Thông tin cập nhật đáng lưu ý về dược phẩm, thuốc và vaccine
Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư hướng dẫn Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở KCB được quỹ BHYT thanh toán gồm thuốc tân dược, thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Danh mục thuốc gồm 900 thuốc hay hoạt chất được sắp xếp theo mã ATC (giải phẫu, điều trị, hóa học). Danh mục thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu gồm 57 hoạt chất... Thông tư của Bộ Y tế cũng quy định rõ, Quỹ BHYT chỉ thanh toán đối với một số thuốc có chỉ định điều trị cụ thể theo đúng phác đồ. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB phải bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, không để người bệnh tự mua, kể cả thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục nhưng được Quỹ BHYT thanh toán theo quy định. Thuốc có chứa Buflomedil đã lưu hành tại Việt Nam Trước thông tin Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) ra thông báo khuyến cáo tạm dừng lưu hành trên toàn châu Âu các thuốc dạng uống chứa hoạt chất buflomedil, ngày 23/6, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến các cơ sở y tế trên toàn quốc để thông báo thuốc chứa buflomedil đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Thuốc chứa buflomedil có tác dụng vận mạch, dùng điều trị triệu chứng bệnh tắc động mạch ngoại vi. Theo EMA, các thuốc dạng uống chứa buflomedil có thể gây hại nghiêm trọng đến tim mạch, thần kinh, có khi dẫn đến tử vong. Cục Quản lý dược, EMA đang tiếp tục xem xét có nên cấm lưu hành thuốc chứa buflomedil dạng tiêm hay không. Do đó, để bảo đảm an toàn khi sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu các bác sĩ cần tính toán chính xác liều dùng khi kê đơn cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng đúng liều, theo dõi những trường hợp xảy ra biến chứng tim mạch, thần kinh do tác dụng phụ của thuốc. Cảnh giác khi kê đơn Buflomedil Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Việt Hùng vừa có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện toàn quốc, khuyến cáo thầy thuốc cân nhắc, tính toán chính xác liều dùng khi kê đơn Buflomedil cho bệnh nhân, lưu ý bệnh nhân sử dụng đúng liều được kê để tránh quá liều. Theo Cục Quản lý dược, Cơ quan quản lý dược châu Âu ra thông báo đề nghị tạm dừng thuốc dạng uống chứa hoạt chất Buflomedil (sử dụng điều trị triệu chứng tắc động mạch ngoại vi), đồng thời xem xét đối với thuốc tiêm chứa hoạt chất này do liên quan các phản ứng có hại trên tim mạch và thần kinh, thậm chí có cả những trường hợp tử vong liên quan tác dụng phụ của thuốc. Cục Quản lý dược cho biết nguy cơ này chủ yếu do vô tình hoặc chủ ý sử dụng thuốc quá liều. Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Coxicam-7.5, lô sản xuất EUT-11, hạn dùng 12-5-2012, số đăng ký VN-3887-07, do Công ty Euro Heathcare-India sản xuất, Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 nhập khẩu, vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Yêu cầu cân nhắc kê Buflomedil cho bệnh nhânCục Quản lý dược vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, các thầy thuốc cần tính toán chính xác liều dùng khi kê đơn Buflomedil cho bệnh nhân, hướng dẫn và lưu ý bệnh nhân sử dụng đúng liều đã được kê để tránh quá liều. Thuốc chứa Buflomedil có tác dụng vận mạch được sử dụng để điều trị triệu chứng bệnh tắc động mạch ngoại vi (PAOD). Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý dược Nguyễn Việt Hùng, Cục Quản lý Dược đưa ra cảnh báo này sau khi cơ quan Quản lý dược châu Âu ngày 20-5 đưa ra khuyến cáo tạm dừng lưu hành trên toàn châu Âu các thuốc dạng uống chứa hoạt chất Buflomedil. Cơ quan này cũng đang xem xét đối với dạng tiêm do thuốc liên quan đến các phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh, đôi khi dẫn đến tử vong. Nguy cơ này chủ yếu do vô tình hoặc chủ ý sử dụng quá liều mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp để làm giảm nguy cơ. Thuốc chứa Buflomedil đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin liên quan đến tính an toàn của thuốc chứa Buflomedil. Cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng Ngày 20/7, trước tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Cục Quản lý Dược vừa có Công văn số 9954/QLD-KD đề nghị Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh chủ động lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ phòng, chống dịch. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tay - chân - miệng của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Việt Nam sản xuất thành công vaccin phòng tiêu chảy cho trẻ em Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccin rota với chất lượng tương đương vaccin ngoại nhưng có giá thành hạ so với nhập từ nước ngoài (giá một liều nhập là 700.000 đồng). Theo PGS.TS. Lê Thị Luân, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế, sản phẩm đã được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) kiểm tra và Viện Kiểm định quốc gia vaccin và sinh phẩm VN (NICVB) phê chuẩn, cho sử dụng trên thực địa lâm sàng. Hiện sản phẩm đã được thử nghiệm lâm sàng trên 30 người lớn, 1.000 trẻ em từ 6 - 12 tuần tuổi tại Thanh Sơn (Phú Thọ) và TP. Thái Bình. Kết quả cho thấy vaccin an toàn trên cả người lớn và trẻ từ 6 - 12 tuần tuổi; đáp ứng miễn dịch rất tốt… Thực hư về tác dụng chữa bệnh của cây trà Nhật Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có bày bán loại cây thảo mộc được gọi là “trà Nhật” với công dụng theo như giới thiệu của người bán có tác dụng “mát gan, chữa bệnh tiểu đường, hạ huyết áp...” nhưng thực chất không phải như vậy. Trà Nhật có độc tính cao Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Với các du khách do thiếu thông tin lại quá tin vào lời tự quảng cáo của người bán về tính năng “ưu việt” của sản phẩm trà Nhật nên rất nhiều khách du lịch mua về sử dụng hoặc làm quà cho người thân. Tuy nhiên, công dụng của loại trà Nhật này không như quảng cáo của các hộ có kinh doanh loại thảo mộc này. Được biết, hiện nay giống trà Nhật được người dân Sa Pa trồng với sản lượng khoảng 5 tấn lá khô/năm. Nguồn gốc của cây “trà Nhật” này có tên khoa học là: Hydrangea macrophylla Seginge var thunbergii Makino, thuộc họ Tú cầu (Hydrangeareae) và được di thực trồng tại Sa Pa từ năm 1992 do Viện Dược liệu Trung ương (Bộ Y tế) ký hợp đồng theo đơn đặt hàng với Công ty Honso Nhật Bản với mục đích là thu hoạch lá cây trà Nhật để chế biến thuốc hút không có chất nicotin. Viện dược liệu Trung ương đã nhận từ ông Tanaka là đại diện Công ty Honso Nhật Bản loại cây này và đã triển khai trồng thử nghiệm ở ba địa điểm gồm huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà ( tỉnh Lào Cai) và huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Kết quả, cây “trà Nhật” thích nghi và sinh trưởng tốt ở Sa Pa và đã xuất 1 tấn lá khô theo hợp đồng ký với Công ty Honso Nhật Bản. Sau đó, do bên đặt hàng đã hạ giá thu mua sản phẩm đến mức không thể thỏa thuận để sản xuất tiếp, nên Viện Dược liệu Trung ương đã quyết định ngừng sản xuất loại cây này từ năm 2001. Tuy vậy, một số hộ gia đình tại thị trấn Sa Pa vẫn tiếp tục duy trì trồng rồi sấy khô và bán ra thị trường địa phương, tự giới thiệu “trà Nhật” với người tiêu dùng “là loại dược liệu chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp...”. Khi phát hiện ra sản phẩm trà Nhật bày bán công khai tại các chợ của huyện Sa Pa với lời giới thiệu công dụng không đúng thực tế, UBND huyện Sa Pa đã có văn bản đề nghị Viện Dược liệu Trung ương xác định tác dụng của loại cây này. Từ năm 2007, Viện Dược liệu Trung ương đã có công văn trả lời về tác dụng của cây trà Nhật. Theo kết quả nghiên cứu của Viện xác định độc tính cấp của dịch chiết lá trà Nhật là LD50 = 37,5g/kg cân nặng chuột (đường uống). Trị số LD50 xác định được cho thấy lá trà có độc tính khá cao. Viện Dược liệu Trung ương đã đề nghị nghiêm cấm việc lưu hành sản phẩm này trên thị trường. | Cây trà Nhật khi mới ra nụ. |
Không mua và sử dụng trà Nhật Sau khi nhận được thông tin từ Viện dược liệu, trong các năm qua, UBND huyện Sa Pa đã có nhiều văn bản yêu cầu các hộ gia đình ở huyện không được trồng, chế biến và không được bán ra thị trường sản phẩm trà Nhật vì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Lãnh đạo UBND huyện Sa Pa cũng đã chỉ đạo phòng y tế và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tiêu hủy sản phẩm trà Nhật bày bán trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cũng nhấn mạnh: Lâu nay người tiêu dùng và khách du lịch hay bị nhầm lẫn giữa cây trà Nhật với cây cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia. Cây cỏ ngọt được dùng như một loại trà dành cho người bị bệnh tiểu đường, chữa chứng béo phì hoặc cao huyết áp. Tuy vậy, hiện nay cây cỏ ngọt này chưa được trồng tại Sa Pa. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, UBND huyện Sa Pa khuyến cáo nhân dân địa phương và du khách không mua và dùng trà Nhật để làm thuốc hoặc làm chè uống, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sa Pa không được lưu hành trên thị trường sản phẩm trà Nhật. UBND huyện Sa Pa sẽ có đề án phá bỏ hoàn toàn loại cây trồng này trong hai năm tới để chuyển sang trồng các loại cây dược liệu khác có lợi cho sức khỏe và hiệu quả kinh tế. Y tế tư nhân còn “ngại” điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS Tại Hội thảo “Hợp tác công tư trong phòng chống HIV/AIDS, lĩnh vực hợp tác công tư tiềm năng” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Luật sư, BS. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả cơ sở khám chữa bệnh (kể cả nhà nước và tư nhân) đều có thể tham gia việc điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề phòng, chốngHIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân (YTTN) còn nhiều rào cản về pháp lý, chưa quy định cụ thể, rõ ràng khiến các cơ sở YTTN e ngại; mặt khác là tâm lý sợ làm mất hình ảnh phòng khám, ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác. Nhiều cơ sở YTTN chưa đủ điều kiện tham gia hoạt động xét nghiệm HIV; dè dặt khi ký hợp đồng thanh toán BHYT cho bệnh nhân HIV điều trị tại cơ sở YTTN; BS. Nguyễn Hữu Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội YTTN TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 14.000 cơ sở YTTN, nhưng chưa có cơ sở nào tham gia điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hà Nội: Quản lý chặt thuốc gây nghiện, hướng thần Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra công tác quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại 20 cơ sở công lập và ngoài công lập trên điạ bàn. Kết quả kiểm tra bước đầu chưa phát hiện cơ sở vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, hướng tâm thần. Trong 6 tháng cuối năm, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn trong điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội thành phố; thanh, kiểm tra quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất tại các cơ sở công lập, tư nhân trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc thẩm lậu, kinh doanh trái phép thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện. Nhau thai khô mua dễ như mua rauĐối với đông y, nhau thai là một bài thuốc quý thường được dùng để chữa các bệnh sinh lý. Tuy vậy, chưa ai xác định được độ tin cậy về chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm này. Hiện nay, nhau thai khô đang được bày bán như rau tại chợ dược liệu ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh và người có bệnh được tư vấn vẫn vô tư ra mua về dùng. Chúng tôi dạo một vòng quanh phố đông y (quận 5), hầu như nhà nào cũng bán tử hà xa. Người bán đông, người mua cũng lắm. Chị Thị Hoài Lê (33 tuổi) đang mua nhau thai khô ở phố Hải Thượng Lãn Ông cho biết, chồng chị bị yếu tinh trùng, chị lại ít trứng nên khó có con, được một thầy thuốc đông y tư vấn nên dùng loại thuốc này để chữa trị nên chị đã mua và dùng liên tục từ nhiều tháng nay. Chị Lê bảo, món này dễ nấu, lại bổ. Trước đây, chị phải mua từ ông thầy bốc thuốc 250.000 đồng/gói, sau biết giá chợ chỉ 110.000 đồng nên chị ra đây mua. Cách khoảng 200m từ ngã ba Hải Thượng Lãn Ông vào đường Triệu Quang Phục, một người đàn ông khoảng 40 tuổi lạng tới một cửa hàng dược liệu mua tử hà xa. Bà chủ cửa hàng hỏi: “Mua tử hà xa làm gì?” Ông này nói: “Tôi hồi này không được khoẻ, nghe người ta mách ăn tử hà xa cơ thể sẽ khoẻ lên. Bà bán cho tôi năm bịch”. Người chủ cửa hàng liền đưa ra năm gói tử hà xa được sấy khô, sợi màu vàng như sợi mì gói với giá 500.000 đồng và dặn, ăn loại này rất bổ, cả hai vợ chồng có thể cùng ăn bằng cách nấu canh, xào với rau hoặc hấp. Một chủ cửa hàng người Bắc cho biết, tử hà xa được nhập từ Trung Quốc về bán với giá 100.000 đồng/gói, có thể yên tâm về chất lượng, chế biến đơn giản. Khi thấy chúng tôi lo sợ không biết có diệt hết virút gây viêm gan và virút HIV hay không, người chủ cửa hàng phản ứng: sấy khô như thế này thì còn virút nào sống sót nữa! Hầu hết các cửa hàng dược liệu trong khu vực chợ đông y đều bán tử hà xa với giá từ 75.000 – 85.000 đồng (loại chỉ có năm chữ viết của Trung Quốc), loại giá cao nhất từ 110.000 – 135.000 đồng/gói (có bốn chữ Trung Quốc lớn và sáu chữ nhỏ ở dưới), không có xuất xứ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Mang tử hà xa đi hỏi nhiều thầy thuốc đông y chúng tôi được biết, phần đông các thầy thuốc đều dùng tử hà xa để chữa bệnh “tinh khô – huyết kiệt”, rối loạn tình dục, yếu sinh lý, bệnh đường hô hấp. Đặc biệt thường dùng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, khó có con...Nếu mua ở chợ dược liệu, giá trung bình một gói tử hà xa khoảng 100.000 – 120.000 đồng. Còn tại các phòng mạch đông y, nếu bệnh nhân đặt hàng, thầy thuốc sẽ bán với giá gấp đôi (khoảng 200.000 – 250.000 đồng/gói). Nếu chia nhỏ thành thang, mỗi thang thuốc có giá trung bình khoảng 40.000 – 100.000 đồng/thang. Tại các phòng khám Trung Quốc, nếu một thang thuốc bao gồm khoảng bảy thuốc điều trị vô sinh, trong đó có vị tử hà xa, trung bình mỗi thang có giá từ 300.000 – 500.000 đồng. Một số thầy thuốc còn mua cả nhau thai tươi về ngâm rượu hoặc viên thành những viên thuốc nhỏ để bán cho người tiêu dùng.
|