Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 1 0 7
Số người đang truy cập
1 6 6
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa hết những lo âu

Chống chọi với những cơn bệnh của thực phẩm
             Chưa hết nỗi lo giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cứ theo đà tăng mà hiếm khi… giảm, 3 năm trở lại đây, hàng loạt vụ thực phẩm độc hại được phát hiện, làm người tiêu dùng (NTD) hoang mang tột độ. Liệu NTD phải tự bảo vệ mình hay trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất?

Nỗi ám ảnh mang tên thực phẩm “bẩn”

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, thế giới phải chứng kiến những phát hiện kinh thiên, động địa trong ngành thực phẩm. Những câu chuyện nói đến tưởng nhàm chán nhưng đã bắt đầu gieo hạt giống lo lắng trong mỗi NTD. Câu chuyện cũ nhất của ngành thực phẩm có lẽ là phát hiện thành phần melamine (thành phần làm tăng nồng độ đậm nhưng gây sỏi thận và các bệnh khác cho người sử dụng, có thể gây tử vong) trong sữa của một nhãn sữa có xuất xứ từ Trung Quốc, làm 3 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm trẻ em khác nhập viện, khiến ngành sữa thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng lòng tin của NTD. Ngay lập tức, ngành sữa tại Việt Nam sụt giảm doanh thu một cách đáng kể. Thậm chí có công ty còn sụt giảm một nửa doanh thu so với trước cơn bão melamine do vấp phải những lo lắng của NTD. Phải mất gần 2 năm, ngành sữa thế giới mới có thể ổn định trở lại sau cuộc chiến với sữa “bẩn”. Tiếp theo khủng hoảng của ngành sữa, NTD lại phải thất vía với thông tin thành phần u-rê có trong nước mắm và nước tương. Các đại gia trong ngành phải chạy đôn chạy đáo để chứng minh mình “trong sạch”, nhiều cơ sở sản xuất nước chấm phải đóng cửa vì đi ngược với quyền lợi của NTD.

Gần đây nhất, theo thông tin ban đầu từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện đến 85 cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ 81%. Con số này là sự tổng kết những thông tin đáng sợ về vi phạm an toàn thực phẩm mà các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện thời gian gần đầy: Thực phẩm chứa DEHP gây ung thư, nước uống nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm… Kịch bản này lặp lại đúng những gì đã từng diễn ra với ngành sữa khi cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan y tế của Đài Loan công bố phát hiện thành phần DEHP trong một số sản phẩm giải khát tại nước này. Thông tin trên được thế giới quan tâm và ngành nước uống lập tức rơi vào tâm chấn của DEHP. Với những tác hại như làm xáo trộn nội tiết, bé gái bị nhiễm phtalat trong DEHP sẽ dậy thì sớm trước tuổi, bé trai bị suy giảm sự phát triển bộ phận sinh dục, khiến cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại. Thậm chí DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ. Các thực phẩm đứng đầu trong danh sách có thể có chứa thành phần DEHP như: nước uống trái cây, siro, bánh quy đang góp tên vào “sổ đen” những thực phẩm cần hạn chế nếu NTD không được thông tin cẩn thận, chính xác từ các cơ quan quản lý ngành. Ông Yokomizo, TGĐ Công ty NGK Kirin Việt Nam chia sẻ: “NTD có quyền được biết những thông tin chính xác và họ là người quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi luôn coi trọng sức khỏe và chia sẻ những lo lắng của họ trong cuộc khủng hoảng chung này”.
 

Quyền lợi NTD có phải chuyện thừa của nhà sản xuất?

Gần 5 năm gắn bó với thị trường NGK Việt Nam, ông Yokomizo nhận định: “NTD Việt Nam rất… lành tính, nếu có vấn đề gì bất thường khi sử dụng sản phẩm, họ thường tự giải quyết mà ít khi kiện cáo”. Vấn đề đặt ra ở đây chính là sức khỏe và quyền được chia sẻ thông tin của NTD chưa được coi trọng, trong khi những dịch chuyển kinh tế đã cho thấy, NTD có những quyền lực nhất định trong sự sống còn của doanh nghiệp. Và khủng hoảng thực phẩm là hồi chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà lờ đi sức khỏe của NTD. Một chuyên gia trong ngành thực phẩm băn khoăn: “Dù đã có các cơ quan chức năng giám sát chất lượng sản phẩm, nhưng với tốc độ phát triển nhanh của nhiều ngành hàng, NTD phải có cơ chế tự bảo vệ mình. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho sức khỏe của khách hàng”.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM - VP luật sư Huỳnh Phước Hiệp): “Trước đây, NTD Việt Nam ít để ý tới việc khiếu kiện những đơn vị bán thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, hiện nay, với hành lang pháp lý mới, NTD đã ý thức hơn và trở thành người quyết định sự sống còn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nếu họ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm”.

Là doanh nghiệp NGK sản xuất theo dây chuyền khép kín công nghệ Nhật Bản, Kirin Việt Nam thoát bão thực phẩm “bẩn” vì tôn trọng những cam kết muốn đem lại “sáng tạo văn hóa uống nước mới tại Việt Nam”. Điều này đã được Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM chứng thực. Các sản phẩm của Nhà máy Kirin VN không chứa DEHP, DINP, hoàn toàn tốt cho sức khỏe của NTD. Không những vậy, Kirin VN còn là một trong 32 doanh nghiệp được ghi vào Sách xanh của tỉnh Bình Dương năm 2010 vì cách thức xử lý nước thải công nghiệp tốt, thân thiện với môi trường sống của con người. Theo ông Yokomizo, “Kirin Việt Nam luôn hết sức cẩn trọng để đưa ra những sản phẩm tốt nhất, coi sức khỏe của họ là sự sống còn của chúng tôi”.

Thật sự, cuộc chiến với thực phẩm “bẩn” chỉ kết thúc khi những doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thực phẩm ra thị trường thật sự tôn trọng sức khỏe NTD và biết bảo vệ môi trường sống của họ như chính bản thân mình.

