Zèng thổ cẩm dân tộc Tà Ôi với thời trang hiện đại
Cố đô Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố đầu tiên tại nước ta được trao danh hiệu “thành phố văn hóa của Asean”. Trong Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức lần thứ 6 năm 2015; với chủ đề hội tụ bản sắc văn hóa, các nhà thiết kế của Việt Nam phần lớn sử dụng chất liệu dệt zèng thổ cẩm và loại chiếu ân chá của người dân tộc thiểu số Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện các bộ thời trang hiện đại. Bộ thời trang của Nhà thiết kế Quang Tân giới thiệu tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015
Dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015 được tổ chức lần thứ 6 tại thành phố Huế để góp phần thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch. Với chủ đề hội tụ bản sắc văn hóa, lễ hội thời trang đã tạo nên cơ hội gặp gỡ của các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đến từ đất nước Malaysia, Indonesia, Thailand, Philippines, Myanmar và Spain; tất cả những bộ sưu tập thời trang mang tính đặc sắc và tiêu biểu được sử dụng trên chất liệu vải truyền thống của các nước. Riêng ở Việt Nam, có 8 nhà thiết kế tham gia thực hiện các bộ thời trang gồm Quang Tân, Viết Bảo, Xuân Hảo, Phương Bùi, Quang Nhật, Lan Hương, Hùng Việt và Minh Hạnh phần lớn sử dụng chất liệu vải dệt zèng thổ cẩm và loại chiếu ân chá của người dân tộc thiểu số Tà Ôi cư trú trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc huyện vùng cao, miền núi, biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Zèng là tên gọi vải thổ cẩm được người dân tộc thiểu số Tà Ôi dệt bằng phương pháp thủ công từ thời xa xưa và được truyền từ đời này sang đời khác. Nguyên liệu dùng để dệt zèng là sợi bông, sợi chỉ hoặc sợi len và thường sử dụng các loại sợi màu đỏ, trắng, vàng, đen... Sợi dệt truyền thống được người dân tộc Tà Ôi sử dụng là sợi bông vì tấm vải zèng thổ cẩm dệt ra được nhiều người ưa chuộng do có đặc điểm mặc mát về mùa hè và ấm về mùa đông; những người thợ có tay nghề cao mới làm ra được những sản phẩm đẹp và tốt. Sản phẩm vải dệt zèng thổ cẩm chủ yếu được dùng để may áo, váy; ngoài ra còn được sử dụng để may các loại khăn, túi đeo, thắt lưng, mũ... Các loại vải có hạt cườm màu trắng trang trí đẹp mắt có giá cao hơn các loại vải thường. Để có một tấm vải zèng thổ cẩm hoàn thiện, người thợ dệt phải chuẩn bị sợi, lên khuôn, thực hiện công đoạn dệt tay mất hơn cả tuần; nếu tấm vải có sử dụng hạt cườm trang trí hoa văn thì phải mất nhiều thời gian và công phu, tủ mỉ hơn. Những tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 70 loại hoa văn khác nhau mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng... Hoa văn thường thể hiện chủ yếu 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới chung quanh. Chiếc khung cửi để dệt zèng gồm những thanh gỗ được đan xen gọn gàng với nhau, có khả năng lắp vào và tháo ra một cách dễ dàng, linh động. Mỗi bộ phận của khung cửi thực hiện một chức năng riêng biệt nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng để có thể sản xuất ra khoảng trên 10 loại sản phẩm zèng với các đặc điểm khác nhau. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt zèng là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì kết dính lên vải; đây là cách tạo nên hoa văn duy nhất bằng hạt cườm, không tạo ra hoa văn bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác. Phụ nữ trẻ người Tà Ôi tham gia nghề dệt zèng thổ cẩm truyền thống tại A Lưới (ảnh minh họa)
Trong Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 được tổ chức năm 2013, lần đầu tiên các nghệ nhân dệt zèng thổ cẩm ở A Lưới đã mang các khung cửi dệt từ huyện vùng cao, biên giới xuống thành phố Huế để giới thiệu sản phẩm nghề. Cũng vào dịp này, lần đầu tiên vải zèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập có chủ đề “Sự biến đổi kỳ diệu” của Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh lấy cảm hứng từ những tấm vải zèng mộc mạc của người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Zèng thổ cẩm Tà Ôi với thời trang hiện đại Từ ý tưởng hình thành đã nêu trên, tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 6 năm 