Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 4 1 7
Số người đang truy cập
2 0 2
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Cập nhật thông tin về dược phẩm, mỹ phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm tháng 6 năm 2011

WHO kêu gọi phối hợp tìm nguyên nhân gây dịch E. coli; Từ ngày 1-7, quản lý chặt sử dụng phụ gia thực phẩm; 90 du khách nhập viện vì ngộ độc thực phẩm;Cha tử vong, con nhập viện vì ăn so biển; Phải làm gì khi lỡ ăn rau câu Taro New Choice?; Ăn để mà sống, hay sống để mà ăn?; Phát hiện 100 kg chất phụ gia tạo đục tại Công ty New Choice Foods ; Hãy quan tâm đến các cảnh báo về Paraben!

WHO kêu gọi phối hợp tìm nguyên nhân gây dịch E. coli

Dịch E.coli có liên quan với dưa chuột được cho là sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới. Đã có 14 người tử vong ở Đức và hàng trăm người bị bệnh.Dưa chuột nhập khẩu từ Tây Ban Nha được cho là nguồn gây dịch song các quan chức Tây Ban Nha đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng còn chưa biết chính xác các loại rau quả trên bị nhiễm khuẩn khi nào và từ đâu. Một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh như cấm nhập khẩu dưa chuột và thu hồi các sản phẩm nghi ngờ đang được bán.

-Nga đã cấm nhập khẩu cà chua, dưa chuột và rau sống được sản xuất ở Đức và Tây Ban Nha, và cho biết có thể cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm rau quả có nguồn gốc châu Âu.

-Công hòa Séc và Pháp đã thu hồi dưa chuột Tây Ban Nha khỏi các cửa hàng.

-Áo cấm bán dưa chuột, cà chua và cà tím nhập khẩu thông qua Đức.

-Bỉ cũng đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dưa chuột từ Tây Ban Nha.

-Hà Lan, quốc gia xuất khẩu lượng lớn dưa chuột sang Đức, cũng đã cắt giảm ½ số lượng hàng.

-Đan Mạch nghi ngờ dưa chuột của nước này có thể liên quan và đã bắt đầu tiến hành kiểm nghiệm.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng dịch do vi khuẩn E.coli lần này xảy ra trên phạm vi rộng và gây ảnh hưởng lớn. WHO yêu cầu các quốc gia phối hợp để tìm ra nguyên nhân.
 

Từ ngày 1-7, quản lý chặt sử dụng phụ gia thực phẩm

Tại hội thảo “Phụ gia thực phẩm - những nguy cơ tiềm ẩn” được tổ chức sáng 4-6 ở TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm - cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế  - cho biết từ ngày 1-7, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành với điểm mới là quản lý rất chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Theo đó, phụ gia thực phẩm sử dụng phải đảm bảo nằm trong danh mục, đạt tinh khiết trên 95%, sử dụng đúng quy định cho từng nhóm thực phẩm và đúng liều lượng. Nếu sử dụng sai nhóm hoặc quá liều lượng cũng sẽ bị buộc thu hồi và xử phạt. Doanh nghiệp nhập khẩu phụ gia thực phẩm phải cam kết chịu trách nhiệm về tính an toàn cho đến hết hạn lưu hành trên thị trường.

90 du khách nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

Sáng 4-6, thông tin từ Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng cho biết từ 19 giờ tối 3-6 đến 4g sáng 4-6, Khoa cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 91 ca bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị ngộ độc thực phẩm. Hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện đều có triệu chứng đau bụng đi ngoài liên tục, nôn ói và sốt nhẹ. Cũng theo Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, những bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm nhập viện cấp cứu đêm qua đều là khách du lịch ở Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi được các bác sỹ của bệnh viện tích cực cấp cứu giải độc, đến 10 giờ sáng nay, ngoài 7/91 bệnh nhân bị nặng vẫn đang được các bác sĩ theo dõi tích cực tại bệnh viện, còn lại các các bệnh nhân khác đều đã xuất viện. Người nhà của những bệnh nhân trên cho biết, sau khi đoàn khách này ăn tối tại một nhà hàng trên đường Phan Đình Phùng (P2, TP Đà Lạt) thì có dấu hiệu buồn nôn, đi cầu liên tục và lả người nên mọi người được đưa vào viện cấp cứu. Hiên các cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ ngộ độc.