Vệ sinh thực phẩm: Những con số đáng lo

An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất đáng được quan tâm, đặc biệt là ở đô thị và các khu công nghiệp vì ngày càng có nhiều tác nhân độc hại bị phát hiện trong thực phẩm (gần đây nhất là melamine trong sữa, trứng và aldehyde trong rượu). Mặt khác, môi trường dịch vụ ăn uống, nhất là các quán xá xập xệ, gánh hàng ngay trên vỉa hè cũng chứa đựng nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Cho dù Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT nhưng đã qua ba năm, dường như tình trạng yếu kém về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không được cải thiện. Thực trạng đó được minh chứng bởi liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể, còn số các ca cá nhân bị ngộ độc thực phẩm thì khó đếm xuể. Chuyên đề An toàn vệ sinh thực phẩm trong số này cung cấp cho độc giả một số thông tin tổng hợp qua các bài viết và hình ảnh do nhóm phóng viên chuyên đề thực hiện.
 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2007, cả nước xảy ra 248 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 7.329 người mắc, trong đó 55 người tử vong. So với năm 2006, tuy số lượng tử vong giảm 3,5% nhưng tổng số người mắc lại tăng 2,7%. Từ đầu năm đến hết tháng 9-2008, cả nước xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.724 người mắc, trong đó tử vong 49 người. Riêng trong tháng 10/2008, có ít nhất 12 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước với khoảng 300 người mắc, trong đó đáng lưu ý nhất là tình trạng ngộ độc rượu tại TP.HCM (bảy vụ với 12/30 bệnh nhân tử vong).

Hiện có 40 tỉnh, thành phố trong nước xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên. Số ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện tập trung cao nhất ở miền Đông Nam bộ (chiếm 51,91%). Nguyên nhân là do khu vực này đang phát triển nhiều khu công nghiệp và chế xuất nhưng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các bếp ăn tập thể chưa được đảm bảo. Thế nhưng số ca tử vong do ngộ độc lại tập trung nhiều ở các vùng núi phía Bắc (55,81%) và nguyên nhân thường do người dân vô tình sử dụng nấm độc, bánh ngô chứa độc tố nấm mốc và rượu không đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nước ta có tới hơn tám triệu người bị ngộ độc và tiêu chảy do ăn uống. Đáng nói là do tập quán ăn uống mất vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm giun sán ở Việt Nam chiếm khoảng 80% dân số.

Tại hội nghị toàn quốc về VSATTP lần II năm 2008 (ngày 9-4-2008), các số liệu thống kê đã khiến không ít người phải nghi ngờ về khả năng quán xuyến của các nhà quản lý trong việc kiểm tra VSATTP. Ban Chỉ đạo quốc gia về VSATTP có hơn mười bộ, ngành tham gia, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về thanh kiểm tra VSATTP.

Năm 2007, một xã trung bình chỉ có 0,73 lượt đoàn đi thanh kiểm tra VSATTP. Hiện nay, lực lượng và số lần thanh tra y tế quá mỏng khiến những người kinh doanh ăn uống dễ dàng tìm cách đối phó với sự kiểm tra. Đơn cử như tại một thành phố lớn như TP.HCM, trong khi tổng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm ở các tuyến phường xã có gần 25.000 điểm, ở quận, huyện là hơn 10.140 cơ sở thì cấp thành phố quản lý chỉ có gần 1.500 cơ sở.

 

 Làm thịt gia cầm ngay trên miệng cống

Toàn ngành y tế thành phố chỉ có 36 nhân viên chuyên trách và năm kiêm nhiệm về việc thanh tra VSATTP, tuyến quận huyện là 50 cán bộ chuyên trách và 36 cán bộ kiêm nhiệm, còn tuyến phường xã có 317 nhân viên vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hoạt động kiêm nhiệm nhiều chức năng. Nghĩa là bình quân mỗi cán bộ quản lý khoảng 450 cơ sở, chưa kể các vụ dịch theo mùa như cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, dịch tiêu chảy cấp… Với khối lượng công việc quá tải như thế, việc kiểm tra thiếu sâu sát và hiệu quả cũng là lẽ đương nhiên.

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất VSATTP xảy ra nhiều trong thời gian qua là do việc xử lý các vụ việc vi phạm còn nhẹ, chưa kiên quyết và quá qua loa, khiến nhiều người kinh doanh thực phẩm “lờn thuốc”.

Trên thực tế, trong năm 2007, số cơ sở vi phạm chiếm hơn 14% số cơ sở được thanh tra. Tuy nhiên, 61% số cơ sở vi phạm được hưởng “án treo” (cảnh cáo), 25,9% số cơ sở bị phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 2,33 tỉ đồng, mức độ tiêu hủy sản phẩm chỉ chiếm 8,67% và mức độ đóng cửa cơ sở vi phạm còn kiêm tốn hơn, chỉ 0,44%. Riêng tại TP.HCM, trong tháng 5-2008, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã kiểm tra 414 cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm tại các quận huyện. Kết quả là có đến 232 cơ sở vi phạm về vệ sinh môi trường, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không tập huấn VSATTP và khám sức khỏe cho nhân viên (chiếm tỷ lệ 56,04%).

Trong một lần trao đổi với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý VSATTP (Sở Y tế) cho biết hiện nay, toàn thành phố có hơn 28 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó 70% có điều kiện vệ sinh ở mức trung bình và kém. Bốn quận huyện có tỷ lệ các cơ sở vi phạm VSATTP cao nhất theo thứ tự là Thủ Đức (61,5%), Nhà Bè (51,9%), Phú Nhuận (48,8%), Bình Tân (43,1%), kế đó là các quận 10 (41,4%), 6 (40,6%) và 2 (40,1%).

Năm 2007, Sở Y tế thành phố triển khai xây dựng 24 khu thức ăn đường phố điểm trên 22 quận huyện. Theo báo cáo tổng kết hoạt động, thực tế chỉ có 20 khu có thể triển khai xây dựng, trong đó 5/20 khu đạt tiêu chuẩn (25%), các khu còn lại tuy chưa đạt như quy định nhưng lại… không để xảy ra ngộ độc thực phẩm!? Toàn thành phố năm 2007 đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 21% so với năm 2006. Điều đáng nói là số lượng các vụ ngộ độc tập thể trên 30 người lại tăng vọt và chiếm phần lớn (14/19 vụ). Cũng cần biết rằng TP.HCM có số vụ ngộ độc chiếm 20% so với cả nước.

