|
Trung uý Y sĩ Trần Minh Vũ (Đồn biên phòng cửa khẩu La lay, Đakrông) khám bệnh và cấp thuốc cho nhân dân . |
Những vấn đề đặ ra trong công tác kết hợp quân dân y tại Quảng Trị
Trong những năm qua nhờ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình dân sinh như điện chiếu sáng, hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư và nâng cấp. Công tác khám chữa bệnh nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng đã thu được những thành tựu đáng kể góp phần vào ổn định chính trị-xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, Hướng Hóa và Đakrông là hai huyện miền núi có đường biên giới với Lào dài gần 200km, thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng, tình hình sốt rét diễn biến phức tạp và thường không ổn định. Phần lớn người dân sống ở vùng này là đồng bào dân tộc, điều kiện sống còn nghèo, giao thông từ bản đến trung tâm xã còn xa, một số tập quán không có lợi cho sức khỏe vẫn còn tồn tại như tỷ lệ ngủ màn thấp, đau ốm còn cúng bái đến khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế... Xác định công tác y tế trọng tâm ở các vùng này là sốt rét nên trong quá trình chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tăng cường nguồn nhân lực cho phòng chống sốt . Thực hiện chỉ đạo của liên Bộ Y tế-Quốc phòng về chương trình kết hợp quân –dân y (KHQDY) trong bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân nên trong thời gian qua Sở Y tế Quảng trị đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành lập Ban Quân dân y tỉnh, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đến tận cơ sở Đồn- Xã tại các huyện Hướng Hóa và Đakrông, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng, cung cấp các vật tư phòng chống sốt rét như hóa chất, test chẩn đoán nhanh, thuốc thông thường, kính hiển vi nhằm tạo điều kiện cho Quân Y đồn cấp cứu, khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, hầu hết các Đồn đã ký kết trách nhiệm hàng năm với UBND xã nơi Đồn đóng quân. Hàng tháng quân y Đồn giao ban với Trạm y tế xã và hàng quý giao ban với Trung tâm y tế huyện để phản ánh hoạt động hợp tác trong khám chữa bệnh và đề xuất các giải pháp trong thời gian đến. Một số trạm quân y được củng cố đầu tư xây mới như phòng khám quân y Balovac (xã Thanh-Hướng Hóa) với giá trị lên đến 500 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Báo Sài gòn giải phóng. Hiện nay đã xây dựng được 6 phòng khám quân-dân y kết hợp do Quân y chủ trì tại hai huyện Hướng Hóa, Đakrông; xây dựng 4 mô hình trạm xá quân dân y kết hợp, trong đó có 3 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 là Pa tầng, A dơi, Xy. Nhờ đó mà chỉ tính riêng trong năm 2012, Quân y đồn đã lấy được 2467 lam máutrong đó có 229 ký sinh trùng sốt rét; điều trị 329 lượt cho bộ đội và 2391 lượt cho nhân dân. Ngoài ra quân y đồn còn thực hiện tuyên truyền vệ sinh ăn uống tại các thôn bản, về phòng chống HIV/AIDS, hiện tượng tảo hôn, các loại dịch bệnh tay chân miệng; giúp cho bản Denvilay của Lào với 924 lượt người khám chữa bệnh, cấp 10 thùng hàng quần áo đã qua sử dụng, 500 quyển vở học sinh góp thêm vào tình hữu nghị Lào-Việt. Ghi nhận các thành quả đạt được trong kết hợp quân dân y thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ quốc phòng, UBND các cấp đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có nhiều thành tích. Bên cạnh những kết quả đạt được công tác kết hợp quân dân y cũng gặp một số khó khăn. Đó là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ít biết tiếng Kinh, đau ốm còn nằm ở nhà không đến cơ sở y tế. Vì vậy để có thể khám chữa bệnh và vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh các anh phải dành thời gian để học tiếng địa phương và đi đến bản làng khi người dân yêu cầu. Tâm sự với chúng tôi Trung uý Y sĩ Trần Minh Vũ- Đồn biên phòng cửa khẩu La Lay xã A Ngo, huyện Đakrông sau khi đi khám bệnh cho dân bản về nói: " Điều trăn trở nhất là trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc ở đây còn nhiều thiếu thốn nên khó để có thể chăm sóc tốt cho cán bộ và chiến sỹ" Để công tác kết hợp quân dân y đi vào chiều sâu và hiệu quả đáp ứng mong đợi của người dân ở các vùng xa, vùng sâu trong khám chữa bệnh nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng thì các ngành các cấp cần đầu tư thêm nữa về cơ sở vật chất, các phương tiện khám chữa bệnh, hỗ trợ thêm thuốc men. Đào tạo thường xuyên cho đội ngũ lực lượng quân y về các chuyên đề y tế, cung cấp các tài liệu truyền thông phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số. Xây dựng kế hoạch và thực hiện diễn tập đảm bảo khu vực phòng thủ. Cần tổ chức hội nghị kết hợp quân dân y để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn và rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình kết hợp quân dân y tiếp theo, từng bước thể chế hóa công tác kết hợp quân dân y. Kết hợp quân dân y là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước không chỉ góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa; xây dựng và củng cố tiềm lực an ninh-quốc phòng mà còn góp phần vào mối tình hữu nghị quân dân của anh bộ đội Cụ Hồ.
|