Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 6 7 2 2 3
Số người đang truy cập
5 6 1
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Diễn tiến phức tạp về tình hình sốt rét biến động tại vùng sốt rét lưu hành huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, năm 2023-2024 (Phần 2-Hết)

Tiếp theo Phần 1

IV. THÁCH THỨC, RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ SỐT RÉT

Một số điểm đặc biệt quan trọng đóng vai trò như các dấu cảnh báo nghiêm trọng, nguy cơ lan rộng cao và diễn tiến phức tạp khó lường hơn tại đợt bùng phát sốt rét từ tháng 7/2023-đến 7/2024 tại các xã trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh này:

1.Thứ nhất, trong cơ cấu ký sinh trùng sốt rét xuất hiện loài P. malariae chiếm tỷ lệ rất cao (104 ca; 52,8%), trong khi hai loài phổ biến là P. falciparum (29 ca; 14,7%) và P. vivax (61 ca; 31,5%), điều này chưa từng thấy trong tiền lệ từ năm 1961 đến nay tại các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (GMS-Greater Mekong Subregion) nói chung, cũng như tại Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa nói riêng vì trước đây chỉ chiếm có 3-5 ca mỗi năm;

2.Thứ hai, theo y văn và thực tế trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam, sốt rét do P. malariae thường là lành tính, hiếm khi gây sốt rét ác tính (SRAT) và tử vong thì trong hai năm qua đã ghi nhận tại tỉnh đến 6 ca sốt rét ác tính, đe dọa tử vong được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, trong đó phần lớn là SRAT thể đa phủ tạng và trước khi nhập viện bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng sốt rét hoặc dưới ngưỡng phát hiện của kính hiển vi và test chẩn đoán nhanh;

3.Thứ ba, trên 76% số bệnh nhân mắc sốt rét do P. malariaeP. vivax không biểu hiện triệu chứng sốt rét tại thời điểm được lấy máu xác định chẩn đoán bằng test chẩn đoán nhanh và lam máu nhuộm giêm sa;

4.Thứ tư, bên cạnh các trường hợp sốt rét không biểu hiện triệu chứng được phát hiện bằng các công cụ chẩn đoán thường quy (lam máu và test chẩn đoán nhanh) ở trên thì còn có 38/7256 người phát hiện dương tính với sốt rét ở mật độ ký sinh trùng rất thấp thông qua xét nghiệm sinh học phân tử siêu nhạy (nested-PCR, ultra-PCR), điều này cho thấy ngoài số bệnh nhân được phát hiện khi có triệu chứng thì vẫn còn nhiều trường hợp không thể phát hiện do không biểu hiện triệu chứng và do công cụ hiện có không đủ nhạy và đặc hiệu để phát hiện trọn vẹn tất cả ca ca, khi đó các các bệnh nhân mang mật đô ký sinh trùng thấp đóng vai trò như tảng băng chìm và là ổ chứa tiềm tàng tiếp tục lan truyền bệnh nhân trong khu vực huyện Khánh Vĩnh;

5.Thứ năm, sự tồn tại mầm bệnh P. malariae cũng như P. vivax trong các nội tạng cơ thể người khá dài, có khi lên đến 30 năm khi người dân đang sống trong cộng đồng;

6.Thứ sáu, phân tích sơ bộ số liệu về cấu trúc quần thể các phân lập lâm sàng loài P. malariae trên bệnh nhân đã cho thấy nhiều chỉ điểm phân tử và đột biến khác thường so với các nước trong khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng;

7.Thứ bảy, trên 86% số bệnh nhân sốt rét khi được chẩn đoán đều có xuất hiện ký sinh trùng thể phân liệt (có vai trò trong gây sốt rét ác tính, hay nguy cơ chuyển nặng cao) và thể giao bào (chứng tỏ các bệnh nhân được phát hiện rất muộn, còn chủ quan không chịu tiếp cận các cơ sở y tế);

8.Thứ tám, có sự thay đổi quần thể vector Anopheles spp. truyền bệnh giữa các vector chính và vector phụ trong lan truyền sốt rét tại các xã thuộc huyện Khánh Vĩnh;

9.Thứ chín, trên 95% số bệnh nhân sốt rét mắc ở huyện thuộc đối tượng dân di biến động, đi rừng, ngủ rẫy, lao động theo đoàn vào rừng tạo các lán trại tạm bợ ở và lưu trú thời gian, hoặc nuôi cá tằm, lấy gỗ, mật o­ng, thu lấy hạt đát, măng tre, sâm tươi bán cho thương lái,....

10.Thứ 10, liệu có liên quan đến ổ chứa trên động vật linh trưởng thời gian qua hay không vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng đến giờ này! Vì địa bàn các xã và các nhà rẫy của nhóm bệnh nhân mắc sốt rét cách đảo khỉ (đa dạng loài khỉ có mặt ở đây) thuộ huyện Ninh Hòa là khoảng 32-40 km.

Tất cả thách thức, khó khăn và vấn đề sức khỏe đặc biệt trên đã tạo nên một mô hình dịch tễ học mới và phức tạp về bệnh sốt rét tại đây, điều này có thể làm thất bại các thành quả đã đạt được trong phòng chống và loại trừ sốt rét cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nền kinh tế, xã hội và du lịch sinh thái tại tỉnh Khánh Hòa.

Với diễn tiến phức tạp của bệnh sốt rét tại một vùng lưu hành nặng đồng thời 03 loài ký sinh trùng sốt rét (P. falciparum, P. vivaxP. malariae) và số ca diễn tiến ngày càng nghiêm trọng cũng như thách thức đặt ra cho ngành y tế là làm thể nào kiểm soát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị, quản lý ca bệnh cắt đứt nguồn lây, hạn chế lan truyền bệnh trong cộng đồng, thúc đẩy nhanh tiến trình loại trừ sốt rét (LTSR) tại tỉnh Khánh Hòa là rất cấp thiết.

V. MỘT SỐ THÁCH THỨC LIÊN QUAN CẢ CHUYÊN MÔN VÀ KINH TẾ-XÃ HỘI

-Phần lớn ca bệnh được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ, đặc biệt công việc gắn liền đi từ rừng rẫy về (khai thác lâm sản ngoài gỗ, bẫy chim, thú rừng, khai thác lâm sản, đặt bẫy thú rừng nuôi và câu cá chình...nơi nghi nhiễm thường rất xa trong rừng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, khó quản lý (các trường hợp này thường được phát hiện thụ động, khi người bệnh đến khám tại các CSYT mới phát hiện được;

-Mầm bệnh hiện đang tồn tại trong rừng, rẫy, nhà rẫy trong khi đó đời sống của người dân gắn liền với rừng rẫy nên rất khó khăn trong việc cắt được nguồn lây và không thể khống chế hay ngăn việc đi rừng và làm rẫy của họ được;

-Ý thức về các biện pháp phòng chống sốt rét của một số người dân còn chủ quan, nhất là việc tham gia tẩm màn, thực hiện hành vi thói quen ngủ màn, treo võng màn có hóa chất tồn lưu lâu cùng võng khi ngủ trong rừng còn hạn chế. Một số người dân còn chưa hợp tác khi được đề nghị lấy lam máu xét nghiệm, nhất là các đối tượng nguy cơ cao;

-Đã và đang có môt số trường hợp khi có sốt thì đến các quầy thuốc, cơ sở điều trị tư nhân mua thuốc hoặc điều trị nhiều ngày không đỡ mới vào nhập viện, dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng và có nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng;

-Số ca mắc sốt rét hiện 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái cao gấp 7 lần. Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh chưa thật sự vào 2 đỉnh lan truyền bệnh sốt rét hàng năm ở đây, nên nếu đến khi vào đỉnh dịch không biết sẽ tăng như thế nào? Liệu đến 6 tháng cuối năm 2024 nếu có sự kiện dân di biến động vào vùng SRLH tăng hơn hay không thì sẽ ra sao? Nghề nghiệp của họ gắn liền với rừng rẫy thường xuyên và hàng năm không thể kiểm soát bền vững? Mua bán bất động sản tại buôn, làng có cao không, họ không còn đất nữa không? Trồng và khai thác keo có thời gian vào và ra rừng,...tất cả yếu tố đó đều làm ảnh hưởng hoặc tác động không nhỏ lên gia tăng và dai dẳng của sốt rét tại khu vực này;

-Sau nhiều năm không còn sốt rét cao hoặc không còn số mắc sốt rét, có thể miễn dịch cộng đồng đã giảm đi đáng kể và khi bùng phát thì xu hướng lan rộng hơn và nghiêm trọng hơn;

-Dịch sốt rét bùng phát đến nay số ca mắc khá cao và diễn tiến phức tạp, không hề thuyên giảm và gần 14 tháng kể từ năm 2023 (Tháng 7/2023 đến 7/2024), lực lượng cán bộ các trạm y tế xã (TYX), TTYT huyện, Trung tâm CDC tỉnh và Viện đã và đang dần “kiệt sức” về nhân lực, trang thiết bị, vật tư và nguồn kinh phí chi để phục vụ tốt chống dịch cũng như thực hiện chống dịch;

-Chúng ta đang áp dụng các phương thức cũ và truyền thống để chống dịch và xử lý dịch, tuy nhiên, đây là một hiện tượng chưa từng có trong tiền lệ, nên ngành y ế và chức năng nên có hướng tiếp cận mới và cải tiến hơn trong quản lý và khống chế dịch đối với loài P. malariae;

-Dân định cư thì có định canh thì không? Xu hướng này có ảnh hưởng đến sự dai dẳng của tình trạng sốt rét tại đây hay không? Cần hiểu thêm về tập quán sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số bản địa tại đây thường mắc sốt rét để kiểm soát và phòng bệnh tốt hơn?

-Danh sách dân đi rừng, ngủ rẫy cũng nên cập nhật liên tục dựa trên việc chuyển nghề nghiệp nghiệp và chuyển đi nơi khác. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mắc sốt rét không thuộc nhóm trong danh sách dân di biến động và đi rừng gần đây;

-Các biện pháp phòng chống vector hiện đang áp dụng không thể hiệu dụng khi áp dụng trên nhà rẫy và khu vực rừng. Do đó, nếu áp dụng chiến lược chỉ định điều trị thuôc trên nhóm đích hay nhóm nguy cơ cao (TDA-Targeted Drug Administration) cho các đối tượng nguy cơ cao sẽ giải quyết tốt, tăng độ bao phủ cao về phát hiện, chẩn đoán (nếu áp dụng TaTDA-Testing and Targeted Drug Administration) và điều trị và diệt luôn một số ổ chứa tồn lưu (residual foci) trong cộng đồng tiềm ẩn đó;

-Trên địa bàn cũng chưa có dữ liệu đánh giá hiệu lực của hóa chất diệt tồn lưu trên tường vách và tẩm hóa chất trên màn và bọc võng mà đang các hóa chất đó đang sử dụng trong các vùng bệnh lưu hành;

VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT PHÒNG CHỐNG DỊCH TRONG THỜI GIAN TỚI

-Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát theo Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn giám sát và PCSR và Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời theo Hướng dẫn Bộ Y tế QĐ số 3377/QĐ-BTY ngày 30/8/2023;

-Tăng cường công tác điều tra dịch tễ sốt rét, chú trọng vào các khu vực có nguy cơ cao, các thôn, buôn - nơi có bệnh nhân sốt rét cư trú/ nghi nhiễm, hay các ổ bệnh mới. Tổ chức sàng lọc, lấy lam máu nhuộm giêm sa/ test chẩn đoán nhanh (RDTs) tầm soát sốt rét cho các đối tượng nghi ngờ/ người có nguy cơ cao mắc sốt rét để phát hiện sớm, điều trị kịp thời;

-Chủ động xây dựng các kế hoạch phun, tẩm hóa chất phòng chống véc tơ sốt rét đợt II năm 2024, triển khai thực hiện khi có chỉ định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch PCSR năm 2024 đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch giao;

-Chỉ đạo các trạm y tế các xã:

+ Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021 "Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét" và Quyết định số 3377/QĐ-BYT ngày 30/8/2023 “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt rét” của Bộ Y tế;

+ Tiếp tục tăng cường hoạt động của các điểm KHV, lấy lam máu hoặc test chẩn đoán nhanh (RDTs) xét nghiệm cho tất cả trường hợp sốt rét và nghi ngờ sốt rét đến khám;

+ Tiếp tục tăng cường công tác giám sát địa bàn để phát hiện chủ động ca bệnh tại cộng đồng (đặc biệt tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như dân đi rừng, rẫy, dân đi khai thác lâm, khoáng sản, dân đi vào vùng sốt rét lưu hành) hàng tuần, hàng tháng;

+ Tiếp tục triển khai công tác cấp phát màn, võng bọc màn có tẩm hóa chất tồn lưu lâu theo số lượng phân bổ, đúng đối tượng do dự án RAI3E quy định. Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt chiến dịch tẩm màn phòng chống vector sốt rét theo chỉ tiêu kế hoạch được giao;

+ Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn lực lượng YTTB hàng tuần đi thăm hộ gia đình để quản lý dân di biến động, tuyên truyền và phát hiện ca bệnh tại cộng đồng. Tích cực tham gia phối hợp trong các đợt điều tra dịch tễ, chiến dịch tẩm màn, phun hóa chất tồn lưu phòng chống vector sốt rét;

+ Tiếp tục tham mưu cho UBND xã và phối hợp với các Ban, Ngành địa phương quản lý tốt dân di biến động, những người từ các địa phương khác đến, người dân địa phương thường xuyên đi vào rừng, rẫy và lấy lam máu XN định kỳ hoặc ngay sau đợt đi vào rừng rẫy trở về;

-Xem xét việc thực hiện điều trị toàn dân vùng có nguy cơ hoặc điều trị nhóm đối tượng nguy cơ cao theo khoản 1 và 2, mục V Điều trị mở rộng hay điều trị nhóm đối tượng nguy cơ cao theo Quyết định số 3377/QĐ-BTY ngày 30/8/2023 về Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị sốt rét khi đủ cơ sở khoa học và xem xét cán cân “lợi ích lớn hơn nguy cơ” cho toàn cộng đồng; Triển khai việc điều trị mở rộng hay điều trị nhóm đối tượng nguy cơ cao (MDA/TDA) khi được cho phép và có quyết định của Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa và có sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và nhân lực từ phía Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn;

-Cấp hỗ trợ đầy đủ cơ số thuốc theo Danh mục thuốc điều trị sốt rét theo QĐ số 3377/QĐ-BYT của Bộ Y tế gồm các thuốc tối thiểu Artesunate lọ, pyronaridine tetraphossphate-artesunate (Pyramax®), Choloroquine phosphate,Primaquine phosphate, Quinin sulfat 250 mg để đảm bảo công tác điều trị sốt rét tại địa phương;

-Tiếp tục phải đảm bảo các trang thiết bị cho xét nghiệm lam máu, test nhanh và các dụng cụ kèm theo phục vụ cho công tác lấy lam máu xét nghiệm tại cộng đồng. Đồng thời, tăng độ bao phủ chẩn đoán KHV, sửa chửa và thay thế phụ tụng nhanh cho các KHV tại các điểm kính khi có KHV bị hỏng một bộ phận nào đó. Đồng thời, hướng dẫn các CSYT vận hành, bảo quản KHV đúng và hợp lý để luôn đảm bảo có KHV hoạt động tốt phục vụ chẩn đoán;

-Tìm kiếm và huy động nguồn kinh phí trong nước và dự án Quốc tế để hỗ trợ in các poster truyền thông để dán tại các hộ gia đình, các bản pano lớn đặt tại các vị trí quan trọng để nâng cao hiệu quả các kênh truyền thông trong công tác phòng chống sốt rét. Cung cáp và hỗ trợ một số bộ loa truyền thông di động có đầy đủ trang thiết bị truyền thông như Loa, USB và nội dung về PCSR để thực hiện truyền thông trong các đợt điều tra dịch tễ, lấy lam xét nghiệm tìm KST sốt rét;

-Tìm nguồn và huy động nguồn kinh phí và hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, phòng chống vector và chẩn đoán điều trị cho đội ngũ y tế từ CDC tỉnh, TTYT huyện, TYT các xã, Y tế thôn bản trong việc tham gia giám sát, quản lý dân di biến động, lấy lam máu xét nghiệm và tư vấn về PCSR, truyền thông phòng chống sốt rét tại cộng đồng, tẩm màn, phun tồn lưu hóa chất, bổ sung thêm kem xua muỗi, cung cấp màn một đỉnh có tẩm hóa chất treo trong các nhà rẫy phù hợp cho việc phòng chống sốt rét trong môi trường thích hợp cho nhóm nguy cơ cao sống và làm việc trong thời gian ngắn có nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh cao nhất;

-Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và sốt rét nói riêng cần quan tâm đến an sinh, nguồn thực phẩm, thu nhập chính và mang tính bền vững của người dân tại khu vực cần can thiệp là vấn đề cần quan tâm của các cấp chính quyền địa phương.

 

Ngày 16/08/2024
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


Tin đáng chú ý
Thông điệp về Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day)
Ngày Sốt rét thế giới-Ngày Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (World malaria day – A day to make the world care)
 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích