|
Trung úy quân y Trần Việt Anh, đồn cửa khẩu A Đớt xét nghiệm lam máu (ảnh NVH) |
Tăng cường công tác quân dân y kết hợp tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới
Theo kế hoạch chương trình công tác định kỳ và trước tình hình nguy cơ sốt rét ác tính xuất hiện trở lại tại huyện A Lưới, ngày 29-30/8/2012 Ban Quân Dân Y kết hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình ở huyện để chỉ đạo tăng cường nhiệm vụ công tác y tế nói chung và công tác phòng chống sốt rét nói riêng; góp phần khống chế dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa trước mùa mưa bão. Đặc điểm tình hình Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có địa bàn rộng, đường giao thông đi lại khó khăn với 12 xã biên giới. Với hơn 80% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại đây nên trình độ dân trí và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân còn hạn chế. Kinh tế tại địa phương còn nghèo nàn, mô hình bệnh tật còn phức tạp. | Quân Dân Y kết hợp khám chữa bệnh, tặng quà cho trẻ em tại bản K’Lô, Lào (ảnh tư liệu) |
Ngoài lực lượng dân y, lực lượng quân y đóng quân trên đại bàn gồm quân y huyện đội, quân y 4 đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, cửa khẩu A Đớt, Nhâm, Hương Nguyên và quân y Đoàn Kinh tế quốc phòng 92 với 30 cán bộ quân y hoạt động tích cực, nhiệt tình. Mạng lưới y tế cơ sở dân y còn thiếu số lượng và yếu chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ; sự kết hợp dân y ở cơ sở với quân y chưa được chặt chẽ; các ban, ngành còn giao khoán cho ngành y tế. Tuy vậy, Ban Quân Dân Y huyện được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ban Quân Dân Y tỉnh nên thường xuyên kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả. Hiện nay huyện có 20/12 xã, thị trấn có bác sĩ từ huyện tăng cường nên việc kết hợp quân dân y có nhiều thuận lợi, bảo đảm được chất lượng công tác khám chữa bệnh tại cơ sở. Kinh phí hoạt động đầu tư cho công tác quân dân y cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dù có những khó khăn nhưng hệ thống quân dân y kết hợp trên địa bàn huyện đã đoàn kết một lòng, khắc phục tồn tại, phát huy truyền thống gắn bó để tận tâm, nhiệt tình phục vụ vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn đang còn gặp nhiều hạn chế. | Vườn thuốc nam bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 92 A Lưới (ảnh NVH) |
Kết quả hoạt động + Trong năm 2011, Ban Quân Dân Y huyện đã triển khai các hoạt động xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, củng cố y tế cơ sở và phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Để xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, Ban Quân Dân Y huyện đã được kiện toàn tổ chức với các thành phần theo yêu cầu do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện làm trưởng ban. Đã thành lập và hoàn thiện Ban Quân Dân Y ở 12 xã biên giới gồm Hồng Vân, Hồng Thái, Nhâm, Đông Sơn, A Đớt, A Roằng, Hồng Trung, Hương Nguyên, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Hồng Thủy, Hương Phong là địa bàn có các đồn biên phòng đóng quân. Các phòng khám bệnh quân dân y kết hợp đã được đầu tư trang thiết bị, bổ sung nguồn thuốc bảo hiểm y tế phục vụ bệnh nhân; các phương tiện, vật liệu truyền thông giáo dực sức khỏe ở cơ sở. Đồng thời duy trì 2 đội cấp cứu và 2 đội phẫu thuật cơ động để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết, mỗi đội gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên và 1 dược sĩ. Ngoài ra, công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng được Ban Quân Dân Y phối với với các cơ quan chức năng huyện thực hiện 2 đợt với 331 thanh niên khám tuyển trên 383 thanh niên được gọi khám, đạt tỷ lệ 86,42%. Công tác đào tạo chuyên môn 5 kỹ thuật cấp cứu chấn thương được tổ chức cho 50 học viên dân quân tự vệ và 21 học viên trạm y tế xã; 20 học viên quân y được tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét, phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết... Việc củng cố y tế cơ sở để nâng cao chất lượng công tác ở tuyến đầu được chú trọng bằng biện pháp cử quân y 4 đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, cửa khẩu A Đớt, Nhâm, Hương Nguyên tăng cường các xã trên địa bàn phụ trách để thực hiện việc khám chữa bệnh, triển khai các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, châm cứu đông y, xây dựng vườn thuốc nam, hướng dẫn ghi chép sổ sách quản lý, theo dõi bệnh nhân... Có 11 quân y của các đồn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này ở các xã được phân công. Ngoài ra quân y cơ sở thuộc cơ quan chỉ huy quân sự tỉnh và huyện sẵn sàng phối hợp tăng cường triển khai chiến dịch y tế khi có dịch bệnh, thiên tai, bão lũ xảy ra. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai đã được Ban Quân Dân Y huyện phối hợp với y tế địa phương hỗ trợ thuốc men, hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị... bảo đảm yêu cầu. Đã đầu tư gần 20 triệu đồng cho 3 phòng khám quân dân y kết hợp và 2 trạm y tế xã để mua bổ sung trang thiết bị, xây dựng vườn thuốc nam. Tổ chúc thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân; tổ chức giao ban định kỳ hàng quý tại các cơ sở để quản lý hoạt động, nắm bắt tình hình, chỉ đạo nhiệm vụ và sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. Năm 2011, các phòng khám, bệnh xá quân dân y kết hợp tại huyện đã thực hiện được 6.848 lần khám chữa bệnh, 1.065 xét nghiệm cận lâm sàng, 391 lần siêu âm, 672 lần chụp X quang, 58 lần đo điện tim; đồng thời thực hiện 3.250 lượt truyền thông giáo dục sức khỏe ở cơ sở. Ngoài ra còn tổ chức các đợt khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 1.000 người dân thuộc đối tượng chính sách nhân ngày thương binh liệt sĩ và ngày thành lập quân đội nhân dân. Tổng kinh phí đầu tư cho tất cả các hoạt động quân dân y tại huyện năm 2011 chỉ khiêm tốn với số tiền 47 triệu đồng, trong đó huyện cấp 10 triệu đồng và tỉnh cấp 37 triệu đồng. + Trong 6 tháng đầu năm 2012, hoạt động quân dân y kết hợp được tiếp tục triển khai thực hiện để xây dựng chương trình y tế quân sự địa phương, phòng chống dịch bệnh, các chương trình y tế quốc gia; dự bị động viên thời chiến và công tác khám chữa bệnh. Chương trình y tế quân sự địa phương chú trọng chỉ đạo, kiện toàn Ban Quân Dân Y tại 12 xã biên giới, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động, kế hoạch B bảo đảm y tế khu vực phòng thủ gồm nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, xây dựng bệnh viện dã chiến, củng cố các đội cấp cứu ngoại viện... Tổ chức khám tuyển 88/100 quân nhân dự bị hạng 2 đạt kết quả tốt. Công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa được duy trì bằng mạng lưới quân dân y sẵn có, có giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhanh, xử trí kịp thời khi có tình huống đột xuất xảy ra. Tổ chức giao ban định kỳ mỗi quý để quản lý hoạt động và chỉ đạo nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện các chương trình y tế hiệu quả, bảo đảm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân, châm cứu và xây dựng vườn thuốc nam. Công tác dự bị động viên thời chiến sẵn sàng với 2 đội cấp cứu, 2 đội phẫu thuật; duy trì trực lãnh đạo, trực chiến khi có chiến sự xảy ra; thực hiện tốt kế hoạch B. Đối với công tác khám chữa bệnh trong 6 tháng đầu năm 2012; các phòng khám, bệnh xá quân dân y kết hợp đã thực hiện được 3.378 lần khám, trong đó có 2.660 lần khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; làm 489 xét nghiệm, 152 lần siêu âm, 160 lần chụp X quang và phẫu thuật 15 trường hợp. Tăng cường hoạt động Sau giám sát, kiểm tra; Ban Quân Dân Y tỉnh đã đánh giá hoạt động quân dân y kết hợp tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới trong thời gian qua đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cần tăng cường các giải pháp, hoạt động để tổ chức tập huấn, cung cấp các văn bản, tài liệu có liên quan đến chuyên môn, quản lý để nâng cao chất lượng công tác; duy trì giao ban định kỳ để đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ, phối hợp lực lượng cán bộ quân dân y tại các cơ sở y tế kết hợp để có thể bổ sung cho nhau; tăng cường các nguồn lực về thuốc men, hóa chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ Ban Quân Dân Y ở các xã biên giới để bảo đảm nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, tình hình sốt rét ác tính xuất hiện trở lại suýt gây tử vong cho một bệnh nhân tại địa bàn xã biên giới A Đớt, huyện A Lưới trong giữa tháng 8/2012 vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo cho cả mạng lưới dân y lẫn quân y ở đây. Có thể nói đây là một thách thức đối với nhiệm vụ công tác quân dân y kết hợp trên địa bàn khi đang còn phải đối mặt với một loại bệnh lưu hành ở miền núi, vùng cao, biên giới. Một vấn đề nên quan tâm là nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và huyện hỗ trợ cho hoạt động quân dân y kết hợp tại huyện A Lưới cũng cần tăng thêm để thực hiện các hoạt động tăng cường theo kiến nghị yêu cầu chính đáng của địa phương, duy trì được danh tiếng “quân dân y kết hợp là một thế mạnh của Thừa Thiên Huế” đã tự hào.
|