Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 2 5 3
Số người đang truy cập
1 3 3
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Mùa hè: mùa của ngộ độc thực phẩm & những điều nên tránh

Vào mùa... ngộ độc thực phẩm

Liên tiếp những này gần đây, xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Nguyên nhân là do thức ăn để lâu trong tủ lạnh, hải sản không còn tươi, nước giải khát không rõ nguồn gốc, các loại nước “lọc tinh khiết” được cất từ “nước giếng khoan”...Đặc biệt, với dịch do vi khuẩn E.Coli đang hoành hành là chủng hoàn toàn mới, độc lực mạnh đang khiến cả thế giới phải chú ý.

Bệnh từ thức ăn “bẩn”

Tối 5/6, 25 người ở công trường xây dựng trường THPT chuyên Lào Cai đã phải vào BV Đa khoa tỉnh cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi bữa tối với các món thịt ngựa xào, thịt ngan luộc, rau sống, dưa xào lòng ngựa và tiết canh ngựa. BS Nguyễn Hữu Sơn - PGĐ BV - cho biết, đây là vụ ngộ độc lớn nhất được cấp cứu ở đây trong 5 năm qua.

               Cả đội 30 công nhân được chủ thầu xây dựng chiêu đãi thịt ngựa sau khi đào móng nhà.

Sau 2 tiếng, 25 người có triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài. Năm người không ăn tiết canh vẫn bình thường. Món tiết canh ngựa đã để từ sáng đến chiều, bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc. Rất may là sau 3 ngày được điều trị, họ đều được xuất viện và không có ca tử vong.

Mới đây nhất, tối 11/6 - 57 người sau khi ăn tại khách sạn Phương Linh ở đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đã phải nhập viện. Trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hiện cơ quan y tế địa phương vẫn đang trong thời gian lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc này.
 

Tay bẩn, thịt chó, mắm tôm... nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm 

Không khí oi nồng, nóng bức của mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, côn trùng, ruồi muỗi khu trú và sinh sôi nảy nở. Đây là nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tăng vọt... Theo BS Nguyễn Kim Sơn, PGĐ Trung tâm Chống độc Bạch Mai: Số ca ngộ độc thực phẩm vào điều trị tại TT Chống độc mỗi năm một tăng. Vào hè, mỗi ngày trung tâm cứ đều đều tiếp nhận 7 - 10 ca ngộ độc.

Cảnh giác với vi khuẩn E.Coli chủng mới

Theo điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Thức ăn chín đường phố Hà Nội có tỉ lệ nhiễm khuẩn E.Coli từ 70 - 90% với món nộm thập cẩm, nem chua, giò, nem chạo... Cũng theo điều tra này, bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm rất “bẩn”. Tại Hà Nội, tỉ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm thức ăn đường phố nhiễm E.Coli là chiếm tới hơn 40%. Các chuyên gia thực phẩm nhận định, với thực trạng chế biến thức ăn như thế, việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán là điều khó tránh khỏi.
 

Trong khi đó, bệnh E.Coli với chủng mới ở Châu Âu đang làm nhiều người hoang mang, câu hỏi là liệu dịch có khả năng lan đến VN hay không. Theo TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết: Vi khuẩn E.Coli đang hoành hành tại Châu Âu được coi là chủng hoàn toàn mới, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ. Tuy nhiên, tại VN chưa tìm thấy loại vi khuẩn này.

Theo GS-TSKH Phùng Đắc Cam - chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn gây đường ruột tại VN, chuyên gia Trung tâm Phòng, chống bệnh Châu Âu: Sự lây truyền của vi khuẩn E.Coli, chủng EHEC thường qua đường thực phẩm, qua nguồn nước hoặc trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, cơ chế lây truyền từ người sang người rất ít, chủ yếu là do ngoại cảnh, ăn uống phải nguồn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Hơn nữa, đây là bệnh cấp tính, khi bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh thường có biểu hiện ngay nên ít có khả năng di chuyển, do đó, nguy cơ dịch lan rộng ra các nước, trong đó có VN là rất khó. Tuy nhiên, VN vốn là nước có bệnh nhân tiêu chảy do E.Coli, các ca bệnh thường rải rác quanh năm và cao hơn vào mùa hè, do đó người dân không nên chủ quan. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là ăn chín, uống sôi. Ăn rau sống rất nguy hiểm, bởi dù có được ngâm nước muối, thuốc tím cũng chỉ có tác dụng giảm vi khuẩn chứ không diệt được.

Theo các chuyên gia, nguy cơ cao nhất dẫn đến nhiễm độc, nhiễm khuẩn thức ăn nhiều nhất là từ động vật còn tươi sống hoặc chưa đun nấu kỹ như ăn tiết canh, tim, cật tái, thịt tái, gỏi cá... Tiết canh là món “khoái khẩu” của nhiều người, nhưng đó cũng lại là môi trường giàu dinh dưỡng, rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

 
Tử vong vì ăn phải nấm độc

Một phụ nữ ở tỉnh Lào Cai tử vong sau một ngày ăn bát canh nấu từ nấm độc trong khi con của bà đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

Bệnh nhân là Lu Văn S. (ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) nhập viện ngày 5-4 trong tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, suy yếu chức năng gan, thận. Được biết vài giờ sau khi ăn canh nấu từ nấm do bệnh nhân tự hái trong vườn, bệnh nhân và mẹ đều bị đau bụng, nôn nhiều, kèm tiêu chảy. Cả hai được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng mẹ tử vong một ngày sau đó. Bệnh nhân S. được chuyển tiếp lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị.

Các bác sĩ Trung tâm Chống độc cho biết nấm gây ra vụ ngộ độc này là loại độc nhất tên là nấm độc xanh đen (tên khoa học là Amanita phalloid). Loại nấm này là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong xảy ra hằng năm vào mùa xuân ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Có gia đình tất cả mọi thành viên tử vong do bị ngộ độc nấm này. Trong nấm độc xanh đen có một chất rất độc có tên là amatoxin, chất độc tế bào, gây tổn thương hầu hết các cơ quan của cơ thể. Chất độc này cũng bền vững với nhiệt độ cao nên không bị phân huỷ khi đun nấu và do đó vẫn gây ngộ độc.

Khi bị ngộ độc nấm này, bệnh nhân cần được sơ cứu ngay bằng cách gây nôn cho bệnh nhân, tốt nhất trong vài giờ đầu và khi bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó cho bệnh nhân uống than hoạt tính và khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Nhưng rất nguy hiểm là ngộ độc thường xuất hiện muộn (trung bình 12 giờ sau khi ăn) nên bệnh nhân hoặc người xung quanh không biết để sơ cứu. Điều trị ngộ độc nấm độc xanh đen cần đến các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực, thậm chí lọc máu liên tục và lọc thay thế gan nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, khoảng hơn 30%.

Ngộ độc nấm độc xanh đen có năm giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn ủ bệnh trong vòng 24 giờ đầu sau ăn (thường trong vòng 12 giờ đầu), người bệnh chưa có biểu hiện ngộ độc; giai đoạn ngộ độc biểu hiện ở cơ quan tiêu hoá (xuất hiện 6-24 giờ sau ăn nấm) như đau bụng, nôn, ỉa chảy nhiều, có thể tử vong do bị sốc; giai đoạn yên tĩnh (24-48 giờ sau ăn): không biểu hiện gì đặc biệt, giống như là đã khỏi bệnh nhưng thực tế cơ thể đang bị ngộ độc nặng hơn; giai đoạn nhiều cơ quan bị ngộ độc rõ (3-5 ngày sau ăn nấm), đặc biệt là viêm gan, suy gan, suy thận, dễ bị chảy máu… Nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong.

57 người nhập viện, 1 người tử vong vì ngộ độc

Liên quan đến vụ 57 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trường hợp tử vong (anh Phạm Văn Hiển, sinh năm 1974, tại Hà Nội), ngày 13/6, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, ông Trần Huy Quang - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Thanh Hóa cho biết, các nạn nhân bị ngộ độc đã xuất viện, sức khỏe ổn định và trở về Hà Nội.

Về trường hợp bệnh nhân Hiển, hiện tại, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành điều tra tìm nguyên nhân dẫn đến tử vong. Cùng đó, các cơ quan chức năng đã thực hiện lấy mẫu thực phẩm và nước uống tại cơ sở này để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc trên. Trước đó, tối 11/6, BVĐK Thanh Hóa đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là khách đang nghỉ mát tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) bị ngộ độc thực phẩm do ăn tại khách sạn Phương Linh, đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn.

Đã xác định nguyên nhân vụ ngộ độc tại Sầm Sơn

Sau khi ăn các món được chế biến tại Khách sạn Phương Linh, số 2 Tây Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), 57 du khách đã bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một người bị tử vong. Lúc 12h ngày 10-6, đoàn nghỉ dưỡng của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (Hà Nội) gồm 160 người vào ăn nghỉ tại khách sạn Phương Linh. Đoàn đã tổ chức ăn trưa, tối cùng ngày tại khách sạn với thực đơn 2 bữa ăn là các món hải sản: Mực hấp, tôm hấp, ghẹ hấp, canh cá biển, thịt lợn rim, rau muống luộc, cơm… Sáng 11-6, Trần Thị Thu Hiền (32 tuổi) có biểu hiện: buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, đi ngoài, người mệt, sốt nhẹ. Chị Hiền được đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn.