Cha tử vong, con nhập viện vì ăn so biển
            Ngày 30-5, bác sĩ Võ Hoàng Khoa, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa cấp cứu, rửa dạ dày cho một bệnh nhi ăn so biển trước đó. Đó là em P.H.D., 8 tuổi, ngụ ở Cần Giờ, TP.HCM. Người nhà em D. kể lại chiều 27-5, hai cha con em đã ăn món sam biển. Sau đó, cha em D. có biểu hiện tê lưỡi, tê tay chân… và tử vong trên đường đi cấp cứu. Còn em D. được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.

 
Theo bác sĩ Hoàng Khoa, so biển có vẻ ngoài giống sam biển nên người dân thường tưởng là sam biển. So biển có chứa độc tố tetrodotoxins. Khi ăn so biển, chất độc này nhanh chóng ngấm vào cơ thể và gây những triệu chứng ngộ độc cấp tính như đau bụng, nôn mửa, tay chân bủn rủn, vùng môi, lưỡi, đầu ngón tay ngứa ngáy và tê cứng, dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Hoa, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cần Giờ, xác nhận cha em D. (ông P.P.H., 41 tuổi) đã bị tử vong sau khi ăn so biển (người nhà ông D. gọi là con sam biển có đuôi tròn) do một người bạn từ Tiền Giang mang đến cho. Từ đầu năm đến nay, tại huyện Cần Giờ xảy ra ba vụ ngộ độc do ăn so biển với bảy người ngộ độc, trong đó có một ca tử vong là trường hợp kể trên.

Phải làm gì khi lỡ ăn rau câu Taro New Choice?

Hàng ngàn thùng rau câu hương vị khoai môn hiệu Taro của công ty New Choice Foods đã bị thu hồi vì sử dụng chất phụ gia thực phẩm tạo đục nhập từ công ty Triko Foods Co.LTD (Đài Loan) nghi nhiễm DEHP. Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho hay, đến hết ngày 5.6.2011, công ty New Choice Foods đã thu hồi hơn 6.000 thùng, hiện còn hơn 1.000 thùng vẫn lưu hành trên thị trường, tương ứng với 9 tấn (9kg/ thùng).
 

Lỡ ăn: Các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Maximark, Citimart… đã hoàn tất việc đưa rau câu Taro ra khỏi quầy kệ. Họ vẫn còn nhiều loại rau câu khác bán cho khách. Trong khi đó, rau câu Taro vẫn còn được bày bán ở một vài tiệm tạp hoá, sạp chợ, xe đẩy bán bánh kẹo đồ chơi…

