|
Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn nghiệm thu cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ |
Nghiệm thu cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Kỹ thuật chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn tại cộng đồng hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và đề xuất biện pháp can thiệp 2005-2007
Trong vài năm gần đây bệnh sán lá gan lớn (SLGL) bùng phát trên diện rộng ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Để có cơ sở đề xuất biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa họccấp Bộ về bệnh SLGL, trong đó đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học sán lá gan lớn của hai tỉnh miền Trung-Việt Nam” đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ công nhận năm 2006 và “Kỹ thuật chẩn đoánbệnh sán lá gan lớn tại cộng đồng hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và đề xuất biện pháp can thiệp 2005-2007” được tiến hành nghiệm thu cơ sởngày 25/6/2007. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Kỹ thuật chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn tại cộng đồng hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và đề xuất biện pháp can thiệp 2005-2007” gồm 9 thành viên do TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng làm Chủ tịch Hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Liên Đoàn lao động tỉnh Bình Định, Lãnh đạo Sở Y tế Bình Định; đại diện Đảng ủy, Lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học, Trưởng/Phó khoa phòng và toàn thể cán bộ viên chức làm công tác nghiên cứuvà quản lý khoa học trong Viện. TS. Nguyễn Văn Chương-Phó Viện trưởng-Trưởng khoa ký sinh trùng-Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài. Mục tiêu đề tài nhằm phát hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh sán lá gan lớn ở người; ứng dụng một số kỹ thuật để chẩn đoán bệnh (ELISA, siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân) và thử nghiệm biện pháp can thiệp điều trị bằng thuốc đặc hiệu Triclabedazole. Sau hai năm thực hiện đề tài đã xác định: | TS. Nguyễn Văn Chương-Phó Viện trưởng- Trưởng khoa ký sinh trùng-Chủ nhiệm đề tài (đứng) báo cáo đề tài |
- Các triệu chứng và dấu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh SLGL ở người như đau tức vùng hạ sườn phải, thường đau lan ra sau lưng (77,42%); đau vùng thượng vị-mũi ức (64,52%); rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu (38,71%); ngứa, nổi mẩn (16,13%); sốt (15,47%); gan to (6,45%) và một số triệu chứng khác (25,80%).
- Các kỹ thuật dùng để chẩn đoán bệnh bao gồm kỹ thuật ELISA để tìm kháng thể SLGL trong huyết thanh bệnh nhân chiếm tỷ lệ phát hiện cao nhất (100%); kỹ thuật siêu âm chẩn đoán để phát hiện tổn thương do SLGL (87,86%); xét nghiệm công thức máu có tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng cao (24,19%); kỹ thuật ly tâm lắng cặn bằng Formalin ether hay nước cất có khả năng phát hiện trứng trong phân tốt hơn kỹ thuật Kato-Katz, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện không cao (4,47%) do sán lá gan lớn ít đẻ trứng trong phân.
- Thuốc Triclabendazol (Egaten 250 mg) viên nén 250mg uống với liều duy nhất 10 mg/kg có hiệu quả điều trị cao 98-100% hết các triệu chứng lâm sàng, 85-98% xét nghiệm ELISA âm tính, 85-96% siêu âm không thấy hình ảnh tổn thương gan sau 6 tháng điều trị. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp như đau tức hạ sườn phải, ngứa, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa giảm và mất hẳn sau khi được xử trí thông thường.
Qua nhận xét đánh giá của các phản biện và uỷ viên Hội đồng nghiệm thu,,đề tài đã được thực hiện đầy đủ các nội dung theo đề cương và mục tiêu nghiên cứu đề ra, các kết quả và số liệu nghiên cứu thu thậpcó tính chính xác,khoa học và lôgíc hợp lý. Đặc biệt đề tài được thực hiện đúng trong thời điểm bệnh sán lá gan lớn đang gia tăng và bùng pháp nên đã cung cấp cho Bộ Y tế các cơ sở khoa học để ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn” trong năm 2006.Hội đồng nghiệm thu cũng đặt ra nhiều câu hỏi để nhóm tác giả giải thích rõ hơn các kết quả nghiên cứu đã đạt được, đồng thời góp ý đề nghị tác giả sửa chữa một số chi tiết thực hiện và và bổ sung số liệu chuyên môn.Các đại biểu ngoài Hội đồng cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quí báu, giúp cho đề tài được hoàn thiện hơn. Sau đó Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín với 100% ý kiến thống nhất đạt và đề nghị được tiếp tục cho nghiệm thu cấp Bộ sau khi sửa chữa theo sự đóng góp của Hội đồng nghiệm thu cơ sơ, để kịp thời đưa đề tài vào ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
|