh tế-quốc phòng đều nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng nên có thể nói phòng chống sốt rét có hiệu quả ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì có thể giải quyết được cơ bản tình hình sốt rét của cả nước. Đóng quân trên hầu khắp địa bàn của cả nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xôi hẻo lánh nên từ lâu kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét đã trở thành “Thế trận lòng dân” ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Để tăng cường hiệu quả công tác này, liên Bộ Y tế-Bộ Quốc phòng đã có Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT-BYT-BQP ngày 29/4/2003 hướng dẫn công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét (PCSR); Bộ Y tế đã có quyết định số 246/QĐ-BYT ngày 2/2/2004 về việc thành lập Tiểu ban Quân dân y kết hợp trong PCSR. Từ đó đến nay công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét không chỉ giảm thiểu được gánh nặng bệnh sốt rét mà còn góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực sự cho đến nay hầu như không có khoảng cách về vai trò về quân y hay dân y, vì cụm từ “Quân dân y kết hợp” đã trở nên gần gũi và song hành, sẵn sàng có mặt trên mọi mặt trận, kể cả mặt trận chống lại các dịch bệnh đang diễn ra trên mọi miền đất nước; trong đó Chương trình Quốc gia PCSR Việt Nam có được các thành quả giảm mắc, giảm chết và không để dịch sốt rét xảy ra như ngày hôm nay luôn có sự hỗ trợ rất lớn và quan trọng của các đơn vị quân y đóng trên địa bàn. Những vùng sốt rét lưu hành nặng ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên dân trí của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo cao cùng với những khó khăn về màng lưới y tế cơ sở cũng như nhiều tỉnh đã có sự hỗ trợ từ phía quân y hoặc mô hình trạm xá hoặc phòng khám đa khoa khu vực với “Quân dân y kết hợp” cùng với các đơn vị quân y trung đoàn, đồn biên phòng (tại Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, tại Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai…), có nhiều trạm y tế xã còn được sự hỗ trợ nhiều mặt như nhân lực (khám chữa bệnh cho cộng đồng) và vật lực (cung cấp máy móc và trang thiết bị cấp cứu và kính hiển vi phục vụ công tác xét nghiệm). Các đơn vị quân đội cũng đã tham gia tích cực cùng với các đơn vị và đoàn y tế địa phương và Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn với tiêu chí “cùng ăn, cùng ở và cùng làm” giúp dân trong nhiều xã, thôn, bản giảm đi tính hình dịch bệnh, không những sốt rét mà còn các bệnh lây nhiễm khác. Hiện nay tình trạng biến động dân cư khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới…) cùng nhiều ngành kinh tế (trồng cao su, trồng điều, mì, cà phê, mía đường, khai thác gỗ quý, lấy gỗ, xây dựng thủy điện, khai thác sa khoáng và du lịch sinh thái) phát triển nhanh và thu hút nhiều lao động từ cả nước về các vùng rừng núi, tạo điều kiện thuận phơi nhiễm sốt rét à đòi hỏi phải có biện pháp PCSR hiệu quả, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đồng thời cũng là nơi có sốt rét lưu hành nặng. Trong khi màng lưới y tế cơ sở tại các vùng này còn thiếu và yếu, việc kết hợp quân dân y sẽ tạo thành lực lượng y tế đủ mạnh trong kiểm soát dịch bệnh cũng như chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước về quốc phòng-an ninh tại các địa bàn chiến lược. Trong hàng chục năm qua, nhiều mô hình quân dân y kết hơp PCSR rất có hiệu quả tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Nông, Kon Tum,… - Tại Quảng Trị: bộ đội quân y, biên phòng đóng quân dọc biên giới Việt-Lào đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng màng lưới y tế cơ sở, phối hợp với y tế địa phương phát hiện nhiều bệnh nhân sốt rét do giao lưu biên giới Việt Lào (kể cả người Việt Nam và người Lào qua Việt Nam). - Tại Thừa Thiên-Huế: Ban chỉ huy quân sự tỉnh và các đồn biên phòngthuộc xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) có nhiều bài học kinh nghiệm về mô hình quân dân y kết hợp (tham khảo chuyên mục Quân dân y kết hợp trên Website (impe-qn.org.vn). - Tại Đắc Nông: Đoàn 720 đã có nhiều thành quả phòng chống sốt rét cho dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên tại những khu tập trung, vừa tạo điều kiện làm ăn và cuộc sống ổn định, vừa giúp họ phòng chống bệnh sốt rét có hiệu quả. - Tại Kon Tum: Đồn biên phòng 667 thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (ngã ba Đông Dương) từ năm 1999 đến nay đã thành lập Trạm Y tế kết hợp quân dân y, mỗi tuần 3 lần bộ đội quân y phối hợp với Trạm y tế xã khám bệnh và cấp thuốc hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc tại đây được người dân tin yêu và đã trở thành một hoạt động truyền thống. - Trung tâm PCSR/Trung tâm YTDP các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên hỗ trợ các đơn vị quân y đóng trên địa bàn hóa chất diệt muỗi, thuốc sốt rét để khám chữa bệnh cho bộ đội và đồng bào. - Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn hỗ trợ thuốc sốt rét, hóa chất diệt côn trùng, kính hiển vi và dụng cụ xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là gửi tặng các bình bơm chuyên dụng phòng chống muỗi đốt cho bộ đội Trường Sa. Hợp tác với Cục Quân Y-Bộ Quốc phòng tập huấn chuyên khoa cho các đơn vị quân y đóng trên địa bàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Quân y khu V, Quân đoàn 3, Binh Đoàn 15 và quân y các đồn biên phòng). Hợp tác nhiều năm với Viện Sốt rét Quân đội Astralia (AAMI), Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội (MIHE) trong nghiên cứu kháng thuốc sốt rét, nghiên cứu về côn trùng truyền bệnh sốt rét đều mang lại những hiệu quả thiết thực không chỉ về mặt hợp tác khoa học mà còn hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo nhân lực về chuyên môn kỹ thuật, về chẩn đoán điều trị sốt rét (nuôi cấy KSTSR, in vitro, in vivo, sinh học phân tử, hướng dẫn sử dụng các phác đồ điều trị sốt rét mới,…). - Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần hội nghị giao ban, hội nghi sơ kết hay hội nghị tổng kết về công tác phòng chống sốt rét khu vực miền Trung-Tây Nguyên hay toàn quốc đều có sự tham dự và đóng góp ý kiến quý báu của y tế quân y. Đặc biệt là Cục Quân y và các đơn vị quân y đóng trên địa bàn khu vực là thành phần không thể thiếu trong các buổi lễ phát động nhân Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25-4 hàng năm tại Thừa Thiên-Huế (2008, 2010), Đắc Lắc (2009), Gia Lai (2011) và Quảng Nam (2012). Ngoài ra, trong quá trình tiến đến thay đổi chính sách thuốc sốt rét quốc gia, hoặc xây dựng cẩm nang Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cũng luôn có sự đóng góp ý kiến của ngành phòng dịch của quân y, đặc biệt là Cục Quân Y và Viện Vệ sinh Phòng dịch quân đội. Trong các hội thảo khoa học chuyên ngành truyền nhiễm nói chung và sốt rét nói riêng của quân đội cũng không ít lần có sự tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện sốt rét KST-CT Quy Nhơn (tại Bệnh viện quân đội 108, tại Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, tại Học viện Quân y, …). | Đại tá TS. Ngọc Anh - Đại diện Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) phát biểu về vai trò kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét Tại Lễ phát động Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2012 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Trong quá trình KHQDY chưa thấy một khó khăn hay vướng mắc nào mà ngược lại, còn có sự phối - kết hợp quá chặt chẽ giữa tình quân dân trong sinh hoạt cũng như trong công tác CSSKBĐ diễn ra hàng ngày trên các tuyến y tế chăm sóc toàn diện cho nhân dân, đặc biệt dân đang sống vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo. Mô hình quân dân y kết hợp phát huy hiệu quả đặc biệt tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo. Đối với bà con các dân tộc ở các huyện miền núi, sự phối hợp quân dân y đến tận thôn bản khám chữa bệnh đã không còn xa lạ. Sự phối hợp giữa cán bộ quân y của Ban Chỉ huy quân sự huyện với cán bộ của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như chăm sóc sức khỏe cho bà con ở vùng khó khăn. Một số lần đi công tác sâu vào tận thôn, buôn nhiều ngày có khí lên đến nhiều tháng ăn ở cùng dân làng, đã xóa đi hình ảnh của các hủ tục lạc hậu, cúng bái ma chay thần linh, bùa phép trong chữa bệnh từ bao đời nay để lại, đã từng làm thêm gánh nặng và tăng thêm tử vong cho bà con người đồng bào, giúp từng bước nhận thức thông qua truyền thông GDSK cộng đồng và đẩy lùi căn bệnh sốt rét đáng kể. Nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của lực lượng quân dân y tốt nên kết quả thường cao, nhưng cũng không tránh khỏi các các khó khăn và thách thức bởi lẽ cơ sở y tế vừa yếu lại vừa thiếu nên phục vụ công tác khám chữa bệnh không phải lúc nào cũng hoàn chỉnh. Chúng ta cũng chưa kể đến địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, nhiều khi ốm đau và bệnh tật sốt rét, để tiếp cận được cơ sở y tế bệnh nhân và thân nhân phải đi mất cả ngày đường (như huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đặc biệt là thời kỳ dịch sốt rét năm 1991-1992 với hàng chục ngàn người chết và hàng ngàn người chết trong phạm vi cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sức sản xuất và tính mạng của nhân dân; các đơn vị quân y đóng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Quân đoàn 3, Binh Đoàn 15, Quân y khu V), đã huy động lực lượng phối hợp với ngành y tế địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm sức mạnh trong công tác phòng chống dịch bệnh và đẩy lùi được bệnh sốt rét. Nhiều lần nhóm cộng tác quân dân y đã đi đến các vùng dân tộc thiểu số đang sinh sống và thiếu sự tiếp cận của y tế để khám và phát thuốc miễn phí, cùng nhau thực hiện phương châm “Ba bám, bốn cùng, năm có”, các chiến sĩ quân y kết hợp khám, chữa bệnh và khéo léo tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, các đội xây dựng cơ sở cũng như y tế của cơ quan quân sự các trung đoàn và đồn biên phòng phối hợp với trung tâm y tế huyện xuống các địa bàn trọng điểm khám chữa bệnh cho đồng bào. Qua những việc làm đó, nhân dân ngày càng tin tưởng và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn (Tây Nguyên), tình quân dân ngày càng gắn bó mật thiết, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc ngày một nâng lên. Điều đó, một lần nữa cho thấy sự nỗ lực chuyên tâm và trách nhiễm của những người vốn dĩ mang trong mình một cái nghề cao quý - nghề thầy thuốc với chiếc áo blouse trắng trên người cùng với lực lượng y, bác sĩ và cán bộ y tế trong trong quân phục xanh, sẽ luôn xứng vai và tầm vóc của những con người thầm lặng hàng ngày mang đến niềm vui, sự tín nhiệm và nâng cao sức khỏe cho toàn dân ở mỗi nơi chúng tôi đến. Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và bùng phát các loại dịch, bệnh truyền nhiễm đang nổi và mới nổi như hiện nay, đặc biệt tại các cơ sở y tế sẽ tiếp nhận nhiều ca bệnh phức tạp bên cạnh tại cộng đồng tiếp tục gia tăng số ca mới thì khi đó vai trò của mô hình phối hợp quân dân y sẽ tiếp tục đứng mũi ở mặt trận chống lại bệnh tật, cứu lấy từng mạng sống cho nhân dân.
|