Theo một số phụ huynh có con nhỏ, rau câu New Choice là mặt hàng họ thường mua cho con ăn, làm quà tặng cho các trẻ nhỏ vào dịp lễ, tết, sinh nhật… Giá trung bình 1 gói 500g khoảng 18.000 – 21.000 đồng (tuỳ nơi bán), hộp lớn hình thú giá khoảng 65.000 – 110.000 đồng (tuỳ cỡ). Sản phẩm rau câu Taro của New Choice có hương vị khoai môn là loại bán chạy nhất vì có vị ngọt, béo, ở giữa có thạch dừa dai giòn. Nhiều phụ huynh thường xuyên mua rau câu New Choice cho con ăn đang lo lắng. Bà Xuân Hà đi siêu thị ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 đã cản không cho con mua bất cứ loại rau câu nào. Bà nói: “Rau câu New Choice đang thu hồi, còn các loại rau câu khác dùng chất tạo đục có chắc là tốt, chưa thấy nhà sản xuất hay cơ quan y tế công bố đảm bảo an toàn, tốt nhất không cho tụi nhỏ ăn nữa”. Và bà Hà lo: “Con tôi, cháu tôi ăn loại Taro này đã mấy năm rồi, chẳng biết có bị làm sao không, liệu có cách nào để kiểm tra các cháu đã bị nhiễm chất độc hay chưa?” Ông Lê Hùng, ngụ ở khu Vườn Lài quận Tân Phú, lục trong kệ thực phẩm nhà bếp còn gói rau câu Taro chưa khui, định bỏ thùng rác thì bị vợ giữ lại. Bà bảo: “Giữ để làm bằng chứng. Con tôi đã ăn từ lúc ba tuổi đến nay sáu tuổi, không biết có bị ảnh hưởng gì đến phát triển sau này. Tôi nghe nói chất độc trong sản phẩm có thể làm trẻ em dậy thì sớm, hoặc gây bệnh ung thư…”

Cần theo dõi

Cho đến nay, DEHP là chất độc mới, các nhà chuyên môn vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để xử trí. Một lãnh đạo của cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, để biết lượng độc hại có nhiều hay không và ảnh hưởng như thế nào thì Nhà nước phải làm nghiên cứu mới biết. Bởi, chất độc này cũng mới được cập nhật trên thế giới.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ, chuyên gia trong ngành dinh dưỡng cho biết: DEHP có thể gây ngộ độc cấp trên đường tiêu hoá và ngộ độc mãn gây rối loạn nội tiết và sinh dục... Chất này tan trong dầu và ít tan trong nước nên việc uống nước lọc nhiều cũng giúp tăng thải một phần độc chất qua nước tiểu. Phụ huynh không nên để trẻ ăn các sản phẩm chứa DEHP, cần uống nhiều nước lọc hơn trong 1 – 2 tuần lễ. Bác sĩ Thuỷ lưu ý, rất ít nghiên cứu về việc ngộ độc chất này trên người, vì nó bị cấm dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng độc chất này vẫn có thể nhiễm vào người một lượng nhỏ qua thức ăn, nước uống có đồ chứa bằng nhựa hoặc thiết bị y tế bằng nhựa. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP.HCM: “Việc nhiễm chất độc vào cơ thể phụ thuộc vào thời gian ăn sản phẩm trong bao lâu, hàm lượng chất độc chứa trong sản phẩm và số lượng sản phẩm đã ăn vào. Vì vậy phụ huynh nên theo dõi và nếu thấy con có các dấu hiệu bất thường thì nên đưa đến bác sĩ”.

PGS.TS. Nguyễn Xích Liên, nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng: Nếu trẻ tuần nào cũng ăn cùng một loại rau câu có chất DEHP và với liều lượng cao thì phải theo dõi sự phát triển và sức khoẻ của bé. Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu phân tích: Những chất có thể gây ung thư phải có quá trình tác động lâu dài, chứ không phải một vài ngày tiếp xúc với chất đó là có thể ung thư ngay và còn tuỳ theo cơ địa, sức khoẻ của mỗi người. Do đó, gia đình đã trót mua cho trẻ ăn thì không nên lo sợ quá khi mới mua 2 – 3 lần. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên phụ huynh cần cẩn trọng khi chọn thực phẩm cho con, cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn, có thời gian sử dụng quá dài, có màu sắc sặc sỡ không tự nhiên, có chứa chất bảo quản…

 
Đã lỡ ăn, người tiêu dùng có thể đòi bồi thường?
Luật sư Nguyễn Văn Trường, đoàn Luật sư TP.HCM: theo quy định hiện nay thì rất khó để người dân buộc nhà sản xuất phải bồi thường. Bởi lẽ, chất DEHP cũng chỉ được coi là một trong những tác nhân gây ung thư, nên giả sử phát hiện có bệnh thật thì việc chứng minh chất này là tác nhân duy nhất không phải dễ dàng. Theo luật, việc chứng minh thiệt hại thuộc về người có yêu cầu. Vì vậy những chi phí ban đầu cho việc khám để phát hiện bệnh và chứng minh DEHP và sản phẩm thạch Taro là tác nhân gây bệnh phải do người yêu cầu bỏ ra trước. Vì vậy, cách tốt nhất là phụ huynh không nên cho con mình dùng sản phẩm này nữa.

