Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 0 7 6
Số người đang truy cập
1 5 2
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Nguy cơ tiềm ẩn từ bất kể loại thực phẩm nào

Trung Quốc: 31 loại nước uống đóng chai nhiễm khuẩn gấp 9.000 lần; Hiện chưa cảnh báo được nhiều bệnh liên quan đến thực phẩm; Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm / thức ăn trong thời gian gần đây; Trung Quốc tìm cách siết chặt tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm; Trung Quốc thu giữ nhiều sữa nhiễm độc; Bắt vụ làm giả sản phẩm “trà xanh không độ”; Mỹ thu hồi bơ lạc nghi nhiễm khuẩn salmonella; Ngộ độc thực phẩm - Người nào dễ mắc?

Trung Quốc: 31 loại nước uống đóng chai nhiễm khuẩn gấp 9.000 lần

31 công ty nước uống đóng chai (loại thùng lớn) đã phải ngưng bán các sản phẩm của mình sau khi chính quyền Trung Quốc phát hiện nước uống của các công ty này không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP), với lượng vi khuẩn vượt mức cho phép 9.000 lần. Bên cạnh đó, nấm mốc và nấm men cũng được phát hiện trong một số nhãn hiệu nước uống đóng chai.

Theo quy định năm 2003 của Bộ Y tế Trung Quốc, lượng vi khuẩn cho phép trên mỗi đơn vị sản phẩm (CFU) phải dưới 50/ml và trong số 31 nhãn hiệu nước uống đóng chai kém chất lượng, nhãn hiệu Liquan đứng đầu danh sách với 450.000 CFU/ml. “Thật ghê tởm. Gia đình tôi đã tin tưởng và dùng biết bao thùng suốt nhiều năm qua” - một người dân Bắc Kinh cho hay.

 

Một nhân viên giao thùng nước đến nhà khách hàng ở Bắc Kinh
Ảnh: Global Times
 

 

Theo Thời Báo Bắc Kinh, nguyên nhân có thể do hệ thống cung cấp nước cộng với hệ thống lọc và xử lý nước uống đóng chai đã bị ô nhiễm hay nhiễm bẩn. Nguy hiểm hơn, một số người vì hám lợi nên lợi dụng các nhãn hiệu nước uống đóng chai nổi tiếng để làm nước đóng chai giả mạo. “Một số nhà máy sản xuất nước đóng chai trái phép chỉ đổ nước máy và dán nhãn hiệu rồi phân phối cho khách hàng mà không hề xử lý nước” - một nhân viên họ Vương làm việc tại một cơ sở sản xuất nước đóng chai ở Bắc Kinh cho biết. Anh Vương còn tiết lộ: “60% nước uống đóng chai trên thị trường Trung Quốc là sản phẩm giả mạo kém chất lượng với giá chỉ 1.55 USD/thùng, trong khi đó giá thành nước đóng chai có giá 2.48-4.33 USD/thùng”.

“Một lượng lớn CFU trong nước uống có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người. Một số loại vi khuẩn trong nước uống đóng chai nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến tiêu chảy cấp tính và nặng có thể tử vong, tương tự như khuẩn E.coli ở châu Âu” - Liu Wenjun, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước sạch tại khoa môi trường thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết. Theo thống kê của Hiệp hội Nước uống đông lạnh, hơn 100 triệu thùng nước uống đóng chai được bán ra hằng năm tại thành phố Bắc Kinh.

Hiện chưa cảnh báo được nhiều bệnh liên quan đến thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm - bộ luật đầu tiên về một trong những lĩnh vực nóng nhất của đời sống- chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7. Dưới đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn xoay quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: Luật đã phân công rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên “chúng ta mới phát hiện ngộ độc thực phẩm là chính, chưa giải quyết được bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, nhất là những bệnh chuyển hóa, ung thư...”, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết.Ông đánh giá yếu tố nào trong luật sẽ tác động nhiều nhất đến việc lập lại trật tự VSATTP, một trong những vấn đề khiến người dân lo ngại nhiều hiện nay?

Điểm cơ bản nhất là Luật đã phân công rõ trách nhiệm từng Bộ trong nhóm 3 Bộ quản VSATTP gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, theo chuỗi thực phẩm. Điều này giúp quản lý chặt chẽ hơn, mỗi bộ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong nhóm sản phẩm mình phụ trách, khi có sự cố xảy ra thì xử lý ngay theo hệ thống của mình, như thế nhanh chóng hơn là đợi các bộ cùng nhau vào cuộc. Phân công trách nhiệm từng Bộ, sự phối hợp nhà quản lý - người sản xuất cũng khăng khít hơn. Dĩ nhiên Bộ Y tế vẫn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Một trong những vướng mắc dễ nhận thấy là tuy đã thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều nhưng vấn đề vệ sinh thực phẩm vẫn còn rất nóng bỏng. Lý do cơ bản nhất là gì, thưa ông?

Thanh tra thực phẩm nhiều, sai phạm phát hiện nhiều là điều dễ hiểu. Nhiều người nói với tôi rằng công tác VSATTP những năm qua thực sự có hiệu quả, bằng chứng là ở địa phương họ, tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP đã giảm mạnh.

Trong Luật An toàn thực phẩm, có đề cập xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành, ngày 1/7 tới, cùng với Luật An toàn thực phẩm, một bộ Luật nữa cũng liên quan tới thực phẩm là Luật Thanh tra sửa đổi, liên quan nhiều đến kiện toàn hệ thống thanh tra, bảo đảm công tác hậu kiểm vì quan trọng nhất của hậu kiểm là thanh tra. Năm 2009-2010 đã có nhiều cuộc hậu kiểm ở các tỉnh thành, giúp phát hiện nhiều vi phạm của các nhà sản xuất, của sản phẩm, đưa thông tin vi phạm lên báo chí, hướng dẫn cho các nhà sản xuất thực hiện đúng quy định. Dần dần vi phạm ít hơn nhưng thanh tra phải tăng cường hơn nữa mới đảm bảo được vấn đề thực phẩm. Theo tôi, hiện nay, chúng ta mới phát hiện ngộ độc thực phẩm là chính, bệnh lây qua thực phẩm cũng mới dừng ở bệnh những bệnh đơn giản như bệnh đường ruột, ngộ độc do chất độc tự nhiên, còn các bệnh chuyển hóa, bệnh lâu dài mới phát tác như ung thư thì chưa.

Xác định yếu tố nguy cơ và cảnh báo sớm chứ không chờ ngộ độc rồi mới giải quyết đã được nói đến nhiều và có thể giúp tình hình được giải quyết rốt ráo hơn, khi triển khai luật, công việc quan trọng này sẽ được tiến hành như thế nào?