Bao giờ mới sạch được đây?

Đến thời điểm này, nhiều người cho rằng quy định của Sở Y tế về bắt buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (kể cả hàng rong) trên địa bàn TP.HCM phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (dưới đây gọi tắt là giấy chứng nhận) là bất cập, tính khả thi vô cùng thấp.

Gần một năm trôi qua kể từ giờ “G” - ngày 1-1-2008, mốc cuối cùng để tiến hành xử phạt những cơ sở, hàng quán… không chấp hành quy định trên, nhìn ở góc độ ẩm thực, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã có chuyển biến gì?

Những điều trông thấy

Chị Hồng, một người bán bún bò buổi sáng ở một vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Lương, quận 7, vừa dùng tay trần bốc hết bún đến thịt, rau cho vào tô, vừa cười thật thà giải thích cho cách bán hàng mất vệ sinh của mình: “Khách ăn đông có chút buổi sáng, không làm cho nhanh người ta bỏ đi thì sao? Ở đó mà bao tay với kẹp gắp!”. Nói xong, chị thản nhiên chùi tay vào vạt áo và thối tiền cho khách. Đó cũng là hình ảnh chung của những quán ăn vỉa hè có thể gặp bất cứ đâu trong thành phố hiện nay.

Dù không thực sự là “quán”, nồi bún của chị Hồng vẫn có một vị trí cụ thể để khi ai ăn chẳng may bị... ngộ độc thì còn có nơi để yêu cầu các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Những xe đẩy hàng rong thì chịu! Buổi sáng họ bán ở quận này, buổi chiều đã “rong” qua quận khác.

Nguy hiểm ở chỗ là loại hàng rong này thường nhắm tới học sinh. Đảo một vòng qua những cổng trường học quanh thành phố sẽ thấy điểm chung của những thực phẩm đang bán cho học sinh thường có màu sắc lòe loẹt, bắt mắt, điển hình là bánh kẹo, nước giải khát tự chế…

Chủ nhân của xe cá viên chiên đang tất bật trước một cổng trường trung học cơ sở trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) là một chàng trai trẻ. Xung quanh anh ta là một nhóm hơn chục nữ sinh sau giờ tan học đang háo hức chờ đến lượt mua. Đợi cho các khách hàng đã theo ba mẹ về nhà gần hết, anh ta mới trả lời về giấy chứng nhận mà chúng tôi đã hỏi: “Đó là giấy gì vậy? Mua ở đâu?”.

Trò chuyện với nhiều người bán hàng rong như anh ta ở các cổng trường mới biết tất cả họ đều lấy hàng làm sẵn ở những “cơ sở không tên” và không biết thứ cá viên mà nữ sinh thường ăn làm từ cá gì. Vì thế, thỉnh thoảng đây đó lại xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn, uống trước cổng trường.

Tại khu vực ăn uống ở chợ Bến Thành, dù đa số người bán hàng đã biết tuân theo những quy định căn bản như mang găng tay, dùng kẹp gắp khi chế biến thức ăn, đồ uống, nhưng việc rửa bát đĩa ba lần như quy định của Bộ Y tế thì khó mà thực hiện.

Những quán hàng ăn, những tủ heo quay, vịt quay che đậy sơ sài bên lề các con đường bụi bặm ở trên nhiều đường phố thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ, vệ sinh, nhưng hầu như mọi người bán hàng đều dùng bàn tay trần bốc thức ăn rồi đếm tiền của người mua và xung quanh, dưới chân họ đầy rác rưởi. Những gánh hàng rong, xe đẩy, hủ tiếu gõ… kém vệ sinh vẫn rong ruổi trên khắp các con đường, tiến về các cổng trường…

Tại, bởi, vì, do…

Ngoài nguyên nhân khách quan như đường sá chật hẹp, bụi bặm, thử điểm qua những giải thích của người bán hàng để thấy rõ hơn nguyên nhân tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm không được cải thiện. Các yêu cầu của Bộ Y tế đặt ra cho các nơi buôn bán hàng rong trên thực tế khó thực hiện được nghiêm túc, phần do ý thức, phần do điều kiện sinh hoạt cụ thể. Chẳng hạn, do đặc tính “vừa bán vừa chạy”, các gánh hàng rong thường chỉ dự trữ một đến hai xô nước (từ 15 đến 30 lít) để dùng cả ngày. Những người bán hàng ăn vỉa hè thường là nghèo, ít vốn, lấy đâu ra tiền thuê quán, mướn nhân viên, nói chi chuyện đi khám sức khỏe định kỳ và dự các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn ẩm thực?

Những người có nhiệm vụ cấp phát và kiểm tra các loại giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì đưa ra lý do không thể cấp các loại giấy này cho các hàng quán vỉa hè, xe đẩy hàng rong… bởi như thế thì vô tình hợp pháp hóa hình thức kinh doanh đang bị cấm. Chẳng ai dám khẳng định đến khi nào thành phố chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng những quy định của Bộ Y tế, dù đều biết rằng giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm chính là cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng và còn thể hiện nếp sống văn minh đô thị hiện đại.

 

Đề phòng và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Nhằm giúp bạn đọc bổ sung thêm những kiến thức cần thiết để kịp thời sơ cứu các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chúng tôi đã nêu một số câu hỏi và được bác sĩ Vũ Lâm (Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM) trả lời.

* Trước tiên, xin bác sĩ chỉ ra các triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm.

- Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp có đặc điểm chung là bị rối loạn tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy (có khi ra cả máu) kèm sốt cao và rối loạn thần kinh mà biểu hiện là nhức đầu, mệt lả, thậm chí hôn mê, liệt chi. Có người còn bị thay đổi huyết áp, bí tiểu…

Riêng những triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện khá đột ngột, khác với dấu hiệu của chứng viêm dạ dày là mức độ khó chịu và đau tăng dần cho tới khi bệnh bộc phát.

* Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm?

- Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là người bị ngộ độc đã hấp thu phải thực phẩm độc hại, ví dụ ăn thức ăn đã bị ôi thiu, thức ăn chế biến không hợp vệ sinh, không đạt yêu cầu hoặc do bảo quản không tốt. Khi đó, các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus), nấm mốc và ký sinh vật có điều kiện hoành hành.

Cũng xin lưu ý rằng nếu tủ lạnh gia đình, không đảm bảo được nhiệt độ cần thiết là dưới 4 độ C thì các thức ăn giữ trong tủ tưởng an toàn lại trở thành mối nguy khôn lường vì đã hư hỏng mà vẫn được ăn. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị ngộ độc do chất hóa học độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng, phân bón, các chất tạo màu, tạo mùi, tạo độ kết dính, độ ngọt, chất bảo quản, chất chống oxy hóa và cuối cùng là các chất độc phát sinh trong quá trình chế biến, nhất là chiên.

Cũng có trường hợp bị nhiễm độc do các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm như trong cá nóc, cá cóc, măng, đậu mèo, khoai mì, khoai tây hoặc chất gây dị ứng trong một số loài hải sản. Hãn hữu hơn là trường hợp bị nhiễm độc do chất dioxin, chất phóng xạ, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, cadimi… Gần đây còn có tình trạng bị nhiễm độc melamine trong sữa và có thể cả trong trứng của Trung Quốc.

* Xin bác sĩ phân biệt rõ hơn các trường hợp bị ngộ độc do vi sinh vật.

- Vi sinh vật là yếu tố cơ bản gây ra ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm và có tới gần 50% trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật. Trong nhóm vi sinh vật nguy hiểm thì các vi khuẩn chủng Salmonella, Staphylococcus Aureus, Clostridium Botulinum, E. Coli và Listeria là đáng sợ nhất.
 
Người trồng rau vẫn lạm dụng thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất độc hại khác 

Những loại vi khuẩn trên bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 63 độ C trở lên, do đó nên dùng thức ăn chín (nấu lâu ít nhất là mười phút). Tất nhiên, dù ăn chín vẫn cần cẩn thận vì vi khuẩn có thể tiếp tục xâm nhập vào thực phẩm khi thức ăn nguội đi do điều kiện vệ sinh không tốt (chén dĩa, thìa đũa bẩn, dùng tay không sạch bốc thức ăn).

* Còn nguyên nhân do nấm mốc và ký sinh vật gây ra?

- Nấm mốc luôn phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Chúng thường xuất hiện trong các loại ngũ cốc, quả, hạt có dầu, làm hư hỏng lương thực, thực phẩm và còn sinh ra nhiều độc tố nguy hiểm. Các ký sinh vật thường gặp trong thực phẩm là giun sán.

Chúng có thể gây ra ngộ độc cấp, ví dụ khi ăn thịt tái, nem thịt sống, tiết canh có ấu trùng độc, đồng thời còn phát triển những chứng bệnh lâu dài như thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nếu bị nhiễm sán dây bò, sán heo hoặc bị tổn thương gan, mật do nhiễm sán lá gan (khi ăn cá nước ngọt chưa chín), bị viêm phế quản, đau ngực, khạc ra máu vì bị nhiễm sán lá phổi (khi ăn tôm, cua sống).

* Nếu bị ngộ độc thực phẩm, cần áp dụng ngay các biện pháp xử trí nào, thưa bác sĩ?

- Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, trước hết cần giữ lại thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân để chuyển cho cơ quan y tế gần nhất xác minh nguyên nhân ngộ độc. Cố gắng làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết những gì đã ăn để ngăn cản sự hấp thu các chất độc vào ruột, đồng thời để bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Đơn giản nhất là cho ngón tay vào móc họng để kích thích nôn. Sau đó dùng nước ấm hay nước muối sinh lý để rửa dạ dày. Nếu thời gian bị ngộ độc lâu hơn sáu giờ thì nên dùng thuốc tẩy magie sulphat, natri sulphat, sau đó gây bài niệu bằng cách truyền dịch.

* Bác sĩ có những lời khuyên nào cho mọi người để chủ động tránh được ngộ độc thực phẩm?

- Hãy tập thói quen rửa tay trước khi ăn, nhất là khi dùng tay để tự tạo món ăn (cầm, cuốn, xé…). Cảnh giác với thịt sống, cá sống, rau sống và các loại thực phẩm có màu lòe loẹt, không rõ nguồn gốc. Cần chủ động tránh sự lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thức ăn chín bằng cách không để chung chúng với nhau ngay từ khâu chuẩn bị chế biến, rửa rau thật kỹ trước khi dùng, không nên ăn trứng sống, không dùng đồ hộp bị phồng cứng ở hai đáy.

Các thức ăn đã nấu chín nên dùng ngay, không nên để lâu quá hai giờ, nếu dùng sau hai giờ thì phải nấu chín lại. Trái cây nên được gọt vỏ trước khi ăn. Nồi xoong, chén dĩa, thìa đũa phải vệ sinh sạch sẽ và để ở chỗ thoáng mát, có ánh nắng là tốt nhất.

* Xin cảm ơn sự tư vấn của bác sĩ!

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết trung thu          

  Trong dịp tết Trung thu, lượng thực phẩm tiêu dùng tăng đột biến, đặc biệt là các loại bánh, kẹo nước giải khát. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết Trung thu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

          1. Các cơ sở sản xuất – kinh doanh:

          Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nơi sản xuất – chế biến, kiểm soát kỹ nguyên liệu đầu vào. Tuyệt đối không sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, giữ vệ sinh nơi bảo quản, bày bán tránh để ô nhiễm từ môi trường!

          2. Các cơ quan quản lý:

          - Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh cá nhân người sản xuất, quy định về sử dụng nguyên liệu sản xuất!

          - Tăng cường thanh tra kiểm tra các quy định trong sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

          3. Người tiêu dùng:

          Chỉ mua và sử dụng bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, được bày bán ở những nơi bảo đảm vệ sinh.

Xì căng đan vệ sinh thực phẩm của những "ông lớn"

Một loạt những thương hiệu thực phẩm lớn của thế giới đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc những phen hú hồn.