Ăn để mà sống, hay sống để mà ăn?

Theo SGTT.VN cho biết: cô giúp việc nhà tôi gọi rối rít vẫy tôi ra cái tivi, “Cô ra đây xem nè, dưa hấu tự nổ ở Trung Quốc, vì tụi nó cho nhiều hoá chất kích thích tăng trưởng quá.” Tôi lên Facebook, nhan nhản các “status” bình luận câu chuyện dưa nổ này: “… mình mà ăn vào chắc mình cũng nổ banh xác luôn”. Kinh khủng thật, cứ dăm bữa nửa tháng lại rộ lên một vụ xì-căng-đan về thực phẩm. Mà nóng sốt giật gân thế này vài ngày thôi, rồi lại “nguội” ngay ý mà. Tôi nhớ cách đây khoảng mười năm, ở Hà Nội inh ỏi cái vụ bánh phở ngâm chất formaldehyde để bánh phở được “giòn” và bảo quản được lâu, thế là cả thành phố tẩy chay phở, chạy khắp

Hà Nội cũng chỉ kiếm được vài hàng lớn có đủ các loại chứng nhận của hết sở này đến cục nọ mới có khách ăn. Nhưng rồi sau khi vụ đó lắng xuống, người dân lại quay lại với món ruột của mình, và mười năm qua cũng chẳng ai thèm quan tâm bánh phở trong tô phở mình ăn mỗi sáng được ngâm bằng cái gì không nữa. Nếu các bạn giật mình vì sáng nay vừa ăn tô phở, thì… vẫn chưa hết đâu.

Sự thật đáng sợ

Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm do cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế phát động, đã diễn ra từ 15.4 – 15.5 vừa qua.

Nhưng liệu một tháng hành động như vậy có thể chuyển biến được tình hình vi phạm ATVSTP vốn diễn ra trong suốt cả năm và trên khắp cả nước hay không? Riêng năm 2010, trong 368.000 cơ sở sản xuất thực phẩm được thanh tra thì có gần 150.000 cơ sở vi phạm. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có tám triệu người bị ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc do liên quan đến thực phẩm!

Đáng lo ngại hơn nữa, chính là những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, cũng như hàng trăm loại hoá chất, phụ gia, phẩm màu dùng để pha chế nước giải khát, thạch rau câu, làm bánh mứt kẹo, làm nước lẩu v.v., nhập từ Trung Quốc với giá cực rẻ và không có hạn sử dụng được bày bán công khai ở các chợ. Và liệu mấy ngày vừa rồi bạn có xơi phải một thứ thực phẩm đã được “tẩy trắng” nào không: từ gà, vịt, dồi trường, mực, tới giá đậu, ngó sen, dừa xiêm?

Ngay với thực phẩm trong nước, nhiều địa phương sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ cấm sử dụng, tồn dư hoá chất trong nông sản thực phẩm còn cao. Nhiều mặt hàng được bảo quản bằng chất kháng sinh, hoá chất gây ung thư… Nếu như năm 2000, nguyên nhân các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 70%) thì tới năm 2010, hoá chất là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 60%. Trong khi đó, mỗi năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam chỉ được chi… 780 đồng cho công tác đảm bảo ATVSTP.

Hãy tự cứu mình

Tình hình này, chắc mình phải lo cho mình thôi. Tôi chắc các bạn cũng nhiều khi cảm thấy luôn nghi ngờ và khó chọn lựa thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ chị em mình càng ngày càng ý thức hơn trong việc này. Rất nhiều chị em đã biết chọn mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị hay những cửa hàng thực phẩm sạch có giấy phép, hay chỉ mua các sản phẩm có dấu hàng chất lượng cao. Các bạn chắc đã từng nghe tới “thực phẩm xanh”, vốn đang dần chiếm lĩnh thị trường thực phẩm trên thế giới hiện nay. Một điều dễ hiểu, những gì gây hại cho môi trường chắc chắn cũng chẳng tốt đẹp gì cho sức khoẻ con người.

Hãy lựa chọn thực phẩm hữu cơ

Loại thực phẩm xanh phổ biến nhất, chính là thực phẩm hữu cơ (organic). Đó là những sản phẩm lương thực thực phẩm từ nuôi trồng hữu cơ, là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Thực phẩm hữu cơ an toàn hơn với sức khoẻ của con người, nhất là với trẻ nhỏ, và canh tác nông nghiệp hữu cơ còn giúp giảm gây ô nhiễm cho môi trường sống và nguồn nước, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên không thể tái sinh.

Tại Việt Nam thực phẩm hữu cơ vẫn còn chưa được phổ biến, do nguồn cung hạn chế và giá thành còn cao, ví dụ như rau hữu cơ có giá cao hơn rau thường gấp 2 – 3 lần. Nhưng các bạn thử nghĩ xem, sức khoẻ của con bạn đáng giá bao nhiêu tiền? Hiện đã có một số nhãn hiệu uy tín như rau hữu cơ Asimco, thịt sạch Đức Việt ở Hà Nội, hay các cửa hàng Ecomart (www.ecomart.vn), E-food (www.e-food.com.vn) cung cấp các thực phẩm hữu cơ cơ bản (như rau, thịt, trứng, gạo, chè v.v) và giao hàng tận nhà. Ở TP.HCM thì đã có siêu thị rau sạch của HTX Thỏ Việt, và các siêu thị lớn cung cấp rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như một số cơ sở nhỏ khác như Rau sạch Kathy.

Hãy làm một người nông dân

Bạn đã bao giờ nghĩ tới chuyện tự trồng rau chưa? Bạn cứ thử đi và sẽ thấy rằng không gì thích bằng việc được thưởng thức những loại rau củ sạch do tự tay mình trồng. Bạn nghĩ rằng quá khó? Không hề! Đã có những công ty chuyên bán vật tư, thiết bị nông nghiệp để trồng rau hữu cơ tại nhà. Mọi thứ đều có sẵn, từ đất, khay trồng, hạt giống, tới các dụng cụ làm vườn, và yên tâm là các cơ sở sẽ hướng dẫn cho bạn từ A đến Z, thậm chí còn đến tận nhà trồng rau giúp bạn và hàng tuần tới chăm sóc rau cho bạn.

Các mô hình trồng rau tại nhà, dù bằng phương pháp thuỷ canh hay trồng bằng đất, đều rất phù hợp với các hộ gia đình thành thị vì không cần quá nhiều thời gian chăm sóc, và bạn có thể tận dụng bất cứ khoảng trống nào, chỉ cần có ánh nắng là được. Nhà tôi chỉ có một cái sân thượng chừng 20m2 mà tôi cũng trồng đủ thứ rau cải, mồng tơi, xà lách, rau thơm, chanh, ớt, thậm chí cả ổi. Đối với tôi, mỗi buổi sáng và buổi chiều lên trên đó tưới rau và thằng con lon ton phụ giúp hoặc hái rau cùng, có lẽ là những giây phút thư giãn nhất sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Hãy là người tiên phong

Chắc cũng phải mất vài năm nữa, các loại thực phẩm xanh mới trở nên phổ biến hơn ở nước ta. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chính các bạn có thể giúp thúc đẩy xu thế này. Ngày hôm nay, mỗi khi đi chợ, bạn hãy liên tục hỏi mua thực phẩm hữu cơ, thì dần dần người bán hàng sẽ phải tìm nguồn cung cấp những loại thực phẩm này. Bạn vừa muốn sống khoẻ mạnh, giảm nỗi lo về nguy cơ bệnh tật cho mình và gia đình, lại vừa muốn một môi trường trong lành hơn cho thế hệ tương lai, phải không nào?

Phát hiện 100 kg chất phụ gia tạo đục tại Công ty New Choice Foods
 

Ngày 2/6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Đoàn Thanh tra số 1 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã hoàn tất công việc thanh tra đột xuất tại Công ty New Choice Foods, Bình Dương.

Ngày 2/6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Đoàn Thanh tra số 1 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã hoàn tất công việc thanh tra đột xuất tại Công ty New Choice Foods, Bình Dương. Tại đây, Đoàn đã xác nhận, niêm phong 100 kg chất phụ gia thực phẩm tạo đục của công ty này nhập từ công ty Triko Foods Co.LTD (Đài Loan) và lưu giữ tại một kho riêng thuê tại Khu Công nghiệp Việt Nam –Singapore Park II, Bình Dương chờ xử lý. Trong quá trình kiểm tra, Công ty New Choice Foods đã chủ động, tích cực trong việc giải quyết, khắc phục sự cố này ngay từ khi nhận được thông tin cảnh báo và cam kết tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng.

Công ty New Choice Foods chỉ nhập phụ gia để sản xuất mà không bán chất phụ gia này cho bất kỳ một nhà sản xuất hoặc đại lý phụ gia nào khác. Tính đến chiều 2/6, công ty đã thu hồi được 3.582 thùng sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO có sử dụng chất phụ gia nói trên và hiện trên thị trường còn 3.688 thùng thạch rau câu hương vị này. Công ty đã thông báo cho hệ thống phân phối gồm 75 đại lý và 307 siêu thị trên toàn quốc dừng kinh doanh, tiến hành thu hồi nhanh chóng toàn bộ sản phẩm Thạch rau câu hương vị khoai môn do Công ty New Choice Foods sản xuất đến hết ngày 6/6/2011.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh giám sát việc thu hồi, xử lý sản phẩm nêu trên theo đúng quy trình quy định. Công ty có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan quản lý và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tới người tiêu dùng về việc thu hồi, xử lý sản phẩm. Đồng thời, yêu cầu các đại lý, siêu thị trong hệ thống phân phối của Công ty New Choice Foods chấp hành nghiêm chỉnh lệnh thu hồi sản phẩm. Sau ngày 6/6/2011, các đoàn thanh tra liên ngành sẽ thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện trên thị trường vẫn còn sản phẩm đã thông báo phải thu hồi.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng; đây là một sự cố ngoài ý muốn và hiện tại mới chỉ phát hiện ở loại sản phẩm Thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO của Công ty New Choice Foods. Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác thanh kiểm tra, giám sát và thông báo kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Hãy quan tâm đến các cảnh báo về Paraben!

Mới đây, báo Le Monde của Pháp đã đưa thông tin về có 400 loại dược mỹ phẩm chứa paraben, chất bảo quản có khả năng gây ung thư vú và vô sinh nam. Thông tin trên không phải đến bây giờ mới được quan tâm mà nó đã được nhiều công trình nghiên cứu cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, người tiêu dùng hãy bình tĩnh để xem xét vấn đề và thận trọng trước việc ngừng hay tiếp tục sử dụng một sản phẩm nếu trong thành phần của nó có chất bảo quản paraben.

 
Paraben là chất gì ?

Paraben không phải là hoạt chất làm thuốc. Nó có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm nhưng chỉ được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn (do nấm hoặc vi khuẩn) và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, mỹ phẩm. Trong các dược phẩm, vì nó chỉ nằm trong thành phần của các chất bảo quản (là chất phụ gia thêm vào công thức bào chế) nên nếu tìm tên hoạt chất sẽ không mấy khi gặp. Trên các hộp kem dưỡng da hay kem chống nắng, son môi, sữa tắm... thường có ghi thành phần của các chất bảo quản như: methylparaben, butylparaben, ethylbparaben, isobutylparaben, propylparaben… Các chất paraben là một trong những sản phẩm của công nghệ khai thác hóa dầu. Người ta dùng nó như một chất bảo quản trong mỹ phẩm và thức ăn (mã là E214, E219 trong ngành thực phẩm).

Trong rất nhiều mỹ phẩm và dược phẩm, paraben (methyl, ethyl, propyl and benzyl) được chấp nhận như phương cách rẻ tiền và không thể thiếu được để kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn, lên men, và nấm mốc trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cá nhân bao gồm: dầu gội đầu, dầu xả, chất khử mùi, và kem chống nắng. Trong một số ít dược phẩm có chất bảo quản paraben là với mục đích để bảo quản thuốc không bị hỏng trước khi đến với người sử dụng chứ không phải với mục đích chữa bệnh.

Paraben gây ung thư - tại sao vẫn phải cho nó vào trong thuốc, mỹ phẩm?

Sở dĩ có thông tin paraben gây ung thư là do gười ta đã tìm thấy chất này trong các khối u ung thư. Từ năm 2004, một nghiên cứu của Anh đã tìm thấy paraben trong mẫu sinh thiết các khối u vú. Tuy nhiên nghiên cứu này có những thiếu sót về phương pháp luận và điều này cũng được nhóm tác giả thừa nhận nên vấn đề vẫn đang còn bỏ ngỏ. Cơ quan Quản lý dược của Pháp (Afssaps) đã chủ động triệu tập một nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu về các dẫn xuất paraben có trong các sản phẩm có liều sử dụng hàng ngày lớn, được tiêu thụ nhiều và đặc biệt là được sử dụng cho trẻ em, khuyến khích họ nhanh chóng thiết lập các nghiên cứu để xem xét về nguy cơ đối với khả năng sinh sản sau này của nam giới nhưng cho đến nay, công trình nghiên cứu này vẫn chưa có kết luận cụ thể. Các nước khác trong Liên minh châu Âu và tổ chức dược phẩm châu Âu đang chờ kết quả nghiên cứu này để đưa ra quyết định tiếp theo. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có thông báo liên quan đến paraben từ năm 2007. FDA cho rằng, chưa có bằng chứng về việc mỹ phẩm có chứa paraben có thể gây hại cho người tiêu dùng, đồng thời vẫn tiếp tục đánh giá các dữ liệu mới về nguy cơ gây hại cho sức khỏe của paraben nếu có.

Đến nay, người ta vẫn chưa kết luận mà chỉ đặt ra vấn đề nghi ngờ paraben, loại hóa chất tổng hợp dùng để bảo quản trong thuốc và mỹ phẩm, đặc biệt kem dưỡng da và chống nắng, có nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng hay không? Đứng trước câu hỏi này, các nhà sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm muốn có các sản phẩm không dùng đến chất bảo quản paraben để người sử dụng khỏi lo lắng nhưng vẫn chưa tìm ra được chất thay thế. Ngày càng nhiều khách hàng yêu cầu dòng sản phẩm “paraben-free” (không có paraben) nhưng công thức chế tạo ra các loại sản phẩm không chứa paraben rất khó và đắt tiền. Chúng ta đều biết rằng các loại mỹ phẩm, dược phẩm rất dễ bị hỏng do nấm mốc, vi khuẩn trong quá trình lưu thông, bảo quản tại kho hàng. Paraben là nguyên do các sản phẩm làm đẹp hoặc thuốc có thể giữ nguyên chất lượng ban đầu sau 3 tháng vận chuyển trên các chuyến tàu, nằm trên các quầy kệ cửa hàng hay siêu thị hàng năm trời và có thể chịu đựng những nhiệt độ khắc nghiệt để đảm bảo chất lượng khi đến tay người sử dụng.

Hãy quan tâm đến các cảnh báo về paraben

Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, các chất bảo quản paraben có thể bắt chước hoạt động của hormone estrogen trong các tế bào của cơ thể. Các hoạt động của hormone ấy có liên quan nhất định đến ung thư vú. Một số nhà khoa học đã đưa ra kết luận paraben có thể kích thích sự phát triển của các khối u. Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy paraben có thể được phát hiện trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phâm, dược phẩm có paraben. Ngoài ra, nếu paraben trong các loại kem bôi được xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, các dấu vết của paraben cũng có thể được tìm thấy trong máu chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng kem bôi. Điều đó chứng minh rằng paraben thực chất có thể thẩm thấu vào da người từ các loại thuốc bôi ngoài hoặc mỹ phẩm. Việc phát hiện ra các loại hóa chất bảo quản paraben trong các mô cơ thể và tìm thấy paraben trong 18 trên 20 mẫu khối u ở ngực cho thấy mối liên quan giữa paraben và ung thư. Tuy nhiên, FDA cho rằng do các hoạt động liên quan đến estrogen của paraben vẫn còn kém hơn nhiều so với chính hoạt động của estrogen trong cơ thể tự nhiên nên kết luận này vẫn đang tiếp tục bàn cãi. Những thông tin về sự hoài nghi này về paraben có liên quan đến ung thư vú cũng làm cho nhiều phụ nữ lo lắng và người ta khuyên người tiêu dùng hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm xung quanh cánh tay, ngực và những vùng da nhạy cảm. Ngoài ra tác hại của paraben còn có thể gây dị ứng da là điều đã được kiểm chứng với những người có cơ địa dị ứng hay quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Propyparaben giảm khả năng sinh sản ở nam cũng là vấn đề đang tiếp tục nghiên cứu trước khi có sự khẳng định với những nghiên cứu đủ độ tin cậy.

Thông tin về methylparaben thúc đẩy quá trình lão hóa dưới ánh nắng mặt trời khiến cho nhiều người ngại ngần khi sử dụng kem chống nắng. Vì vậy, việc theo dõi phản ứng có hại của các loại dược - mỹ phẩm có chứa paraben đang được các cơ quan chức năng của ngành y tế tiếp tục cập nhật. Người tiêu dùng có thể cung cấp các thông tin có liên quan đến các loại thuốc hay mỹ phẩm có chứa paraben để cơ quan y tế xem xét, đánh giá. Các nhà sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm chủ động nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, dạng bào chế để giảm thiểu nồng độ paraben trong sản phẩm hoặc ưu tiên sử dụng các phương pháp bảo quản vật lý và không hóa học, nhằm hạn chế sử dụng chất bảo quản hóa học.

Hiện nay, Cục Quản lý Dược đang tích cực theo dõi sát vấn đề này, cập nhật thông tin từ cơ quan quản lý dược các nước nhằm có các biện pháp thích hợp để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Trước mắt, hãy hạn chế sử dụng thuốc bôi ngoài hay mỹ phẩm nếu không thật sự cần thiết. Hãy xem kỹ các loại thuốc nếu nghi ngờ nó có chứa hợp chất của paraben. Đừng quá lạm dụng các mỹ phẩm cho vấn đề làm đẹp nếu vẫn có các biện pháp khác không cần tiếp xúc với hóa chất. Bởi hóa chất nào cũng là con dao hai lưỡi khi chúng ta buộc phải tiếp xúc với những sản phẩm của quá trình công nghệ.

 

Ngày 20/06/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang,
Cn. Võ Thị Thu Trâm
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích