Điểm tin vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới và Việt Nam
Độc dược trong nhiều loại nước giải khát Trung Quốc; Liên quan vụ độc dược trong nước giải khát Trung Quốc, nhiều thông tin tiếp theo; Trung Quốc lại nóng về vấn đề an toàn thực phẩm; Trung Quốc: Phát hiện 26 tấn sữa nhiễm melamine dùng làm kem, bánh ; Thực phẩm nhiễm độc hoành hành tại Đức, Đài Loan; Đức: 270 người trúng độc vì dưa chuột nhiễm khuẩn; Đức cảnh báo ngộ độc thực phẩm do Salad; Châu Âu hoảng vì dưa chuột độc; Châu Á: Nóng vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể ;Ra mắt Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm Độc dược trong nhiều loại nước giải khát Trung Quốc
Đài Loan vừa phát hiện một công ty sản xuất chất tạo đục dùng trong thực phẩm và đồ uống có sử dụng hóa chất DEHP rất độc hại cho sức khỏe, thậm chí gây ung thư. Công ty Dục Thân do Lại Tuấn Kiệt làm chủ, là nơi sản xuất chất tạo đục làm phụ gia trong sản xuất đồ uống và thực phẩm lớn nhất Đài Loan, chuyên cung cấp cho ít nhất 45 cơ sở sản xuất đồ uống, sữa... và cả các công ty nghiên cứu sinh học, các xưởng thuốc để sản xuất thực phẩm chức năng ở Đài Loan. Theo cơ quan điều tra, cơ sở này đã sử dụng trái phép hóa chất độc hại DEHP vào quá trình sản xuất phụ gia chất tạo đục suốt 30 năm qua với số lượng rất lớn, cung cấp hàng sang cả Trung Quốc đại lục và nhiều nước khác, trong đó có cả VN. DEHP (tên gốc: Di-(2-ethylhexylPhthalate, còn được gọi là DOP) là một dạng dịch thể không màu không mùi, không dễ hòa tan với nước nhưng dễ hòa tan với ethylether, ethanol, dầu mỏ... Chất này được sử dụng với mục đích chóng tạo hình, đã bị Đài Loan xếp vào nhóm độc dược thứ 4 (là loại độc dược gây ô nhiễm môi trường và gây hại tới sức khỏe con người), nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm. DEHP gây kích thích hormone của con người, gây hại tới năng lực sinh dục của nam giới, khiến lượng tinh trùng bị sụt giảm nghiêm trọng, hình dáng biến dạng và di chuyển chậm chạp...; kích thích nữ giới phát triển tính dục sớm, trẻ từ 2-8 tuổi cũng có khả năng có kinh nguyệt... Cục Quản lý an toàn thực phẩm quốc gia (QLATTPQG) Trung Quốc cho biết người lớn mỗi ngày chỉ cần uống 500 cc đồ uống có hàm lượng DEHP chiếm 30 ppm trở lên đã vượt chuẩn cho phép đến 2 lần. Trong khi đó, nhiều sản phẩm sử dụng chất tạo đục của Dục Thân có hàm lượng DEHP đến trên 34 ppm... 30 năm tung hoành thị trường Sự việc trên chỉ bị phát hiện từ tháng 4.2011, khi một cơ quan y tế Đài Loan tiến hành kiểm tra và phát hiện thấy một loại bột probiotics do Công ty Khang Phúc sản xuất không hề được gửi tới Cục QLATTPQG để kiểm nghiệm.Chuyên viên kiểm định phát hiện trong chất bột này có chứa DEHP với hàm lượng rất cao, tới 600 ppm. Điều tra ban đầu phát hiện Công ty TNHH nguyên liệu thực phẩm Kagawa là đơn vị cung cấp hàng bán buôn cho Công ty Khang Phúc. Sau khi phối hợp điều tra với phía đại lục, họ phát hiện thấy Công ty Dục Thân là đơn vị sản xuất hóa chất tạo đục có DEHP và khoảng 30 đơn vị sản xuất, cung ứng ở cả Đài Loan, Trung Quốc dính líu tới việc giúp Dục Thân tiêu thụ sản phẩm rộng rãi ra bên ngoài. Theo kết luận của Cục QLATTPQG Trung Quốc, hiện đã có tới hơn 50 loại đồ uống có chứa DEHP. Các cơ quan hữu quan hiện vẫn đang điều tra các loại nước trái cây, mứt hoa quả, bột trái cây, bột yogurt, các loại kẹo que ngậm có chứa sữa lên men (lactic acid)... Ước tính, phạm vi bị ảnh hưởng rất rộng lớn và chưa từng có từ trước tới nay. Hiện Lại Tuấn Kiệt đã bị bắt giam. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 18 tấn nước ép hoa quả, mứt, bột trái cây, bột yogurt... của Công ty Dục Thân và gần 460.000 chai nước uống tăng lực, tiêu hủy hơn 130.000 hộp probiotics, hơn 200 kg kẹo bị nhiễm DEHP. Lại Tuấn Kiệt, 57 tuổi, thừa nhận việc sử dụng DEHP vào sản xuất chất hóa đục suốt 30 năm qua với lượng cung cấp nguyên liệu rất rộng rãi khắp Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và cả Việt Nam. Liên quan vụ độc dược trong nước giải khát Trung Quốc, nhiều thông tin tiếp theo 50 loại đồ uống, thực phẩm bị nhiễm DEHP 16 loại đồ uống tăng lực Duyệt Thị, Taiwan Yes... (có nồng độ DEHP từ 2,4-34.1 ppm); nhiều loại đồ uống dạng gói pha nước; đồ uống đóng chai như nước ổi, nước táo, nước lựu, nước mãng cầu, nước chanh Sun Kist...; nhiều loại thạch, bột trái cây, kẹo các loại... Chưa phát hiện tại Việt Nam Chiều qua, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, sau khi rà soát thông tin, chưa phát hiện ra doanh nghiệp nào nhập sản phẩm chất tạo đục có chứa DEHP của Công ty Dục Thân. Phóng viên Thanh Niên đã trực tiếp khảo sát một số khu vực bày bán các loại hàng khô trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, phố bánh kẹo Hàng Buồm... cũng chưa phát hiện. Riêng tại phố bánh kẹo Hàng Buồm, một tiểu thương cho biết trước đây “có nhập vài bao chất tạo đục dạng bột từ Trung Quốc về bán thử nhưng không có khách lẻ hỏi mua”. Trên mạng internet chúng tôi phát hiện một công ty chuyên cung cấp các hương liệu, phụ gia thực phẩm và gia vị, có trụ sở tại Hà Nội rao bán chất này nhưng không phải sản phẩm của Công ty Dục Thân ở Đài Loan mà có xuất xứ từ Trung Quốc và Ý. Nhân viên phòng kinh doanh của công ty này cho hay, loại chất tạo đục dạng sệt lỏng mang tên Titanium, trên bao bì có ghi Shanghai Jianghu Titamium Chemical Manufacture, loại thùng 25 kg có giá 170.000 đồng/kg. Mặt hàng này hiện đang hết hàng, chỉ còn dạng bột giá 80.000 đồng/kg có nguồn gốc từ Ý. Cũng theo lời nhân viên này, chất tạo đục thường không bán cho các khách lẻ mà chủ yếu bán cho các công ty, nhà máy và các cơ sở chế biến thạch, nước giải khát hoa quả...Đối với mặt hàng đồ uống giải khát, chúng tôi cũng chưa phát hiện các loại nước tăng lực, nước chanh, đồ uống dạng gói pha... nằm trong danh sách 50 loại đồ uống có chất tạo đục chứa DEHP mà báo chí nước ngoài công bố. Theo những người bán hàng, riêng về đồ uống, người VN chỉ chuộng một số loại nước giải khát đã có thương hiệu trong nước. Trung Quốc lại nóng về vấn đề an toàn thực phẩm Mặc dù đã cam kết "làm sạch" ngành chế biến thực phẩm trong nước, song vài tuần gần đây Trung Quốc vẫn tiếp tục phát hiện thêm nhiều vụ thực phẩm nhiễm độc. Một làn sóng các vụ bê bối về thực phẩm nhiễm độc lại hâm nóng lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung Quốc cho dù chính phủ nước này cam kết "làm sạch" ngành chế biến thực phẩm trong nước sau vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất công nghiệp melamine hồi năm 2008 khiến sáu trẻ tử vong và 300.000 em khác phải nhập viện. Các vụ phát hiện thịt lợn, sữa và các loại thực phẩm nhiễm độc khác trong vài tuần gần đây khiến người tiêu dùng Trung Quốc lo lắng và cho thấy sự thiếu khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh đối với ngành chế biến thực phẩm khổng lồ của nước này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết những vụ ngộ độc liên quan đến an toàn thực phẩm đã vén bức màn che phủ tình trạng làm ăn chụp giật và đạo đức xuống cấp. Theo ông Bao Chengsheng, giáo sư ở Đại học Khoa học chính trị và Luật pháp Thượng Hải, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên và một trong số đó là hệ thống pháp luật của Trung Quốc không hoàn thiện với rất nhiều quy định không rõ ràng gây ra những lỗ hổng pháp lý. Trước tình trạng an toàn thực phẩm luôn là một lo ngại hàng đầu, Trung Quốc đã thông qua Luật An toàn thực phẩm 2009. Tuy vậy, những vụ bê bối gần đây đã khiến Bộ Y tế Trung Quốc ngày 25/4 phải công bố danh sách 151 chất phụ gia cấm sử dụng. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết đưa ra các luật an toàn thực phẩm mới trong năm 2011, một sự thừa nhận rõ ràng về thất bại của Luật An toàn thực phẩm 2009 và các quy định khác về vấn đề này Trung Quốc: Phát hiện 26 tấn sữa nhiễm melamine dùng làm kem, bánh Cảnh sát Trùng Khánh (Trung Quốc) vừa phát hiện 26 tấn sữa bẩn không nguồn gốc được dùng để sản xuất kem và bánh ngọt tại 1 công ty. Theo đánh giá ban đầu, các sản phẩm này có thể gây bệnh sỏi đường tiết niệu. Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, ngày 26/4, sau khi nhận được nguồn tin báo về việc công ty TNHH Thực Phẩm Cát Hỷ Đạt đã dùng một số lượng lớn sữa nhiễm melamine vào việc chế biến kem và bánh ngọt để tiêu thụ trên thị trường. Qua điều tra, cảnh sát Trùng Khánh đã phát hiện hàm lượng chất melamine có trong 26 tấn sữa bẩn trên khi đưa vào sản xuất có thể gây hại rất lớn cho thận (sỏi đường tiết niệu) của người sử dụng sản phẩm, nhất là các trẻ em. Cảnh sát Trùng Khánh tiếp tục cuộc điều tra nguồn gốc của số sữa bẩn trên và phát hiện ra rằng: Tháng 10/2009, một công ty chuyên cung cấp sữa có tên Uy Lực Tư ở Khu tự trị Nội Mông đã vận chuyển hơn 3.000 tấn sữa không được kiểm định để bán cho một công ty Thương mại có tên Bát Kỳ ở Quảng Tây. Số sữa trên được đóng vào các túi nhỏ, không ghi rõ ngày sản xuất, nơi sản xuất và tên sữa. Khi số sữa trên bị vón cục, không đảm bảo chất lượng, sữa bẩn này lại được tiêu thụ vào thị trường Hà Nam và cuối cùng được bán giá rẻ cho công ty TNHH Thực Phẩm Cát Hỷ Đạt để sản xuất kem và bánh ngọt tiêu thụ trên thị trường từ tháng 3/2011. Được biết, số lượng sữa nhiễm melamine được Uy Lực Tư ở Khu tự trị Nội Mông bán ra với giá rất rẻ, khoảng 22.000 NDT/ tấn (khoảng 66 triệu đồng), thấp hơn các loại sữa khác ngoài thị trường tới gần 10.000 NDT/ tấn. Hiện nay, người đứng đầu các công ty tiêu thụ số lượng sữa bẩn trên đều đã bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra sắp tới. Sau vụ phát hiện sữa bẩn với số lượng lớn như trên, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi và mở rộng các đoàn kiểm tra về tình hình sản xuất sữa bột trong nước. Thực phẩm nhiễm độc hoành hành tại Đức, Đài LoanDưa chuột nhiễm khuẩn E. coli khiến mười người chết tại Đức. Dưa chuột nhiễm khuẩn E. coli khiến mười người chết tại Đức. Trong khi đó, Đài Loan tăng cường kiểm tra thức uống có chất phthalate (DEHP) - hóa chất tạo độ dẻo sử dụng trong ngành nhựa, có thể gây ung thư, phá vỡ tuyến nội tiết và làm thay đổi lượng hormon trong cơ thể. Dưa chuột nhiễm khuẩn E. coli Dưa chuột nhiễm khuẩn E. coli khiến mười người chết, hàng trăm người xuất hiện hội chứng tan huyết urê huyết (HUS) tại Đức, phần lớn trường hợp xảy ra tại Hamburg. Quan chức y tế Đức ngày 29-5 cho biết dịch bệnh lây lan từ một số dưa chuột tươi nhiễm khuẩn E. coli nhập khẩu từ Tây Ban Nha. Các quan chức trên cũng cho biết Séc, Áo, Hungary và Luxembourg có khả năng nhập khẩu dưa chuột nhiễm E. coli. Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu tại Thụy Điển nói dịch bệnh lần này là một trong những dịch lớn nhất toàn cầu của hội chứng tan huyết urê huyết. Các chuyên gia của trung tâm chỉ ra HUS thường xảy ra ở trẻ em dưới năm tuổi, trong khi gần 90% nạn nhân của dịch bệnh lần này là người lớn - trong đó tỷ lệ phụ nữ chiếm gần 70%. | Dưa chuột được bày bán tại Hamburg ngày 26-5 - Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan cũng phát hiện các trường hợp bị hội chứng tan huyết urê huyết. Hiện nay, lô dưa chuột nhiễm khuẩn E. coli không rõ đang ở tại Tây Ban Nha hay đang trong quá trình vận chuyển sang các nước. Tây Ban Nha đang tiến hành điều tra hai nhà xuất khẩu địa phương có khả năng xuất khẩu số dưa chuột nhiễm E. coli. Đài Loan tăng cường kiểm tra thức uống và thực phẩm nhiễm độc Trong khi đó, Đài Loan tăng cường kiểm tra thức uống có chất phthalate (DEHP) - hóa chất tạo độ dẻo sử dụng trong ngành nhựa, có thể gây ung thư, phá vỡ tuyến nội tiết và làm thay đổi lượng hormon trong cơ thể - trong thức uống thể thao, các loại nước ép trái cây, bánh pudding xoài, thạch khoai môn, bột hoa quả, sữa bột… của nhiều nhà sản xuất lớn tại Đài Loan. Vài ngày qua, Đài Loan phát hiện thực phẩm có chứa chất DEHP ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa xác định được phạm vi ảnh hưởng rộng như thế nào. Nhà chức trách Đài Loan cam kết sẽ trung thực và công khai đối mặt với việc này; đồng thời quy định nhà sản xuất thức uống và thực phẩm cần chủ động chứng minh sản phẩm không chứa chất DEHP mới được mang ra tiêu thụ trên thị trường. Hiện nay, thực phẩm hoặc nguyên liệu thực phẩm có chứa chất DEHP đã xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Trung Đông và các nước Đông Nam Á. Đức: 270 người trúng độc vì dưa chuột nhiễm khuẩn Ngày 26-5, Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo 2 người đã thiệt mạng và ít nhất 270 người khác bị trúng độc tại Đức do vi khuẩn E.Coli nghi ngờ có trong một loại dưa chuột nhập khẩu từ Tây Ban Nha. Dưa chuột được bày bán tại Hamburg ngày 26-5 - Ảnh: Reuters Reuters cho biết ECDC đã ghi nhận hơn 200 trường hợp nhiễm chứng tăng ure huyết - huyết khó đông (HUS) do vi khuẩn E.Coli gây ra. Nhiều quốc gia khác cũng thông báo một số trường hợp nhiễm HUS như Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Hà Lan. HUS là hội chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến chứng suy thận cấp, tai biến ngập máu, đột quỵ và hôn mê. Cả hai trường hợp tử vong đều là phụ nữ. Nhà chức trách Đức tin rằng các loại thực phẩm như cà chua, dưa chuột và rau diếp là nguồn gốc của vi khuẩn, trong đó dưa chuột đang là nghi vấn hàng đầu. Các kết quả từ Viện Nghiên cứu vệ sinh và môi trường Hamburg cho thấy 3 trong 4 mẫu dưa chuột nhập khẩu từ Tây Ban Nha bị nhiễm khuẩn. Mỗi năm Đức nhập khẩu 182.000 tấn dưa chuột từ Tây Ban Nha. Nhà chức trách Đức đã yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng các sản phẩm rau quả bị nghi nhiễm khuẩn.Trong khi đó Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo xác định được hai công ty tại Andalucia có liên quan, và hiện đã thu hồi các sản phẩm có tiếp xúc với lô hàng nhiễm độc. Các chuyên gia y tế châu Âu cũng đang điều tra hai trang trại ở tỉnh Almeria và tỉnh Malaga thuộc miền nam Tây Ban Nha, bị tình nghi là nơi xuất xứ của vi khuẩn E.Coli sang Đức; đồng thời cũng kiểm tra nguồn gốc của lô dưa chuột nghi nhiễm khuẩn E.Coli thứ ba được bán ở Đức, có thể là từ Hà Lan hoặc Đan Mạch. Đây là vụ bê bối thực phẩm thứ hai tại Đức, sau vụ phát hiện dioxin trong trứng và thịt heo hồi tháng 1 năm nay. Đức cảnh báo ngộ độc thực phẩm do SaladĐức cảnh báo người tiêu dùng đặc biệt thận trọng khi sử dụng cà chua, rau diếp và dưa chuột vì các thực phẩm này hiện được cho là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến 3 người tử vong. Các kết quả ban đầu từ Viện Robert Koch cho thấy khả năng nhiễm vi khuẩn enterohaemorrhagic E. coli (EHEC) là do ăn cà chua sống, dưa chuột và rau sống.Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Đức kêu gọi mọi người rửa rau cẩn thận, đặc biệt là các loại rau có nguồn gốc ở miền bắc nước Đức, nơi mà hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm được báo cáo trong trong nửa tháng qua. Các quan chức y tế cho biết 140 người đã bị ốm nặng do hội chứng urê huyết - tán huyết (HUS) mà vi khuẩn EHEC là nguyên nhân gây bệnh, trong đó có ít nhất 3 người tử vong và hàng trăm trường hợp khác nghi ngờ mắc bệnh. Họ cũng cho rằng số trường hợp mắc bệnh là bất thường vì mỗi năm chỉ có khoảng 1.000 ca nhiễm EHEC và 60 ca mắc HUS. Trẻ em thường là đối tượng có nguy cơ cao, song trong dịch bệnh gần đây nhất thì đối tượng mắc bệnh chủ yếu là phụ nữ. Bệnh có thể gây suy thận cấp, động kinh, đột quỵ và hôn mê. Châu Âu hoảng vì dưa chuột độcNỗi sợ hãi về dưa chuột nhiễm khuẩn E.coli đã vượt khỏi biên giới nước Đức và lan tới nhiều nước châu Âu. Các nhà chức trách ở Cộng hòa Séc và Áo vừa quyết định đưa một số dưa chuột xuất xứ từ Tây Ban Nha ra khỏi các kệ hàng do lo sợ chúng nhiễm E.coli. Động thái này được đưa ra sau khi có tới ít nhất 10 trường hợp tử vong ở Đức do ăn phải dưa chuột nhiễm khuẩn. Số dưa chuột này, được nhập khẩu từ Tây Ban Nha và nhiễm khuẩn E.coli, đã khiến nhiều người bị hội chứng urê huyết – tán huyết (HUS). Hàng trăm người được cho là đã ngã bệnh. Theo các quan chức Cộng hòa Séc, dưa chuột bị nhiễm khuẩn có thể đã được xuất sang Hungary và Luxembourg. Cơ quan Y tế và An toàn thực phẩm Áo cho hay, một số khoai tây và cà tím cũng nằm trong lệnh cấm của nước này. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu nói hai khu nhà kính ở Tây Ban Nha được xác định là khởi nguồn vụ việc đã ngưng mọi hoạt động. Các nhà chức trách đang tiến hành điều tra hai nơi này để xem liệu tình trạng nhiễm bẩn là ở đó hay ở nơi khác. Hội chứng HUS, do vi khuẩn E.coli gây ra, có thể dẫn đến các chứng bệnh như suy thận cấp, tai biến ngập máu, đột quỵ và hôn mê.Hầu hết các trường hợp tử vong vì ăn dưa chuột nhiễm E.coli tập trung ở khu vực xung quanh Hamburg. Đức. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu, trụ sở ở Thụy Điển, đánh giá đây là vụ nhiễm HUS lớn nhất trên toàn thế giới. "Trong khi các trường hợp HUS thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thì vụ này có tới 87% là người lớn, với phụ nữ chiếm đa số (68%)", trung tâm này cho hay. Các ca HUS cũng được thông báo xuất hiện ở Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và Anh, liên quan tới những người từ Đức trở về. Helge Karch, một nhà khoa học thuộc trường Đại học Munster, cảnh báo dịch bệnh chưa kết thúc và có thể lây lan thứ cấp từ người này sang người khác Châu Á: Nóng vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm Trong khi một số mặt hàng nhập khẩu độc hại từ Trung Quốc đang gây sốc tại nhiều nước phương Tây, thì vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên nóng bỏng tại nhiều nước châu Á, nơi mà việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo và những trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm không còn là chuyện bất thường Thời tiết nóng, thiếu hệ thống trữ lạnh và nhu cầu cao đối với thức ăn đường phố rẻ tiền là những yếu tố khiến nhiều người bán hàng và nhà sản xuất ở châu Á tìm ra những cách ít tốn kém - và thường là nguy hiểm - để bảo quản thực phẩm. Nhìn chung hàng xuất khẩu thường là hàng có chất lượng tốt, vì các doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định nếu họ muốn bán được hàng. Nhưng trong thị trường nội địa, hàng kém chất lượng và hàng giả vẫn nhan nhản khắp nơi, trong đó có cả những sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn. Chẳng hạn như Formaldehyde, một chất từ lâu được dùng để kéo dài thời hạn sử dụng của bánh hủ tiếu, bánh phở... ở một số nước châu Á, dù nhiều người biết rằng chất này có thể gây những thương tổn cho gan, thận và thần kinh. Chất này, được tìm thấy vài năm trước đây ở 7 trong số 10 cơ sở sản xuất bán phở ở Hà Nội. Borax, một hóa chất được dùng trong sản xuất công nghiệp, cũng được sử dụng rất thường trong bảo quản cá và thịt ở Indonesia và những nước khác. Nông dân tại niều nước châu Á thường bảo quản các loại nông sản bằng những loại thuốc trừ sâu bị cấm, chẳng hạn như DDT. Ông Gerald Moy, chuyên gia an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, phát biểu: "Nhiều người đã làm như thế nhằm để kiếm tiền, đồng thời, nếu họ quá ngu dốt và tham lam thì đó là một sự kết hợp rất tệ hại. Đó là một hành động rồ dại". Chất lượng thực phẩm châu Á đang được kiểm tra rất nghiêm ngặt sau khi một số chất độc hại được khám phá trong một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Gluten lúa mì nhiễm hóa chất công nghiệp melamine xuất khẩu từ nước này bị cáo buộc đã gây ra cái chết hoặc bệnh tật cho hàng ngàn con chó và mèo ở Bắc Mỹ. Cá có chứa chất độc tương tự như trong cá nóc, lươn đông lạnh bị tẩm hóa chất cấm, và nước trái cây ép có pha phẩm màu công nghiệp là những thí dụ trong số rất nhiều sản phẩm độc hại xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua. Diethylene glycol, một hóa chất công nghiệp có vị ngọt, đã được nhập khẩu vào Trung Quốc và được trộn vào trong thuốc ho dạng si-rô và các dược phẩm khác. Chất này bị cho là nguyên nhân gây tử vong cho ít nhất 51 người ở Panama. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã ngưng nhập khẩu tất cả các loại kem đánh răng do Trung Quốc sản xuất để giám định, sau khi có các báo cáo về việc diethylene glycol cũng được phát hiện trong kem đánh răng đang được tiêu thụ ở Úc, Dominican và Panama. Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ đáng báo động đối với Trung Quốc. Ngoài nước này, ở những nước khác, kem và kẹo có chứa thuốc nhuộm công nghiệp được dùng trong ngành may mặc đã được phát hiện tại những hàng quán trước cổng trường, và nông dân đã ngâm trái cây trong thuốc diệt cỏ - để làm chúng bóng láng - một ngày trước khi mang hàng ra chợ. Tại Ấn Độ, thuốc trừ sâu đã làm cho mạch nước ngầm và nông sản bị nhiễm độc. Hai hãng nước giải khát Coca Cola và Pepsi đang tranh chấp với một nhóm hoạt động môi trường ở Ấn Độ về việc nhóm này cho rằng họ đã phát hiện hàm lượng thuốc trừ sâu ở mức không thể chấp nhận được trong sản phẩm của 2 hãng này. Thức ăn đường phố cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hàng triệu người đang ăn mọi thức ăn từ gà nướng cho đến cháo ở những sạp hàng, gánh hàng không bảo đảm vệ sinh. Những chất bảo quản không an toàn được bỏ vào trong thực phẩm và người bán thường sử dụng dầu ăn và nguyên liệu thuộc loại rẻ mạt. Nhưng những thức ăn đó lại được chế biến rất ngon miệng, nóng sốt và rẻ tiền - những yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng - bất chấp những mối lo ngại về sức khỏe tại những nước mà nhiều người dân đang sống chỉ với 2 USD một ngày. Ông Alex Hillebrand, cố vấn an toàn thực phẩm và hóa chất của Văn phòng khu vực New Delhi của WHO, nói: "Mong muốn có được chất lượng thực phẩm cao là một điều xa xỉ đối với những người dân nghèo khổ". Theo WHO, một số nước, như Thái Lan, đang cố gắng cải thiện an toàn thực phẩm trong nước. Tại thủ đô Bangkok nhộn nhịp - nơi mà người ta có thể nhìn thấy những cái nồi và chảo sôi sùng sục tại những bếp ăn dã chiến "mọc lên" ngay trên lề đường - các chợ đã được trang bị những phương tiện thử nghiệm có khả năng phát hiện đến 22 chất độc hại. Không ai có thể đánh giá được qui mô của tình trạng thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại ở châu Á cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng. Ông Peter Sousa Hoejskov, chuyên gia về chất lượng và an toàn thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc ở Thái Lan, phát biểu: "Có thể là bạn chỉ ăn một món nào đó hôm nay, nhưng bạn không thể thấy được bất cứ ảnh hưởng nào của nó trong 10 năm sau. Một số thực phẩm gây ra những tác hại về lâu dài đối với sức khỏe, và cũng có những thực phẩm gây ra những hậu quả tức thời". Trung Quốc đã phải đối mặt với sự phẫn nộ của dân chúng trong những năm gần đây. Rượu Whiskey có chứa methanol bị xem là nguyên nhân gây ra cái chết cho ít nhất 11 người ở tỉnh Guangzhou. Ở Thượng Hải, báo chí địa phương đã phanh phui việc sản xuất đậu hũ giả từ thạch cao, vôi màu và tinh bột. Gần đây, ít nhất có hàng chục em bé Trung Quốc đã tử vong và hơn 200 trẻ em khác ngã bệnh với những triệu chứng suy dinh dưỡng sau khi sử dụng những thức uống có rất ít chất bổ dưỡng cần thiết. Trong một trường hợp khác, mỡ heo bị phát hiện có chứa chất bẩn, thuốc trừ sâu và dầu công nghiệp tái sinh. Tại Việt Nam, những tin tức dồn dập về việc thực phẩm Trung Quốc có chứa chất độc hại đã gây chấn động trong dư luận, khiến nhiều người đã phải thay đổi tập quán ăn uống. Họ đã tránh dùng những thực phẩm rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất, cũng như chấp nhận giá cao (lên đến 2 USD) để ăn phở tại những nhà hàng máy lạnh mà họ nghĩ rằng bánh phở ở đó không có chứa formaldehyde hay borax. Hãng tin AP dẫn lời một phụ nữ Việt Nam - chị Dương Thúy Quỳnh, 31 tuổi - cho biết chị đang chuyển sang ăn phở bò bởi vì lo ngại trước bệnh cúm gia cầm ở gà. Chị nói: "Tôi rất lo, rất sợ về bệnh cúm gia cầm. Tôi sẵn sàng tốn thêm tiền để bảo vệ bản thân tôi và gia đình tôi". Nhưng hãng tin AP cũng nêu ra một ví dụ ngược lại - đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Ninh. Theo AP, anh Ninh biết bánh phở có thể chứa formaldehyde, nhưng nỗi lo về việc đang nhai một món ăn có chứa chất được dùng để ướp tử thi chưa đủ mạnh để làm anh phải ghê sợ. Anh Ninh nói với phóng viên AP như sau: "Tôi nghĩ rằng nếu mình không tận mắt nhìn thấy người ta bỏ những hóa chất đó vào trong thực phẩm, thì mình cứ việc cho là không có chúng trong thực phẩm. Tại sao lại phải lo lắng về điều đó?". Theo AP, anh Ninh đã nói như thế khi anh đang ăn phở bình dân với giá 5.000 đồng/tô trên một lề đường đông đúc ở Hà Nội! Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể Ngày 29/04/2011 GS.TS.Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng đoàn công tác Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã có buổi làm việc, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn khu công nghiệp Đông Anh- Hà Nội. Qua kiểm tra thực tế tại bếp ăn tập thể của Công ty Panasonic Co.Ltd, gần 8000 suất ăn/ ngày với thực đơn đa dạng. Kết quả kiểm tra cho thấy Ban lãnh đạo Công ty Panasonic đặc biệt quan tâm đến chất lượng cũng như công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn của công nhân tại đây, đã tăng tiền của suất ăn từ 12.000 đồng- 15.000 đồng/ suất ăn bảo đảm dinh dưỡng cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư trang thiết bị phục vụ cho bếp ăn bảo đảm đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty xuất trình đầy đủ hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, lấy mẫu lưu theo quy định, có đội ngũ giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp tại bếp ăn. Công ty đã chủ động liên hệ với Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội hàng năm tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty, bảo đảm tất cả các nhân viên tiếp xúc với thực phẩm đều được tập huấn cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty cũng trực tiếp đề xuất được chia sẻ thông tin khi có thông tin về ngộ độc thực phẩm tập thể của các bếp ăn tập thể khác trên toàn quốc giúp cho quá trình quản lý được tốt hơn. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty cần duy trì tốt khâu chia thức ăn bảo đảm hợp vệ sinh, bố trí nhà ăn theo một chiều cho công nhân ra ăn và trang bị các test thử nhanh để kiểm tra giám sát thường xuyên tại bếp ăn, bổ sung thùng nước sôi để nhúng bát đũa trước khi ăn Ra mắt Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm Ngày 06/5/2011 tại Hà Nội, Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm đã chính thức ra mắt bạn đọc trong cả nước. Tham dự buổi ra mắt có Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế, đại diện các Chi cục ATVSTP, đại diện các doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng: Bộ Y tế được Chính phủ giao trọng trách là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn xác định hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về VSATTP là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên đi trước một bước trong tất cả các hoạt động đảm bảo ATVSTP. Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm ra đời sẽ là kênh truyền thông quan trọng giúp chuyển tải các kiến thức pháp luật và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm đến bạn đọc. Đồng thời, Tạp chí cũng là diễn đàn trao đổi thông tin, phản hồi, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đông đảo người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao nhận thức và thực hành về an toàn thực phẩm, giúp cho thị trường thực phẩm Việt Nam ngày càng có chất lượng cao hơn, an toàn hơn, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong buổi lễ ra mắt Tạp chí, ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Khuyến học và Dân trí đánh giá cao chất lượng nội dung cũng như sự ra đời đầy ý nghĩa và kịp thời của Tạp chí, qua đây, ông bày tỏ mong muốn được cộng tác lâu dài với Tạp chí để tăng cường tuyên truyền, giáo dục về chất lượng VSATTP. Với mục tiêu “Cho một gia đình khỏe mạnh hơn”, Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm với các chuyên mục phản ánh những vấn đề nóng của đời sống xã hội về ATVSTP, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về sức khỏe và vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm mong muốn tờ Tạp chí trở thành bạn đồng hành trong cuộc sống của mọi gia đình. Tạp chí Sức khỏe và An toàn thực phẩm phát hành thường xuyên vào ngày 25 hàng tháng trên phạm vi toàn quốc, mỗi ấn phẩm sẽ mang lại các chủ đề thiết thực mà cả xã hội quan tâm.
|