|
Theo báo cáo của UNDP, hiện có 2,4 tỷ người trên thế giới không được dùng nước sạch (ảnh sưu tầm) |
Nước uống đóng chai, đôi điều trăn trở
Nước uống đóng chai, đóng bình hiện nay đang tràn ngập trên thị trường với nhiều mẫu mã, nhãn mác khác nhau. Nước khoáng thiên nhiên, nước suối, nước tinh khiết đóng chai, đóng bình ... loạn cả lên làm cho người tiêu dùng khó phân biệt và nhầm lẫn các loại nước. Trong các mặt hàng này, có một số loại không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí bị nhiễm khuẩn, làm ảnh hưởng sức khoẻ cho người tiêu dùng. Nước uống đóng chai Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trên thị trường Việt Nam hiện nay, các loại nước uống đóng chai, đóng bình thực ra là loại nước thủy cục hoặc nước giếng khoan bình thường đã tinh lọc thành nước trơ, không còn một khoáng chất nào có lợi cho cơ thể con người. Nhiều khi nó còn kém hơn cả nước đun sôi để nguội nhưng vì được đóng bình, đóng chai đi kèm với lời quảng cáo bảo đảm vệ sinh vì được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, mang mẫu mác, nhãn mác đẹp ... làm cho người tiêu dùng cảm thấy an toàn khi mua để sử dụng. Hơn nữa không phải nhãn hiệu nước uống nào cũng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu vì trên thực tế nhiều cơ sở sản xuất tư nhân sản xuất nước bằng những dây chuyền thô sơ, mất vệ sinh, chưa được cơ quan chức năng kiểm định công nhận và cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nước ngầm ở tại một số thành phố hiện nay được lấy để sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình bị ô nhiễm khá nặng nề. Giá cả của các loại nước trên thị trường lại chệnh lệch nhau khá lớn, một bình nước tinh khiết 20 lít có loại giá 13.000 đồng, có loại chỉ 5.000 đồng. Một số loại nước lọc, nước tinh khiết bán ngang giá với loại nước khoáng thiên nhiên giá 18.000 đồng. Người tiêu dùng bị rối ren, khó phân biệt và dễ nhầm lẫn khi chọn để mua dùng. Người ta thường nói “tiền nào, của đó” thì các loại nước đóng chai, đóng bình cũng sẽ ở trong tình trạng này nên người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sử dụng do sự tiết kiệm và tham của rẻ. | Làm sao người dân biết được nước mình đang uống như thế nào? có đảm bảo sức khỏe hay không? (ảnh minh họa) | Đôi điều trăn trở
Tại thị trường Thừa Thiên Huế, theo Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình với 38 loại có mẫu mã, nhãn mác mang nhiều tên gần giống nhau như Wataman, Kynawa, Tamyco, Lavina, Jolivina, Mitawa ... Thanh tra Sở Y tế và Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế Dự phòng đã kiểm tra phát hiện một số cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như các loại nước mang nhãn hiệu Suối Tiên, Real, Thiên An, Tamyco, Nam Đông, Diamon Rain, Jolivina, AC, Trakhaco ... Có 3/5 cơ sở sản xuất đã được thông báo ngừng sản xuất nhưng vẫn cứ sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình mang các nhãn hiệu Wataman, Power thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tấn Lộc, Vifes thuộc Xí nghiệp Thành Lợi. Đặc biệt, không chỉ không ngừng hoạt động mà Xí nghiệp Thành Lợi còn phát triển thêm một nhãn hiệu mới là Number 1 với các loại nước đóng chai dung tích 1,5 lít và 0,5 lít. Với đôi điều trăn trở vì sức khoẻ của cộng đồng, mong rằng các cơ quan chức năng hãy cùng nhau phối hợp và vào cuộc để giải quyết vấn đề một cách kiên quyết, có hiệu quả trong vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn.
|