2015; ngoài Nhà thiết kế Minh Hạnh còn có thêm các nhà thiết kế khác cùng tham gia để giới thiệu những bộ sưu tập thời trang hiện đại mang tính đặc thù được thiết kế từ chất liệu vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc thiểu số Tà Ôi lên sân khấu thời trang. Minh Hạnh là nhà thiết kế liên tục có rất nhiều hoạt động về văn hóa và thời trang tại nước ta và các nước khác trên thế giới. Từ văn hóa truyền thống Việt Nam, đã khơi dòng cho việc dùng các chất liệu quý như thổ cẩm, lụa, thêu, dệt vải lanh; đồng thời làm sống lại những làng nghề truyền thống tưởng như đã đi vào quên lãng. Với những khuynh hướng thời đại, nhà thiết kế đã chuyển ý tưởng phát triển thành thời trang có tính đặc trưng kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và thời trang, giữa sự sáng tạo và tính hiện thực của cuộc sống. Bộ sưu tập thời trang của Minh Hạnh giới thiệu được thiết kế trên chất liệu vải thổ cẩm dệt cườm của người dân tộc Tà Ôi. Nhà thiết kế Hùng Việt tham gia bộ sưu tập thời trang mang tên ân chá dùng chất liệu chiếu cói là một sản phẩm từ cây chá được người Tà Ôi dệt thủ công bằng phương pháp truyền thống tại A Lưới. Chất liệu có màu sắc đan xen với kỹ thuật đan dệt cùng kỹ thuật xếp nếp, tạo khối kết hợp với kỹ thuật thêu ruy băng của nhà thiết kế đã tạo nên bộ thời trang hiện đại. Ba hoa hậu Việt Nam: Thùy Dung, Kỳ Duyên và Ngọc Hân trình diễn thời trang (ảnh minh họa)
Nhà thiết kế Viết Bảo thực hiện bộ thời trang mang tên “Tiếng hát giữa đại ngàn” với ý tưởng từ tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi được lấy cảm hứng từ truyền thống lịch sử của mảnh đất A Lưới ghi dấu sức mạnh, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhà thiết kế Quang Tân tham gia bộ sưu tập thời trang mang tên “Hoa núi” với những đường nét và mảng kỷ hà lấy ý tưởng từ hình ảnh của núi đồi. Màu sắc chủ đạo gồm các màu đen, đỏ và trắng; trong đó màu trắng là màu của hạt cườm. Đây cũng là những màu sắc được sử dụng khá phổ biến trong trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Điểm nhấn trong các mẫu thiết kế là những hoa văn dệt thổ cẩm được trang trí điểm xuyết như những bông hoa của núi đồi. Nhà thiết kế Xuân Hảo giới thiệu bộ sưu tập thời trang có tên “Sự chuyển mình” lấy ý tưởng từ khoảnh khắc chuyển động của cuộc sống, thiên nhiên và thời gian. Bộ thời trang đã sử dụng chất liệu vải dệt zèng thổ cẩm A Lưới kết hợp vải bố, linen, jeans và da bò có dáng rộng, màu sắc tươi sáng hướng đến hình tượng nam giới năng động, cá tính với mong muốn vải dệt zèng thổ cẩm của dân tộc thiểu số hòa nhập và đến gần hơn cuộc sống đương đại. Nhà thiết kế Quang Nhật thực hiện bộ sưu tập thời trang với tên gọi “Sự tỉnh lặng trưa hè” lấy ý tưởng từ thiên nhiên, mùa hè và những khung cửa của Huế được tái hiện qua kỹ thuật thêu tay bằng tinh thần dân tộc A Lưới. Nhà thiết kế Phương Bùi tham gia bộ sưu tập thời trang với những bức tranh thêu trên máy kỹ thuật số hiện đại nhất, mong muốn tiếp nối những giá trị truyền thống bằng sự tối ưu của công nghệ; tạo ra những sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao nhất. Nhà thiết kế Lan Hương trình bày bộ sưu tập lấy hình tượng những cánh chim sống trong rừng già với những bộ cánh và màu sắc sặc sỡ được ban tặng bởi thiên nhiên. Cuộc sống của các loài chim luôn gắn liền với các loài hoa rừng rực rỡ và những cánh rừng mênh mang. Cảm nhận tinh thần và khí chất của cuộc sống đồng bào các dân tộc thiếu số với một nền văn hóa đậm đà bản sắc và nhà thiết kế đã hình thành ý tưởng này trong bộ sưu tập áo dài có tên gọi “Nguồn qua các sản phẩm dệt zèng A Lưới kết hợp nét tinh túy thêu tay của người Kinh Bắc”. Những bộ sưu tập thời trang truyền thống được trình diễn trong lễ hội (ảnh minh họa)
Theo truyền thống quy ước cứ hai năm một lần, vào những năm chẵn sẽ có Festival Văn hóa Huế và vào các năm lẻ sẽ có Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức tại thành phố Huế, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa của Asean để tiếp tục có cơ hội, điều kiện hội tụ vag giứoi thiệu những bản sắc văn hóa đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước và các quốc gia khác trong khu vực.
|