KFC dùng bột đậu tương pha sữa đậu nành

Ngày 28/7, một blogger trên mạng sina của Trung Quốc đã cáo buộc nhà hàng KFC ở Quảng Châu sử dụng bột đậu tương xay để làm sữa đậu nành, mà không phải dung đậu tương tươi. Người tiêu dùng cảm thấy họ đã bị lừa. KFC thừa nhận đã sử dụng bột tự nghiên cứu để pha đậu nành. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng khiến người tiêu dùng bức xúc là mức giá cao mà KFC bán một cốc sữa đậu nành. Khách hàng của KFC phải mua với giá 5 nhân dân tệ - 6 nhân dân tệ/cốc sữa đậu nành (tức khoảng 15.000-18.000 đồng/cốc sữa đậu nành), mỗi cốc được pha từ loại bột được KFC. Đây là sản phẩm quảng cáo là làm theo cách cổ xưa và tinh khiết. Nhưng theo một số báo cáo, sữa đậu nành được pha từ loại bột đó chỉ có giá chưa đến 1 nhân dân tệ (tức khoảng 3.000 đồng).
 

Cốc giấy của KFC chứa bột huỳnh quang

Hồi tháng 4 năm nay, một phóng viên phát hiện các mẫu của cốc giấy đựng CocaCola của KFC đã không đáp ứng được tiêu chuẩn trong cuộc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Chi nhánh KFC Thượng Hải đã trả lời rằng, đây không phải là một vấn đề và bột huỳnh quang trong cốc giấy này đã đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

McDonald phơi bánh hambuger dưới mặt trời

Ngày 1/8, khách hàng đã phát hiện bánh hambuger đóng gói bị rách để dưới trời nắng chói chang bên ngoài một nhà hàng của McDonald ở Bắc Kinh. Điều này có thể dẫn đến việc ruồi, sâu bọ thâm nhập vào bên trong. McDonald sau đó đã phạt các nhân viên có trách nhiệm và loạt bánh đó không được sử dụng.

 
Đồ ăn của McDonald chứa phụ gia

Còn hồi tháng 6 năm nay, qua điều tra của kênh truyền hình CNN cho thấy, món gà McNuggets của McDonald’s (Hoa Kỳ) có chứa chất di-methyl-poly-siloxane, một chất thêm vào dầu mỡ để hạn chế hiện tượng tạo bọt. Chất này cũng sử dụng trong đồ chơi Silly Putty. CNN cũng cho biết, món gà trên chứa 3-methyl-2-benzothiazolinon hydrazone (tBHQ). Còn KFC Trung Quốc cho hay, chi nhánh này chỉ sử dụng 2 loại phụ gia không gây độc hại với sức khỏe con người.

Mì Ajsen Ramen dùng bột cốt thay nước xương

Chi nhánh Ajisen Ramen ở Trung Quốc đã bị phát hiện sử dụng bột cốt giá rẻ dùng liền cho vào mì, thay vì dùng nước ninh từ xương lợn như quảng cáo..Công ty đưa ra tuyến bố, nước dùng của hãng chứa lượng canxi gấp 4 lần hàm lượng canxi của sữa và 10 lần canxi của thịt. Tiếp đó, qua kiểm tra các mẫu nước dùng đã cho kết quả, nhà hàng sử dụng bột cốt. Năm 2009, Ajisen Ramen đã bị phát hiện dùng chất sorbitol và bị phạt hơn 780.000 nhân dân tệ

Cocacola Zero chứa chất bảo quản bị cấm

Một lô hàng dòng Cocacola Zero nhập vào Đài Loan, bị phát hiện có chứa chất cấm sử dụng ở hòn đảo này nhưng chất này được sử dụng ở đại lục. Các nhân viên kiểm tra phát hiện CocaCola Zero có chất methyl p-hydroxybenzoate, một loại chất khử trùng, không được thêm vào thức uống có ga ở Đài Loan.

Dùng nguyên liệu Trung Quốc làm kem Mỹ

Còn Dairy Queen (Mỹ) tại Trung Quốc thừa nhận sử dụng nguyên liệu của một công ty ở Trung Quốc để sản xuất kem. Công ty cung cấp nguyên liệu có tên là Baxi trụ sở ở Bắc Kinh.

Thức ăn trẻ em chứa chất độc hại

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng Trung Quốc đối với các thức ăn dành cho trẻ em bán ở nước này được nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy, một số loại thực phẩm dùng cho trẻ lúc cai sữa có chứa chất độc hại như chì, arsen, cadmium. Ngày 12/4/2011, Nestle Trung Quốc phát đi thông báo, trong đó nhấn mạnh sản phẩm của hãng là an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

“Hổng” kiến thức về vệ sinh thực phẩm

Kết quả nghiên cứu của Sở Y tế gần đây cho thấy  có đến 86,5% người trực tiếp sản xuất, chế biến trong các cơ sở sản xuất thực phẩm trên toàn tỉnh chưa có kiến thức đầy đủ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam còn nhiều vấn nạn cần được nhà nước quan tâm

Thiếu kiến thức

Qua nhiều đợt thanh kiểm tra VSATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trong năm 2009 cho thấy: tại hầu hết các cơ sở chế biến thực phẩm, nhân viên trực tiếp sản xuất chưa được trang bị kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Kiến thức, thái độ, hành vi về VSATTP của người sản xuất, chế biến còn rất hạn chế. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: “Danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được tiếp xúc trong quá trình chế biến thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn, kinh doanh thực phẩm ăn ngay bao gồm: bệnh lao chưa được điều trị, bệnh đường tiêu hóa, viêm gan vi rút, các bệnh da liễu nhiễm trùng, viêm đường hô hấp cấp tính, các chứng són đái són phân, người lành mang trùng… Thế nhưng qua kiểm tra phỏng vấn, chỉ có 12% người sản xuất, chế biến thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm trên toàn tỉnh trả lời đầy đủ 6 danh mục bệnh, tỷ lệ như vậy là quá thấp”.

Cũng theo bác sĩ Sơn, kiến thức về bảo quản tốt thực phẩm của người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm đang ở mức báo động. Theo kết quả điều tra được thực hiện ở các cơ sở sản xuất thực phẩm tại một số thành phố, huyện trên toàn tỉnh, có đến 86,5% người sản xuất, chế biến thực phẩm chưa có kiến thức đầy đủ về bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh. Để thực phẩm không bị hư hỏng, việc bảo quản thực phẩm là khâu quan trọng. Trong đó, 5 vấn đề chủ yếu là phải lưu giữ trong khu vực, dụng cụ, trang bị chuyên dụng, đồ đựng bao gói không thủng, không nhiễm bẩn, gỉ sắt… có nắp đậy, bảo quản ở nhiệt độ an toàn, bảo đảm thời gian bảo quản, không dùng chất bảo quản ngoài quy định. Tuy nhiên, chỉ có 13,5% người sản xuất thực phẩm có kiến thức bảo quản tốt thực phẩm đầy đủ các tiêu chuẩn trên. Bên cạnh đó, nguồn gốc gây nhiễm khuẩn thực phẩm xuất phát từ hành vi con người. Những kết quả kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở chế biến, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chưa quan tâm đúng mức đối với quy định về VSATTP, vi phạm thường gặp nhất là nhân viên trực tiếp sản xuất chưa được trang bị kiến thức. Việc không đeo găng tay, tạp dề, khẩu trang của người tham gia trực tiếp chế biến là hình ảnh thường xuyên mà đoàn thanh kiểm tra phát hiện.

Điều lo ngại nữa, khi chất lượng của thực phẩm chế biến sẵn về hàm lượng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm không được người tiêu dùng quan tâm. Kiến thức chọn thực phẩm bao gói sẵn thông thường của người tiêu dùng chỉ dựa trên một quy định duy nhất là nguyên liệu, phụ gia đạt tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được phép đưa vào chế biến. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: “Kiến thức về các dấu hiệu nhận diện thực phẩm không an toàn của người tiêu dùng rất thấp, trong đó người tiêu dùng còn ít quan tâm đến thực phẩm có chất bảo quản, phẩm màu của các cơ sở không đăng ký chất lượng. Nếu thức ăn bị biến đổi thành những chất khác không mang lại năng lượng cho cơ thể dễ dẫn đến xuất hiện những triệu chứng và dấu hiệu của ngộ độc sau khi ăn”

Quản lý thiếu đồng bộ

Cũng qua khảo sát cho thấy, người dân rất muốn được “nói chuyện” trực tiếp về VSATTP. Bởi kênh thông tin này không những cung cấp được nhiều thông tin mà còn có sự phản hồi của người dự tập huấn. Chính sự trao đổi đó sẽ giúp cho người dân nhớ lâu hơn kiến thức được nhận, nhất là những người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuy vậy, sự quản lý và vai trò quản lý trong  VSATTP là một vấn đề cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian đến. Thực trạng bán hàng rong rất phổ biến ở các địa phương luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, trong khi đó công tác quản lý còn rất khó khăn. Bác sĩ Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Thực tế cách quản lý thực phẩm phù hợp nhất hiện nay là tuyên truyền hướng dẫn người bán hàng rong tại địa phương thực hiện đảm bảo chất lượng VSATTP. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra để giúp đỡ họ thực hiện tốt cũng như xử lý kịp thời những sai phạm, điều đó góp phần rất lớn trong việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”.

Hiện nay, việc thành lập Ban chỉ đạo VSATTP là yêu cầu bắt buộc trong hệ thống quản lý chất lượng VSATTP. Các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo chủ yếu ở đồng bằng, còn các huyện miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc xây dựng văn bản quản lý cũng như biện pháp xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các huyện miền núi hầu như không có. Bác sĩ Tâm nói thêm: “Muốn làm tốt công tác đảm bảo chất lượng VSATTP một trong những công việc địa phương cần làm là xây dựng kế hoạch hoạt động và ban hành văn bản chỉ đạo về VSATTP. Đồng thời tổ chức lồng ghép tổng kết đánh giá, đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý VSATTP”

Vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề nóng bỏng hiện nay

Theo GS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, ATTP trở thành vấn đề "nóng" trên phạm vi toàn cầu. Thời kì hội nhập, thực phẩm là loại hàng hóa không biên giới, thực phẩm không an toàn xảy ra ở một nước nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ các châu lục như sữa và thực phẩm chế biến từ sữa có chứa mê-la-min, di-o-xin...

Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về phát triển thị trường, hội nhập quốc tế và kiểm soát những hành vi không an toàn trong điều kiện kinh tế thị trường. GS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc hai luật: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và An toàn thực phẩm có hiệu lực từ 1-7-2011 vừa qua đã nâng cao vai trò quản lí Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đặc biệt là vai trò của UBND các cấp. Vai trò bảo vệ người tiêu dùng được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thanh tra sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm: Bộ Y tế được phép xây dựng các quy chuẩn kĩ thuật, đưa ra giới hạn trên và dưới của tất cả các loại chất có thể và không thể đưa vào chế biến thực phẩm.

GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Nguyên Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, vấn đề vệ sinh ATTP hiện nay đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong quá trình nghiên cứu dự thảo Luật An toàn thực phẩm, các chuyên gia đầu ngành, cơ quan chức năng và UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đi khảo sát tại 13 tỉnh thành phố. Có rất nhiều cử tri ở các địa phương quan tâm tới vấn đề vệ sinh ATTP bởi họ lo ngại không chỉ tác động tới sức khỏe của mỗi cá nhân, mà còn ảnh hưởng cả cộng đồng, tới giống nòi của dân tộc. Nhiều cử tri đề nghị ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, để người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Thứ hai, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ và chỉ cần để lọt vài kg thực phẩm kém chất lượng, có thể làm ảnh hưởng tới rất nhiều người dân. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho công nghiệp sản xuất sạch phát triển. Trong đó có việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch, phụ gia thực phẩm bảo đảm an toàn.

Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam

Vệ sinh An toàn Thực phẩm ở Việt Nam là vấn đề được nhắc đến thường xuyên vì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng liên quan đến sức khoẻ của người dân, nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Vậy các cơ quan chức năng có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề mà xã hội và người dân luôn quan tâm này. Còn người dân thì nhận xét thế nào về những biện pháp mà cơ quan chức năng đưa ra?