Ngành y tế đang chuẩn bị để phân công cho các Viện kiểm nghiệm TƯ và khu vực, kiểm tra cùng nhóm thực phẩm trong vòng 2-3 năm, xem hóa chất nào hay được sử dụng để bảo quản trong rau, trong thịt, trong rượu... chúng có ảnh hưởng sức khỏe hay không và cảnh báo trước cho người dân. Làm liên tục như vậy với nhiều nhóm thực phẩm, sẽ kiểm soát được nguy cơ. Trước mắt giai đoạn 2011- 2015 sẽ tiến hành với nhóm thực phẩm có nguy cơ cao nhất, như rượu, như rau quả, thịt..., xem loại hóa chất nào hay được sử dụng, mức độ ra sao, gây hại thế nào,  từ đó tổng hợp số liệu hàng năm, hàng tháng, hàng quý để đưa ra khuyến cáo cho người dân, nếu sản phẩm an toàn cũng thông báo để người dân yên tâm.

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm / thức ăn trong thời gian gần đây

Gần 150 công nhân ngộ độc thực phẩm

Nổi mẩn ngứa, khó chịu, buồn nôn sau khi dùng suất ăn tập thể, 149 công nhân Công ty Quang Thái, quận Bình Tânthành phố Hồ Chí Minh lần lượt nhập viện trưa 27/6. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thức ăn. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, các món ăn mà công nhân dùng trong bữa trưa gồm cơm, sườn ram, cá ngừ chiên, gà chiên, tàu hủ, chả cá sốt cà, su xào, canh bắp cải dài. "Có 297 người cùng ăn lúc 11h30 và khoảng một giờ đồng hồ sau, hơn nửa số này phải nhập viện với cùng triệu chứng mệt mỏi, nặng bụng, đau đầu và buồn nôn", ông Hòa nói. Đến 18h cùng ngày, gần 90 công nhân vẫn còn phải nằm viện để điều trị. Theo các bác sĩ, không có trường hợp nào quá nguy kịch.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, thức ăn gây ngộ độc do một quán cơm tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, cung cấp. Quán cơm này sau đó bị đình chỉ hoạt động do không có chức năng cung cấp suất ăn công nghiệp. Nơi chế biến chật hẹp, không đạt yêu cầu cho việc bán cơm. Hiện các mẫu thức ăn đã được mang đi xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh. Theo nhận định ban đầu của các cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, món cá ngừ có thể là thủ phạm. Chi cục cũng đã yêu cầu chợ đầu mối Bình Điền phối hợp với Chi cục Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giám sát nguồn cá ngừ vốn đã nhiều lần gây ngộ độc tập thể.

Ngộ độc thực phẩm, hơn 100 công nhân nhập viện

Ngày 13/7, hơn 100 công nhân thuộc xí nghiệp may 8, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm (Hà Nội), đóng tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã bị ngộ độc sau khi ăn bữa trưa. Nhiều người có dấu hiệu nổi mẩn đỏ, chóng mặt và buồn nôn. Ngay sau đó, số công nhân này được đưa đến trạm y tế và bệnh viện huyện để cứu chữa.

Chiều 13/7, ông Phạm Viết Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại sức khỏe của hơn 100 công nhân bị ngộ độc thực phẩm đang dần bình phục, phần lớn đã xuất viện. Không có trường hợp nào nguy kịch. Lực lượng y tế của huyện đang tích cực cứu chữa cho các bệnh nhân." Mặc dù tại huyện miền núi cao điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Cẩm Thủy đã huy động lực lượng y tế kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân. Được biết, trong bữa ăn trưa của công nhân có món cá kho và rau muống.

267 công nhân ngộ độc thực phẩm

Ngày 30-6, tại Công ty TNHH Wooyang Vina II (phường Hiệp Thành, quận 12-TPHCM) đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 267 công nhân phải đi cấp cứu. Trước đó, sau bữa ăn trưa cùng ngày với thực đơn gồm cơm, rau muống xào, cải chua kho thịt, canh rau dền, lần lượt số công nhân trên bị đau bụng, ói mửa, ngất xỉu nên được đưa đến các bệnh viện quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn và hai phòng khám đa khoa để cấp cứu. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, sức khỏe số công nhân ngộ độc đã ổn định nhưng vẫn đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế. Cơ quan y tế cũng đã lấy mẫu thực phẩm, dịch ói xét nghiệm. Được biết, thức ăn do một cơ sở chuyên về suất ăn công nghiệp hợp đồng cung cấp với Công ty Wooyang Vina II.

Trung Quốc tìm cách siết chặt tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm

Trung Quốc sẽ công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia nâng cấp về việc sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn vào cuối năm 2011, một thông tư vừa mới ban hành của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra và xử lý hành vi sử dụng trái phép các chất phụ gia thực phẩm không thể ăn được. Động thái siết chặt quản lý phụ gia thực phẩm được thực hiện sau một loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm bị phanh phui gần đây tại Trung Quốc làm giảm mạnh uy tín của ngành chế biến thực phẩm nước này.

Thông tư mới ban hành nhấn mạnh các loại nguyên liệu không ăn được và nằm ngoài danh mục phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng đều bị cấm cho vào thực phẩm. Các loại dược liệu gây hại cho sức khỏe của con người bị cấm gieo trồng, canh tác, chế biến và vận chuyển.

Hoạt động kiểm tra giám sát nhằm ngăn ngừa hành vi sử dụng trái phép phụ gia thực phẩm cấm sẽ được tăng cường trong nhiều lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là trong việc mua bán sữa tươi, chuyên chở và giết mổ gia súc, thông tư khẳng định. Trong một diễn biến khác liên quan, chính phủ Trung Quốc hôm 19.4 cũng đã công bố quy định về giới hạn hàm lượng melamine trong các sản phẩm thực phẩm (mức tối đa cho phép là 1mg melamine trên 1 kg thực phẩm).

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát hiện một loạt các vụ bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuần trước, Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh đưa tin 50 nhà máy sản xuất bún gạo ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông đã tẩy trắng gạo mốc và trộn gạo với một số phụ gia độc hại gây ung thư nhằm tăng sản lượng, thu lời bất chính. Cách đây chưa đầy 1 tháng, nhà chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn Shuanghui Group, bị buộc phải xin lỗi công khai sau khi một số sản phẩm thịt lợn của công ty này bị phát hiện chứa chất phụ gia độc hại “bột thịt nạc” (clenbuterol).