Tiếp đó từ 6h đến 19h cùng ngày, có tất cả 10 bệnh nhân phải nhập viện với các triệu chứng tương tự. Đến 22h, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên 53 người (26 người vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn, 27 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa). Đến ngày 12-6, tổng số bệnh nhân phải nhập viện điều trị là 57 người. Các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy men Cholinesteraza không tăng, phân lập vi khuẩn không xác định được nguyên nhân, soi tươi bệnh phẩm không phát hiện phẩy khuẩn tả lỵ amip.

Cơ quan chức năng đã kết luận vụ ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm/nước uống bị ô nhiễm vi khuẩn chủng Vibrio parahaemolyticus. Riêng bệnh nhân Nguyễn Hữu Hiền (37 tuổi) nhập viện lúc 22h ngày 11-6 tại Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn trong tình trạng huyết áp 50/20mmHg, mạch 120l/p… Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân Hiền đã tử vong. Chẩn đoán khi tử vong là trụy tim mạch. Nguyên nhân tử vong đang được cơ quan chức năng điều tra, xác định. Chưa có cơ sở xác định bệnh nhân này tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Đến nay, ngoài ca tử vong, toàn bộ 56 bệnh nhân điều trị tại 2 bệnh viện trên đều đã ra viện và có sức khỏe ổn định. Chi cục ATVSTP Thanh Hóa đã tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng ăn của Khách sạn Phương Linh kể từ ngày 12-6 và phối hợp Thanh tra Sở Y tế để xem xét xử lý. Khi được hỏi, có dư luận cho rằng chủ của khách sạn Phương Linh là người thân của nguyên chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, vậy có hay không việc bao che, xử nhẹ của cơ quan chức năng khi sự việc xảy ra, đại diện một cơ quan chức năng cho biết việc điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm đến thời điểm hiện nay đã và đang tiến hành đúng quy định.

6 lưu ý khi bảo quản rau quả trong tủ lạnh mùa hè

Để rau quả luôn tươi ngon trong những ngày hè nóng nực, các bà nội trợ cần lưu ý những điều sau khi lưu trữ chúng trong tủ lạnh nhé.

Nên bảo quản rau củ ở nhiệt độ nào?

Tủ lạnh nên được duy trì 34°- 40°F (tương đương với 1°- 4°C) khi bảo quản rau quả. Bởi vì vi khuẩn thường phát triển mạnh khi rau quả được bảo quản ở nhiệt độ trên 40°F, làm hư hỏng các loại thực phẩm. Nếu nhiệt độ quá thấp thì rau quả lại có thể đóng băng. Vì thế, nếu như trong trường hợp bị cúp điện mà nhiệt độ tủ lạnh vẫn dưới 4°C thì những thực phẩm đó vẫn an toàn nhưng nếu nhiệt độ tủ lạnh ở trên 4°C trong hơn 2 giờ, thì thực phẩm đó cần phải bỏ đi.

 
Một số rau củ nhạy cảm với Ethylene

Nhiều loại rau và trái cây rất nhạy cảm với ethylene, một hóa chất phát ra từ nhiều loại trái cây và một số rau xanh. Theo đó, các loại thực phẩm phát ra ethylene bao gồm: táo, lê, chuối, lê, đào, mận, dưa đỏ, dưa hấu, nấm, cà chua. Những rau quả hấp thụ hóa chất ethylene bao gồm: các loại rau, rau lá xanh, đậu, cà rốt, dưa chuột, cà tím, đậu Hà Lan, ớt và khoai tây. Khi những thực phẩm này hấp thụ hóa chất ethylene, chúng sẽ có một số biểu hiện:

- Rỗ và điểm màu nâu trên lá

- Búp bông cải xanh, dưa chuột trở nên vàng

- Cà rốt bị đắng khi ăn

Những rau củ có mùi hôi khi bảo quản

Một số trái cây và rau có thể phát ra mùi hôi và ảnh hưởng đến mùi vị của các thực phẩm khác khi bảo quản. Để giảm mùi, có thể đặt một hộp bột nở trong tủ lạnh để hấp thụ mùi hôi và độ ẩm nhé. Thi thoảng hãy loại bỏ bớt lớp bột nở trên cùng định kỳ để duy trì tính hiệu quả của nó.

Một số rau quả phát ra mùi hôi

- Táo gây mùi do bị hấp thụ mùi bắp cải, cà rốt và hành.

- Lê tỏa mùi hôi do hấp thụ bắp cải, cần tây, cà rốt, hành tây và khoai tây.

- Hành củ và hành lá sản xuất mùi do hấp thụ mùi từ  táo, cần tây, bắp, nho, rau lá xanh, nấm, lê.

Những thực phẩm tạo mùi này cũng là những loại rau củ bị mất độ ẩm nhanh chóng và cần được lưu trữ trong túi, hộp kín khi để trong tủ lạnh.

Nên giữ rau củ ở tủ lạnh trong thời gian bao lâu?

- 2-3 ngày: măng tây, cải bắp

- 3-5 ngày: bông cải xanh, đậu lima, đậu Hà Lan, hành lá.

- 1 tuần: đậu, súp lơ, dưa chuột, rau lá xanh, tỏi tây, rau diếp, ớt, bí ngô

- 1-2 tuần: cần tây

- 2 tuần: củ cải, cà rốt, củ cải

Những rau củ không nên lưu trữ trong tủ lạnh

- Khoai tây: tốt nhất không nên lưu trữ trong tủ lạnh vì ngay cả ở nhiệt độ bình thường, chúng vẫn có thể tươi ngon vài ngày.

- Cà chua: tốt nhất nên lưu trữ chúng ở nhiệt độ khoảng 16°C và chúng sẽ bị mất hương vị nếu lưu trữ trong tủ lạnh.

- Củ cải xanh: Củ cải xanh cũng không nên lưu trữ trong tủ lạnh và nên sử dụng kịp thời vì việc lưu trữ trong tủ lạnh khiến chúng phát sinh mùi khá mạnh mẽ

Ăn sữa chua và các loại hạt là cách tốt nhất để giảm cân

Ăn nhiều sữa chua và các loại hạt (như dẻ, quả hạch…) mỗi ngày có tác dụng giảm cân tốt hơn nhiều so với hoa quả và rau củ, một nghiên cứu vừa kết luận. Trong nhiều năm qua, những người béo vẫn được nhắc nhở rằng hãy đếm kỹ lượng calo tiêu thụ nếu muốn thon gọn. Song, một nghiên cứu mới đây, công bố hôm nay, đã chỉ ra rằng điều quan trọng hơn cả là tập trung vào một chế độ ăn lành mạnh, thay vì tính toán tỉ mỉ lượng tiêu thụ.

Trong một nghiên cứu trên gần 120.000 người (đa phần là phụ nữ), các chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Harvard, đã đánh giá ảnh hưởng của việc ăn một số loại thực phẩm nhất định trong ngày lên việc tăng hay giảm cân. Họ phát hiện thấy việc ăn sữa chua, các loại hạt, hoa quả, ngũ cốc và rau củ đều có tác dụng giảm cân. Nhưng sữa chua và các loại hạt có ảnh hưởng lớn hơn cả, có thể là vì chúng khiến người ta no lâu hơn. Cụ thể, với những người ăn thêm một cốc sữa chua mỗi ngày, so với nhóm đối chứng, giảm được trung bình 0,37 kg sau mỗi 4 năm, trong giai đoạn 20 năm. Với các loại hạt, con số so sánh là 0,26 kg, với hoa quả là 0,22 kg, với ngũ cốc nguyên hạt là 0,17 kg và với rau củ là 0,1 kg. Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng điều này không có nghĩa là mọi người chỉ có mỗi việc đơn giản là ăn thêm một lượng thức ăn này, và chờ thân hình gọn đi. Mà bởi vì khi tiêu thụ chúng, họ sẽ có xu hướng giảm bớt những thực phẩm giàu calo khác như khoai tây chiên, thịt, đồ uống ngọt…

Ngoài ra, theo Telegraph, các chuyên gia cũng cho biết mọi người có xu hướng tăng cân rất từ từ, thành ra họ không hề để ý rằng mình đang phát phì. Nhóm các tác giả cũng tìm thấy việc ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày (không hơn không kém) là lý tưởng để giảm thiểu cân nặng, đồng thời hạn chế xem tivi cũng có tác dụng quan trọng.

DEHP- Thảm họa dịu dàng
 

Năm 1995 IARC xếp chất tạo dẻo plastic DEHP vào nhóm 2B, có thể gây ung thư cho người. Năm 2000, lại xếp DEHP vào nhóm 3 không gây ung thư. Tháng 4 năm nay IARC lại đem DEHP trở về nhóm 2B, lên hạng. Tất cả đều còn dựa vào các thí nghiệm trên chuột. Nay thì có một thử nghiệm lâm sàng rộng lớn và đau đớn trên người: khoảng hai phần ba dân số Đài Loan (25 triệu người) nhiễm DEHP qua đường ăn uống từ năm 1996.

DEHP làm dẻo plastic làm khổ con người

Suốt quãng đời hành nghề y, tôi chiêm ngưỡng sự tiến bộ của vật dụng y tế. Tôi mừng khi thấy máu đựng trong các bịch thay vì trong chai plastic, các dây truyền dịch thật mềm thật nhỏ thật vừa với tĩnh mạch tí ti của các bệnh nhân tí hon. Nhiều cái hay nữa. Khi hiểu được tác hại của chất làm dẻo plastic tôi bàng hoàng.

Chất DEHP nghe lạ tai quá. Di (2-Ethylexyl) phthalate gọi tắt là DEHP là một chất lỏng được dùng rộng rãi để làm các chất plastic dẻo hơn. Plastic có thể chứa từ 1 – 40% DEHP trong các hàng tiêu dùng như giả da, áo mưa, sàn nhà, bao bì thức ăn, đồ chơi đồ dùng trẻ em và các vật dụng y tế (các ống truyền dịch, các bịch chứa máu...) và dược phẩm...

Hại cho sức khoẻ con người. Hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khoẻ con người, nhưng bộ y tế Hoa Kỳ cho là cần đề phòng vì DEHP gây ung thư, làm tổn thương lá gan và hệ sinh dục nam, ảnh hưởng việc sinh sản, gây khuyết tật ở loài vật trong labô. Phơi nhiễm có thể từ các thức ăn thông qua việc chế biến, chuyên chở và đóng gói. DEHP dễ hoà tan trong mỡ hoặc thức ăn béo, nhất là trong sữa và phômai. Có sự phơi nhiễm liều cao khi DEHP bị nhả ra từ các vật dụng y tế làm bằng chất dẻo dùng truyền dịch, truyền máu. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh nam điều trị cấp cứu có thể nhiễm liều độc hại. Đồ chơi plastic dẻo chứa lượng DEHP cao.

Phải thoát ra khỏi vòng vây

Nguy hiểm rình rập quanh ta. Con người đang cố gắng thoát ra vòng vây của chính mình.

            Phải giảm bớt thiết bị y tế PVC. Nhiều bệnh viện đang xem xét giảm thiểu thiết bị PVC (polyvinyl chloride). Các nhà sản xuất thêm DEHP vào PVC để làm dẻo. DEHP không dính vào chất plastic mà “trôi nổi” trong cấu trúc vinyl. Dùng thiết bị PVC dẻo khiến người bệnh bị nhiễm tác nhân gây hại cho hệ sinh dục. Các vật dụng y tế sẽ nhả ra DEHP, chất này nhiễm vào người bệnh khi được truyền dịch, truyền thuốc, truyền máu hoặc nuôi ăn. Khi rác y tế bị thiêu huỷ, PVC thải ra dioxin, chất gây tác hại lớn cho con người. FDA Hoa Kỳ khuyến cáo dùng các vật dụng thay thế (như là ethylene vinyl (EVA), polyethylene hoặc polyurethane...) khi các phương thức nguy cơ cao được dùng cho trẻ sơ sinh nam, thai phụ mang thai phôi nam hay trẻ trai gần tuổi dậy thì.

              Cẩn thận chọn đồ chơi và đồ dùng cho trẻ con. Các thứ này đặc biệt nguy hiểm vì trẻ con cho vào miệng ngậm. Nên nhớ trong ống tiêu hoá DEHP mau chuyển hoá thành MEHP rất độc cho hệ sinh dục, còn nguy hiểm hơn là qua đường tĩnh mạch. Từ năm 1999 Uỷ ban châu Âu đã cấm dùng phthalate để làm đồ chơi trẻ em. DEHP thuộc trong sáu loại phthalate bị cấm. Năm 2005 lệnh cấm này nới rộng: luôn các vật dụng chăm sóc trẻ con (dụng cụ giúp ngủ, giữ vệ sinh, nuôi ăn, núm vú…)

Sóng thần vào đảo quốc Đài Loan

Có dịp ghé phi trường Đài Bắc, tôi hay mua bánh khoai môn, vài hộp trà xanh. Rất thích các sản phẩm Đài Loan hương vị thơm ngon, bao bì đẹp đẽ. Nay ớn lắm rồi.

Chơi thật cắc cớ. Ở Đài Loan người ta không dùng tác dụng làm dẻo của DEHP. Nhiều công ty dùng DEHP làm phụ gia cho vào các loại nước uống, nước giải khát, nước trái cây và các loại bánh mứt… để bảo dưỡng được lâu và cho màu sắc, hương vị thơm ngon giống hương vị trái cây thật, giá thành rẻ thế cho dùng dầu cọ mắc hơn nhiều. Thế là không hợp pháp vì có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Thương hiệu Đài Loan mất uy tín. Có tác hại lớn đến thị trường thực phẩm và thức uống lên đến 100 tỉ đôla Đài Loan (3,57 tỉ USD). Sóng thần Đài Loan còn lan rộng đến các nước lân cận: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam… Tốt thôi, sóng thần lại quét sạch các công ty rác rưởi, bảo vệ con người.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng đau đớn

Sóng thần là bề nổi tảng băng. Có một thảm hoạ âm thầm. Ít nhất hai phần ba dân số Đài Loan đã dùng thực phẩm và thức uống có phụ gia DEHP từ năm 1996… Nên nhớ DEHP chuyển hoá thành MEHP rất mau ở đường tiêu hoá để gây tác hại nhanh, nhất là ở trẻ em.

Báo Focus Taiwan ngày 27.5.2011 đăng tải thông tin từ viện Nghiên cứu sức khoẻ quốc gia liên quan đến DEHP. Trẻ em dùng thức uống có DEHP lâu dài có thể bị rối loạn chức năng sinh dục. Trẻ em dùng 350ml thức uống chứa 12ppm (parts per millon) DEHP mỗi ngày trong 12 tháng liên tục có thể tăng 6 – 8 lần nguy cơ xáo trộn hệ sinh dục khi trưởng thành: teo nhỏ dương vật và các tinh hoàn, dẫn đến nguy cơ vô sinh. Viện trưởng Kenneth Wu, nói: “Đây là lần đầu tiên trên thế giới có nhiều người dùng các thức uống nhuộm DEHP”.

Hình phạt 25 năm tù thêm tiền phạt 10 triệu đôla Đài Loan (345.000 USD) cho Lai Chun – Chieh, chủ công ty hoá chất Yu Shen vì trộn chất gây dẻo, chủ yếu là DEHP và DOP, vào các chất gây đục dùng làm phụ gia thực phẩm, rồi bán cho các công ty chế biến thực phẩm. Chen Che-hsiung, chủ công ty nước hoa Pin Han cũng nhận hình phạt tương tự. Có quá nhẹ tội không. Các nhà nghiên cứu còn tìm hiểu trên chuột, Lai và Chen đã làm một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người rộng lớn và âm thầm. Một thảm hoạ dịu dàng.

Nhiều nỗi lo

Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế – IARC (International Agency for Research o­n Cancer) đặt tại thành phố Lyon nước Pháp, thuộc tổ chức Y tế thế giới, làm việc nghiêm túc để xác định các tác nhân gây ung thư (carcinogen).Bảng xếp hạng của IARC được coi là chuẩn mực: nhóm 1, carcinogen cho người; nhóm 2A, khả năng là carcinogen cho người; nhóm 2B, có thể là carcinogen cho người; nhóm 3, không được xếp như carcinogen cho người; nhóm 4, có thể không là carcinogen cho người.

Con người bây giờ khổ quá. “Nào là sợ mây phóng xạ từ các lò phản ứng ở Fukushima. Nghe nói điện thoại di động có thể gây ung thư. Các công ty Đài Loan hại mọi người nhiễm DEHP. Dậy thì sớm thì không đến nỗi. Sợ nhất là chứng teo chim, teo... bác sĩ giải thích giùm đi”. Dễ hiểu thôi mà. DEHP có tác dụng tương tự một hormon nữ (thường gọi là estrogen). Bào thai hoặc các bé sơ sinh nam có bộ phận sinh dục còn non dễ bị chất này ém lại. Trẻ lớn hoặc người trưởng thành bị nguy cơ ít hơn, khoảng phân nửa thôi. Còn tuỳ liều lượng và thời gian nhiễm nữa. Đừng quá lo, mình có ăn hoặc uống mấy đồ đó cũng ít thôi mà. Tội cho người Đài Loan, họ dùng các món độc này từ lâu rồi và chắc dùng thường lắm. Phải chờ xem thôi. Cầu trời cho chẳng có sao.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

Vụ gần 100 công nhân bị ngộ độc tại Cty Kido Hà Nội

Đang lấy mẫu xét nghiệm để điều tra

Trước đó, sáng ngày 25-6, tại Cty KiDo Hà Nội, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, gần 100 công nhân đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối trong tình trạng xanh xao tái nhợt, ôm bụng, nôn ọe và ngất lịm. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên cho biết, đã cử cán bộ đi lấy mẫu để xét nghiệm tiến hành điều tra. Cũng theo ông Hùng, hiện tại những người bị ngộ độc đã qua cơn nguy kịch. Không có trường hợp nào bị tử vong.

Trước đó, sáng ngày 25-6, tại Cty KiDo Hà Nội, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, gần 100 công nhân đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối trong tình trạng xanh xao tái nhợt, ôm bụng, nôn ọe và ngất lịm. Nặng nhất phải kể đến trường hợp của chị L, (ở Phố Nối, huyện Văn Lâm). Bà Hường, mẹ chị L cho biết, con gái bà  được đưa vào cấp cứu tại đây từ 3g sáng trong tình trạng mất nước nguy kịch do tiêu chảy, dù đã được tiếp ba chai nước nhưng người vẫn mềm nhũn.

Theo các công nhân này kể lại, bữa trưa hôm 24-6, họ ăn cơm với các đồ ăn như tôm đông lạnh rang, trứng tráng và cải bắp luộc, do Cty Thành Đạt cung cấp. Được biết, Cty này mới ký hợp đồng cung cấp cơm cho Cty KiDo khoảng hai tháng trở lại đây. Các công nhân ở đây còn cho hay, được một tháng đầu, cơm ăn còn tạm được nhưng càng về sau thì càng “rởm”. Cơm thì đơm chỉ lưng bát, thức ăn dăm ba miếng. Có lần thức ăn còn lẫn cả côn trùng, ruồi nhặng. Cty lại có quy định không cho công nhân mang thức ăn ở nhà đi ăn thêm.

Ngay sau khi nắm thông tin vụ việc gần 100 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Cty TNHH Kido Hà Nội, các cơ quan báo chí cùng phối hợp với đoàn kiểm tra Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên đã đến làm việc với lãnh đạo Cty TNHH Kido Hà Nội nhưng tuyệt nhiên không có vị lãnh đạo nào của Cty này cung cấp thông tin.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay không thể kiểm tra hết được các đơn vị sản xuất cơm hộp trên địa bàn vì vào thời điểm kiểm tra họ chỉ làm để che mắt cơ quan chức năng nên chất lượng cơm hộp chỉ phụ thuộc vào ý thức của người sản xuất. Hiện tại, chưa thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Trước mắt tạm giữ hợp đồng của Cty Thành Đạt và Cty KiDo đồng thời lấy một số mẫu để xét nghiệm ban đầu phục vụ cho điều tra.

426 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thưc phẩm

Ngày 14.6, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Đà Nẵng cho biết, đã xử phạt 75,5 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 2011. 67 đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP Đà Nẵng đã thanh kiểm tra 2.383 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Qua đó, Thanh tra Sở Y tế phát hiện 426 cơ sở vi phạm, trong đó cảnh cáo, buộc 354 cơ sở khắc phục và đảm bảo các điều kiện VSATTP, xử phạt 72 cơ sở với tổng số tiền 75,5 triệu đồng. Ngoài ra còn có 19 cơ sở kinh doanh thực phẩm bị tiêu hủy 14 mặt hàng quá hạn dùng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng cũng đã tiến hành lấy mẫu 20 loại nước uống đóng chai, đưa đi xét nghiệm, kiểm định và sẽ công bố danh mục các loại nước uống không đạt chất lượng trong thời gian tới.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng (BQL) cho biết thêm, ốc hút đang được bán rong tại bãi biển không đảm bảo VSATTP. Trước đó, BQL lấy mẫu các loại ốc hút, đưa đi xét nghiệm và kết quả cho thấy, các loại ốc hút bị nhiễm 2 loại vi khuẩn coliform, ecoli và nhiều loại vi khuẩn nguy hại khác. Trước tình trạng đó, BQL đã thông báo rộng rãi trên loa phát thanh ở các bãi tắm, khuyến cáo du khách đi biển cẩn thận khi ăn ốc hút.

Vi khuẩn E. coli tràn ngập thức ăn đường phố

Những vị khách... bất đắc dĩ

Trước thực trạng khuẩn E.Coli đang là mối lo ngại hàng đầu của xã hội, PV đã có buổi khảo sát tại nhiều quán ăn, hàng rong trên địa bàn Hà Nội và chứng kiến những quán ăn này vẫn tấp nập khách khứa. Tại một hàng ăn trên phố Hàng Giầy, vào buổi tối, lượng khách ở đây rất đông đúc, chủ quán cho biết, mặc dù dịch khuẩn E.Coli đang báo động, nhưng số lượng khách tại đây vẫn không hề giảm so với trước kia.

Dạo quanh một vòng khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, những hàng rong vẫn tấp nập khách hàng, chị H.L, một nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà 24T1 cho biết: "Không phải chúng tôi không ý thức được dịch khuẩn E.Coli, nhưng vì phải đi làm từ sáng sớm, buổi trưa cũng chỉ được nghỉ 1 tiếng đồng hồ, mà trời thì nắng chang chang, nấu cơm mang đi thì không tiện, về nhà thì không kịp thời gian, hầu hết những người làm công sở đành phải bất đắc dĩ chọn cách ăn trưa ở những quán ăn và hàng rong gần nơi làm việc cho nhanh và tiện".

Mặc dù chính những khách hàng ở đây cũng nhìn thấy cảnh tượng đồ ăn được bày bán tràn lan, không được che đậy, bát đĩa chỉ được rửa qua bằng một cái chậu đầy bọt nước rửa bát và một cái sô nhỏ tráng qua. Nhưng vì hàng ăn nào cũng có chung một thực trạng trên nên không ăn ở đây thì cũng không biết ăn ở đâu, một khách hàng cho biết.

Tại một số địa điểm như cổng trường Đại học KHTN và ĐH Sư phạm TPHCM trên đường Nguyễn Văn Cừ và An Dương Vương, quận 5 TPHCM, hàng chục gánh hàng rong, xe bán bánh ướt, bánh cuốn... phục vụ cho sinh viên tấp nập nhưng không được che đậy, mặc sức ruồi, bụi bám vào.

Khi ghé mua trái cây, bất kể loại gì, người bán sẽ gọt vỏ và nhúng sơ qua chỉ trong một thùng nước rồi xẻ nhỏ cho vào bịch. Gánh bánh trộn, bánh ướt không che chắn để cách mặt đường khoảng 30cm trên tuyến đường xe cộ qua lại tấp nập.

Từ chủ quan đến ân hận

Trả lời trên Tiền Phong, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM khẳng định, vi khuẩn E.Coli có trong người, động vật, hiện diện hầu hết mọi nơi trong môi trường, đặc biệt trong nguồn nước ô nhiễm phân người, ao hồ, sông suối, nước cạnh nhà vệ sinh, nước cống.

Các loại thực phẩm thịt động vật, rau sống, hải sản đông lạnh để lâu ngày… cũng dễ có loại vi khuẩn này xâm nhập nếu không bảo quản, chế biến tốt. Các món ăn được nấu nướng tại nhà hay ở quán ăn nếu chế biến không hợp vệ sinh hoặc chế biến xong mà bảo quản không đúng cách gặp điều kiện thuận lợi, nhất là mùa nắng nóng sẽ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn. “Những nơi bán hàng rong lưu động nếu sử dụng nguồn nước chung rửa bát đĩa nhiều lần tiềm ẩn nhiễm khuẩn khá cao”, bác sĩ Siêu cho biết.

Từ những nguy hiểm được cảnh báo cộng với thực trạng ăn uống theo kiểu tạm bợ, qua ngày đoạn tháng của nhiều người hiện nay, về lâu dài sẽ dẫn đến những tác hại không lường trước được.

“Phụ nữ với an toàn thực phẩm trong gia đình”

Cần phải có một nghiên cứu sâu sắc, tổng thể nhằm đưa ra được những khuyến nghị đúng hướng và chính xác về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là quan điểm được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra tại cuộc Hội thảo “Phụ nữ với an toàn thực phẩm trong gia đình” do Hội nữ trí thức Việt Nam và Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam tổ chức sáng qua tại Hà Nội.

Phát biểu trước các nhà khoa học đầu ngành và quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đồng thời là Chủ tịch danh dự Hội nữ trí thức Việt Nam đã cho rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người, thậm chí là tới chất lượng giống nòi, nguồn nhân lực của đất nước.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phụ nữ đóng vai trò trọng tâm và quyết định trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, cần phải có một nghiên cứu sâu sắc, tổng thể để đưa ra được những khuyến nghị đúng hướng, chính xác cũng như đẩy mạnh và tăng hiệu quả công tác truyền thông đi cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh sạch.

Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học và quản lý cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức của xã hội và của phụ nữ về vấn đề an toàn thực phẩm thông qua việc tuyên truyền trực tiếp kết hợp tài liệu và huy động sự tham gia tích cực của mạng lưới đoàn thể, bởi lẽ phụ nữ tham gia vào hầu hết các chu trình của một chuỗi thực phẩm, hiểu biết và kỹ năng thực hành của người phụ nữ được nâng cao, sẽ giúp nâng cao hiểu biết của xã hội và nâng cao chất lượng thực phẩm an toàn.

 

Ngày 02/07/2011
Ths.Bs.Huỳnh Hồng Quang, Cn. Võ Thị Thu Trâm  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích