Thức ăn đường phố, thấy mà ghê !
Trong 5 tháng đầu năm 2009, Thanh tra Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã khảo sát 102 mẫu thức ăn ở quán ăn đường phố tại các phường phía Nam Sông Hương thuộc thành phố Huế ghi nhận tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm một số loại thức ăn đường phố đáng báo động, nó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Chỉ có 2% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thức ăn đường phố theo quy định của Bộ Y tế. Đặc điểm của thức ăn đường phố Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Thức ăn đường phố gồm các loại thức ăn, đồ uống được chế biến hay bán trên đường phố và nơi công cộng với mục đích dùng để ăn ngay hoặc ăn sau đó nhưng không có chế biến và xử lý tiếp”. Định nghĩa này không bao gồm các thức ăn chế biến sẵn được sản xuất bởi các dây chuyền công nghiệp. Hiện nay dịch vụ thức ăn đường phố đang phát triển mạnh ở các đô thị vì nó phục vụ khá phổ biến cho nhiều đối tượng có nhu cầu trong sinh hoạt. Dịch vụ thức ăn đường phố bao gồm nhiều loại hình khác nhau và có thể phân chia theo hình thức chế biến như chế biến trước từ nhà, chế biến tại chỗ theo địa điểm ở vỉa hè, trước của nhà, ngoài trời, trong chợ, bên lề đường giao thông, cạnh bãi rác ... hoặc cố định trong các nhà hàng, quán ăn hay không cố định, thay đổi địa điểm, bán hàng rong, trên các xe hàng, gánh hàng ... Thức ăn đường phố cũng được phân chia theo mục đích sử dụng như dùng để ăn ngay hoặc ăn sau đó, ăn trên đường đi hay mang về nhà ... Có thể nói rằng thức ăn đường phố thường kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng và cả cộng đồng. Ghê quá ! Thức ăn đường phố ! Theo Bs. Bạch Văn Linh, Thanh tra Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế; một số loại thức ăn ở quán ăn đường phố tại các phường phía Nam Sông Hương, thành phố Huế không đạt tiêu chuẩn vệ sinh chiếm tỷ lệ 69,6% . Trong số mẫu thức ăn được khảo sát không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, có 66,7% chế biến từ thịt; 80% chế biến từ cá; 70,8% ở trong rau sống; 66,7% ở các loại kem và 62,5% từ các loại ngũ cốc . Đặc biệt, thức ăn bị nhiễm vi khuẩn nhóm Coliforms chiếm 60,8%; nhóm Cl. perfringens chiếm 49% và nhóm E. coli chiếm 8,8%. Nhiễm 1 loại vi khuẩn chiếm 35,2%; nhiễm 2 loại vi khuẩn chiếm 56,3% và 3 loại vi khuẩn chiếm 8,5%. | Kiểm tra thức ăn đường phố: Nhiều bát đũa bẩn(Ảnh:vietnamnet.vn) | Mặc dù qua phỏng vấn kiến thức của nhân viên phục vụ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ghi nhận tỷ lệ hiểu biết về vệ sinh cơ sở chế biến thực phẩm khá cao như quy trình bếp một chiều, thùng rác có nắp đậy, hệ thống thoát nước kín, quán ăn cách nguồn ô nhiễm trên 50m, cơ sở thoáng mát, nước cho khách rửa tay ... Sự hiểu biết về vệ sinh dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn cũng chiếm tỷ lệ lớn như có dụng cụ riêng dùng cho thực phẩm chín và sống, thức ăn bày bán được che đậy, tủ bày bán thức ăn cao hơn mặt đất 60cm, bát đĩa được rửa nhiều lần và có chậu riêng biệt ... Tuy vậy trên thực tế, kiến thức, thái độ thường không đi cùng với hành vi thực hành. Biết mà không làm là vấn đề đời thường của xã hội hiện nay.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát các quán ăn đường phố nhận thấy chỉ 16,7% cơ sở có quy trình bếp một chiều và thùng rác có nắp đậy; 53,9% cơ sở có hệ thống thoát nước kín, không ứ đọng nước; 58,8% cơ sở cách nguồn ô nhiễm trên 50m; 39,2% cơ sở có nhà cửa kiên cố, thoáng mát tự nhiên và 65,7% cơ sở có đủ nước cho khách rửa tay. Tương tự như vậy, 57,8% cơ sở có tủ bày bán thức ăn cao hơn mặt đất 60cm; 35,3% cơ sở có phương tiện bảo quản thức ăn và chỉ có 8,8% cơ sở có đủ 3 chậu rửa chén bát riêng biệt. Phần lớn các quán ăn sử dụng nguồn nước trong bể chứa, xô chứa với tỷ lệ cao 73,5%. | Hạn chế sử dụng thức ăn đường phố là một trong những cách phòng bệnh tiêu chảy và bệnh tả. Ảnh: Hoàng Hà-Ngoisao.net | Một vấn đề cần quan tâm là mặc dù 70,6% nhân viên quán ăn được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng hành vi vệ sinh cá nhân của người chế biến thức ăn và phục vụ quán ăn chưa được coi trọng như chỉ có 12,7% sử dụng tạp dề; 2% sử dụng mũ vệ sinh, khẩu trang và 2% nhân viên có bàn tay của bị trầy xước. Đặc biệt có 39,2% nhân viên đeo nhẫn tay; 92,2% nữ nhân viên để móng tay dài và 15,7% có rửa tay trước khi tiếp xúc với thực ăn chín. Số nhân viên quán ăn được khám sức khỏe định kỳ chỉ chiếm tỷ lệ 40,2%.
Giải pháp khắc phục Theo thống kê, hiện nay ở nước ta có trên 70% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình và cá thể. Dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến và đáp ứng một lượng nhu cầu rất lớn của cộng đồng. Một nghiên cứu tại Hà Nội ghi nhận tỷ lệ 90,8% người ăn sáng ngoài gia đình; 81,5% người ăn trưa ngoài gia đình và 17,7% người ăn tối ngoài gia đình. Tại thành phố Huế, tỷ lệ này có thể thấp hơn nhưng cơ sở quán ăn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thức ăn đường phố theo quy định của Bộ Y tế với tỷ lệ không cao, chỉ đạt 2%, nên đây là một vấn đề đáng lo ngại. Khi ăn ngoài gia đình, người ăn phần lớn sử dụng các dịch vụ thức ăn đường phố nên việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bị hạn chế, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước thực trạng tình hình báo động, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hành vệ sinh, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên phục vụ các nhà hàng, quán ăn; đặc biệt là quán ăn đường phố. Đồng thời cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt một cách thường xuyên, nghiêm túc đối với các cơ sở quán ăn đường phố vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
|