|
BĐBP tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân tẩm màn chống muỗi. Ảnh: Văn Thu |
Phát triển mạnh mô hình kết hợp quân - dân y
Thời gian qua, công tác phòng, chống sốt rét (PCSR), nhất là ở địa bàn biên giới, vùng cao… đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Theo phân tích của Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân quyết định đến thành công của công tác PCSR là mô hình kết hợp quân-dân y (KHQDY) được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 thì vẫn còn nhiều việc phải làm…
Đã “hạ nhiệt” nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm sốt rét ảnh hưởng tới khoảng 216 triệu người trên toàn thế giới và cướp đi khoảng 655.000 sinh mạng. Tại khu vực Thái Bình Dương, nhiều quốc gia có dịch sốt rét lưu hành quanh năm, trong đó có Việt Nam... Tuy nhiên, số ca mắc sốt rét trên toàn quốc liên tục giảm trong những năm gần đây. Theo số liệu của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, năm 2011 cả nước đã giảm được 16% số ca mắc sốt rét; quân đội giảm 11,79%, riêng BĐBP giảm 13,35% so với năm 2010. Tuy vậy, nguy cơ sốt rét bùng phát vẫn luôn tiềm ẩn. Đáng chú ý là ở nhiều nơi còn tồn tại ký sinh trùng sốt rét, nếu tình trạng di dịch cư tự do, các hoạt động thăm thân, tham quan, du lịch... không được kiểm soát thì nguy cơ lây lan rất cao. Mặt khác, do trình độ dân trí thấp và phải "vật lộn" với cuộc mưu sinh nên các hộ đồng bào nghèo, nhất là ở địa bàn vùng cao, biên giới thường ít quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, ngủ không màn, khi mắc bệnh không đi khám mà vẫn tìm đến thầy cúng, thầy mo... Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội (VSPDQĐ), đây là một trong những lý do để WHO yêu cầu các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương đẩy mạnh PCSR với mục tiêu “Giữ vững thành tựu. Giữ lấy tính mạng. Đầu tư cho sốt rét”. Đóng góp tích cực của ngành y quân đội Nói đến sốt rét ở Việt Nam là nhiều người nghĩ tới địa bàn vùng cao, biên giới và những người "thầy thuốc quân hàm xanh". Hiện nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đóng quân tại 44 tỉnh, thành phố với gần 1000 phường, xã biên giới. Hầu hết các “điểm nóng” về sốt rét đều thuộc địa bàn hoạt động của BĐBP. Thượng tá Nguyễn Văn Thu, Phó chủ nhiệm Quân y BĐBP cho biết: "Các đơn vị biên phòng thường đóng quân ở địa bàn mà năng lực tuyến y tế cơ sở (tuyến xã) nhìn chung còn rất yếu. Vì vậy, hoạt động KHQDY là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân nói chung, PCSR nói riêng”. Mục tiêu của KHQDY là nhằm phát huy tối đa năng lực của cả quân y và dân y trên địa bàn; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Cùng các đoàn công tác của BĐBP đi khảo sát công tác PCSR tại một số tỉnh biên giới như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… chúng tôi thấy hầu hết các phòng khám, bệnh xá KHQDY của các xã, đồn biên phòng đã trở thành nơi triển khai các hoạt động phối hợp giữa y tế địa phương và quân y BĐBP rất hiệu quả. Thượng tá Nguyễn Văn Thu chia sẻ: “Trung bình mỗi năm các đồn biên phòng, phòng khám, trạm y tế KHQDY khám và điều trị sốt rét cho khoảng 10.000 lượt người. Mỗi năm, BĐBP xây dựng và nâng cấp được từ 4 đến 5 trạm y tế KHQDY…”. Đại tá, TS Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Vệ sinh Phòng dịch (Cục Quân y) cho biết thêm, năm 2011, toàn quân đã tuyên truyền PCSR cho hơn 93.100 lượt người, chủ yếu là đồng bào ở địa bàn vùng sâu, biên giới; tẩm thuốc chống muỗi cho hơn 24.500 chiếc màn... Trên tuyến biên giới Tây Bắc, các đơn vị BĐBP rất thành công trong tuyên truyền, vận động đồng bào ngủ màn. Ở tỉnh Hà Giang chúng tôi đã gặp những tấm pa-nô có nội dung khuyến cáo đồng bào ngủ màn để chống muỗi đốt như sau: "Con hổ vồ chết một người - con muỗi đốt chết nhiều người"... Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thu: Người dân sinh sống ở địa bàn biên phòng thường trình độ dân trí thấp, hiểu biết hạn chế, kinh nghiệm mà BĐBP rút ra trong tuyên truyền, vận động đồng bào là càng cụ thể, gần gũi, thiết thực càng hiệu quả... Nói về công tác PCSR trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên vốn được xem là một “điểm nóng” về sốt rét, PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn khẳng định: "Quân y có đóng góp rất quan trọng. Không chỉ tham gia tuyên truyền PCSR; khám, điều trị sốt rét cho nhân dân, Quân y còn tích cực tham gia nghiên cứu tìm ra các loại thuốc mới, phác đồ điều trị mới để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt rét. Điển hình là sự phối hợp giữa Viện VSPDQĐ và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn. Trước tình hình ký sinh trùng sốt rét có dấu hiệu kháng thuốc, hai đơn vị đã chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả một số phác đồ phối hợp thuốc nhằm nâng cao khả năng điều trị; phối hợp nghiên cứu thành công 6 phác đồ điều trị sốt rét tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận... Các kết quả nghiên cứu đã thiết thực giúp Cục Quân y và Bộ Y tế đề ra chiến lược điều trị sốt rét phù hợp". | PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn trong chuyến công tác giám sát và chỉ đạo PCSR tại địa phương. |
Nâng cao hiệu quả hoạt động KHQDY Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của chiến lược là khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1000; tỷ lệ người dân chết do sốt rét dưới 0,02/100.000 và không để tỉnh nào nằm trong giai đoạn PCSR tích cực. Theo Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, đây là chiến lược quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước về loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược cũng còn không ít khó khăn vì mặc dù hiện nay sốt rét tuy đã giảm nhưng những nguyên nhân phát sinh sốt rét vẫn còn. Đó là tình trạng người dân qua lại biên giới, di cư tự do; muỗi mang ký sinh trùng sốt rét còn tồn tại... Hơn nữa, trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp; trang bị và trình độ chuyên môn của quân y các đồn, y tế tuyến xã nhìn chung còn yếu… cũng ảnh hưởng đến công tác PCSR. “Phải tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động KHQDY”, đó là khẳng định của Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y, Trưởng ban chỉ đạo PCSR quân đội khi nói về phương hướng thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 trong thời gian tới. Theo đó, quân y tiếp tục hỗ trợ y tế xã trong việc phát hiện và điều trị sốt rét; phối hợp nghiên cứu tìm ra phác đồ điều trị mới; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh; phối hợp với chính quyền và y tế địa phương nắm chắc các đối tượng thường xuyên qua lại biên giới và dân di cư tự do để có biện pháp tuyên truyền phòng tránh muỗi đốt, đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời những trường hợp bị sốt rét. Mặt khác, cần tăng cường đầu tư cho hoạt động PCSR ở vùng sâu, vùng xa; thường xuyên đào tạo và cập nhật kiến thức về PCSR cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; đầu tư, duy trì hoạt động của các “điểm kính” để chẩn đoán sốt rét chính xác, kịp thời; cấp cho quân-dân y tuyến đồn biên phòng và xã biên giới nằm trong vùng sốt rét sử dụng test nhanh chẩn đoán sốt rét... Một bất cập hiện nay là biên chế quân y của các đồn biên phòng còn hạn chế và 100% các đồn biên phòng chỉ có nhân viên trình độ y sĩ nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả PCSR. Được biết, Bộ tư lệnh BĐBP đã đề nghị và được Bộ Quốc phòng đồng ý cho các đồn biên phòng có biên chế bác sĩ. Năm 2012 này, dự kiến sẽ mở lớp đào tạo chuyển cấp bác sĩ khóa đầu tiên cho các đồn biên phòng, điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả PCSR trong thời gian tới.
|