Ngộ độc thức ăn

Theo thống kê của Bộ Y tế thì trong tháng tư vừa qua có hơn 900 người bị ngộ độc thực phẩm và trong số đó đã có 7 người tử vong. Mỗi năm cứ đến khoảng mùa nóng bắt đầu thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được nhắc đến và “Tháng dich vu ve sinh An toàn thực phẩm” lại được phát động. Từ các cơ quan chức năng đến toàn xã hội đều rung lên hồi chuông cấp báo về tình trạng bất an trong vệ sinh thực phẩm, từ rau quả, cho đến thức ăn, đồ uống.

 Anh Nguyễn Thanh Tùng, Giáo viên ở TPHCM cho rằng: “Tháng Hành động vì chất lượng Vệ sinh An toàn thực phẩm” mang tính chất phong trào, nó được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc mỗi năm nhưng kết quả thì còn quá ít: “Ở trường tôi dạy năm nào cũng có đoàn đến kiểm tra có khi một đợt có khi hai đợt, nhưng những đợt xuống kiểm tra đều có báo trước nên ở trường đã có chuẩn bị đầy đủ, chỉ là hình thức thôi. Đây là một vấn đề cả xã hội phải cùng có trách nhiệm. Mỗi người phải có ý thức, ví dụ người buôn bán phải giữ vệ sinh văn phòng. Phần nữa là nhà nứơc cần có một đội ngũ đi kiểm tra thường xuyên, còn nếu chỉ làm từng đợt thì hể có kiểm tra thì người ta làm tốt còn không thì thôi.

Mỗi người phải có ý thức, ví dụ người buôn bán phải giữvệ sinh. Phần nữa là nhà nứơc cần có một đội ngũ đi kiểm tra thường xuyên, còn nếu chỉ làm từng đợt thì hể có kiểm tra thì người ta làm tốt còn không thì thôi. Vấn đề quan trọng là ý thức ở mỗi người. Một trong những nguyên nhân theo anh Tùng là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, giữa các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên mà chỉ dấy lên như một phong trào. Và khi phát hiện đơn vị vi phạm thì cũng không kiên quyết xử lý.

Quản lý vệ sinh thực phẩm?

Chính Quốc hội Việt Nam cũng phải lên tiếng về tình hình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi không được giải quyết đúng mức bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người mà còn tác động đến sự phát triển của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Vừa qua trong phiên họp thứ 19 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đưa ra thảo luận.

Các đại biểu đã nhất trí cho rằng trong thời gian qua chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cải thiện, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng đáng quan ngại, chưa đạt được sự tin cậy ở người tiêu dùng. Việc quản lý, kiểm soát chất lượng dich vụ vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang tồn tại những yếu điểm như: việc ban hành quá nhiều văn bản pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau, cộng với việc thực hiện các văn bản pháp luật còn chậm, bộ máy quản lý cồng kềnh chồng chéo hoặc bỏ sót một số lĩnh vực gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật.

Một báo cáo mới đây của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Qúôc hội cho thấy những con số đáng lo ngại như: diện tích rau an toàn chỉ đạt 8,5% tổng diện tích raucả nứơc, số lượng gia súc gia cầm giết mổ trong năm ngoái được kiểm soát chỉ có 58,1%, và có tới 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Những con số khách quan ấy đã hé mở nhiều điều về thực trạng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Chương trình hưởng ứng Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam làm rất tốt. Nó khơi dậy trong mỗi người sự chú tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm theo hứơng phải làm tốt hơn nữa để đưa đến chổ là thực phẩm phải được an toàn tuyệt đối.

Ý thức cộng đồng

Trước những số liệu báo động như vậy Nhà nứơc phải đưa ra những biện pháp cấp thời. Các đoàn kiểm tra VSATTP được chỉ thị tập trung vào các mặt hàng như nứơc giải khát, các thực phẩm có nguy cơ cao, và kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm. Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục bản dự thảo lần 6 “Quy định về đang ký lưu hành đối với sản phẩm liên quan an toàn thực phẩm và hướng dẫn thực hiện.

Anh Nguyễn Đình Nhân, cán bộ quản lý của Nhà hàng Đông Phương, một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ngành ăn uống ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo ý kiến của chúng tôi thì các chương trình hưởng ứng Tháng dich vu ve sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam làm rất tốt. Đây là một chươngtrình rất hiệu quả và hữu ích cho người sử dụng thực phẩm, đặc biệt trong tình hình có các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua. Nó khơi dậy trong mỗi người sự chú tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm theo hứơng phải làm tốt hơn nữa để đưa đến chổ là thực phẩm phải được an toàn tuyệt đối.”

Mỗi năm cả nứơc có khoảng trên sáu ngàn người bị ngộ độc thực phẩm, điều đó cho thấy nếu như giải quyết tốt khâu vệ sinh an toàn trong thực phẩm không những bảo vệ sức khoẻ của người dân mà còn tiết kiệm ngân sách y tế để giải quyết các ca bệnh.

An toàn, vệ sinh thực phẩm và sứ mệnh của phụ nữ

             An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ có vai trò quyết định trong việc giải quyết vấn đề này. Đó là nội dung chính cuộc hội thảo Vai trò của người phụ nữ với an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong gia đình và cộng đồng do Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) phối hợp với Hội Khoa học - kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (KH-KT ATTP VN) tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội NTTVN Nguyễn Thị Doan khẳng định ATVSTP có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và nhìn xa hơn là ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi, nguồn nhân lực của dân tộc. Hơn nữa, hội thảo lựa chọn đối tượng phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm là hoàn toàn đúng đắn. Có thể thấy, công tác bảo đảm ATVSTP đã được thực hiện rất mạnh từ trung ương đến địa phương trong những năm qua, song tình trạng vi phạm và các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo PGS,TS Nguyễn Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, thì tình trạng ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra tại hộ gia đình (chiếm 81.5%), tiếp đến là tại các quán hàng rong (11.1%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm như thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất và do thực hành vệ sinh kém trong chế biến thực phẩm tại các bếp ăn.

Theo thống kê của Cục ATVSTP trong giai đoạn 2006-2010, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm so với giai đoạn trước trung bình 10 vụ/năm. 5 tháng đầu năm 2011 cả nước xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010).

Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn còn ở mức khá cao. Nhiều vụ ngộ độc thức ăn đông người vẫn xảy ra, nguy cơ ngộ độc từ thức ăn đường phố còn phức tạp. Bên cạnh đó, một số sản phẩm sản xuất trong nước có sử dụng hóa chất khi vào cơ thể có thể gây bệnh tật hiểm nghèo; các bệnh dịch ở người và gia súc tiếp tục có chiều hướng tái phát.

Với nông sản thực phẩm, kết quả điều tra của Cục Bảo vệ thực vật năm 2009 cho thấy dư lượng thuốc hóa học còn lại trên thực vật còn khá cao, đặc biệt là rau muống với 93%, rau cải 91% và dưa chuột 100%. Những con số được nêu ra trong hội nghị thực sự khiến người nghe phải giật mình về tình trạng thực phẩm thiết yếu không an toàn hiện nay.

Phụ nữ là mắt xích quan trọng trong việc bảo đảm ATVSTP

              Tham gia vào hầu hết các chu trình của một chuỗi thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, đến người tiêu dùng, người nội trợ, phụ nữ có vai trò không thể thay thế trong vấn đề bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng thực hành của người phụ nữ sẽ giúp nâng cao hiểu biết của xã hội và nâng cao chất lượng thực phẩm an toàn” - GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y Tế) khẳng định tại hội thảo.

Theo ông, việc tạo điều kiện cho người phụ nữ có những đóng góp vào an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia đình và xã hội đòi hỏi sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước như: đầu tư đào tạo cho nữ nông dân sản suất nông nghiệp bền vững và an toàn; gắn chủ trương tam nông với nội dung  bảo đảm ATTP; thành lập trường đại học phụ nữ giáo dục kỹ năng sống; phổ biến quy định, chính sách, pháp luật về ATTP; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và nâng cao bình đẳng giới giúp người phụ nữ vươn lên làm chủ các kỹ năng sống, trong đó có vấn đề ATTP.

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa kêu gọi các chị em phụ nữ dù ở cương vị nào trong chu trình của một chuỗi thực phẩm cũng là những người hiểu biết, có lương tâm, vì lợi ích chung của cộng đồng, nói “không” với thực phẩm không an toàn. Mỗi phụ nữ hãy là “người tiêu dùng thông thái”, là một tuyên truyền viên về ATVSTP. Khẳng định vai trò trọng tâm, quan trọng và có tính chất quyết định của phụ nữ đối với lĩnh vực đảm bảo ATTP trong gia đình và cộng đồng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: “Cần có một nghiên cứu sâu sắc và tổng thể để đưa ra được những khuyến nghị đúng hướng và chính xác, đẩy mạnh và tăng cường hiểu quả công tác thông tin tuyên truyền”.

Theo bà, cần xác định trách nhiệm và hình thức tuyên truyền của từng nhóm phụ nữ như: nữ lãnh đạo, quản lý; nữ trí thức, nhà khoa học; cán bộ truyền thông; người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh… đồng thời nhấn mạnh vai trò của truyền thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh sạch; tăng cường quan hệ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và giáo dục ý thức chấp hành ATVSTP đối với các cá nhân và tổ chức. 
 

                                                                                  
         GS,TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội NTTVN, chia sẻ: “Tôi đánh giá cao thành công của cuộc hội thảo. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có những chỉ đạo rất sát thực tế; các ý kiến tham luận đúng trọng tâm, đa dạng, từ các cơ quan quản lý là Cục ATTP, Viện dinh dưỡng, các nhà khoa học tới các doanh nghiệp và những người phụ nữ trong gia đình.

Sắp tới, Hội NTTVN và Hội KH-KT ATTP VN sẽ đồng hành cùng với Hội LHPNVN phát động các phong trào mở rộng, sát với các tầng lớp xã hội để tuyên truyền kiến thức, nhận thức nhằm đưa những kết quả của cuộc hội thảo này vào thực tế”.

70% người Trung Quốc lo sợ về an toàn thực phẩm

Theo báo cáo Niềm tin an toàn thực phẩm của người tiêu dùng 2010-2011 vừa được công bố dựa trên kết quả điều tra trên phạm vi toàn Trung Quốc, được tiến hành tháng 12/2010, có tới gần 70% người số người dân nước này được hỏi cho rằng họ không có cảm giác an toàn đối tới tình hình an toàn thực phẩm.

Báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc không an tâm nhất đối với những loại thực phẩm rán bằng dầu mỡ, kế đến là chế phẩm thịt chín, rau củ muối, chế phẩm sữa, thịt tươi, đồ đóng hộp, thực phẩm đông lạnh, dầu ăn thực vật, mỳ ăn liền và rau xanh. Trong danh sách năm loại thực phẩm mà người tiêu dùng Trung Quốc sợ nhất, đứng đầu bảng là thịt súc vật chết bệnh.Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá tiêu chuẩn, thực phẩm sử dụng phụ gia vi phạm quy định như chất chống phân hủy, thực phẩm chứa chất độc hại như melamine và thực phẩm xử lý bằng dầu bẩn.

Bùng phát E coli O 104: H 4 tới ngày 10 tháng 7 năm 2011

Vào ngày 5 tháng 7, Cơ quan quản l‎ an toàn thực phẩm Châu Âu ( EFSA) đã phát hành báo cáo về điều tra nguồn truyền nhiễm E coli O 104: H 4 tại Đức và Pháp. Thông tin chi tiết về điều tra nầy có thể đọc ở Website của EFSA. Tại Đức, số ca mới mắc HUS / EHEC theo ngày giảm liên tục kể từ khi lên đỉnh điểm vào ngày 22 tháng 5. Tuy nhiên số ca cộng dồn vẫn tiếp tục gia tăng tại Đức. Tuy nhiên tính từ ngày 7 tháng 7 thì số ca EHTC báo cáo chỉ là những ca có những triệu chứng lâm sàng phù hợp với định nghia ca bệnh của EU. Điều nầy giải thích tại sao số ca EHTC được báo cáo tại Đức thấp hơn cập nhật trước đó của WHO vào ngày 1 tháng 7.

Tổng số ca bệnh và tử vong tính đến ngày 6 tháng 7 là 3941 ca với tử vong là 52 trường hợp. Có tổng cộng 16 quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ báo cáo có ca bệnh E Coli 104: H 4.

 

Ngày 11/09/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
và Cn. Võ Thị Thu Trâm
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích