|
(ảnh sưu tầm) |
Ăn ngoài gia đình và nguy cơ nhiễm mầm bệnh
Quán hàng ăn đường phố hiện nay đang phát triển mạnh để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của nhiều người ở các địa phương khác nhau. Một nghiên cứu của Học Viện Quân y trong thời gian từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2009 đã thông báo tình hình về tập quán chế biến, kinh doanh thực phẩm và nguy cơ nhiễm mần bệnh có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay ở nước ta có khoảng trên 70% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, chủ yếu với quy mô hộ gia đình vá cá thể. Dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến và đáp ứng một lượng rất lớn của cộng đồng. Nghiên cứu tại thành phố Hà Nội cho thấy có 90,8% người ăn sáng ngoài gia đình; 81,5% người ăn trưa ngoài gia đình và 17,7% ăn tối ngoài gia đình. Vì vậy nguy cơ bị nhiễm mầm bệnh là khả năng có thể xảy ra nếu việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm không được chú ý, đặc biệt đối với những cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đã chế biến sẵn. Vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường, vệ sinh chế biến ở các cơ sở dịch vụ thực phẩm không bảo đảm vệ sinh cũng là yếu tố nguy cơ đe dọa ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm mầm bệnh sinh học và ký sinh trùng vào thực phẩm. | Tại gia đình trong khung cảnh sống quen thuộc, gần gũi, với cách nấu ăn, món ăn quen thuộc và hợp vệ sinh lại tạo nên sự ấm cúng đặc biệt (ảnh sưu tầm) |
Ngoài ra, một điều cũng cần được quan tâm qua kết quả kiểm tra vệ sinh của các nhân viên làm dịch vụ thực phẩm ghi nhận có tỷ lệ 67,3% bốc thức ăn bằng tay; 46,1% không rửa tay; 22,5% để móng tay dài và 26,7% nhổ nước bọt, xỉ mũi khi chia thức ăn. Sự mất vệ sinh này có thể là yếu tố nguy cơ làm nhiễm mầm bệnh cho người tiêu dùng. Học Viện Quân y đã nghiên cứu ở 1.500 người làm dịch vụ kinh doanh thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy tình trạng thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt; đặc biệt vệ sinh bàn tay của nhân viên chế biến thực phẩm còn rất kém. Cũng qua kết quả khảo sát tại 150 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cho thấy các nhóm thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật nhiều nhất là thịt lợn đã qua chế biến, nước đá và các loại rau sống. Tỷ lệ này không có sự khác biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị. Sự ô nhiễm vi khuẩn loại Coliforms, E. coli ở thực phẩm đã phản ánh tình trạng vệ sinh nguồn nước, vệ sinh cá nhân của nhân viên chế biến thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh chưa tốt. Ngoài nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật, nếu quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm sau chế biến không bảo đảm vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm gây bệnh. Với các thông tin được ghi nhận từ kết quả nghiên cứu, mọi người hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và người thân trong gia đình bằng những giải pháp phù hợp. Nguy cơ bị nhiễm mầm bệnh là vấn đề có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu ăn uống ở các quán hàng ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
|