Năm 2008, ngành chế biến sữa Trung Quốc lao đao vì vụ bê bối sữa nhiễm melamine khiến 6 trẻ thiệt mạng và 300.000 trẻ em khác trên khắp đất nước bị bệnh sau khi uống phải sữa “bẩn”.

Trung Quốc thu giữ nhiều sữa nhiễm độc

Trung Quốc đang nỗ lực duy trì lòng tin của dân chúng vào an toàn thực phẩm, sau khi một lượng lớn sữa bột nhiễm melamine bị thu giữ tại các nhà xưởng ở một trong những thành phố lớn nhất nước này.

Các vụ thu giữ ở Trùng Khánh diễn ra 3 năm sau bê bối sữa Tam Lộc (Sanlu) năm 2008, trong đó 3 trẻ tử vong và 300.000 em khác bị bệnh vì uống phải sữa nhiễm hóa chất melamine. Đợt phát hiện sữa độc mới nhất – lô hàng này dự kiến sẽ được dùng để làm kem và bánh ngọt – cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho chuỗi thực phẩm rộng lớn của nước này. Trong một nỗ lực nhằm phục hồi lòng tin của người tiêu dùng, các nhà chức trách thành phố Trùng Khánh, nơi có 35 triệu dân, thông báo thực hiện chiến dịch diệt trừ gian lận thực phẩm và dược phẩm kéo dài 100 ngày.

Thông tin cho biết, hôm 27/4, khoảng 7.900 cảnh sát ở Trùng Khánh đã được triển khai để thực hiện các vụ tập kích nhằm vào 600 cơ sở tình nghi sản xuất hàng hóa và dược phẩm giả hoặc trái phép. Trước đó, khoảng 917 trường hợp đã nằm trong diện điều tra ở Trùng Khánh, theo tin tức báo chí địa phương, trong đó có việc sử dụng thuốc nhuộm vải Rhodamine B trong tương đậu, formalin – chất bảo quản công nghiệp – tại các nhà hàng nổi tiếng của thành phố. Chiến dịch ra quân ở Trùng Khánh, với sự tham gia của 10.000 quan chức thi hành luật, là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm cao độ thực hiện mối đe dọa bê bối thực phẩm, vốn tiềm tàng gây ra bất ổn trong xã hội.

Trung Quốc áp dụng một số quy định về an toàn thực phẩm thuộc loại gắt gao nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải chật vật để thi hành các quy định đó một cách đầy đủ. Tuần trước, Bộ Y tế Trung Quốc đã ban hành một danh sách cấm 151 chất phụ gia, đồng thời mở chiến dịch loại trừ việc sử dụng clenbuterol, hay còn gọi là “bột thịt nạc” trong ngành chăn nuôi lợn.

Bắt vụ làm giả sản phẩm “trà xanh không độ”

Lúc 8h30 ngày 24.2, Đội CSĐTTP về kinh tế và chức vụ – Công an thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở Vạn Đức Hoà, địa chỉ tại số 107 Hùng Vương, do ông Hà An làm chủ.Tại đây, CA đã phát hiện 12 thùng trà xanh in nhãn không độ C, mỗi thùng 24 chai cùng 16kg viên nang màu xanh dương, bên trong chứa bột màu xám, 11kg viên nén bao phim màu vàng, 2kg nhãn tem các sản phẩm.

Mở rộng điều tra, lúc 10 giờ cùng ngày, CA đã kiểm tra hành chính DN tư nhân sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm Q-AN nằm ở số 19 Trương Tấn Minh, TP.Cao Lãnh do bà Nguyễn Thị Kim Loan (vợ ông Hà An) làm chủ, đã phát hiện thêm 279 thùng trà xanh không độ C, 1.100 chai nước trà xanh không độ C dung tích 500ml loại bán thành phẩm, 1 máy đóng hạn sử dụng cùng 70kg tem nhãn hiệu trà xanh không độ C và nhiều dụng cụ để “nấu” ra sản phẩm. CA xác định, đây là cơ sở sản xuất nước uống nhái nhãn hiệu trà xanh không độ của Cty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát,  ảnh hưởng đến uy tín của Cty và sức khoẻ người tiêu dùng.

Đại diện Cty Tân Hiệp Phát, ông Huỳnh Chánh Quang cho biết, khi đưa hai mẫu sản phẩm thật và giả để phân tích thì vỏ chai hàng nhái có màu sắc và hình ảnh giống hàng thật đến 90% khiến người tiêu dùng không nghi ngờ xem xét kỹ. Là hàng nhái, nên các đối tượng sản xuất đã cố tình để lại dòng địa chỉ trên bao bì: “Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm Q&A, số 146 Trường Chinh, P15, Q.Tân Bình” – nhưng thực tế, đây là căn nhà của người dân sinh sống bình thường, không có dấu hiệu là xưởng sản xuất! Nếu là sản phẩm của Cty Tân Hiệp Phát, trên nhãn có ghi là “không độ” thì hàng nhái đã ghi là “không độ C” để đánh lừa người tiêu dùng. Điểm khác biệt giữa hai sản phẩm thật – giả là ở cổ chai sản phẩm chính hãng có vành nhựa trắng – loại chai chiết nóng, tiệt trùng có thể chịu nhiệt nước nóng 100 độ C, có logo Number 1…, còn hàng nhái thì không hề có.

Nơi sản xuất ra những chai nước trà xanh không độ C của bà Nguyễn Thị Kim Loan nêu trên được đặt phía sau căn nhà 107 Trương Tấn Minh, có hệ thống ống nhựa cáu bẩn gắn vào tường để dùng chiết nước uống vào chai; nồi nấu nước đường và hệ thống pha màu, mùi… cho sản phẩm trà xanh “không độ C” để chung với chổi quét nhà và những vật dụng không phù hợp với nơi sản xuất đồ uống. Theo một cán bộ y tế đi cùng đoàn kiểm tra cho biết: “Thường thì những thực phẩm là hàng giả, hàng nhái đều rất có hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc hoặc tiềm ẩn chất gây ung thư bởi các sản phẩm này được chế biến ở những nơi mất vệ sinh, các chất sử dụng không rõ nguồn gốc…”. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Mỹ thu hồi bơ lạc nghi nhiễm khuẩn salmonella
 

Mỹ thông báo thu hồi bơ lạc Skippy do nghi nhiễm khuẩn salmonella. Hãng chế biến thực phẩm Unilever của Mỹ ngày 7/3 đã ra thông báo thu hồi 2 loại sản phẩm bơ lạc Skippy do nghi nhiễm khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Trong tuyên bố của mình, Unilever khuyến cáo khách hàng không nên sử dụng các sản phẩm bơ lạc Skippy trong diện bị thu hồi và liên hệ với hãng để nhận phiếu đổi hàng. Lệnh thu hồi này ảnh hưởng tới các nhà bán lẻ tại 16 bang của nước Mỹ. Unilever khẳng định chưa nhận được bất kỳ báo cáo về trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng các sản phẩm bơ lạc Skippy của hãng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi năm có hơn 400.000 trường hợp bị nhiễm khuẩn salmonella trong thực phẩm. Triệu chứng thường thấy của bệnh là tiêu chảy, sốt….trong vòng từ 8-72 giờ sau khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn. Trẻ nhỏ, người già và những người có hệ thống miễn dịch yếu thường dễ bị vi khuẩn salmonella tấn công.

Trung Quốc thấy chất biến thịt lợn thành thịt bò

“Cao thịt bỏ” có thể biến thịt lợn thành thịt bò trong vòng 3 phút sau khi tẩm ướp. Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã phát hiện một loại chất phụ gia gọi là “cao thịt bò” tại một số tỉnh như An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông. Chất này có thể làm thịt lợn biến thành thịt bò trong vòng 3 phút sau khi được tẩm ướp.

Theo điều tra thị trường của báo chí Trung Quốc, không chỉ với thịt bò mà ngay cả thịt cừu, gà, vịt, ngỗng, cá, tôm, cá mực cũng đều có loại phụ gia tương ứng làm biến đổi chất thịt. Hiện nay, chất phụ gia này được bán tương đối phổ biến tại một số địa phương với giá hơn 40 nhân dân tệ/1kg. Theo giới thiệu một chủ cửa hàng tại Quảng Châu, để có thể biến thịt lợn thành thịt bò, ngoài mentol, người ta phải cho thêm khoảng 2kg “cao thịt bò” trên 100kg thịt nguyên liệu.

Trung Quốc choáng váng vì rượu độc

6 người bị bắt, một vài nhà máy sản xuất rượu phải đóng cửa, nhiều chai rượu bị rút khỏi quầy hàng sau khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện rượu nước này chứa một số phụ gia hóa chất. Vụ việc tại quận Changli thuộc tỉnh miền trung Hà Bắc, khu vực được mệnh danh là "Bordeaux của Trung Quốc", là bê bối an toàn thực phẩm mới nhất đánh vào lòng tin của người tiêu dùng khi mà người dân Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ xì căng đan sữa độc gây chết người hồi 2008.

Bản tin của đài truyền hình quốc gia cho biết, một số nhà máy sản xuất rượu nước này đã dùng nước đường, chất tạo màu, mùi nhân tạo để giả làm rượu rồi dán nhãn nổi tiếng lên chai. Tổng số 5.114 thùng rượu vang, được cho là ghi sai nhãn, 19 thùng ghi giả nhãn hiệu nổi tiếng và 280 chai chưa dán nhãn đã bị thu hồi.

Chuyên gia công nghiệp hàng đầu Huang Weidong cho biết, các chất phụ gia có thể gây đau tim, đau đầu và sinh ung thư. "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về hành vi này. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi bắt đầu thu hồi những chai rượu đáng nghi khỏi quầy hàng", một phát ngôn viên của siêu thị Wall Mart ở Bắc Kinh cho biết. Giới chức tỉnh Hà Bắc đã đóng cửa gần 30 cơ sở sản xuất rượu và đóng băng tổng số tiền 427.000 USD. Changli sản xuất 1/3 số rượu vang trong nước của Trung Quốc. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị đón mừng năm mới Dương lịch và Tết, thời điểm theo truyền thống là số lượng rượu bán ra sẽ tăng lên.

Trung Quốc tập trung giám sát vệ sinh với sữa, thịt

Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố kế hoạch hành động thường niên lần thứ ba, nhằm tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2011, trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ bê bối khiến người dân lo ngại. Trong chiến dịch an toàn thực phẩm năm nay, Trung Quốc đưa vào "tầm ngắm" các sản phẩm bơ sữa, dầu ăn, thực phẩm tăng cường sức khỏe, thịt, chất phụ gia thực phẩm và rượu. Theo kế hoạch trên, Trung Quốc sẽ nâng các tiêu chuẩn để sản phẩm được lưu hành trên thị trường; dần xóa sổ các nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn; đưa ra một cơ chế theo dõi thông tin và hệ thống chứng chỉ tại các ngành công nghiệp này.

Đối với ngành bơ sữa, bản kế hoạch kiến nghị xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất ở quy mô quốc gia về các nhà sản suất bơ sữa và một hệ thống thẩm tra các giấy chứng nhận liên quan. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ đưa ra một hệ thống đăng ký để ghi lại toàn bộ hoạt động mua melamine - một chất phụ gia thực phẩm bị cấm, đã gây ra các vụ bê bối lớn trong ngành sữa nước này hồi năm 2008. Các sản phẩm sữa nhiễm melamine đã khiến ít nhất 6 trẻ thiệt mạng và 300.000 trẻ bị bệnh trên toàn quốc. Chen Xiaohong, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, hồi tháng 2/2011, nước này đã phát hiện 2.334 tấn bột sữa "có vấn đề."

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng cấm sử dụng clenbuterol - một chất phụ gia đang khiến dư luận lo ngại. Hóa chất này rất độc với người nếu ăn phải, đã được một số cơ sở chăn nuôi đưa vào thức ăn của lợn để thịt của chúng không bị mỡ. Một công ty con của Shuanghui Group - nhà chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc, đã bị phát hiện sử dụng thịt lợn nhiễm clenbuterol trong các sản phẩm của mình.

Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát chất lượng dầu ăn, trừng trị việc sản xuất và bán dầu ăn chất lượng kém cũng như việc thu mua dầu qua các kênh bất hợp pháp. Bản kế hoạch của Quốc vụ viện cũng đề cập đến "dầu cặn bã" - được chiết xuất từ đồ thải nhà bếp; đồng thời kêu gọi tuân thủ luật về an toàn thực phẩm; đưa ra những khung hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng vi phạm.

Ngộ độc thực phẩm - Người nào dễ mắc?

Hằng ngày chúng ta dùng nhiều thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng để sống và hoạt động, vì thế việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Bản thân thực phẩm cũng có thể chứa các thành phần có hại. Mặt khác vi sinh vật nhiễm vào thực phẩm từ động vật, người chế biến thực phẩm, từ môi trường hoặc từ các thực phẩm khác.

