Đánh giá hiệu quả hoạt động của các điểm kính hiển vi trong phòng chống sốt rét tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả hoạt động của các điểm kính hiển vi (ĐKHV) trong phòng chống sốt rét (PCSR) ở vùng sốt rét lưu hành tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả điều tra thực trạng hoạt động của 98 ĐKHV năm 1995 cho thấy mặc dù các điểm kính đã góp phần vào công tác PCSR nhưng vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ sai sót còn cao, chiếm 34,49% tổng số lam soi kiểm tra. Các ĐKHV không có dung dịch đệm để pha giemsa nhuộm lam máu. Ngoài ra, vẫn còn 12,24% ĐKHV trả lời kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân tại điểm kính muộn sau 2 giờ và 13,27% trả lời kết quả cho y tế thôn bản muộn sau 2 ngày. Kết quả phân tích cho thấy nơi đào tạo cho xét nghiệm viên, pH nước pha giensa và giáo dục truyền thông là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động của ĐKHV. Việc ứng dụng các biện pháp can thiệp bao gồm đào tào lại cho xét nghiệm viên, cung cấp dung dịch đệm, giáo dục truyền thông và các hoạt động giám sát đã nâng cao được hiệu quả hoạt động của ĐKHV trong công tác PCSR. Hoạt động xét nghiệm tăng cao, chỉ số ABER tăng từ 4,40% năm 1994 lên 11,96% năm 1998. Chất lượng soi lam của xét nghiệm viên được nâng cao, tỷ lệ sai sót giảm từ 28% năm 1994 xuống còn 10% năm 1998 và so sánh với các điểm đối chứng là 20% năm 1998 (p<0,05). Chất lượng chẩn đoán nâng cao, tỷ lệ BNSR được xác định chẩn đoán bởi ký sinh trùng sốt rét (+) tăng từ 27,55% năm 1994 tăng lên 87,44% năm 1998 (p<0.05). Các ĐKHV đã thu hút được bệnh nhân đến khám, số bệnh nhân đến khám tại ĐKHV tăng từ 17,31% năm 1994 lên 87,21% năm 1998, so với các điểm đối chứng là 58,54% năm 1998 (p<0.05). Hiệu quả hoạt động của ĐKHV sau 4 năm cùng với các biện pháp khác của chương trình đã tác động gián tiếp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm sốt rét ác tính và giảm tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét ở cộng đồng....
|