Tiến trình loại trừ sốt rét hiện nay trên thế giới và Việt Nam
Chương trình sốt rét (SR) toàn cầu đã trải qua nhiều giai đoạn với các chiến lược khác nhau, nhằm thực hiện mục tiêu giảm gánh nặng bệnh tật và tiến tới loại trừ sốt rét (LTSR) trên toàn cầu. Hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia đang tiến tới LTSR và đã đạt được mục tiêu này. Từ năm 2000 đến 2021, 25 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đạt được 0 trường hợp bệnh (THB) sốt rét nội địa trong 3 năm trở lên, bao gồm Argentina, Armenia, Azerbaijan, Costa Rica, Georgia, Iraq, Kyrgyzstan, Morocco, Oman, Paraguay, Sri Lanka, Cộng hòa Ả Rập Syria, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Uzbekistan, Paraguay, Algeria, Trung Quốc,El Salvador, Iran, Malaysia, Belize và Cabo Verde. Có 12 trong tổng số 25 quốc gia này đã được cấp chứng nhận LTSR bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 2018, Paraguay đã được trao chứng nhận LTSR của WHO. Tại Uzbekistan đã tổ chức một nhóm đánh giá từ Hội đồng Chứng nhận LTSR để xác định xem có nên đề nghị Uzbekistan được chứng nhận hay không. Đến tháng 12/2018, Uzbekistan đã được WHO cấp chứng nhận LTSR. Algeria chính thức yêu cầu cấp chứng nhận của WHO về tình trạng không có SR từ năm 2017. Đến năm 2019, Algeria cùng với Argentina đã chính thức được công nhận là LTSR.
Hình 1 và 2.WHO trao chứng nhận LTSR cho Algeria and Argentina
Mới đây nhất, vào tháng 2/2021, El Salvador đã là đất nước thứ 3 của khu vực châu Mỹ trong những năm gần đây đã được công nhận loại trừ sốt rét, nâng tổng số quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đạt được cột mốc này là 39. Vào ngày 30 tháng 6 năm 2021, Trung Quốc là quốc gia mới nhất đã được công nhận LTSR. Và hiện nay, có 05 quốc gia gồm: Azerbaijan, Belize, Cabo Verde, Iran (Cộng hòa Hồi giáo) và Tajikistan-đã chính thức gửi hồ sơ, yêu cầu công nhận LTSR và quá trình xác minh đang được tiến hành bởi WHO. Trong 16 năm qua, tình hình SR ở khu vực Đông Nam Á đã được cải thiện rất nhiều với tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm giảm liên tục. Dựa trên các báo cáo quốc gia được đệ trình lên báo cáo SR thế giới, khu vực này đã ghi nhận giảm 48% các THBSR được báo cáo từ năm 2010 đến 2016. Maldives đã không có bệnh SR từ năm 1984 và được WHO chứng nhận là không có SR vào tháng 12 năm 2015. Sri Lanka đã làm gián đoạn việc truyền bệnh SR nội địa vào tháng 10 năm 2012 và đã được chứng nhận vào tháng 9 năm 2016. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2017, WHO đã công bố tài liệu “Khung hành động về phòng chống và LTSR khu vực Tây Thái Bình Dương 2016-2020” với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do SR ở khu vực xuống 50% và tỷ lệ mắc bệnh ít nhất 30% vào năm 2020, so với dữ liệu năm 2015. Cùng đó là LTSR ở 03 quốc gia vào năm 2020. Thiết lập và duy trì các hệ thống giám sát có khả năng LTSR trong Tiểu vùng sông Mê Kông vào năm 2017 và ở tất cả các quốc gia của khu vực vào năm 2020.Malaysia cũng đang tiến tới LTSR, nước này đã báo cáo có 5.456 THBSR năm 2007 và 1.337 vào năm 2014; chưa đến một nửa số trường hợp được báo cáo trong năm 2014 là THB nội địa-chủ yếu ở các huyện Sabah và Sarawak. Mặc dù không có THBSR nội địa hoặc tử vong do 4 loại ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) ở người tại Malaysia trong 4 năm qua, nhưng kể từ năm 2017, tổng cộng có 17.125 trường hợp P. knowlesi và 48 trường hợp tử vong đã được báo cáo. Riêng năm 2021 ghi nhận 3.575 ca mắc, 13 ca tử vong. Trong cùng thời gian, có thêm 435 trường hợp nhiễm P. knowlesi được báo cáo tại Khu vực Đông Nam Á của WHO, ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. WHO đã triệu tập hai cuộc tư vấn kỹ thuật về P. knowlesi và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia bị ảnh hưởng để giải quyết thách thức mới nổi này đối với việc loại trừ bệnh sốt rét. Ngoài ra, một phân tích sâu về dữ liệu và bằng chứng hiện có, đã được thực hiện bởi MECP và sau đó là Nhóm tư vấn chính sách sốt rét (MPAG). Các nhóm này kết luận rằng, đối với các quốc gia đã loại trừ được bốn loài sốt rét chính ở người, nhưng các ca sốt rét ở người do các loài Plasmodium khác tiếp tục xảy ra, chứng nhận có thể được cấp nếu nguy cơ lây nhiễm ở người giảm đến mức không đáng kể. Tại Philippines đang tiến hành chương trình LTSR tại cấp địa phương và vào năm 2015, đã tuyên bố 30 trong tổng số 80 tỉnh không có bệnh sốt rét; các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bệnh SR nhiều nhất là Maguindanao, Palawan và Tawi-Tawi, đây là các tỉnh có sự bất ổn chính trị và có một lượng dân số di động đáng kể sống ở vùng sâu vùng xa. Số liệu mới nhất năm 2017 đã có 74/81 tỉnh tại Philippines không có THB SR nội địa. Ba quốc gia của GMS (Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam), đã được hỗ trợ thông qua dự án sáng kiến kháng thuốc artemisinin tại khu vực, nhằm mục đích loại bỏ P. falciparum vào năm 2025 và tất cả các loài sốt rét vào năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp do P. falciparum tăng từ dưới 30% trong năm 2010 lên 58% vào năm 2017 tại các quốc gia này. Những thách thức bao gồm giảm kinh phí, thất bại trong điều trị phối hợp artemisinin, kháng vectơ đối với pyrethroids (Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Philippines và Việt Nam), sự phục hồi của bệnh SR…Tất cả điều này có thể ảnh hưởng làm đình trệ tiến trình LTSR tại các quốc gia này, và đặc biệt chủ yếu ở Campuchia, tuy nhiên năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Campuchia báo cáo không có trường hợp TV liên quan đến SR.
Hình 3. Nhà rẫy tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai
Bảng1.Danh sách quốc gia/lãnh thổ được công nhận LTSR, 1955-2021
Khu vực (WHO) | Quốc gia/vùng lãnh thổ | Công nhận LTSR (Năm) | Không có SR/SR biến mất mà không cần biện pháp can thiệp | Châu Phi | Algeria | 2019 | 61 quốc gia/ vùng lãnh thổ | La Réunion (France) | 1979 | Mauritius | 1973 | Đông Địa Trung Hải | Morocco | 2010 | United Arab Emirates | 2007 | Châu Âu | Uzbekistan | 2018 | Armenia | 2011 | 17 quốc gia | 1964 - 2010 | Châu Mỹ | El Salvador | 2021 | Argentina | 2019 | Paraguay | 2018 | 7 quốc gia | 1962 - 1973 | Đông Nam Á | Sri Lanka | 2016 | Maldives | 2015 | Tây Thái Bình Dương | Trung Quốc | 2021 | Brunei Darussalam | 1987 | Singapore | 1982 | Australia | 1981 | Tổng | 40 Quốc gia/Vùng LT |
Nguồn: www.who.int Tại Việt Nam, để thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, các địa phương đã nỗ lực huy động các nguồn lực, tổ chức triển khai tốt các hoạt động giám sát phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét. Trong năm 2019, đã công nhận 25 tỉnh loại trừ bệnh sốt rét, bao gồm Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang. Tiếp tục đến năm 2020, Việt Nam đã công nhận thêm 10 tỉnh/thành đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, bao gồm Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh. Cuối năm 2021, có thêm 2 tỉnh đáp ứng tiêu chí loại trừ sốt rét là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Nghệ An. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã tổ chức tập huấn hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ loại trừ cho 2 tỉnh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng mạnh, đến tháng 11 vẫn chưa ổn định, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị lùi thời gian hoàn thành hồ sơ sang năm 2022, như vậy, chỉ có Nghệ An là tỉnh duy nhất được công nhận LTSR trong năm 2022. Năm 2022, cũng đã làm thủ tục công nhận LTSR cho 6 tỉnh bao gồm: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau.
Hình 4. Nhà rẫy huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai Bảng 2. Danh sách tỉnh/thành phố đã được công nhận LTSR tại Việt Nam
Năm công nhận | Số lượng | Khu vực | Miền Bắc | Miền Trung-Tây Nguyên | Nam Bộ và Lâm Đồng | 2019 | 25 | Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, | TP. Đà Nẵng | Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang | 2020 | 10 | Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh | - | Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh | 2021 | 1 | Nghệ An | - | - | 2022 | 6 | Bắc Kạn, Hòa Bình | Thừa Thiên - Huế | Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau | Tổng cộng | 25 | 2 | 15 |
Như vậy, hiện nay đã có 42/63 (chiếm 66,67%) tỉnh, thành tại Việt Nam được công nhận loại LTSR. Trong đó khu vực miền Bắc đã công nhận 25/28(chiếm 89,29%) tỉnh/thành phố, khu vực miền Nam và Lâm Đông đã công nhận 15/20 (chiếm 75%) tỉnh/thành phố và thấp nhất là khu vực miền Trung-Tây Nguyên với 02/15(chiếm 13,33%) tỉnh/thành phốđược công nhận LTSR. Theo kế hoạch năm 2023, Việt Nam sẽ tiếp tục công nhận LTSR cho 5 tỉnh bao gồm: Điện Biên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh và Kiên Giang. Đây cũng là tiền đề có thể đẩy mạnh và duy trì chiến lược để đạt được mục tiêu LTSR tại Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, nguy cơ sốt rét quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương do số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành…Do đó, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét, tăng cường sự cam kết từ các địa phương, cũng như thúc đẩy nhanh lộ trình LTSR cho từng tuyến nhằm sớm đạt được mục tiêu loại LTSR tại Việt Nam. Tài liệu tham khảo
1.Viện Sốt rét KST-CT TW (2019), Quyết định về việc công nhận 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí loại trừ sốt rét. 2.Viện Sốt rét KST-CT TW (2022), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2021. 3.WHO (2015), Global technical strategy for malaria 2016-2030, 1-29. 4.WHO (2017), A framework for malaria elimination. 5.WHO (2017), Regional Action Framework for Malaria Control and Elimination in the Western Pacific (2016–2020). 6.WHO (2019), "Countries of the Greater Mekong zero in on falciparum malaria". 7.WHO (2019), World malaria report 2019. 8.WHO (2021), World malaria report 2021. 9.WHO (2022), World malaria report 2022.
|