Những chất độc này trong thực phẩm gây ngộ độc cho con người. Có thể là chất hóa học có tính độc dù với lượng rất nhỏ nhưng lâu dài cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Những chất này có thể nhiễm vào một cách tình cờ trong thời gian nuôi trồng, chế biến, nấu nướng hoặc do sự tương tác của một số thành phần với nhau trong thực phẩm, khi bảo quản đã hình thành độc tố nhưng cũng có thể là thành phần tự nhiên của thực phẩm. Như vậy theo nguyên nhân ta chia ra 2 loại ngộ độc:Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn.;Ngộ độc thực phẩm không do vi khuẩn.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn

Đây là tình trạng hay gặp trong các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể như ở các trường học bán trú, các xí nghiệp sản xuất, các buổi liên hoan hay lễ cưới...

Vi khuẩn gây ngộ độc đa số là nhóm vi khuẩn đường ruột, khả năng gây bệnh của nhóm này yếu nên để gây bệnh thường phải có một lượng lớn thức ăn. Ngộ độc thực phẩm loại này thường xảy ra trong vòng vài giờ đến một ngày sau khi ăn các thực phẩm bị nhiễm này.

Thực phẩm hay gặp trong nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn:

-Các loại thực phẩm nguồn gốc động vật có giá trị dinh dưỡng cao như thịt lợn, bò, trâu, ngựa... hay gia cầm như gà, vịt.

-Thủy, hải sản như cá, tôm, lươn, ốc, ếch... Sữa và các chế phẩm của sữa như bơ, pho mát. Trứng và các chế phẩm của trứng.

-Các thực phẩm nguồn gốc thực vật thì ít xảy ra hơn. Tuy vậy ngày nay cần chống sâu bệnh, năng suất cao nên người trồng trọt cũng dùng nhiều thuốc trừ sâu, nếu không bảo đảm quy cách cũng dễ gây ngộ độc.

 

 Thủy, hải sản rất dễ nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.

Nói chung các thực phẩm có độ ẩm cao, pH kiềm và có trạng thái lý hóa thuận lợi cho việc nhiễm khuẩn, nếu không được bảo quản, chế biến đúng quy trình vệ sinh an toàn thì vi khuẩn sẽ phát triển nhanh, mạnh mẽ trong toàn khối thực phẩm. Đặc biệt là các thực phẩm lỏng như sữa, trứng và các thực phẩm nghiền băm nhỏ như patê, thịt băm, rất dễ nhiễm khuẩn cũng như các thực phẩm nhóm thủy hải sản dễ bị phân hủy: khi thịt bị nghiền thì kết cấu của mỗi cơ bị mất và màng cơ là hàng rào bảo vệ tự nhiên bị phá hủy, khi đó vi khuẩn xâm nhập vào toàn bộ khối thịt, còn dịch của thịt chảy ra là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và lan rộng. Người ta đã thử nghiền 1g thịt tươi, ngay sau đó kiểm dịch có gần 2 triệu vi khuẩn, chỉ sau 24 giờ số vi khuẩn đã tăng lên xấp xỉ 100 lần.

Những biện pháp chung phòng nhiễm độc thực phẩm do vi khuẩn.

1.Những cơ sở chế biến phải có kiểm dịch đầy đủ trước khi giết mổ, vệ sinh trong khâu chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Vai trò của bộ phận kiểm dịch rất quan trọng ở khâu này vì họ có trang thiết bị phục vụ cho kiểm dịch.

2.Kiểm tra định kỳ sức khỏe người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Đặc biệt là người nấu ăn hằng ngày trong các bếp ăn tập thể nhất là bếp ăn của các cháu nhà trẻ, mẫu giáo. Theo thông báo của WHO, một khảo sát gần đây cho thấy trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ bị ngộ độc thực phẩm và mắc tiêu chảy nhất do các cháu nhỏ, sức đề kháng kém.

3.Đảm bảo thời gian lưu giữ thức ăn đã chế biến, nghiền nhỏ vì để kéo dài sẽ tăng độ nhiễm khuẩn nếu mất vệ sinh.

4.Thức ăn, nước uống phải được nấu chín, đun sôi.

Hiểm họa” từ sữa đậu nành bán rong

Tình trạng sản xuất “chui” các mặt hàng thực phẩm - đổ uống, trong đó có sữa đậu nành bán rong thời gian qua đã khiến chất lượng của các mặt hàng này không thể kiểm soát, vàng thau lẫn lộn. Và người tiêu dùng chính là đối tượng phải chịu hậu quả nhiều nhất.

Thống kê gần đây của Cục quản lý thị trường (Sở Công thương TP.HCM) cho thấy, tại TP.HCM hiện có khoảng 137 cơ sở tư nhân được cấp giấy phép sản xuất các loại sữa đậu nành, sữa đậu xanh, sữa mè đen... với các quy định nghiêm ngặt về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế có đến hàng trăm cơ sở khác cũng tham gia sản xuất nhưng là hoạt động chui, không có giấy phép và không đăng ký các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Trong khi đó, theo khuyến cáo từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm TP.HCM thì những mặt hàng thực phẩm – đồ uống trôi nổi này là những loại thực phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhất. Bởi chúng thường được chế biến tại các cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản... Mặt khác, những loại thực phẩm – đồ uống bán rong này cũng thường được bày bán ngoài đường, thậm chí gần chợ, cống rãnh, rác thải... nên rất dễ bị nhiễm khuẩn chéo với môi trường xung quanh.

Một khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM năm 2010 cho thấy, trong số 30 mẫu sữa đậu nành bán rong được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn TP.HCM có đến 50% mẫu sản phẩm không đạt chỉ tiêu vi sinh và tiêu chuẩn hóa lý. Tệ hơn, phần lớn các mẫu này bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliforms rất cao, vốn có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Đối chiếu với quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm, kết quả 50% số mẫu trên đều vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Y tế rất nhiều lần.

Cạnh đó là tình trạng dùng chất phụ gia trong chế biến các mặt hàng bán rong như sữa đậu nành, sữa đậu xanh… Để hạ chi phí sản xuất, nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã nhờ tới các chất phụ gia công nghiệp. Người trong nghề gọi chất này là bột béo nấu sữa đậu nành, sữa đậu xanh… Hay, để sữa thơm ngậy, họ có thể mua thêm viên có mùi hương của từng loại sữa cho vào. Đó là chưa kể, thông thường các loại sữa chế biến thủ công chỉ có thể giữ được trong ngày, thậm chí ít hơn nếu gặp trời nắng nóng. Nhiều chủ cơ sở đã mua một loại bột trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc giúp sữa không lên men và chịu được không khí nóng bức… Như vậy, “ngon, bổ, rẻ” của các loại sữa bán rong chỉ là cái tức thời, còn các mối nguy tiềm ẩn của chúng là rất lớn.

Thông tin gần đây cho thấy, tại Đà Lạt có 500 khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm, một người ở Thanh Hóa mới tử vong và tại Châu Âu có hơn 30 người chết cũng vì lý do dùng phải các mặt hàng thực phẩm - đồ uống kém vệ sinh. Chính thời tiết nắng nóng kết hợp với ăn uống, giải khát... không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính làm bùng phát tình trạng ngộ độc thực phẩm. Và người tiêu dùng hơn ai hết phải tự bảo vệ mình bằng cách ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ...

Riêng các loại nước giải khát như sữa đậu nành, nên dùng các sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại và được đóng gói trong bao bì giấy. Đây là những sản phẩm của những nhà cung cấp có uy tín, có nhãn mác rõ ràng và được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sữa đậu nành bán rong: Dễ gây ngộ độc

Mùa hè oi bức, sữa đậu nành được nhiều người ưa thích, nhu cầu tiêu thụ hằng ngày lớn, nên việc sản xuất, chế biến sữa đậu nành ở nhiều địa phương bung ra khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo về quy định ATVSTP. Từ diện tích sản xuất, con người, chuyên môn... đều không đủ điều kiện bảo đảm kỹ thuật và vệ sinh trong sản xuất, chế biến sữa; ngay cả khâu rửa chai, đóng chai thành phẩm... cũng không bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh, thậm chí ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng không được ghi trên bao bì sản phẩm.

Sữa đậu nành giàu chất đạm, vitamin, khoáng chất... rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, do đặc tính của sữa này là một môi trường rất thuận lợi cho vi sinh phát triển, nhất là vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy..., nên sữa đậu nành bán rong tuy ngon nhưng người dùng cần thận trọng.

Theo điều tra gần đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM về các sản phẩm sữa, trong đó có sữa đậu nành đã cho thấy 90% mẫu sữa đậu nành không nhãn hiệu được khảo sát có chứa vi khuẩn. Nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng như các loại nấm mốc nguy hiểm đều có mặt trong các mẫu sữa đậu nành đường phố được kiểm nghiệm với tỷ lệ cao gấp nhiều lần cho phép, trong đó đáng lưu ý là: Bacillus cereus, Clostrisdium perfringens, E.coli, nấm men, mốc, TPC - sinh vật hiếm khí...

 

Người tiêu dùng không nên sử dụng sữa đậu nành bán rong.
Ảnh: G.P
 

 

Nguyên nhân là do sữa đậu nành hay các loại nước có pha thì độ sôi đun theo cách thông thường thì chưa đạt nên sữa rất dễ bị hỏng hay bị sủi bọt... Các cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn sau khi nấu xong thì bắt đầu qua công đoạn pha chế, sữa được đóng chai và để trong hộp xốp giữ nóng hoặc có thêm một chiếc bình thủy, nếu khách thích uống nóng thì chế thêm ít nước nóng vào cho nóng, uống đá thì cho thêm đá. Từ khâu chế biến đã không đạt chuẩn vệ sinh, đến khâu bán hàng còn đáng sợ hơn. Sữa được bán ngoài đường, trong môi trường nắng nóng nên dễ dàng nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài như khói bụi xe, ánh nắng mặt trời... rồi từ cả áo quần, tay chân, đầu tóc của người bán hàng.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các sản phẩm sữa đậu nành có nhãn mác được sản xuất theo quy trình công nghệ vô trùng khép kín, được các cơ quan chức năng chứng nhận. Chỉ những sản phẩm này mới thực sự là thức uống bổ dưỡng và giải khát an toàn cho mọi người.

Nước uống đóng bình, vừa dùng vừa lo

Nước uống đóng bình đang bị nhiều cơ sở “chui” và cả các cơ sở được cấp phép thực hiện rất mất vệ sinh. Trong đó, nhiều mẫu nước bị nhiễm coliforms – một loại vi khuẩn không cho phép xuất hiện trong nước uống đóng bình theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Nước uống đóng bình, vừa dùng vừa lo

Ông Đinh, chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình “chui” trên đường liên khu 8-9 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM), giới thiệu: “Nước uống chỗ tui tuy không đăng ký nhưng chất lượng không kém các cơ sở khác, thậm chí còn tốt hơn, giá bán chỉ 6.000 đồng/bình loại 20 lít”.

Công nghệ sản xuất giá “bèo”

Gần đây, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ gọi điện lo ngại về tình trạng an toàn của nước uống đóng bình. Anh Long (sinh viên ở làng đại học, Q.Thủ Đức) kể: “Có buổi sáng, sau khi uống nước bình 20 lít thì bỗng dưng tôi bị đau bụng dữ dội. Do vậy, tôi đã tìm mua loại nước khác nhưng cũng vừa uống vừa lo. Tương tự, một bạn đọc tên Huy (ngụ P.6, Q.8) lo âu: “Nhiều lần tôi đi qua một cơ sở làm nước đóng bình ở gần nhà thấy chúng được làm trong điều kiện nhỏ hẹp, tối tăm, không đảm bảo nên tôi không dám sử dụng…”.

Ngay cả những người trực tiếp đến các cơ sở đóng bình mua về bỏ lại cho các đại lý cũng lo lắng. Ông Đông, ngụ chợ Việt Lập (Dĩ An, Bình Dương), một người có thâm niên gần 10 năm trong nghề bỏ mối nước đóng bình, cho hay: “Tiền nào của đó, có lần tui lấy loại giá bèo về bán kiếm lời nhưng phát hiện phía trong vỏ bình có đóng rêu xanh nên phải mang trả lại kẻo mất khách. Với công suất khá khiêm tốn (250 lít/giờ), cơ sở ông Đinh cho ra lò mỗi tháng ngót nghét 1.000 bình. Khách hàng mà ông cung cấp phần lớn là hộ dân xung quanh hoặc công nhân ở các nhà xưởng thuộc địa bàn P.Bình Hưng Hòa A.

 

 Một nhân công ở cơ sở TH (P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) gội đầu tại vòi nhựa,
sau đó từ vòi này châm nước vào bình – Ảnh: Ngọc Khải

Ông ta bật máy bơm ro ro chạy và cắm ống nhựa vô bình đặt trực tiếp dưới nền gạch. Chưa đầy 3 phút đã có ngay một bình nước. Chỉ về phía các bình lọc bằng inox láng coóng, ông nói: “Đúng ra hệ thống làm nước này cần ba bình lọc nhưng tui đã thiết kế rút ngắn chỉ còn hai bình, chất lượng nước vẫn đảm bảo. Nếu như bên anh có nhu cầu ráp máy thì tui tư vấn, ráp máy cho. Chỉ tốn vài chục triệu đồng là có ngay công nghệ lọc nước bình dân”.

Ông Đinh cho biết nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang sử dụng “công nghệ” do chính ông lắp đặt. Tùy thuộc vào công suất, loại máy công nghệ Mỹ, Úc… với đủ mức giá. “Công suất 250 lít/giờ, công nghệ Mỹ có giá từ 30-40 triệu đồng, công suất 500 lít/giờ giá hơn 60 triệu đồng, 1.000 lít/giờ giá gần 100 triệu đồng. Công nghệ giá quá bèo mà chất lượng, chỗ khác làm sao có” – ông nói. Đa số vỏ bình mà cơ sở ông dùng đựng nước đều không nhãn mác và đục màu cũ kỹ.

Theo lời ông này, bình dùng chứa nước có khi được sử dụng 30-40 lần, bao giờ hư mới bỏ xó, còn nhãn thì cứ việc mua hàng gia công dán vào, thích nhãn gì có nhãn nấy. Trong khi đó, theo một chuyên gia ngành xử lý nước uống, với công nghệ vài chục triệu đến 200-300 triệu đồng thì cơ sở sản xuất rất dễ rơi vào những vi phạm về quy trình sản xuất, chất lượng nước uống. Lần theo địa chỉ trên bình nước nhãn hiệu Riming, chúng tôi đã chứng kiến quy trình sản xuất nước cực kỳ nhanh chóng tại cơ sở sản xuất ở phường An Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Nơi sản xuất (các khâu) trong không gian chật hẹp chưa đầy 20m2. Phía trước nhà là nơi tập kết hàng trăm vỏ bình nằm ngổn ngang. Cơ sở này tiêu thụ hơn 1.000 bình/ngày nhưng mỗi ca làm việc chỉ có hai nhân công thực hiện tất tần tật các công đoạn dán nhãn mác, súc rửa bình, bơm nước… hoàn toàn bằng tay trần. Điều đáng nói khâu súc rửa vỏ bình chưa đầy 15 giây. Ông Nhì, một nhân công đã ba năm làm tại cơ sở trên, tiết lộ: “Quan trọng là khâu lọc nước thôi, các khâu khác thì làm qua loa, miễn sao cho nhanh là được”. Ông Nhì thừa nhận ngay cả ông và các đồng nghiệp chưa bao giờ có khái niệm dùng đến găng tay bảo hộ và… đi khám sức khỏe.

Chỉ trong một tuần đi thực tế, chúng tôi đã chứng kiến hơn 10 cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương sản xuất nước uống đóng bình với phòng ốc chật hẹp, ẩm thấp, trang thiết bị hầu như chẳng có gì ngoài máy xử lý nước bằng ozon. Quy trình cũng bị rút ngắn, bỏ qua các khâu tiệt trùng vỏ bình.

“Ra lò” nước nhiễm vi sinh

Trưa 28-6, chúng tôi có mặt tại cơ sở TH (P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương), sản xuất nước đóng bình nhãn hiệu Yoday, trên nhãn bình ghi “sản xuất theo công nghệ USA”. Trong không gian phòng kính khoảng 10m2, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một nhân công đang gội đầu dưới vòi nhựa. Sau đó, từ vòi này, một nhân công khác châm đầy nước cho các bình nước khác. Còn một nhân công gần đó ngồi giữa hàng chục bình nước dùng tay trần bọc nilông bình nước đặt trên nền đất bám đầy bụi cát. Một tốp người mình trần vác bình lên xe tải mang đi tiêu thụ.

Ông D., chủ cơ sở, nói: “Tui có hai cơ sở sản xuất nhãn hiệu Yoday, một ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, một ở đây. Mùa mưa đóng 12.000 bình/tháng, mùa nắng phải đến 20.000 bình/tháng”. Ông D. cho biết nước bán sỉ là 4.000-5.000 đồng/bình cho hơn 200 mối là những tiệm tạp hóa, hộ dân có nhu cầu ở Q.Thủ Đức, Q.9… và Bình Dương. “Trước đây tui bỏ sỉ giá 3.500 đồng/bình, rẻ vô địch khu này. Tuy giá điện, xăng tăng vùn vụt nhưng giá nước chỗ tui chỉ tăng chút đỉnh” – ông ta khoe. Ông D. thừa nhận mỗi bình nước giá “bèo”, trừ chi phí vẫn có thể kiếm lời 50%.

Để tìm hiểu thực hư chất lượng của nước đóng bình, chúng tôi đã gửi ba mẫu nước của ba cơ sở sản xuất đi thử nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. Trong đó có 2/3 mẫu cho kết quả dương tính với coliforms. Trong đó nhãn Yoday (cơ sở ông D., chúng tôi lấy mẫu ngày 8-6) cho kết quả: 44 vi khuẩn/100ml. Điều đáng nói là kết quả thử nghiệm lần hai (10 ngày sau) ở cơ sở này tăng đột biến lên tới 1.200 vi khuẩn/100ml (gấp 27 lần).

Thạc sĩ Phẩm Minh Thu, phó khoa xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM, nhận định: “Với mẫu phân tích nước uống đóng chai có 44 vi khuẩn/100ml là đã vi phạm tiêu chuẩn nhà nước đặt ra. Bởi vì nước uống nói chung, theo quy định tiêu chuẩn nhà nước (TCVN 6096:2004) là 0 vi khuẩn/250ml.

Thời gian qua, viện đã nhận nhiều mẫu nước đóng chai, đóng bình để phân tích, xét nghiệm. Trong đó nhiều mẫu có chứa coliforms. Cụ thể vào năm 2007 có đến 10% mẫu có chứa coliforms (trên 50 mẫu). Uống nước chứa coliforms với số lượng nhiều (tùy vào thể trạng người uống) có thể gây rối loạn tiêu hóa, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tiêu chảy, mất nước ở cơ thể”.

10 mẹo hay chống ngộ độc thực phẩm

Thời tiết mùa hè là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi sinh vật, trong đó bao gồm các vi khuẩn có hại.

10 mẹo dưới đây sẽ giúp bạn ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh và hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. 

1.Mua sắm thực phẩm ở nơi càng gần nhà càng tốt. Khi mua về, dù chưa sử dụng đến, bạn vẫn cần sơ chế và bảo quản lạnh thực phẩm ngay.

2.Hãy trang bị ngay cho mình một chiếc hộp cách nhiệt. Đừng bao giờ tiếc tiền đối với một món đồ như thế, bởi nó rất có hiệu quả trong việc bảo vệ các loại thực phẩm dễ bị hư, hỏng.

3.Cố gắng mua những sản phẩm còn tươi. Nếu là đồ đông lạnh thì hãy chú ý tới hạn sử dụng của thực phẩm ghi trên bao bì.

4.Hãy đặt các loại thực phẩm dễ bị hư, hỏng nhất lên trên cùng giỏ mua hàng để đảm bảo rằng chúng sẽ được sơ chế và bảo quản lạnh đầu tiên, khi bạn trở về nhà.

5.Mùa hè, hải sản rất nhanh bị hỏng, hãy đảm bảo rằng chúng sẽ được chế biến ngay sau khi mua về từ 3-5 giờ đồng hồ.

6.Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của tủ lạnh (vùng lạnh nhất phải luôn nhỏ hơn 4oC).

7.Những sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như bơ, kem, sốt mayonnaise,… phải được để lại vào tủ lạnh ngay sau khi sử dụng.

8.Với thời tiết mùa hè, không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi, tốt nhất là ăn lúc nào thì mua lúc ấy.

9.Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ.

10.Và cuối cùng, tuyệt đối không mua các thực phẩm có mùi vị bất thường; đun nấu thực phẩm ở nhiệt độ cao để chắc chắn rằng vi khuẩn đã chết hết.

 Choáng vì độc chất trong vật dụng trẻ em

Những vật dụng bình thường dùng cho trẻ em cũng chứa những độc tố DEHP.

Thông tin vừa qua về tác hại của hóa chất DEHP với sức khỏe con người có một số điều chưa thật rõ ràng, khiến nhiều người chỉ tập trung cảnh giác thực phẩm có sử dụng phụ gia tạo đục mà không biết rằng DEHP còn hiện diện ở nhiều nơi khác trong đời sống.

Vụ bê bối thực phẩm nhiễm hóa chất công nghiệp DEHP ở Đài Loan đã gây lo lắng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hiện cục an toàn vệ sinh thực phẩm nước ta đã yêu cầu các cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra DEHP ở phụ gia tạo đục nhập từ nước ngoài mà phải mở rộng ra tất cả các nhóm thực phẩm như bánh kẹo, sữa, thạch, nước rau câu, đặc biệt nhóm nước giải khát…

Những “đồng minh” của DEHP

DEHP là một hóa chất hữu cơ, viết tắt của diethylhexyl phtalat. DEHP không tan trong nước, chỉ tan trong dầu nên tạo đục trong sản phẩm chứa nước, được dùng trong thực phẩm thay thế dầu cọ vì là hoá chất công nghiệp rẻ tiền hơn. Ngoài DEHP, nhiều hóa chất khác có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm, gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP)…

Trong ngành dược, một dẫn chất phtalat là diethylphtalat (DEP) có dùng làm thuốc nhưng chỉ dùng ngoài da trị bệnh ghẻ ngứa (trước đây nước ta rất phổ biến DEP nhưng nay không dùng nữa). Đặc biệt, DEP còn được dùng làm chất hóa dẻo (plasticizer) trong bao phim bao viên thuốc. Tuy nhiên, liều lượng của DEP có rất ít trong lớp phim bao (lớp phim này thông thường cũng được bao rất mỏng) và mỗi lần ta chỉ uống vài viên thuốc nên tác hại của DEP xem như không đáng kể. Các dẫn chất phtalat khác thường được dùng làm chất hóa  dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, trong đồ chơi trẻ con bằng chất dẻo, nhựa…

 

Những đồ chơi trẻ em bằng nhựa dẻo được cảnh báo có nhiều
nguy cơ chứa các chất độc hại. Ảnh minh họa.

 
Trong quá trình sử dụng các sản phẩm nói trên, các dẫn chất phtalat bị thôi ra và theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người. Trẻ con dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng cao các dẫn chất phtalat sẽ có nguy cơ bị nhiễm chất này. Tác hại của các dẫn chất phtalat là làm xáo trộn nội tiết. Bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và một số nghiên cứu được tiến hành trên chính Đài Loan.

Gần đây nhất là nghiên cứu của Chou YY và cộng sự thực hiện tại khoa y, đại học quốc gia Chen Kung (Đài Loan) vào năm 2009. Nghiên cứu trên 30 bé gái dậy thì sớm, so với 33 bé gái bình thường, cho thấy trong nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phtalat (MMP) cao hơn nhiều so với bé gái bình thường. Từ đây họ kết luận MMP có thể là một nguyên nhân môi trường gây dậy thì sớm ở bé gái Đài Loan (phtalat exposure in girls during early puberty, J Pediatr Endocrinol Metab. 2009; 22(1): 69-77).

Cảnh giác cả đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm…

“Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm”. Những chất từ bên ngoài môi trường được đưa vào cơ thể người, hoạt động như estrogen, gọi là xenoestrogen (có nghĩa chất tương tự, có tác dụng giống như estrogen bên ngoài đưa vào cơ thể). Ta cần biết estrogen chính là một loại hormon sinh dục nữ. Cơ thể bé gái chưa dậy thì nhưng do tiếp xúc với xenoestrogen thì xem như có một lượng estrogen trong cơ thể. Estrogen này sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên ở não, tiết ra các hormon hướng dục (gonadotropins) đánh thức buồng trứng làm việc và làm xuất hiện sớm những hiện tượng đặc trưng của giới tính nữ (phát triển vú, xuất hiện kinh nguyệt...) DEHP đã được ghi nhận có tác dụng như một xenoestrogen.

Ta cũng cần biết, các hormon sinh dục, kể cả nam và nữ, về mặt cấu trúc hóa học, đều có phần tương tự, xuất phát từ chất đầu tiên là cholesterol. Vì vậy, xenoestrogen không chỉ ảnh hưởng đến estrogen mà còn ảnh hưởng đến các hormon khác và DEHP được xem là chất làm rối loạn hormon giới tính nói chung, tức cũng có ảnh hưởng đến hormon nam giới. Hiện người ta không chỉ cảnh giác với các dẫn chất phtalat bị nhiễm trong thực phẩm mà còn lo ngại về các vật dụng sinh hoạt hàng ngày có chứa các chất gây nguy hại này.

Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm. Cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm chứa DEHP là rất cần thiết. Nhưng bên cạnh đó cũng nên dùng cẩn thận các sản phẩm nhựa dẻo như PVC vì có thể chứa các dẫn chất phtalat. Không nên chế biến thức ăn quá nóng trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà thay bằng vật đựng bằng sứ (nhiệt độ quá nóng các phtalat dễ thôi ra). Dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì nhựa, plastic.

 

Ngày 27/07/2011
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang và Cn. Võ Thị Thu Trâm  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích